Trên con đường cứu độ của mỗi người, Giáo hội bận tâm đến toàn bộ gia đình nhân loại và những nhu cầu của nó, kể cả trong lãnh vực vật chất và xã hội. Vì thế, Giáo hội triển khai một la bàn, một Học thuyết Xã hội để đào tạo các lương tâm và giúp các tín hữu sống theo Phúc âm và chính bản tính con người.
Học thuyết Xã hội là lời tuyên xưng đức tin mà Huấn Quyền thực hiện trước những thực tại xã hội. Việc trình bày học thuyết này được tập hợp trong một bản tóm lược nhằm diễn giải nó thành các chỉ dẫn, các khuyến nghị và các huấn dụ qua đó Giáo hội khuyến khích các tín hữu của mình trở thành những công dân có trách nhiệm.
Theo một cách giảng nghĩa khác, “Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo là một “học thuyết nhằm hướng dẫn hành vi con người” để mọi người đều có thể tiếp cận hạnh phúc và tham gia vào cuộc sống cộng đồng, bởi vì tất cả đều là anh em, đều là con Thiên Chúa. Và đặc biệt là đức tin Kitô giáo chúng ta chủ trương bênh vực phẩm giá con người, con người là hình ảnh của Thiên Chúa.”[2]
Trong thực tế, “không có một sự nhất trí nào về thực tại mà người ta gọi là ‘Học thuyết Xã hội của Giáo hội’. Đức Gioan Phaolô II – theo định nghĩa chính xác nhất từng được Huấn quyền đưa ra – nói rằng, nó là “sự trình bày chính xác những kết quả của sự suy tư thận trọng về những thực tại phúc tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dưới ánh sáng của đức tin và truyền thống của Giáo hội.” (Xem: Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41)
Với học thuyết xã hội của mình, Giáo hội nhằm “giúp con người trên đường cứu độ” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 69). Đó là sứ mạng duy nhất của Giáo hội và đó cũng là lý do mà Giáo hội có quyền và có bổn phận triển khai một Học thuyết Xã hội để đào tạo lương tâm của con người và giúp họ sống theo Phúc âm và theo chính bản tính con người. Một người Kitô hữu nhất quán hướng tất cả các khía cạnh của cuộc đời mình lên với Thiên Chúa, bằng cách sống theo chương trình cứu độ của Người. Giáo hội đồng hành với các Kitô hữu trong nhiệm vụ đó.
Điều này bao gồm các chiều kích của cuộc sống và nền văn hóa của con người như kinh tế, lao động, truyền thông, chính trị, và các vấn đề như cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hóa và các dân tộc.
Bác ái là một “sức mạnh có khả năng làm phát sinh những đường lối mới để tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, để canh tân cách sâu rộng từ bên trong các cơ chế, các tổ chức xã hội, các hệ thống pháp lý. Trong viễn cảnh này, đức ái mang phong cách đặc thù của bác ái xã hội và chính trị: ‘bác ái xã hội khiến chúng ta yêu quý công ích,’ và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm cách có hiệu quả sự thiện hảo cho tất cả mọi người, không chỉ là những cá nhân hay những con người cá vị mà còn trong chiều kích xã hội hợp nhất họ lại với nhau.” (Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 207)
Thiên Phúc tổng hợp
[1] Xem: Học thuyết Xã hội của Giáo hội là gì? Đâu là những nguyên tắc? https://giaohuanxahoi.com/hoc-thuyet-xa-hoi-cua-giao-hoi-la-gi-dau-la-nhung-nguyen-tac/. Truy cập ngày 10-7-2027.
[2] Xem: Giám mục Phêrô Huỳnh Văn Hai (2022), Học thuyết Xã hội của Giáo Hội nhằm mục đích gì? https://giaophanvinhlong.net/loi-chu-chan-hoc-thuyet-xa-hoi-cua-giao-hoi-nham-muc-dich-gi.html. Truy cập ngày 10-7-2024