Anh chị em ruột

CÁC BÀI GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH
QUYỂN 1
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
2014-2015
Các văn bản lấy từ
www.vatican.va
© Libreria Editrice Vaticana
2015 Văn Phòng Thông Tin
của Opus Dei
www.opusdei.org

Các văn bản tiếng Việt
© www.giaohuanxahoi.com
Các trích dẫn Kinh thánh, Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ
Kinh Thánh ấn bản 2011

Tiếp kiến chung
Ngày 18-2-2015

Anh chị em thân mến, chào Anh Chị Em,

Trong bài giáo lý tiếp theo về gia đình, sau khi xem xét vai trò của mẹ, cha, con cái, hôm nay chúng ta sẽ suy tư về anh chị em ruột. “Anh em” và “chị em” là những từ mà Ki-tô giáo thực sự yêu mến. Và, nhờ kinh nghiệm của gia đình, chúng là những từ mà mọi nền văn hóa và mọi thời đều hiểu.

Mối dây huynh đệ chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử của Dân Thiên Chúa, là những người đã đón nhận mặc khải của Người ở trung tâm kinh nghiệm của loài người. Tác giả Thánh vịnh ngợi ca vẻ đẹp của mối dây huynh đệ: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Và điều này là thật, tình anh em thật đẹp. Chúa Giê-su Ki-tô cũng mang đến cho kinh nghiệm này sự viên mãn của mối tình làm anh chị em, ôm trọn nó trong tình yêu của Ba Ngôi và qua đó trao quyền để nó tăng triển tốt hơn các mối quan hệ họ hàng và làm cho nó có khả năng vượt qua mọi rào cản của sự xa cách.

Chúng ta biết rằng khi mối tương quan huynh đệ bị phá hủy, khi mối tương quan giữa anh chị em ruột với nhau bị phá hủy, con đường sẽ mở ra cho những trải nghiệm đau đớn trong sự mâu thuẫn, sự phản bội, và sự ghen ghét. Trình thuật Kinh thánh về Ca-in và A-ben là một ví dụ về kết quả tiêu cực này. Sau khi giết A-ben, Thiên Chúa hỏi Ca-in: “A-ben em ngươi đâu rồi?” (St 4,9a). Đó là một câu hỏi mà Chúa tiếp tục lặp lại với mọi thế hệ. Và thật không may, trong mọi thế hệ, câu trả lời đầy kịch tính của Ca-in luôn luôn được lặp lại: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?” (sđd., 4,9b). Sự đoạn tuyệt của mối quan hệ giữa anh chị em ruột là một điều rất tồi tệ, xấu xa đối với nhân loại. Trong gia đình cũng vậy, biết bao anh chị em ruột cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt, hay vì tài sản thừa kế, rồi không còn nói chuyện với nhau, không còn chào hỏi nhau nữa. Thật là kinh khủng! Tình huynh đệ là một điều cao cả khi chúng ta coi tất cả anh chị em của mình đều sống trong dạ mẹ suốt chín tháng mười ngày, đều xuất phát từ máu thịt của người mẹ! Tình anh em không thể bị phá vỡ. Chúng ta hãy suy xét: tất cả chúng ta đều biết những gia đình có anh chị em ruột chia rẽ, cãi vã; chúng ta hãy cầu xin Chúa – có lẽ trong gia đình chúng ta có một vài trường hợp – giúp những gia đình này đoàn tụ anh chị em ruột, xây dựng lại gia đình. Tình anh em không được phép đổ vỡ và khi nó đổ vỡ thì là điều đã xảy ra với Ca-in và A-ben. Khi Chúa hỏi Ca-in em trai ngươi ở đâu, anh ta trả lời: “Tôi không biết, đối với tôi em tôi không quan trọng”. Điều này thật khủng khiếp, đó là một điều rất, rất đau đớn để lắng nghe. Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho những anh chị em ruột đang gặp bất hòa.

Nếu mối dây huynh đệ hình thành trong gia đình giữa con cái nảy sinh từ một bầu khí giáo dục cởi mở với người khác, thì đó là một trường học lớn của tự do và hòa bình. Trong gia đình, giữa anh chị em ruột, người ta học được sự chung sống với nhau, người ta phải sống như thế nào trong xã hội. Có thể không phải lúc nào chúng ta cũng luôn ý thức điều đó, nhưng chính gia đình mang tình huynh đệ vào trong thế giới! Việc bắt đầu với kinh nghiệm đâu tiền này về tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi tình thương và nền giáo dục gia đình, phong cách tình huynh đệ làm tỏa sáng như một lời hứa trong toàn thể xã hội và các mối quan hệ của nó giữa các dân tộc.

Phúc lành mà Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su Ki-tô, tuôn đổ lên mối dây huynh đệ, làm triển nở theo một cách thức không thể tượng tưởng. Người làm cho nó có khả năng vượt qua mọi khác biệt về quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa và thậm chí tôn giáo.

Hãy xem xét những gì trở thành mối dây giữa người nam và người nữ, ngay cả khi hoàn toàn khác nhau, khi họ có thể nói về người khác: “Anh ta thực sự giống như một người anh trai, cô ta giống như một người chị gái của tôi!”. Điều này thật đẹp. Rốt cuộc, lịch sử đã chứng tỏ đủ rõ rằng ngay cả tự do và sự bình đẳng, nếu không có tình anh em, có thể chứa đầy chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hùa theo (conformism), và thậm chí các lợi ích cá nhân.

Tình huynh đệ gia đình chiếu sáng theo một cách đặc biệt khi chúng ta nhìn thấy sự chăm sóc, sự kiên nhẫn, tình thương bao bọc những đứa em trai hay em gái yếu đuối nhất, đau ốm hoặc gặp phải thử thách về mặt thể xác. Có vô số anh chị em làm điều này trên khắp thế giới, và có lẽ chúng ta chưa đánh giá đủ lòng quảng đại của họ. Và khi trong một gia đình có nhiều anh chị em ruột – hôm nay tôi chào một gia đình có chín người con? – người anh cả hoặc chị cả giúp ba mẹ chăm sóc các em. Công việc giúp đỡ giữa anh chị em ruột thật là tốt đẹp.

Có một người anh, một người chị yêu thương mình là một trải nghiệm sâu sắc, quý giá, không thể thay thế. Tình huynh đệ Kitô giáo cũng xảy ra như vậy. Những người nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất đều làm chúng ta mềm lòng: họ có “quyền” chiếm lấy trái tim và tâm hồn của chúng ta. Vâng, họ là anh chị em của chúng ta và vì vậy chúng ta phải yêu thương và chăm sóc họ. Khi điều này xảy ra, khi người nghèo giống như những thành viên trong gia đình, thì tình huynh đệ Kitô giáo của chúng lại đến với cuộc sống. Thực vậy, các Kitô hữu đến gặp người nghèo và người yếu đuối không phải để tuân theo một chương trình mang tính ý thức hệ, nhưng vì lời và gương sáng của Chúa dạy cho chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em. Đây là nguyên tắc tình yêu của Thiên Chúa và của mọi sự công chính giữa con người. Tôi muốn đề nghị một điều: trước khi kết thúc, chỉ vài lời, mỗi người chúng ta trong thinh lặng, hãy nghĩ đến anh chị em của mình, và từ đáy lòng chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho họ. Một phút thinh lặng.

Vậy giờ đây, với lời cầu nguyện này, chúng ta đã đưa tất cả mọi người, anh chị em, với tâm tư, tấm lòng của chúng ta, đến Quảng trường này để nhận phép lành.

Ngày nay hơn bao giờ hết cần phải đặt tình huynh đệ trở lại trung tâm của xã hội kỹ trị và quan liêu của chúng ta: khi đó ngay cả tự do và bình đẳng cũng sẽ tìm được sự cân bằng đúng đắn. Vì vậy, chúng ta đừng mất hết suy nghĩ khi tước bỏ khỏi gia đình chúng ta vẻ đẹp của một kinh nghiệm huynh đệ phong phú giữa những đứa con trai và con gái, vì bị chỉ trích hay sợ hãi. Và chúng ta đừng đánh mất niềm tin tưởng vào chân trời rộng lớn mà đức tin có thể rút ra từ kinh nghiệm này, được soi sáng bởi phúc lành của Thiên Chúa.

Phúc Thiên Thư dịch