1968 Ngày Hòa bình

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
PHAO-LÔ VI
VỀ VIỆC CỬ HÀNH
NGÀY HÒA BÌNH
1-1-1968
Đức Giáo hoàng Phaolô VI (ảnh chụp năm 1969, lấy từ wikipedia.org)

Chúng tôi ngỏ lời đến tất cả những người thiện chí để mời gọi quý vị cử hành “Ngày Hòa bình” trên toàn thế giới, vào ngày đầu tiên của năm, ngày 1 tháng 1 năm 1968. Chúng tôi ước mong rằng, mỗi năm, việc tưởng niệm này sẽ được lặp lại như một hy vọng và một lời hứa, vào đầu năm dương lịch, thời khắc để dự trù và phác thảo con đường cho cuộc sống con người, rằng Hòa bình công bằng và sự quân bình phúc lợi có khả năng chi phối sự phát triển của các sự kiện sau này.

Chúng tôi nghĩ rằng đề xuất này diễn giải khát vọng của các dân tộc, của các chính phủ, của các cơ quan quốc tế đang nỗ lực để bảo tồn Hòa bình trong thế giới, của các tổ chức tôn giáo rất quan tâm đến việc thúc đẩy Hòa bình, của các phong trào văn hóa, chính trị và xã hội đang làm cho Hòa bình trở thành lý tưởng của họ; của thanh niên, những người có sự thông hiểu về những con đường mới của nền văn minh, nghiêm túc hướng về những diễn tiến hòa bình trở nên sống động hơn; của các nhà thông thái thấy rằng, ngày nay, Hòa bình vừa cần thiết vừa bị đe dọa. Đề xuất dành ngày đầu tiên của năm mới cho Hòa bình, vì vậy, không có ý định chỉ dành riêng cho chúng tôi, những tín hữu Công giáo. Sự kiện này hy vọng sẽ có sự tham gia của tất cả những người bạn Hòa bình chân thành, như thể đó là sáng kiến của chính riêng họ, được thể hiện theo phong cách tự do, phù hợp với tính cách đặc trưng của những người nhận ra sự hòa hợp của tất cả các tiếng nói trên thế giới. Thật là đẹp đẽ và quan trọng biết bao việc tôn vinh sự thiện hảo chính yếu của Hòa bình trong sự phối hợp đa dạng của nhân loại hiện đại.

Giáo hội Công giáo, với ý định phục vụ và nêu gương, chỉ đơn giản ước mong “phát động ý tưởng”, trong niềm  hy vọng rằng nó không chỉ nhận được sự đồng thuận rộng rãi nhất của thế giới văn minh, mà ý tưởng đó có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi có đông đảo những người cổ võ hòa bình, có khả năng và năng lực gây ấn tượng lên “Ngày hòa bình”, được tổ chức vào ngày đầu tiên của mỗi năm mới, rằng đặc tính chân thành và mạnh mẽ của nhân loại có ý thức, được độ trì khỏi các cuộc xung đột hiếu chiến buồn bã và chết chóc, sẽ mang lại cho lịch sử thế giới một sự phát triển hạnh phúc, có trật tự và văn minh hơn.

Giáo hội Công giáo, một đàng, sẽ kêu gọi con cái mình chú ý đến bổn phận giữ “Ngày Hòa bình” với những biểu hiện tôn giáo và luân lý của đức tin Kitô giáo; đàng khác Giáo hội coi nó là nhiệm vụ của mình để nhắc nhở tất cả những người đồng ý về tính hợp lý của một “Ngày” như vậy, một số điều phải làm đặc trưng cho nó. Điểm đầu tiên trong số đó là: tính cấp thiết phải bảo vệ Hòa bình trước những hiểm họa luôn đe dọa nó: hiểm họa tồn tại của tính ích kỷ trong bang giao giữa các quốc gia; hiểm họa của bạo lực mà một số nhóm dân cư có thể để mình bị lôi kéo vào sự tuyệt vọng vì quyền sống của họ không còn và phẩm giá con người của họ không được công nhận và tôn trọng; ngày nay mối hiểm họa này càng gia tăng đáng kể khi nương cậy vào những vũ khí hủy diệt khủng khiếp mà một số quốc gia sở hữu, tiêu tốn những phương tiện tài chính khổng lồ, việc chi tiêu đó là lý do gây đau đớn trước những nhu cầu nghiêm trọng đang cản trở sự phát triển của rất nhiều dân tộc khác; hiểm họa của việc suy nghĩ khi tin rằng các cuộc luận chiến quốc tế không thể được giải quyết bằng lý trí, nghĩa là bằng các cuộc đàm phán dựa trên pháp luật, công lý và công bằng, mà chỉ bằng các lực lượng răn đe và giết người.

Nền tảng khách quan của Hòa bình là một tinh thần mới phải làm sinh động sự chung sống giữa các dân tộc, một cách nhìn mới về con người, các nghĩa vụ và vận mệnh của con người. Nhiều tiến bộ vẫn phải được thực hiện để làm cho cách nhìn này này trở nên phổ quát và hiệu quả; công cuộc đào tạo mới phải giáo dục các thế hệ mới về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, tình huynh đệ giữa các dân tộc, sự hợp tác giữa các chủng tộc, với một quan điểm cũng nhắm tới sự tiến bộ và phát triển của họ. Các tổ chức quốc tế được thành lập vì mục đích này phải được mọi người ủng hộ, được biết đến nhiều hơn và được trao thẩm quyền và phương tiện phù hợp cho sứ mạng trọng đại của họ. “Ngày Hòa bình” phải tôn vinh các tổ chức này và che chở công việc của họ với sự uy tín, sự tự tin và cảm giác kỳ vọng sẽ giữ được sức sống trong họ việc đảm nhận trách nhiệm nghiêm túc nhất của mình và giữ vững ý thức chịu trách nhiệm đã được trao phó cho họ.

Một sự cảnh báo phải luôn ghi nhớ. Hòa bình không thể dựa trên những lời lẽ khoa trương giả dối vốn được hoan nghênh vì chúng đáp ứng những khát vọng sâu sắc và chân thật của nhân loại. Những lời lẽ ấy cũng có thể phục vụ, và không may là đôi khi chúng đã được sử dụng, để che giấu sự thiếu tinh thần đích thực và những ý định ngay thật dành cho hòa bình. Nếu không phải thế thì chúng cũng che đậy cho những tình cảm và hành động đàn áp và các lợi ích đảng phái. Người ta cũng không thể nói một cách đúng đắn về hòa bình khi không có sự công nhận hay tôn trọng đối với những nền tảng vững chắc của nó: cụ thể là sự chân thành, công bằng và tình yêu trong các mối quan hệ giữa các quốc gia và trong phạm vi của mỗi quốc gia, trong mối quan hệ giữa các công dân với nhau và với những người cai trị của họ; tự do của các cá nhân và của các dân tộc phải được thể hiện trong mọi phương diện công dân, văn hóa, đạo đức và tôn giáo; mặt khác, hòa bình sẽ không tồn tại bằng sự đàn áp để có thể tạo ra dáng vẻ bề ngoài của trật tự và tính hợp pháp. Hòa bình là sự tăng trưởng không ngừng nghỉ và không thể đàn áp bởi cuộc nổi dậy và chiến tranh.

Vì thế, để có được Hòa bình đích thực, Hòa bình công bằng và quân bình thì phải có sự nhìn nhận chân thành các quyền của con người và sự độc lập của các quốc gia. Chúng tôi mời gọi những bậc khôn ngoan và có tầm ảnh hưởng cống hiến cho Ngày này.

Hy vọng rằng việc đề cao lý tưởng Hòa bình có thể không tạo điều kiện cho sự hèn nhát của những người sợ rằng nhiệm vụ của họ là phải hy sinh mạng sống của mình để phục vụ đất nước và anh em của họ, khi những người này tham gia vào việc bảo vệ công lý và quyền tự do, và những người chỉ tìm cách trốn tránh trách nhiệm của mình, khỏi những rủi ro nhất thiết liên quan đến việc hoàn thành các bổn phận lớn lao và những chiến công oanh liệt. Hòa bình không phải là chủ nghĩa hòa bình; nó không che đậy một quan niệm hèn hạ và nhàn nhã về cuộc sống, mà nó công bố những giá trị cao nhất và phổ quát nhất của cuộc sống: sự thật, công lý, tự do, tình yêu.

Chính vì để bảo vệ những giá trị này mà Chúng tôi đặt chúng dưới ngọn cờ Hòa bình và Chúng tôi mời gọi mọi người và các quốc gia giương cao vào buổi bình minh của năm mới, ngọn cờ này sẽ dẫn dắt con tàu văn minh vượt qua những cơn bão không thể tránh khỏi của lịch sử để đến được bến bờ vận mệnh cao nhất.

Gửi các Hiền huynh Đáng kính trong Hàng Giám mục
các con yêu dấu, những người con trong đức tin của
Hội thánh Công giáo chúng ta,

Chúng tôi đưa ra lời mời mà Chúng tôi đã công bố một lễ kỷ niệm đặc biệt vào ngày đầu tiên của năm mới, ngày đầu tiên của tháng một năm tới, để cống hiến những suy nghĩ và giải pháp Hòa bình. Việc cử hành ấy không được thay đổi lịch phụng vụ vốn đã dành Ngày Đầu Năm Mới cho lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và Danh Cực Thánh Chúa Giêsu; quả thực, những việc tưởng nhớ mang tính tôn giáo thánh thiện và yêu thương đó phải soi sáng lòng tốt, sự khôn ngoan và niềm hy vọng qua lời cầu nguyện, suy niệm và nuôi dưỡng món quà Hòa bình vĩ đại và khao khát mà thế giới rất cần đến.

Quý hiền huynh đáng kính và các con yêu dấu sẽ lưu ý rằng những lời của Chúng tôi thường xuyên nhắc lại những cân nhắc và huấn từ về chủ đề Hòa bình; Chúng tôi làm điều này, không nhường chỗ cho một thói quen dễ dàng, cũng không lợi dụng chủ đề thú vị của thời điểm này; nhưng bởi vì Chúng tôi tin rằng nhiệm vụ của Chúng tôi với tư cách là Mục tử hoàn vũ đòi hỏi điều này; bởi vì Chúng tôi thấy Hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng và có những điềm báo về những sự kiện khủng khiếp, có thể gây ra thảm họa cho toàn bộ các quốc gia, và có lẽ ngay cả đối với một bộ phận lớn nhân loại; bởi vì, trong những năm gần đây nhất của lịch sử thế kỷ chúng ta, cuối cùng người ta đã thấy rõ ràng rằng Hòa bình là hướng đi thực sự duy nhất cho sự tiến bộ của nhân loại – chứ không phải những căng thẳng gây ra bởi những chủ nghĩa dân tộc đầy tham vọng, những cuộc chinh phục bằng bạo lực, và những đàn áp làm trụ cột cho một quan điểm sai lầm cho trật tự dân sự – Chúng tôi làm như vậy bởi vì Hòa bình là một phần không thể thiếu của tôn giáo Kitô giáo, vì đối với Kitô hữu loan báo hòa bình cũng giống như loan báo Chúa Giêsu Kitô: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14) và tin mừng của Người là “Phúc Âm bình an” (Ep 6,15).

Nhờ sự Hy sinh trên Thánh giá, Người đã mang lại sự hòa giải hoàn vũ, và chúng ta, với tư cách là những môn đệ của Người, được kêu gọi trở thành “những người xây dựng hòa bình” (Mt 5,9). Thật vậy, chỉ chính từ Phúc âm có thể làm tuôn trào Hòa bình đích thực, không phải để làm cho con người ra u mê và mềm yếu, nhưng là để thay thế cho những thôi thúc hướng về bạo lực và bắt nạt trong tâm trí họ bằng các nhân đức kiên cường của lý trí và đặc tính con tim của nền nhân bản đích thực. Sau hết, Chúng tôi làm như vậy bởi vì Chúng tôi không muốn bị Thiên Chúa và lịch sử khiển trách vì đã giữ im lặng trước hiểm họa xẩy ra một cuộc xung đột mới giữa các dân tộc, mà như tất cả mọi người đều biết, có thể dẫn đến những hình thức kinh hoàng như trong ngày tận thế.

Con người phải luôn luôn nói về Hòa Bình. Thế giới phải được giáo dục để yêu chuộng hòa bình, xây dựng hòa bình và bảo vệ hòa bình. Hãy chống lại những hành động khơi mào tái diễn chiến tranh (sự cạnh tranh mang tính dân tộc chủ nghĩa, sự vũ trang, những cuộc khiêu khích mang tính cách mạng, sự hận thù chủng tộc, tinh thần trả thù, v.v.), và hãy chống lại cả những cạm bẫy của chủ nghĩa hòa bình chiến thuật, cố tình đánh thuốc mê kẻ thù mà người ta phải đánh bại, dập tắt trong tâm trí con người ý nghĩa của công lý, bổn phận và hy sinh – chúng ta phải khơi dậy trong con người thời đại chúng ta và các thế hệ tương lai cảm thức và tình yêu Hòa bình dựa trên sự thật, công lý, tự do và tình yêu (x. Giáo hoàng Gioan XXIII: “Hòa bình trên Trái đất“).

Vậy, giờ đây, xin cho ý tưởng hòa bình lớn lao, đặc biệt đối với chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô, có được Ngày Hòa bình trọng đại, sự khởi đầu của năm mới 1968.

Chúng ta, những người tin vào Phúc âm, có thể tuôn đổ vào việc cử hành này một kho tàng tuyệt diệu về những ý tưởng độc đáo và mạnh mẽ, như tình huynh đệ vô hình trên toàn thế giới của tất cả mọi người, bắt nguồn từ tình Cha là Thiên Chúa duy nhất, tối cao, đáng yêu mến nhất, và làm phát sinh từ sự hiệp thông, dù thực sự hay hy vọng, hiệp nhất tất cả chúng ta với Chúa Kitô, cũng như từ ơn gọi tiên tri, trong Chúa Thánh Thần, kêu gọi loài người hiệp nhất, không chỉ trong lương tâm, mà còn trong các hành động và trong vận mệnh cuối cùng. Từ các giới răn của Phúc Âm cho đến sự tha thứ và thương xót, chúng ta có thể kín múc được những sức mạnh sẽ hồi sinh xã hội. Và trên tất cả, các hiền huynh đáng kính và các con yêu dấu, chúng ta có thể sở hữu một thứ vũ khí đặc biệt dành cho Hòa bình, đó là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện có năng lượng kỳ diệu để cất lên bài ca luân lý và khẩn cầu sức mạnh siêu việt của Thiên Chúa cho sự canh tân tinh thần và chính trị. Lời cầu nguyện còn trao cho mỗi người và mọi người cơ hội tự vấn mình về sự quan tâm cách nội tâm và chân thành đến nguồn gốc của sự hận thù và bạo lực có thể ẩn núp sâu trong lòng mình.

Vậy, chúng ta hãy nỗ lực khai mạc năm ân sủng một nghìn chín trăm sáu mươi tám (năm đức tin được biến đổi thành hy vọng) bằng cách cầu nguyện cho Hòa bình; cầu nguyện cùng nhau, trong các nhà thờ và trong gia đình của chúng ta – đó là điều Chúng tôi yêu cầu anh chị em vào lúc này. Đừng để thiếu vắng bất kỳ tiếng nói nào từ dàn hợp xướng vĩ đại của Giáo hội và của thế giới, khẩn cầu Chúa Kitô, Đấng đã chịu hy sinh vì chúng ta, “Ban cho chúng ta ơn bình an!”.

Ước gì Phép lành Tòa thánh của Chúng tôi đổ tràn xuống trên anh chị em và ở lại với anh chị em luôn mãi.

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 1967

Phaolô VI

giaohuanxahoi.com dịch