Ngày 4 tháng 10 là lễ Thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh bổn mạng của các nhà sinh thái học và động vật. Ngày này chấm dứt mùa mà Giáo hội Công giáo diễn tả là “Mùa của Thụ tạo”. Hội đồng Giám mục Anh Quốc và xứ Wales cũng chọn ngày này để ra mắt phiên bản mới được chỉnh sửa đáng kể tài liệu giảng dạy về môi trường – Tiếng kêu của Thụ tạo.
Tài liệu này kêu gọi một “cuộc hoán cải nội tâm sâu sắc” và mời gọi người Công giáo “sửa chữa mối tương quan của chúng ta với thụ tạo của Chúa” để giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái hiện tại. Đọc được những dấu chỉ thời đại, các Giám mục đã quyết định rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để công bố phiên bản mới của văn kiện giáo huấn, 20 năm sau kể từ lần đầu tiên được công bố. Các Giám mục chỉ ra rằng cần phải có hành động khẩn cấp để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Trên khắp thế giới, chúng ta đang chứng kiến nhiều sự kiện khí hậu khắc nghiệt hơn và, dựa trên các đo lường, sự suy thoái môi trường đang gia tăng. Ngay cả ở Anh Quốc và xứ Wales, chúng ta đã chứng kiến nhiệt độ kỷ lục lên tới 40°C.
Tài liệu nhấn mạnh đến các nguồn gốc thần học của các cuộc khủng hoảng môi trường và tính chất liên kết của thụ tạo. Người Công giáo tin rằng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo mọi sự và thụ tạo của Người thì tốt lành, phản ánh sự thiện hảo của chính Thiên Chúa (Sáng thế 1,2). Mỗi thu tạo đều sở hữu sự thiện hảo và sự hoàn hảo đặc trưng của riêng nó. Nếu chúng ta để cho thụ tạo bị suy thoái thì chúng ta cũng làm hỏng mối tương quan của mình với nhau và với Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta nên nhận ra vai trò của mình như những người đồng sáng tạo và phát triển để yêu thương và nuôi dưỡng môi trường tự nhiên. Các vấn đề về môi trường không nên chỉ được coi là một loạt các vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết.
Cách suy nghĩ Ki-tô giáo về những thách thức môi trường này khác với nhiều phân tích thế tục của các vấn đề này. Chúng tôi tin vào đức trông cậy và sự cứu chuộc. Chúng tôi cũng tin rằng việc chăm sóc thụ tạo của Thiên Chúa tự nó là một điều tốt đẹp – ngay cả trong những tình huống mà sự triển vọng không mấy khả quan. Viết trong lời tựa, Giám mục John Arnold, chủ tịch Ủy ban Môi trường, và Giám mục Richard Moth, Chủ tịch Ủy ban Công lý Xã hội, trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Anh Quốc và xứ Wales cũng nói rằng:
Chúng ta là một dân tộc của hy vọng vốn tin vào sự cứu chuộc. Chúng ta phải nghiên cứu các dấu chỉ thời đại và thực hiện hành động cần thiết để sửa chữa mối tương quan của chúng ta với thu tạo của Thiên Chúa. Như đã nêu rõ trong Tiếng kêu của Thụ tạo, việc thực hành nhân đức liên đới và cổ võ công ích, vốn rất cần thiết vào thời điểm này, là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội.
Và để nhấn mạnh đến tính chất liên kết của thu tạo, Tiếng kêu của Thụ tạo chỉ ra rằng việc tôn trọng sự sống từ khi tượng thai cho đến cái chết tự nhiên là một phần trong chương trình nghị sự về môi trường Ki-tô giáo cũng như việc tránh những can thiệp công nghệ phi đạo đức trong sự thông truyền sự sống.
Tiếng kêu của Thụ tạo nhấn mạnh rằng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm cổ võ công ích và được kêu gọi sửa chữa mối tương quan của chính mình với môi trường. Tiếng kêu của Thụ tạo đòi hỏi sự hoán cải ở mọi cấp độ. Các giáo xứ, trường học và trường đại học Công giáo đã góp phần vào việc chăm sóc thu tạo của Thiên Chúa. Các chính phủ cũng cần phải hành động, và họ phải hành động trên quy mô quốc tế do bản chất của các vấn đề được nêu ra.
Có một mối liên hệ giữa bối cảnh xã hội và trách nhiệm của các cá nhân, trong số các kênh khác, có thể hoạt động thông qua văn hóa của chúng ta. Tài liệu tạo ra mối liên hệ này:
Những lựa chọn cá nhân có vẻ không đáng kể khi đối mặt với những thách thức toàn cầu lớn. Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đúng khi tuyên bố rằng những hành động cá nhân được nhân lên thực sự có thể tạo ra sự khác biệt thực sự. Với tư cách là con cái của Thiên Chúa, điều quan trọng là chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về cách chúng ta sử dụng hàng hóa tiêu dùng và coi trọng tính đơn giản trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng nên chăm sóc và nuôi dưỡng phần thụ tạo của Thiên Chúa mà chúng ta có trách nhiệm cách đặc biệt. Bằng cách thực hiện điều này, trên phương diện tập thể, với tư cách là anh chị em trong Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể giúp thay đổi văn hóa của chúng ta.
Tác giả: Philip Booth
giaohuanxahoi.com dịch
Nguồn: https://catholicsocialthought.org.uk/the-call-of-creation/