Đây là đợt thứ 10, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm các tân hồng y, nghĩa là ngài đã bổ nhiệm khoảng 80 phần trăm số hồng y sẽ bầu ra vị giáo hoàng tiếp theo.
Hai mươi mốt hồng y sẽ được tấn phong vào ngày 8 tháng 12, chỉ có một vị trong số đó đã trên 80 tuổi và do đó không đủ tiêu chuẩn để bỏ phiếu trong mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo. Trong số 141 hồng y dưới 80 tuổi sau công nghị ngày 8 tháng 12 tới đây, 111 vị đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm, 24 vị được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm và sáu vị được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm.
Đức Phanxicô đã cách mạng hóa Hồng y đoàn bằng cách bỏ qua các tổng giáo phận lớn như Los Angeles, Venice và Milan để chọn những người ở các vùng ngoại vi nhằm phản ánh định hướng mục vụ và mối quan tâm dành cho người nghèo của ngài.
Kết quả này sẽ là một mật nghị rất khác so với mật nghị đã bầu ngài làm giáo hoàng. Đó sẽ là mật nghị ít Ý, ít Châu Âu và ít Giáo triều hơn nhưng sẽ là Châu Á và Châu Phi nhiều hơn.
Lần đầu tiên trong lịch sử, phần lớn các hồng y tại mật nghị tiếp theo sẽ đến từ bên ngoài châu Âu, một sự thay đổi khá lớn so với mật nghị bầu Giáo hoàng Piô XII năm 1939, là mật nghị có tới 89 phần trăm là người Châu Âu, và hơn một nửa (56%) các hồng y là người Ý.
Mật nghị bầu Đức Phanxicô năm 2013 có 52 phần trăm là người Châu Âu, với 24 phần trăm là người Ý. Nếu mật nghị diễn ra ngay sau công nghị tháng 12 này, thì chỉ còn lại 40 phần trăm là người châu Âu, trong đó tỷ lệ người Ý giảm hơn một nửa, xuống còn 11 phần trăm. Tỷ lệ đến từ Đông Âu trong hồng y đoàn cũng giảm nhẹ, trong khi đó Tây Âu lại tăng lên 22 phần trăm so với 19 phần trăm trước đây.
Hãy nhớ rằng, Đức Gioan Phaolô II đã ủng hộ phần thế giới của mình bằng cách tăng số lượng hồng y từ Đông Âu lên. Còn tỷ lệ hồng y từ Châu Mỹ Latinh, phần thế giới của Đức Giáo hoàng Phanxicô, hầu như không thay đổi, từ 16 phần trăm lên 17 phần trăm.
Trong khi đó, các hồng ý đến từ Châu Á đã tăng từ 9 phần trăm lên 18 phần trăm, và châu Phi tăng từ 9 phần trăm lên 13 phần trăm. Tỷ lệ từ Hoa Kỳ giảm nhẹ xuống còn 7 phần trăm so với 9 phần trăm tại mật nghị năm 2013.
Điều đáng chú ý nữa là tỷ lệ các hồng y tại giáo triểu giảm xuống còn 22 phần trăm so với mức 35 phần trăm trước đây.
Ngày xưa, nếu các hồng y giáo triều và Ý đoàn kết ủng hộ một ứng viên, thì ứng viên đó gần như không ai có thể ngăn cản nổi. Điều này không còn đúng nữa. Tuy nhiên, các hồng y giáo triều sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong một mật nghị vì các ngài dường như biết hầu hết các hồng y khác, trái lại những vị ở vùng ngoại vi hiếm khi gặp các hồng y khác.
Những vị được chọn trở thành hồng y cũng trẻ hơn nhiều so với hồng y đoàn hiện tại. Độ tuổi trung bình của các hồng y cử tri hiện tại là 72, nhưng độ tuổi trung bình của các tân hồng y là 62. Một số vị còn khá trẻ. Giám mục Mykola Bychok đến từ Ukraine chỉ mới 44 tuổi, trong khi sáu người khác ở độ tuổi 50. Những người này có khả năng sẽ tham gia một vài mật nghị trước khi họ bước sang tuổi 80.
Một nửa số tân hồng y là thành viên của các hội dòng, trong đó các tu sĩ Dòng Phanxicô sẽ nhận được bốn chiếc mũ đỏ. Không có vị nào thuộc Dòng Tên, dòng của của Đức Giáo hoàng, được bổ nhiệm làm hồng y. Chín trong số các tân hồng y là thành viên của Thượng hội đồng về tính Hiệp hành đang nhóm họp ở Rôma.
Một số vị hồng y rất ít được người ta biết đến, nhưng một số khác thì được biết nhiều hơn. Sau đây là một số sự thật thú vị về một tân số hồng y.
Linh mục Timothy Radcliffe, Dòng Đaminh là người ủng hộ chính cho tiến trình công nghị do Đức Giáo hoàng Phanxicô khởi xướng.
Tổng giám mục Carlos Castillo Mattasoglio của Peru là đồ đệ của Gustavo Gutiérrez, một người ủng hộ hàng đầu của thần học giải phóng.
Tổng giám mục Fernando Chomalí Garib là người ủng hộ hàng đầu ở Chile trong việc giải quyết vấn nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Ngài tự nhận mình là “hậu duệ người Palestine”.
Tarcisio Isao Kikuchi, tổng giám mục Tokyo, là chủ tịch của Caritas International, liên hiệp các cơ quan cứu trợ Công giáo.
Tổng giám mục Pablo Virgilio Siongco David là người chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte [Phi Luật Tân], người đã đáp trả bằng cách cáo buộc ông phản loạn, phỉ báng và cản trở công lý.
Tổng giám mục Jean-Paul Vesco của Algiers đã viết trên tờ La Croix về các nữ phó tế, “Những gì có vẻ không thể tưởng tượng được ngày hôm nay sẽ trở nên tự nhiên vào ngày mai.”
Tổng giám mục Fabio Baggio, người làm việc tại Vatican, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho người tị nạn và người di cư.
Đức Tổng Giám mục Roberto Repole của Turin là một nhà thần học được kính trọng, người đã dám đưa vào một lời phê bình Đức Bênêđictô XVI trong một hợp tuyển các bài luận về thần học của Đức Giáo hoàng này. Ngài lập luận rằng thần học nên “phục vụ cho dân Chúa cụ thể và đức tin sống động của họ và duy trì một cuộc đối thoại sinh động với nền văn hóa của thế giới đương đại”.
Rolandas Makrickas được giao phụ trách Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rome khi Đức Giáo hoàng thất vọng vì tình trạng quản lý tài chính yếu kém.
Đức Ông George Jacob Koovakad đã giám sát các chuyến công du nước ngoài của Đức Giáo hoàng.
Mặc dù không có tân hồng y nào đến từ Hoa Kỳ, nhưng cha Mykola Bychok đã từng phục vụ tại giáo xứ Ukraine ở Newark [Hoa Kỳ] trước khi trở thành giám mục ở Úc.
Các tân hồng y dường như là các mục tử trung thành với tầm nhìn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng họ không chỉ là mục tử. Nhiều vị có bằng tiến sĩ về thần học hoặc nghiên cứu kinh thánh. Một trong số họ có thể là giáo hoàng tiếp theo. Tất cả họ đều sẽ có tiếng nói trong việc lựa chọn vị giáo hoàng tương lai.
Cha Thomas J. Reese, S.J., là nhà phân tích cấp cao của Dịch vụ Tin tức Tôn giáo (Religion News Service). Trước đây ngài là cây viết chuyên mục cho The National Catholic Reporter (2015-17) và là phó tổng biên tập (1978-85) và tổng biên tập (1998-2005) của tạp chí America.
Nguồn bài: americamagazine.org
Thiên Phúc dịch