Dominique Coatanéa , giáo sư thần học của Khoa Thần Học thuộc Viện Đại Học Công Giáo Angers (Đại Học Công Giáo Miền Tây nước Pháp)
Sự đúng đắn của khái niệm công ích như là nguyên tắc sáng tạo và yếu tố bảo tồn xã hội con người nằm ở trung tâm của giáo huấn xã hội của Giáo hội từ khi có thông điệp Rerum Novarum. Phân tích sức gợi cảm và thao tác của nguyên tắc này trong các thông điệp khác nhau cho chúng ta hiểu được công ích như là động lực đang vận hành trong những dạng thức của một đời sống xã hội phù hợp với ơn gọi của con người. Thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, Laudato si’, nhấn mạnh thêm vai trò thống nhất của nguyên tắc này ở trung tâm của đạo đức xã hội (LS 156).
Công ích là nguyên tắc tổ chức của toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội về mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Bắt nguồn từ truyền thống tư tưởng lâu đời của nó, công ích giới thiệu một sự tái biện giải truyền thống triết học Hy-lạp bằng triết học kinh viện. Thánh Tôma Aquinô, trong bộ Tổng luận Thần học1, đã kết hợp những đóng góp của tư tưởng Aristote với những đòi hỏi của tư tưởng Kitô giáo. Con người là một hữu thể chính trị sống nhờ và sống trong thành thị. Cơ bản mà nói, chính trị là mục đích cuối cùng và mang tính tổ chức của các quan hệ giữa con người với nhau. Nguyên tắc hành động của nó là thiện ích to lớn nhất cho thành thị, thiện ích hoàn hảo tự nó đã đầy đủ, thiện ích tột bậc hay thiện ích con người. Đối với thánh Tôma, cộng đồng chính trị không có mục đích nô lệ hóa con người nhưng làm cho con người tái sinh bằng cách giúp con người đạt đến một chung cuộc cao hơn : thiện ích sống hay niềm hạnh phúc được sống chung. Trật tự pháp lý có phận sự nói lên pháp luật được làm sống động bởi đức tính công lý và tạo nên một sự gò bó vừa phải cho mọi người để hướng họ đến mục đích chung. Như vậy, cộng đồng chính trị làm cho xã hội được thể hiện như một cộng đồng con người hướng tới điều thiện, để cho con ngườì, được cưu mang bởi chương trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, đạt tới nền nhân bản của mình.
Công bằng xã hội và sự phát sinh ra công ích
Gia sản thần học, nhân học và đạo đức học này được đảm nhận bởi truyền thống Kitô giáo qua việc luôn sử dụng ý niệm công ích trong giáo huấn xã hội của truyền thống này. Đọc qua các thông điệp xã hội, từ Rerum novarum đến Fratelli tutti, người ta có thể phát hiện những chuyển hướng của mỗi thông điệp tùy theo bối cảnh.
Cử chỉ mở đầu của ĐGH Lê-ô XIII trong thông điệp Rerum novarum phải được nhìn trong bối cảnh đối đầu với chủ thuyến Mác-xít đang xuất hiện lúc đó. Các Mác (Karl Marx) giải thích đời sống xã hội như cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng. Trái ngược với cái nhìn đó về thế giới, cưu mang một nền nhân học trái ngược với viễn cảnh con cái Thiên chúa và quan hệ anh em trong cùng một gia đình nhân loại, ĐGH nhắc lại cách mạnh mẽ nền tảng của Truyền Thống : « Sự hoàn hảo của mọi xã hội, thật ra, nhằm tiếp nối và đạt đến mục đích mà vì lẽ ấy xã hội được dựng lên, để cho tất cả mọi động thái và mọi hành động của đời sống xã hội được ra đời từ cùng một nguyên tắc mà từ đó xã hội được sinh ra »2. Trong lòng một xã hội, không phải sự đối đầu giữa các giai cấp sẽ là nguyên tắc tổ chức nhưng là mối quan hệ công bằng giữa con người, tùy theo vai trò của họ trong việc phục vụ mọi người. Trong khuôn khổ đó, Nhà nước – nghĩa là mọi chính phủ phải đáp ứng những giới luật của lý trí tự nhiên và của những giáo huấn từ Thiên Chúa – sẽ nắm giữ quyền lực. Quyền lực này là chính đáng khi nó phục vụ lợi ích công cộng, bằng cách tạo dễ dãi cho hậu thế cả trên mặt công cộng lẫn tư nhân và bằng cách tuân thủ luật lệ của công bằng phân phối3. Và sự ân cần này tác động có lợi cho tất cả : như vậy quốc gia không được lợi gì khi mà các công nhân đã tham gia bằng lao động của mình vào việc tạo ra ra của cải lại phải sống trong bần cùng. Thông điệp trình bày sự đòi hỏi này như một giáo huấn về triết học và về đức tin Kitô giáo : tất cả quyền lực đến từ Thiên Chúa, nó phải được thực hiện theo mô hình tuyệt vời của một sự ân cần phụ tử đối với mỗi một thụ tạo, cũng như với toàn bộ mọi loài thụ tạo, và chú ý đặc biệt tới những người nghèo khổ nhất. Lần lên tiếng đầu tiên này, nằm giữa cuộc xung đột giữa giai cấp công nhân bị chiếm đoạt tài sản và những chủ nhân giàu có, xây dựng nền tảng của mục đích xã hội chung bằng cách nhấn mạnh trên giá trị của sự công minh chính trực.
Sự nhấn mạnh về công minh chính trực sẽ được ĐGH Piô XI nhắc lại (Quadragesimo anno, 1931), trong bối cảnh bi thảm của cuộc khủng hoảng năm 1929. Đối phó với sự khẩn cấp về mặt xã hội của một cơn khủng hoảng đang gia tăng, cần phải tái xét sự phân bổ của cải và thiện ích để đáp ứng mục đích lợi ích công cộng. Văn bản xây dựng nguyên tắc công bằng xã hội phải được ưu tiên trên sự sản sinh ra công ích : « Điều quan trọng là phải phân phối cho mỗi người cái gì thuộc về người đó và làm sao cho sự phân phối của cải trên thế giới phải đáp ứng những đòi hỏi của công ích và những tiêu chuẩn của công bằng xã hội, vì sự tương phản hiển nhiên giữa một nhúm người giàu có và một đám đông người nghèo khổ đang đập vào mắt những người có lòng, chứng minh có một sự bất ổn trầm trọng »4. Bước quyết định của thông điệp này là nó đã nói lên sự phê phán có luận chứng chủ nghĩa tự do kinh tế. Thông điệp cũng nhấn mạnh đến sự bất lực của sự tự do cạnh tranh trong việc trở thành tiêu chuẩn điều hòa đời sống kinh tế và đến sự cần thiết phải đặt nó trở lại dưới quyền pháp luật của một nguyên tắc chỉ đạo công bằng và hữu hiệu : công bằng và bác ái xã hội. Chính quyền phải thực hiện, bảo vệ và bênh vực một trật tự pháp lý và xã hội, nó sẽ phản ánh tất cả sinh hoạt kinh tế, thâm nhập vào các thể chế và đời sống các dân tộc. Công ích như thế được coi như một tiến trình năng động nơi mà các bên liên quan của toàn bộ xã hội, được ràng buộc làm thành một trong những mối liên kết tương trợ hợp tác, tự bồi dưỡng ngày một tốt hơn trong tình bác ái. Vì, nếu việc thực thi bác ái không bao giờ có thể thay thế công lý, thì một mình công lý cũng không thể đạt đến sự hợp nhất ý chí và sự đoàn kết lòng người5.
Thiện ích cá nhân và thiện ích công cộng
Tuy nhiên, tất cả những phương tiện gò bó xã hội đều không phù hợp với mục đích này. Trong thông điệp Mit brennender Sorge (1937), ĐGH Piô XI nhắc lại các quyền tự nhiên cố hữu của mọi con người, các quyền mà con người thừa hưởng từ Thiên Chúa với tư cách là tạo vật được dựng lên giống hình ảnh của Người. Các quyền này phải ở ngoài tầm ảnh hưởng của tập thể thường hay tìm cách chối bỏ chúng, thủ tiêu chúng hay coi thường chúng. Trong bối cảnh của chủ nghĩa quốc xã đang dâng cao tại Đức, ĐGH Piô XI nhắc nhở là các quyền này đặt ra những giới hạn cho quốc gia. Ngài cũng đưa ra ánh sáng nền tảng nhân bản của ý niệm công ích : « Khinh thường chân lý này, tức là quên đi rằng công ích đích thực được xác định và công nhận, sau lần phân tích chót, bởi bản chất con người, đã quân bình hóa một cách hài hòa các quyền cá nhân với những nghĩa vụ xã hội, và bởi mục đích của xã hội, cũng được xác định bởi cùng bản chất con người này. Đấng Tạo Hóa đã muốn xã hội như là một phương tiện để đưa đến sự phát triển đầy đủ những năng khiếu cá nhân và những lợi ích xã hội mà mỗi người, cống hiến và đón nhận qua lại, phải hãnh diện vì lợi ích của mình và của người khác »6. Sự hợp nhất của tập thể không chống lại sự tôn trọng đối với mỗi thành viên.
Công việc giải mã thực tế xã hội do Giáo hội tiến hành suốt nửa đầu thế kỷ XX đã được ĐGH Gioan XXIII tiếp nối trước khi ngài viết « bản cập nhật » (aggiornamento) trong đó ngài huy động Giáo hội Công giáo triệu tập Công Đồng Vaticanô II. Thông điệp Mater et magistra (1961) đề nghị một sự tổng hợp công trình này, định nghĩa công ích như là « toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người đạt đến sự hoàn hảo đầy đủ cách tốt hơn và dễ dàng hơn »7. Toàn bộ điều kiện này đòi hỏi chính quyền điều hòa sự vận hành của các tập thể trung gian để cho việc xã hội hóa được thể hiện trong sự tôn trọng mỗi một con người. Sự xây dựng mới của ý niệm xã hội hóa, vốn biểu hiện xu hướng hợp đoàn (association) tự nhiên của con người để có thể đạt tới những thiện ích mong muốn cho mỗi người nhưng lại vượt quá khả năng của từng cá nhân lẻ loi, là một đặc tính của văn kiện. Xu hướng hợp đoàn này phải phối hợp với sự thực hành một quyền tự do trách nhiệm, vì cộng đồng đích thực là một cộng đồng gồm các con người, các chủ thể mang trong mình một vai trò phải hoàn tất nhằm phục vụ tất cả8. Từ đó, tiến trình trải qua sự thiết lập một trật tự pháp lý trong lãnh vực công lý, mà ĐGH Gioan XXIII sẽ công nhận, hai năm sau đó, trong thông điệp Pacem in terris, sự gần gũi với ý niệm quyền và bổn phận được triển khai trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua. Lần đầu tiên ở tầm mức này, Đức Gioan XXIII tuyên bố rõ ràng sự thích đáng của ý niệm này, thừa hưởng từ Bản Tuyên Ngôn các quyền của thế kỷ XVIII và được cập nhật hóa trong Bản Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Ý niệm này, như thế, đã được đưa vào thuật ngữ của Giáo hội, kèm theo một nhắc nhở cho người giáo hữu cái gì trong đó là cơ bản9.
Một công ích toàn cầu
Trên trường quốc tế, người ta biết rằng khó mà một chính quyền quốc gia hay vùng lãnh thổ có thể tác động nhằm mục đích tạo công ích toàn cầu. Tuy nhiên, ĐGH không từ bỏ việc khẳng định tính thích đáng của nó. Mục đích công ích từ đó có thể công bố như ý chí bảo đảm sự hiện hữu và sự an toàn trong hòa bình của mỗi quốc gia, được làm sống động bởi sự xác tín vào một phẩm giá bình đẳng và một sự liên đới hữu hiệu, bởi việc tổ chức một trật tự pháp lý xây dựng trên nền công lý và sự tìm kiếm thỏa hiệp công minh10. Với tính hiện thực, bản thông điệp nhấn mạnh thách thức đáng kể xác nhận một công ích toàn cầu cần được cổ vũ, và công nhận sự gần như thất bại của nó hiện nay11 nhưng xác định những điều kiện xuất hiện của một chính quyền quốc tế.
Sự mở rộng ý niệm này qua ý niệm « công ích toàn cầu » sẽ được tiếp nối trong Hiến chế Gaudium et spes năm 1965 của Công Đồng Vaticanô II. Công ích toàn cầu là mục đích của cộng đồng nhân loại được suy nghĩ như sự hiệp thông giữa các con người12. Thành ngữ này nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau căn bản giữa sự phát triển toàn diện con người và sự phát triển của chính cả xã hội. Con người, bởi vì bản chất của mình, cần có đời sốg xã hội và, vì bản chất yếu ớt bẩm sinh, trên nguyên tắc phải là chủ thể và mục đích của mọi thể chế13. Chính vì vậy mà Công Đồng đã đưa vào trong định nghĩa công ích (mượn từ Mater et magistra) ghi chú « các nhóm người » (chứ không phải chỉ là các cá nhân) : « Công ích, nghĩa là tổng hợp các điều kiện xã hội cho phép, cả các nhóm cũng như mỗi thành viên, để đạt tới sự toàn hảo cách đầy đủ nhất và dễ dàng nhất » (GS 26, 1).
Văn kiện Công Đồng đào sâu sự trình bày khái niệm xã hội hóa bằng cách gắn liền nó với một nền nhân bản của con người. Sự nhấn mạnh là ở trên việc trở lại liên tục với điều thiện đang ủng hộ phong trào xã hội hóa, trong lúc ích kỷ và kiêu ngạo đang làm vẩn đục không khí xã hội14. Bởi vì điều thiện là một thực tế thuộc lãnh vực tinh thần và mở rộng ra trong lòng lãnh vực riêng biệt của các cộng đồng nhân loại. Trật tự luân lý đặt trên chân lý, thực hiện trong công lý – phải được gia tăng sức sống trong tình yêu – và tìm được trong tự do một thế quân bình không ngừng được tái lập và luôn luôn nhân bản hơn15. Công Đồng đổi mới như vậy trong lúc nhấn mạnh lãnh vực tinh thần của sự tạo dựng công ích. Bước đi này tiếp tục, đôi lúc vất vả, đòi hỏi một sự dấn thân kiên quyết và kêu gọi những thay đổi sâu sắc về tư tưởng và các cấu trúc xã hội.
Văn kiện Công Đồng, Hiến chế « mục vụ », mở ra những con đường thực tế cho việc cổ vũ công ích16, tung ra một lời kêu gọi long trọng dứt khoát tiến vào viễn cảnh liên đới xã hội này : « Tất cả phải hết lòng coi liên đới xã hội là một trong các nghĩa vụ của con người hiện nay và phải tôn trọng chúng. Như thế, với sự cứu giúp của ơn Chúa, sẽ xuất hiện những con người thật sự mới mẻ, các công nhân xây dựng nhân loại mới »17.
Liên đới và bác ái
Populorum progressio, thông điệp của ĐGH Phaolô VI (1964), sẽ cống hiến cho lãnh vực liên đới quốc tế của công ích, tất cả quy mô vào lúc mà « vấn đề xã hội trở thành vấn đề toàn cầu »18 để cho phép tất cả có một sự phát triển « toàn diện »19. Tầm quan trọng của viễn cảnh này thể hiện bằng ý chí của các vị kế nhiệm ngài tiếp nối thường xuyên những trực giác lớn của văn kiện này đã ghi dấu ấn. Như vậy, hai mươi năm sau, trong Sollicitudo rei socialis (1987), ĐGH Gioan Phaolô II đã đào sâu nguyên tắc này, dưới một từ ngữ thuộc về luân lý đòi hỏi một thái độ xã hội đặc trưng : « đức tính » của liên đới. « Tình liên đới không phải là một tình cảm trắc ẩn mơ hồ hay một sự mủi lòng hời hợt đối với những nỗi khổ mà bao người thân cũng như sơ đang phải gánh chịu. Trái lại, phải là quyết tâm cao độ và kiên trì làm việc cho công ích, nghĩa là cho thiện ích của mọi người và mỗi người, bởi vì tất cả chúng ta thực sự đều có trách nhiệm với mọi người »20. Đức tính xã hội này dẫn tới phải đấu tranh chống lại những xu hướng – khát vọng quyền lực và lòng ham lợi nhuận – đang biểu hiện bằng sự thiết lập những cấu trúc xã hội củng cố sự chối bỏ thiện ích của tha nhân và đang được cho là những cấu trúc tội lỗi »22. Phân định được cái xấu tinh thần này và cưỡng lại được sự chối bỏ nhân bản chung sẽ mở lương tâm ra với cách hành xử có đạo đức. Một thái độ trách nhiệm dựa trên sự công nhận nhân đức liên đới được coi là hình thành Tin mừng sự sống được ban cho mọi người. «Không tiếc công sức cho thiện ích của tha nhân, và sẵn sàng, theo nghĩa Phúc Âm của từ ngữ này, để « mất đi » cho người khác thay vì lợi dụng họ hay để « phục vụ » họ thay vì ức hiếp họ vì lợi nhuận cho riêng mình »23. Biểu hiện này nối dài sự vận động tinh thần cho việc trở lại và theo chân Đức Kitô đã được Công Đồng Vaticanô II đề nghị. Nó nhấn mạnh viễn cảnh năng động của công ích : một lời kêu gọi khẩn thiết và cấp bách phải dấn thân cá nhân và tập thể, ở các cấp quốc gia và quốc tế, để cho các dân tộc thấy được nhau và hành động trong một cuộc vận động trách nhiệm xã hội và liên đới.
Cũng vẫn sự hiểu biết thiêng liêng và luân lý của tiến trình tạo dựng công ích tương tự đã được phong phú hoá bởi sự tái giải thích các trực giác của thông điệp Populorum progressio mà ĐGH Biển Đức XVI đã làm trong Caritas in veritate. Trong thông điệp đối đầu với thách đố toàn cầu hóa này, ĐGH tái xác định tính cách trung tâm của động thái công ích, trình bày nó như một « tiêu chuẩn hướng dẫn của động thái luân lý »24. Mục đích của công ích có tính cách của sự mở rộng cụ thể và có thể hoạt động của bác ái. ĐGH cũng đã nhấn mạnh về mối quan hệ mật thiết này trong thông điệp Deus caritas est : mục đích xã hội cao nhất, vì nó phù hợp với ơn gọi con người và sự toàn hảo, vì nó có nghĩa là phải yêu thương như Thiên Chúa yêu thương ; yêu thương như vậy là ơn gọi xã hội của cộng đồng nhân loại25. Yêu thương mở ra một động thái ban phát qua một biện chứng không ngừng giữa cái « muốn sống » (an ninh) và cái « muốn người khác được sống đúng theo ơn gọi của mình là được sống tốt » (trật tự pháp lý trong nền công lý). Biện chứng này thường hay mang tính xung đột chỉ có thể tìm được nguyên tắc giải quyết trong động thái từng gợi ý cho nó và cưu mang nó : cống hiến sự sống của mình để người khác được sống. Bác ái là nguyên tắc điều hòa và sắp đặt để thúc đây động thái của công ích : phục vụ bác ái là sứ mạng lịch sử của cả cộng đồng. Quên đi hay chối bỏ mục đích này có thể là tự tước đoạt sức mạnh cần thiết để vượt qua những trở ngại không ngừng mọc lên trong sự thực hiện cụ thể công bằng xã hội, nơi mà cuộc tranh đấu cho sự sống tạo sự căng thẳng cho sự cống hiến hỗ tương.
Một viễn cảnh thần học
Cuối hành trình xuyên qua các văn kiện lớn của giáo huấn xã hội Công Giáo, chúng ta nhận thấy rõ hơn khái niệm công ích đã mở rộng ra như thế nào tùy theo mỗi thời đại. Nhưng một hằng số xuất hiện : căn bản trong một nền nhân bản của con người có quan hệ, ngược lại một cái nhìn đứt đoạn về con người cứ tưởng như chỉ được tự do khi dứt bỏ được mọi quan hệ xã hội. Sự hiểu biết mang tính quan hệ về kiếp sống con người này, về sự hợp nhất của gia đình nhân loại và về sự mở rộng của nó ra với thiện ích26, dứt khoát mang tính có mục đích. Như ĐGH Biển Đức XVI đã nói, nó đòi hỏi làm việc « không ngừng để giúp cho một định hướng văn hóa nhân vị và cộng đồng của tiến trình hội nhập toàn cầu được mở ra với tính siêu việt »27. Bởi vì con người chỉ có thể phô trương ơn gọi của mình mang hình ảnh Thiên Chúa trong một mạng lưới các thế liên lập xã hội mà, để tránh cho con người khỏi bạo lực và cái chết, phải chăm lo rất sát cho những nhu cầu đời sống và sự an toàn của mình, hướng các lực lượng xã hội tới một trật tự luật pháp được xây dựng trên nền công lý. Viễn cảnh rất cụ thể : đó là kết hợp các thế liên lập bằng những thể chế và bằng luật pháp. Nhưng nó cũng rõ ràng là tiền nghiệm : công ích sẽ chỉ có thể đạt được một cách đầy đủ nếu những cấu trúc xã hội chấp nhận để được gợi ý, dù là họ không biết, bởi động thái của bác ái, được bộc lộ như nguyên tắc tác nhân của sự vượt lên trên những ích kỷ cá nhân và tập thể. Ở tận gốc rễ, đã có một nhận thức thần học của trật tự xã hội, nghĩa là một tổ chức của trật tự xã hội từ những mục tiêu chung được xác định qua cuộc đối thoại giữa Đức Tin và lý trí. Ở đây, người ta đối đầu trực diện với nhãn quan vị lợi chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa mà xu thế toàn cầu hóa tự do mới đang tung ra, thiết lập nên những tính toán mưu lợi cho các tác nhân trên thị trường như là những mô thức điều hòa duy nhất và chối bỏ sự cần thiết những chung cuộc tập thể bởi vì không có một đồng thuận về ý nghĩa nào được thực hiện. Đề nghị của một mục đích chung có vẻ như là hoàn toàn phản văn hóa và khó mà tin được. Tuy vậy, nó rất thuận cung điệu với nhiều mong đợi hiện nay.
Đúng thật là khái niệm công ích được trình bày như ở trên và được tinh luyện dọc theo các văn kiện của Giáo hội không dễ gì rút gọn được. Cũng không có thể trình bày nó dưới một thể dạng tĩnh được, vì từ bản chất, nó là một diễn trình tạo dựng, một sự xảy đến không bao giờ vĩnh viễn và luôn luôn hoạt động trong một tình trạng sáng suốt giữa nền văn hóa. Nó hướng các lực lượng đối nghịch đến sự ghi nhận của tha nhân ngay trong cái nhìn của hắn. Nhưng sức mạnh tạo dựng sự sống tác động nơi các đối kháng trên thực tế có thể xảy đến như một trật tự pháp lý công bằng hơn và cho phép nảy sinh nhờ động thái của bác ái. Diễn trình chậm chạp của công ích là một sự tác động không ngừng của bác ái làm thêm phong phú cho cuộc sống của người ở gần nhất – và người yếu kém nhất – đến rộng lớn hơn, tận sự sống của những thể chế quốc tế. Động thái này của bác ái và của sự mở ra đến tính siêu việt, vốn là công trình của Chúa Thánh Thần, nằm ở trung tâm lời lên tiếng của Giáo hội. Giáo hội không thể không loan báo cái gì đã làm thành Giáo hội. Giáo hội có thể được thấy trong phát biểu của mình như là không tưởng khi ích kỷ và bạo lực tứ bề không ngừng thắng thế. Nhưng, chỉ cần quên đi hay giảm thiểu đòi hỏi thần học này, người ta có thể không đánh giá đúng căn bản của sự lên tiếng, đích thực là một lời tuyên xưng đức tin, một hành động trung thành và cậy trông vào một Thiên Chúa là Đấng đã nói cho chúng ta tất cả qua Con của Ngài.
Mạc Khải dịch
Nguồn: https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/les-principes/291-bien-commun
Bà Dominique Coatanéa là giáo sư giảng dạy tại Khoa Thần Học của Trường Đại Học Công Giáo Miền Tây, tỉnh Angers (Cộng Hòa Pháp) và là tiến sĩ về đạo đức học tại Trung Tâm Sèvres với luận án «Bác ái và công ích trong tư tưởng của Cha G. Fessard sj »
1 Thánh Tôma, Tổng luận Thần Học, nxb Cerf, 1984
2 Rerum novarum (1891) « RN 22, 2 ».
3 Tiêu chuẩn của nền công bằng phân phối là « trả lại cho mỗi người cái thì thuộc về họ ». Như vậy, các công dân phải đóng góp phần mình vào khối lượng các công ích và Nhà Nước phải làm sao để mỗi người nhận được một phần thích hợp các thiện ích mà mỗi người đã cung cấp cho xã hội.
5 Đối vói ĐGH Piô XI, sự cộng tác của mọi người cho công ích chỉ đạt được nếu mỗi người thực tâm xác tín mình là chi thể của cùng một thân thể, để cho sự đau khổ của một người là sự đau khổ của tất cả. Sự tương tự sáng lập này của Đức Tin vào Chúa Kitô nhấn mạnh mãnh lực của sự hợp nhất được nhắm tới trong Bác Ái như một chung cuộc thích đáng của sự sản sinh ra công ích.
8 Pacem in Terri năm 1963 xác định tầm mức thực tiễn của định nghĩa trước đây, dành cho khái niệm công ích một sự triển khai dài hơn : PT 53-59.
9 Thiên Chúa đã ghi các quyền đó vào trong bản chất con người toàn vẹn và được cứu độ nới Đức Kitô nhờ Ơn Phúc. Phẩm giá vô biên của con người tìm thấy ở đó nguồn gốc và ơn gọi tối hậu của họ, nghĩa là từ Thiên Chúa. Và ơn gọi này tượng hình nhờ sự xây dựng dần dần một trật tự pháp lý có quan hệ hài hóa với trật tự luân lý và đáp ứng sự trưởng thành của cộng đồng chính trị (PT 70).
12 Chương II của phần thứ nhất của GS nhan đề « Cộng đồng nhân loại »
14 GS 26 trải rộng động thái này trong sự khuếch trương toàn cầu của nó bằng cách tái sử dụng các từ ngữ của MM 64 và nhấn mạnh toàn bộ các điều kiện xã hội phải không ngừng phát triển để phục vụ cho mọi người.
19 PP 14 : « Sự phát triển không chỉ bị thu hẹp lại chỉ còn là một sự tăng trưởng kinh tế. Để được kể là đích thực, nó phải mang tính toàn diện, nghĩa là thăng tiến mọi người và tòan bộ con người ».
20 Sollicitudo rei socialis, 38.
27 Idem.