Kính thưa Quý độc giả,
Giáo dân có vai trò rất quan trọng trong Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các Thánh Tông Đồ để tiếp tục Sứ Vụ của Người trên trần thế cho đến thời sau hết. Nhờ Bí Tích Thanh tẩy người tín hữu Giáo dân được tháp nhập vào Đức Kitô và được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Và thực sự họ trở thành “Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của của Đức Kitô theo cách thức của họ”. Cho nên, sự tham gia của giáo dân mang một vai trò thiết yếu. Giáo dân chiếm đa số trong Dân Chúa, với những ơn huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, với những khả năng chuyên môn trong các lãnh vực khác nhau của cuộc sống con người như văn hoá, kinh tế, chính trị, giáo dục … những lãnh vực cần được Phúc Âm hoá. Chính lúc này, sự tham gia đồng trách nhiệm của giáo dân trở nên cần thiết và phải được tôn trọng. Tín hữu Giáo dân sẽ thực thi sứ vụ này ngay chính trong môi trường sống và làm việc của mình.
Công đồng Vaticanô II đặc biệt đề cao vai trò của Giáo dân trong xã hội trần thế. Giáo dân phải dấn thân vào các sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình; sự dấn thân vào chuyên môn trong thế giới lao động, văn hoá, khoa học và nghiên cứu; việc thực hành các trách nhiệm xã hội, kinh tế và chính trị. Tất cả những thực tại con người trần thế – cả cá nhân lẫn xã hội, bao gồm những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng như các cấu trúc và các định chế – là bối cảnh mà trong đó người tín hữu giáo dân sống và làm việc. Những thực tại này là những nơi mà người ta đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Điều này bao hàm một sự hội nhập thực sự của nếp sống Tin Mừng vào trong những giá trị cao quí của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đồng thời, thúc đẩy người Kitô hữu biết dùng những giá trị Tin Mừng để thể hiện lòng ái quốc và cộng tác với mọi thành phần khác trong cộng đồng quốc gia, dân tộc để xây dựng và phát triển quê hương đất nước mình. Nói cách khác, Kitô hữu phải sống tinh thần dấn thân phục vụ của Tin Mừng ngay tại quê hương xứ sở, ngay tại môi trường sống và làm việc của mình.
Do đó, những vấn đề về xã hội và văn hóa hiện nay có liên quan đến tất cả anh chị em giáo dân, để mời gọi họ đối diện với những vấn đề trần thế và xếp đặt nó theo ý muốn của Thiên Chúa (x. Lumen Gentium, 31). Trước mặt nhân loại, người Kitô hữu làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống (LG 38). Trong tinh thần ấy, Mẹ Giáo Hội, qua Huấn quyền, bằng Giáo Huấn Xã Hội của mình đã và đang nỗ lực hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa, trong đó có Giáo dân là lực lượng đông đảo nhất, dấn thân sâu rộng vào mọi cảnh huống thực tại của xã hội để đem sức sống của Đấng Phục Sinh cho con người và thế giới hiện tại này. Giáo huấn xã hội của Hội thánh Công giáo (GHXHCG) chính là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, bởi vì làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Centesimus Annus số 5 đã minh bạch:“Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội…chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. GHXHCG không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, GHXHCG như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.” Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá”.
Vì vậy, để giúp anh chị em giáo dân có thể dấn thân tham gia đồng trách nhiệm thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng, Ban Giáo Dân Tổng Giáo Phận Sài Gòn sẽ cố gắng phổ biến Giáo Huấn này qua các phương tiện truyền thông. Ước mong mọi người đón nhận Giáo huấn này để thực hiện sứ mạng Loan Báo Tin Mừng đúng ý Chúa và hiệp thông với Giáo Hội.
Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng
Trưởng Ban Giáo dân Tổng Giáo phận Sài Gòn
Phó Chủ Tịch Uỷ ban Giáo dân – Hội đồng Giám mục Việt Nam