Áp dụng nguyên tắc bổ trợ vào doanh nghiệp

Ảnh trên Internet

Trong quyển Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp: Một sự phản tỉnh, do Bộ Thăng tiến và Phát triển Con người Toàn diện xuất bản năm 2018, ấn bản thứ năm, đề cập đến nguyên tắc bổ trợ, áp dụng vào doanh nghiệp, từ số 50 đến 53. Nay giaohuanxahoi.com xin được giới thiệu cùng độc giả.

50. Tạo lập các cơ chế tham gia: Nguyên tắc bổ trợ được đâm rễ sâu trong niềm xác tín rằng, với tư cách là những hình ảnh của Thiên Chúa, sự hưng thịnh của con người luôn đòi hỏi việc sử dụng các ân huệ và tự do của họ theo cách thức hoàn hảo nhất. Phẩm giá con người sẽ không bao giờ được tôn trọng bởi sự bóp nghẹt hay sự ngăn chặn một cách không cần thiết các ân huệ và tự do. Nguyên tắc bổ trợ thừa nhận rằng trong các xã hội loài người, các cộng đoàn nhỏ hơn tồn tại bên trong các cộng đoàn lớn hơn. Ví dụ, gia đình, tự thân là một cộng đoàn nhỏ, là phần tử của một ngôi làng hay một thành phố, do đó nó cũng là phần tử của một hạt, một tiểu bang hay một tỉnh, rồi tiếp theo là quốc gia. Nguyên tắc này khẳng định rằng các ân huệ và tự do của những người cảm thấy chịu các ảnh hưởng kề cận nhất không nên bị xem thường một cách tùy tiện. Và ngoài sự tôn trọng, như Đức Gioan Phaolô II đã chỉ ra, bổ trợ cần được liên đới bổ khuyết khi được yêu cầu sự hỗ trợ: “Một cộng đoàn có cấp bậc cao hơn không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của một cộng đoàn có cấp bậc thấp hơn, bằng cách tước mất khỏi cộng đoàn này các chức năng của nó, mà thay vào đó là phải nâng đỡ cộng đoàn đó khi cần và giúp cộng đoàn đó phối hợp hoạt động của nó với các hoạt động của các cộng đoàn còn lại của xã hội, luôn luôn bằng một nhãn quan hướng về công ích”.[1]

51. Nguyên tắc bổ trợ, thường được áp dụng vào các cơ chế của nhà nước, cũng áp dụng cho các tổ chức kinh doanh. Chúng ta phát triển cách tốt nhất trong lao động của mình khi chúng ta sử dụng các ân huệ và tự do để đạt được những mục tiêu chung, và để tạo ra và duy trì các mối tương quan hài hòa với nhau cũng như với những người được tổ chức phục vụ. Nói cách khác, càng tham gia vào môi trường lao động, thì tất cả mọi người lao động càng có thể phát triển các ân huệ và tài năng của mình. Người lao động phải có tiếng nói trong lao động của họ, đặc biệt là trong lao động thường ngày. Điều này sẽ phát huy sáng kiến, sự canh tân, tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm chung.

52. Nguyên tắc bổ trợ cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp những hiểu biết sâu rộng. Nó khuyến khích họ sử dụng quyền bính để phục vụ sự phát triển của tất cả các nhân viên của họ. Một cách cụ thể, nguyên tắc này đặt ra cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ba trách nhiệm liên quan mật thiết:

1) Xác định phạm vi tự trị và việc đưa ra quyết định ở từng cấp trong công ty. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên cho phép những điều này càng trở nên có thực chất càng tốt, nhưng cần phải thiết đặt những giới hạn rõ ràng để các quyền quyết định không vượt quá quyền được tiếp cận thông tin cần có của một người hay nhóm người ban hành quyết định, và các quyết định của họ không có các hậu quả vượt quá phạm vi trách nhiệm.

2) Cung cấp cho người lao động những công cụ và sự đào tạo cần có nhằm đảm bảo rằng họ có kiến thức và các kỹ năng để thi hành các nhiệm vụ của mình.

3) Thiết lập văn hóa tín nhiệm công ty ngõ hầu những người được giao các nhiệm vụ và đảm nhận các trách nhiệm sẽ đưa ra các quyết định của họ bằng sự tự do đích thực. Công ty nào được thấm nhuần tinh thần bổ trợ đều nuôi dưỡng sự tôn trọng lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm chung giữa tất cả các nhân viên. Nguyên tắc bổ trợ cho phép các nhân viên đánh giá cách rõ ràng mối liên kết giữa những thành quả tốt đẹp và sự tham gia chân thành.

Điểm cuối cùng bàn về việc ban hành quyết định là phân biệt sự khác nhau giữa bổ trợ và sự ủy thác. Bất kỳ người nào được ủy thác đều được trao trách nhiệm [ủy nhiệm] hoặc quyền ban hành quyết định [ủy quyền], nhưng nó có thể bị thu hồi vào bất kỳ lúc nào. Vì thế, sự ủy thác không mời gọi được nhân viên đạt tới mức xuất sắc và sự tham gia chân thành giống như những thỏa thuận được vận hành bởi nguyên tắc bổ trợ, và vì thế, các nhân viên có thể có ít khả năng hơn để trưởng thành và nhận lãnh đầy đủ trách nhiệm của mình.

53. Chiếu theo nguyên tắc bổ trợ, các nhân viên cấp dưới, là những người được tín nhiệm, được đào tạo và được cảm nghiệm, đều biết chính xác phạm vi các trách nhiệm của mình và được tự do đưa ra các quyết định, thì hoàn toàn có thể sử dụng tự do và trí tuệ, và do đó được tạo điều kiện để phát triển với tư cách là những con người; họ thật sự là những “đồng-chủ doanh nghiệp”. Đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc mỗi cấp, từ người lãnh đạo nhóm cho đến giám đốc điều hành, thì đây quả là sự đòi hỏi rất khắt khe nhưng lại được đền đáp. Làm việc theo nguyên tắc bổ trợ đòi hỏi sự kiềm chế và sự chấp nhận khiêm tốn vai trò của một nhà lãnh đạo công bộc.

[1] Centesimus Annus, 48; xem thêm Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình Compendium of the Social Doctrine of the Church [Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hôi], 185–86 và Catechism of the Catholic Church [Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo], 1883. Xem thêm Michael Naughton, Jeanne Buckeye, Kenneth Goodpaster, và Dean Maines, Respect in Action: Applying Subsidiarity in Business [Tôn trọng trong Hành động: Áp dụng nguyên tắc bổ trợ vào Kinh doanh] (St. Paul, MN: Trường đại học Thánh Thomas, 2015), www.stthomas.edu/cathstudies/cst/publications.