Bổ trợ (subsidiarity)

Nguyên tắc: quy ước; bổ trợ: thêm vào cho đầy đủ. Nguyên tắc bổ trợ: quy ước về việc bổ sung và trợ giúp cho đầy đủ.

Nguyên tắc bổ trợ là việc các cơ cấu xã hội hay tổ chức cấp trên trợ giúp cấp dưới, nhưng không chủ trương làm thay hay làm suy giảm trách nhiệm cũng như tính năng động và sáng tạo của các tổ chức cấp dưới (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội 185-188).

Đây là hành động “can thiệp kỹ thuật” của cấp thẩm quyền hay tổ chức cấp trên khi cấp dưới không thể hay không đủ khả năng để tự mình thực hiện một công tác nào đó (x. Centesimus Annus 48).

Nguyên tắc bổ trợ giúp các tổ chức xã hội tránh được sự lạm quyền của cấp trên và mời gọi cấp trên trợ giúp cấp dưới chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này có tính đòi buộc, “vì mỗi người, mỗi gia đình và mối đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng” (x. Tóm lược Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình 187).

Nguyên tắc bổ trợ tuy mới được phổ biến, nhưng đã được sử dụng nhiều trong học thuyết xã hội Công giáo trong suốt 150 năm qua, và hiện nay trở thành một nguyên tắc nền tảng của giáo huấn xã hội của Hội thánh.

Từ điển Công giáo, 2016, tr. 89.

Tóm lại, nguyên tác bổ trợ được định nghĩa như sau: “Một cộng đoàn có cấp bậc cao hơn không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của một cộng đoàn có cấp bậc thấp hơn, bằng cách tước mất khỏi cộng đoàn này các chức năng của nó, mà thay vào đó là phải nâng đỡ cộng đoàn đó khi cần và giúp cộng đoàn đó phối hợp hoạt động của nó với các hoạt động của các cộng đoàn còn lại của xã hội, luôn luôn bằng một nhãn quan hướng về công ích” (Centesimus Annus, 48).