Bốn trụ cột của học thuyết xã hội của Giáo hội

1. Phẩm giá của con người

Con người, dù đó là ai, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu chuộc nơi Chúa Giêsu. Con người là vô giá !

Điều này là nguyên tắc căn bản của học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Con người là một quà tặng, một ơn ban. Như thế, con người được đón nhận, được hoan nghênh. Con người không phải xác định ! Trong ý nghĩa đó, khái niệm về phẩm giá con người tương tự như điều người ta có thể gọi là chủ thể của pháp luật trong khuôn khổ của những nền dân chủ của chúng ta. Trong một nền dân chủ, sự cấm lớn, chính là tái xác định lại chủ thể của pháp luật. Những lần mà lằn ranh này bị vượt qua, nền dân chủ đã mất đi bản chất của nó. Tôi nghĩ đến các quốc gia đã tái xác định chủ thể của luật pháp để loại trừ loại người này hay loại người kia : người Do Thái, người da đen, người nô lệ, người tàn phế, người đồng tính luyến ái. Mọi con người đều xứng đáng được tôn trọng, thậm chí vượt ra khỏi những gì người đó đã làm, chỉ bởi lý do người đó là một con người. Vì xứng đáng được tôn trọng, con người không bao giờ bị coi như một phương tiện để đạt tới mục đích, cho dù mục đích đó đáng ca ngợi. Trái lại, con người là thành viên của một cộng đồng nhân loại và khi con người phục vụ cộng đồng là với tư cách phục vụ công ích. Như thế, học thuyết xã hội của Giáo hội thích khái niệm con người hơn là khái niệm cá nhân, để nhắc nhở sự hiệp thông này của tất cả mọi con người nam và nữ, sự liên đới đó. Chúng tôi cũng thích khái niệm con người hơn là khái niệm danh tính, bởi vì con người phong phú, phức tạp và trải qua nhiều danh tính : như thế tôi là người Pháp, nhưng cũng là một nghệ sĩ hay một người chạy xe máy. Tôi là giám mục và là người đàn ông. Nếu tôi chỉ nhìn vào các danh tính này, tôi có nguy cơ là sẽ sống chúng trong xung đột, đối lập với những người khác thay vì sống trong quan hệ, trong sự bổ túc lẫn nhau và như là sự phong phú. Như vậy, nếu tôi chỉ đơn thuần dựa vào căn tính người lái xe máy, tôi có nguy cơ sống đối lập với những người lái xe hơi, căn tính dân Pháp của tôi đối lập với những người ngoại quốc, hay căn tính giám mục thì lại chống với giáo dân, hay đàn ông thì chống phụ nữ. Công nhận sự phức tạp của con người là một cách công nhận sự phong phú của nó.

Mỗi con người bất kể chủng tộc, giới tính, tuổi tác, quốc tịch sơ khởi, tôn giáo, xu hướng tình dục, quy chế về việc làm, trình độ kinh tế, sức khỏe, trí thông minh, sự thành công hay bất cứ một đặc tính nào khác, phải được xem như nguyên tắc đầu tiên, một khi con người ở trong trung tâm của học thuyết xã hội của Giáo hội. Nhà Nước, nhóm dân tộc, bộ lạc hay cả gia đình, là để phục vụ con người, chứ không ngược lại, cho dù con người có thể và phải phục vụ các nhóm người này, bởi vì họ góp phần vào sự ích lợi của con người.

Nguyên tắc này đương nhiên đòi hỏi tôn trọng sự sống của con người. Ở đây khái niệm về thời điểm và thời gian sẽ tác động. Sự sống không phụ thuộc vào hiệu quả của nó, vào năng xuất của nó đối với xã hội. Ở mỗi giai đoạn phát triển và sự thoái trào của nó, nó đều quý giá và phải được bảo vệ, đặc biệt là khi liên quan đến những người dễ bị tổn thương vì tuổi già, vì tình trạng sức khỏe, vì sự bấp bênh, vì hoàn cảnh xã hội của họ. Luôn là có tội khi tấn công trực tiếp vào sự sống con người vô tội. Truyền thống công giáo coi tính cách thiêng liêng của sự sống con người như là thành phần của toàn bộ nhãn quan luân lý của một xã hội công bằng và tốt đẹp.

2. Công ích

Nguyên tắc cổ điển thứ nhì của học thuyết xã hội của Giáo hội chính là nguyên tắc công ích. Nguyên tắc này được Công Đồng Vaticanô II định nghĩa như là « toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn » (Gaudium et Spes 26 ; xem Gaudium et Spes 74 ; Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo 1906).

Con người được tạo dựng để sống trong xã hội. Cách thức chúng ta tổ chức xã hội – về mặt kinh tế và chính trị, luật pháp và pháp lý – ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm giá của con người và khả năng lớn lên và triển nở của các cá thể trong cộng đồng.

Gia đình, tế bào nền tảng của xã hội, là nơi đầu tiên của sự tăng trưởng thể chất, tâm lý, quan hệ và tinh thần. Do đó, sự phát triển của sự cân bằng mà con người tìm được trong môi trường gia đình là nơi chốn ưu đãi và quen thuộc cho sự phát triển của mình. Gia đình cũng là nơi chốn đầu tiên của sự giáo dục và tăng trưởng của con người. Sự giáo dục này có thể được giao phần nào cho các trường học nhưng các trường học không thể thay thế gia đình. Chính vì lẽ đó mà Giáo hội rất quan tâm đến những người trẻ, để họ có thể tìm thấy một môi trường gia đình phù hợp với họ hoặc như, khi họ bị mất gia đình một cách tự nhiên, một bầu không khí cho phép họ sống những giá trị của gia đình. Như vậy, khái niệm công ích không thể suy nghĩ độc lập với gia đình.

Công ích cũng nhắc nhở rằng lợi ích của tôi có liên quan đến lợi ích của hết thảy mọi người. Hai lợi ích, của cá nhân và của xã hội không thể đối lập với nhau, nhưng hiểu rằng có quan hệ với nhau, bởi vì sẽ tốt cho tôi khi xã hội tốt đẹp, khi tôi có quan hệ với người khác và quan hệ này được tổ chức. Chủ nghĩa cá nhân, mà một chủ nghĩa tự do nào đó đề cao, trong nhiều trường hợp, là một cú phanh đối với sự hiểu biết của mọi người về công ích và lập trường, ngày càng phổ biến, theo đó tôi có thể làm mọi chuyện miễn là tôi không gây thiệt hại cho ai, là đối nghịch với khái niệm công ích.  Trái lại, tất cả những gì tôi làm, đều có ảnh hưởng đến xã hội bao lâu tôi còn là phần tử của xã hội và tôi có liên quan với những người khác. Cũng sẽ có thể phải triển khai về chủ đề này liên quan đến quan hệ giữa lãnh vực tư nhân và lĩnh vực công cộng. Nếu khái niệm công ích cho phép sự phân biệt rõ ràng hai lãnh vực, thì việc đặt chúng vào thế chống đối nhau hay phân biệt chúng một cách quá triệt để sẽ là sai trái và có hại.

Trái lại, công ích chống lại chủ nghĩa vị lợi, vốn cho rằng nhân danh công ích của một đa số, người ta có thể bỏ qua lợi ích của thiểu số, hay là người ta có thể bắt lợi ích của thiểu số phục tùng lợi ích của đa số. Trái lại, phẩm giá con người loại bỏ sự phụ thuộc lợi ích của một cá nhân vào lợi ích của những người khác. Một sự phụ thuộc như thế sẽ khiến cá nhân trở thành một phương tiện để bảo đảm hạnh phúc của người khác. Ở đây cũng cần lưu ý tới sự tôn trọng những người dễ bị tổn thương nhất, những người nghèo khó nhất, cũng như vấn đề các nhóm thiểu số hay những bất bình đẳng xã hội.

Ngày nay, trong lúc mà các tập thể con người khác nhau thường xuyên tiếp xúc với nhau, nguyên tắc công ích cũng có thể dựa vào những cấu trúc quốc tế nếu các cấu trúc này đóng góp vào sự phát triển chính đáng con người và các gia đình vượt lên các biên giới khu vực và quốc gia.

Không dễ gì để đồng ý với nhau về khái niệm công ích, và trong lãnh vực này, khó mà thiết lập sự đồng thuận, nhưng sự thiếu vắng tham chiếu về công ích lại là một dấu chỉ chắc chắn của sự suy thoái trong một xã hội. Khi khái niệm về cộng đồng bị héo úa, mối lo về công ích cũng suy giảm. Sự chú tâm đến khái niệm cộng đồng bảo vệ chống lại một chủ thuyết cá nhân quá mức vốn có thể phá hủy sự cân bằng, đặt lại vấn đề sự hài hòa và nền hòa bình trong các nhóm quốc gia.

Ngoài ra, công ích đòi hỏi tình yêu ưu tiên dành cho những người nghèo khó nhất, bởi vì, họ dễ bị tổn thương nhất, ít ảnh hưởng nhất, ít được che chở nhất, họ có nguy cơ bị bỏ quên, ít được lưu tâm, hay tệ hại hơn nữa, bị thải loại, điều này làm trệch hướng khái niệm công ích sang lợi ích của những kẻ mạnh nhất.

3. Bổ trợ

Nguyên tắc thứ ba của học thuyết xã hội của Giáo hội là nguyên tắc bổ trợ. Nó đã được tuyên bố lần đầu tiên một cách có tổ chức bởi Đức Giáo hoàng Piô XI trong Tông thư Tứ thập niênQuadragesimo anno. Theo nguyên tắc này, những quyết định phải được đưa ra trong xã hội một cách gần nhất với con người mà những quyết định đó trực tiếp ảnh hưởng đến họ. Nguyên tắc này ra đời để làm cân bằng chút đỉnh cho nguyên tắc trên đây để tránh những quá mức của một sự tập trung quyền lực quá lớn.

Nguyên tắc này được hình thành trong một thời kỳ mà các chủ nghĩa độc tài toàn trị của thế kỷ 20 bắt đầu nổi lên. Các chủ nghĩa độc tài toàn trị này dựa trên một chủ nghĩa có hệ thống, phát triển một sự tập trung quá mức các quyền lực, bắt buộc người dân phải phục tùng Nhà nước. Nguyên tắc này mời gọi chúng ta làm cho quan hệ giữa khu vực tư nhân và khu vực công cộng được cân bằng để tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề xã hội, để đầu tư con người hay các tập thể xã hội trung gian vào việc tìm kiếm các giải pháp, để những giải pháp đó mang tính thực tế, và được phân bổ công bằng trong dân chúng. Nguyên tắc này cũng tránh được tình trạng « hoàng tử », tùy tiện phân phối của cải cho các tập thể nhất định thay vì cho những tập thể khác.

Về phần mình, Đức Gaío Hoàng Lêô XIII « nhiều lần nhấn mạnh về những giới hạn cần thiết của sự can thiệp của Nhà nước và về bản chất của nó, vốn đơn giản chỉ là công cụ, bởi vì con người, gia đình và xã hội đã có trước Nhà nước và Nhà nước hiện hữu là để bảo vệ các quyền liên hệ của họ và không bao giờ được đàn áp họ » (CA 11).

4. Liên đới

Chính trong Tông thư Quan tâm tới Vấn đề Xã hộiSollicitudo rei socialis (1987) mà chúng ta tìm thấy được triển khai, bởi Đức Gioan Phaolô II, trụ cột thứ tư của học thuyết xã hội của Giáo hội. Nó được gọi là nguyên tắc của sự liên đới. Đối mặt với toàn cầu hóa, nghĩa là với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng của con người và các dân tộc, văn bản này mời gọi chúng ta hãy ý thức về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại. Do đó, tình liên đới, nhân danh sự hiệp nhất này mời gọi chúng ta hãy quan tâm về người khác, và đặc biệt là những người đang đau khổ.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng tình liên đới không chỉ là một cảm tính, mà là một « nhân đức » đích thực thúc đẩy chúng ta trở nên có trách nhiệm với nhau. Nhấn mạnh trên sự kiện là tình liên đới không chỉ là một cảm tính, nhưng là một nhân đức, Đức Thánh Cha đã đặc biệt viết rằng tình liên đới « không phải là một tình cảm thương xót mơ hồ hay dịu dàng hời hợt đối với những tệ hại mà biết bao người xa, gần phải gánh chịu. Trái lại, đó là sự quyết tâm kiên quyết và kiên trì để làm việc vì công ích, nghĩa là cho lợi ích của tất cả mọi người và mỗi người bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với tất cả mọi người » (Sollicitudo rei socialis, 38). 

« Giáo huấn xã hội Công giáo tuyên bố rằng chúng ta là những người canh giữ các anh chị em của chúng ta bất cứ họ ở đâu. Chúng ta làm nên một gia đình nhân loại duy nhất… Học cách thực hành nhân đức liên đới có nghĩa là học cách « yêu mến tha nhân của mình có những tầm vóc toàn cầu trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau ». Nguyên tắc liên đới dẫn đến những lựa chọn, sau cùng, sẽ bảo đảm sự cổ vũ và bảo vệ công ích.

Liên đới kêu gọi chúng ta không chỉ đáp trả những bất hạnh riêng tư và cá nhân ; có những vấn đề xã hội vốn là một tiếng kêu gào đòi hỏi những cấu trúc xã hội công bằng hơn. Vì lý do đó, Giáo hội thường kêu gọi chúng ta, ngày hôm nay, không chỉ dấn thân trong những công trình bác ái, mà còn làm việc cho công bằng xã hội.

Từ nguyên tắc liên đới này, nảy sinh ra vấn đề quản lý công trình tạo dựng. Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn nhắc đến mối liên kết chặt chẽ hiện hữu giữa kinh tế, xã hội, chính trị, các phong trào di dân và môi trường, bằng cách thành lập thánh bộ về phát triển con người toàn diện. Như thế, người ta không thể suy nghĩ về xã hội một cách độc lập với chính trị, hay với kinh tế. Người ta không thể nghiêm túc xem xét việc bảo vệ môi trường mà không nhìn đến những điều kiện về sự khả thi, đến kinh tế, chính trị và xã hội mà nó đòi hỏi. Tất cả đều gắn liền và chúng ta không phải sở hữu chủ của con người, cũng như thiên nhiên, cũng như các cấu trúc kinh tế, cũng như các nhiệm vụ chính trị của chúng ta. Tất cả chúng ta đều chỉ là những người quản lý. Và một sự quản lý như thế không thể được nghĩ đến ở cấp bộ một tập thể, một quốc gia, hay thậm chí một châu lục. Vì nó liên quan đến nhân loại và thế giới của chúng ta, nhất thiết cần phải sống một cách toàn cầu, có phối hợp và có trách nhiệm. Cũng theo thể thức đó, liên quan đến các trụ cột của học thuyết xã hội của Giáo hội, sẽ nguy hiểm khi xem xét chúng một cách riêng biệt. Sự tôn trọng phẩm giá con người không thể được suy nghĩ độc lập với khái niệm công ích. Ngoài ra, sự tôn trong con người kéo theo tình liên đới. Muốn chọn lựa một nguyên tắc thay vì một nguyên tắc khác, chính là chuốc lấy rủi ro làm một sự thao túng nguy hiểm phục vụ cho những quan niệm chính trị. Đối với người công giáo, tất cả các nguyên tắc này đều tương tác, đều gắn liền với nhau.

Cuối cùng, khái niệm liên đới dựa trên khái niệm bình đẳng, không được hiểu như một sự đồng nhất, một sự đồng nhất hóa xã hội, nhưng như một sự bình đảng về cơ hội, cho mỗi người, để đạt tới đỉnh điểm của mình, để thực hiện, vì lợi ích của tất cả mọi người, đó là lý do mà họ được tạo dựng.

Bài viết đúc kết từ Hội nghị, thảo luận về đề tài ‘‘Chọn lựa đạo đức nào để sống trong xã hội’’ hôm 14 tháng 3 năm 2018 tại Espace Saint-Ignace. Với Đức Cha Emmanuel Gobilliard, giám mục phụ tá của giáo phận Lyon và ông Bruno Bonnell, dân biểu vùng Rhône.

Nguồn: lyon.catholique.fr
Mai Khôi dịch