Các Mác không chỉ là một triết gia – ông còn là một nhà cách mạng. Mục tiêu cao cả của ông là giải phóng dân thường khỏi sự áp bức và đau khổ do hệ thống tư bản chủ nghĩa khắc nghiệt gây ra.
Về cơ bản, “chương trình của chủ nghĩa Mác… xem đấu tranh giai cấp là cách duy nhất để xóa bỏ những bất công giai cấp trong xã hội và xóa bỏ chính các giai cấp đó.” (Thánh Giáo hoàng John Paul II, 11)
Các tác phẩm của ông bao gồm Tuyên ngôn Cộng sản (1848) và Tư bản (1867) và đặt nền tảng cho Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản.
Chủ nghĩa Mác là gì?
Chủ nghĩa xã hội Mác là phản ứng trước sự chênh lệch lớn về của cải và đau khổ do những lạm dụng của chủ nghĩa tư bản gây ra vào thế kỷ 19. Chủ nghĩa này định vị chủ nghĩa xã hội là sự chuyển đổi giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản – trong đó ‘mọi người sẽ sở hữu tất cả vì lợi ích của mọi người – cách đồng đều’.
Theo triết học này, nhà nước sở hữu và điều hành các phương tiện sản xuất và phân phối hàng hóa. Sau đó, người dân chia sẻ cách đồng đều các sản phẩm của hệ thống, tùy theo nhu cầu của họ. Đọc thêm về sự phản đối nhứt quán của Giáo hội tại đây
Chủ nghĩa Mác và Giáo hội Công giáo
Giáo hội đồng ý rằng đây là một mục tiêu hấp dẫn!
“Chủ nghĩa xã hội hướng tới và ở một chừng mực nào đó tiếp cận các chân lý mà truyền thống Kitô giáo luôn luôn coi là thiêng liêng”. (Quadragesimo Anno, 113)
Nhiều đến mức những ý tưởng của Mác “sẽ không còn khác biệt với những ước muốn và yêu cầu của những người đang nỗ lực tái thiết xã hội loài người trên cơ sở các nguyên tắc của Kitô giáo”. (Giáo hoàng Pius XI, 114)
Mặc dù có những điểm tương đồng về mục tiêu, nhưng sự khác biệt của chúng về cơ bản nằm ở “tầm nhìn của chúng về con người”. (Giáo hoàng Benedict XVI) Sai lầm lớn nhất của Các Mác là về mặt nhân học!
“Với độ chính xác cao, Mác đã mô tả tình hình thời đại của ông và với kỹ năng phân tích tuyệt vời, ông đã chỉ ra những con đường dẫn đến cách mạng”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 20)
“Ông đã chỉ ra cách chính xác cách lật đổ trật tự đang tồn tại, nhưng ông lại không nói cách thức mọi việc sẽ nên tiến hành như thế nào sau đó. Ông chỉ đơn giản cho rằng… thành Jerusalem mới sẽ được hiện thực hóa”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 21)
“Sự sai lầm của ông nằm sâu hơn. Ông quên rằng con người vẫn luôn là con người. Ông đã quên con người và ông đã quên tự do của con người. Ông đã quên rằng tự do vẫn luôn là tự do cho cái ác. Ông nghĩ rằng một khi nền kinh tế được khắc phục thì mọi thứ sẽ tự động được sửa chữa.” (Giáo hoàng Benedict XVI, 21)
“Đây là thông điệp của [Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II]: con người là con đường của Giáo hội, và Chúa Kitô là con đường của con người.” (Giáo hoàng Benedict XVI)
Mác và Giáo hội Công giáo
Ngay cả trước những kinh nghiệm khủng khiếp, vô nhân đạo của Liên Xô, Cuba, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, giáo huấn xã hội Công giáo đã bác bỏ chủ nghĩa xã hội trên các nguyên tắc.
Năm 1891, Giáo hoàng Leo XIII đã gọi các đề xuất của Mác là “bất công cách hiển nhiên” vì nó “sẽ cướp đoạt sở hữu chủ hợp pháp, xuyên tạc các chức năng của Nhà nước, và tạo ra tình trạng rối ren hiển nhiên trong cộng đồng.” (Rerum Novarum, 4)
Về bản thân Giáo hội Công giáo, Mác đã viết, “Giáo hội đã có 1.800 năm để chứng minh rằng Giáo hội có thể thay đổi thế giới và vẫn chưa làm được gì; giờ đây chúng ta sẽ tự mình làm điều đó”. (Giáo hoàng Benedict XVI)
Giáo huấn xã hội Công giáo trả lời: “Không thể xây dựng [thế giới] theo cách máy móc, như Các Mác đã đề xuất… Nếu không có sức mạnh đạo đức trong tâm hồn, nếu không có sự sẵn sàng chịu đựng đau khổ vì những giá trị này, thì một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không được xây dựng”. (Giáo hoàng Benedict XVI)
Vì sao chủ nghĩa Mác không thể dung hòa với Kitô giáo?
Giáo hoàng Pius XI “nói rõ rằng không một người Công giáo nào có thể chấp nhận ngay cả Chủ nghĩa xã hội ôn hòa”. (Thánh Giáo hoàng John XXIII, 34)
“Theo giáo huấn của Kitô giáo, con người, được phú cho bản tính xã hội, được đặt để trên trái đất này để sống một cuộc sống trong xã hội và dưới một thẩm quyền do Thiên Chúa truyền, con người có thể trau dồi và phát triển cách đầy đủ mọi tài năng của mình để ca ngợi và tôn vinh Đấng Tạo hóa” (Giáo hoàng Pius XI, 118) Mác đã phản đối niềm tin vào Thiên Chúa và lập luận rằng bản thân vấn đề này là không mạch lạc và vô nghĩa.
“Chủ nghĩa xã hội… hoàn toàn phớt lờ và thờ ơ với mục đích cao cả này của cả con người lẫn xã hội, khẳng định rằng sự kết hợp của con người chỉ được thiết lập vì lợi ích vật chất mà thôi.” (Giáo hoàng Pius XI, 118)
“Phương tiện” của chủ nghĩa Mác “không thể hòa giải với các giáo huấn của Giáo hội Công giáo vì quan niệm về xã hội của nó tự thân hoàn toàn xa lạ với chân lý của Kitô giáo”. (Giáo hoàng Pius XI, 117)
“Do đó, người Kitô hữu… không thể không tự mâu thuẫn với chính mình khi theo các hệ thống ý thức hệ trái ngược hoàn toàn hoặc cơ bản với đức tin và khái niệm của mình về con người. Họ không thể theo hệ tư tưởng Mac-xít, chủ nghĩa duy vật vô thần, biện chứng bạo lực của nó và cách nó hấp thụ tự do cá nhân vào tập thể, đồng thời phủ nhận toàn bộ siêu việt đối với con người”. (Thánh Giáo hoàng Paul VI, 26)
Chủ nghĩa Mác chống lại Kitô giáo/Bác ái trái với Công bằng
“Kể từ thế kỷ XIX, một sự phản đối đã được nêu ra đối với hoạt động bác ái của Giáo hội… bởi chủ nghĩa Mác: người ta cho rằng người nghèo không cần bác ái nhưng cần công bằng. Các công việc bác ái—bố thí—trên thực tế là một cách để người giàu trốn tránh nghĩa vụ làm việc vì công bằng và là một phương tiện xoa dịu lương tâm của họ, trong khi vẫn giữ được địa vị của chính họ”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 26)
Mặc dù “đúng là việc theo đuổi công bằng phải là chuẩn mực cơ bản của Nhà nước”, (Giáo hoàng Benedict XVI, 26), “Tình yêu—caritas—sẽ luôn chứng minh là cần thiết, ngay cả trong xã hội công bằng nhất. Không có sự sắp đặt nào của Nhà nước công bằng đến nỗi có thể loại bỏ nhu cầu phục vụ tình yêu”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 28)
Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, “Ngày nay, khi nhiều quốc gia đã chứng kiến sự sụp đổ của các ý thức hệ ràng buộc chính trị với một quan niệm toàn trị về thế giới — mà trong số đó chủ nghĩa Mác là tiêu biểu nhứt — thì cũng không kém phần nghiêm trọng là các quyền cơ bản của con người sẽ bị phủ nhận và những khát vọng tôn giáo nảy sinh trong trái tim mỗi con người sẽ một lần nữa bị hấp thụ vào trong chính trị.” (Veritatis Splendor, 101)
Chủ nghĩa Mác sẽ không bao giờ hiệu quả vì “Không thể hiểu con người chỉ dựa trên nền tảng kinh tế học mà thôi”. (Giáo hoàng St. John Paul II, 24)
Nền tảng của một ‘Hệ thống kinh tế Kitô giáo’
Chỉ khi “mở lòng với Đấng Tuyệt đối mới có thể hướng dẫn chúng ta trong việc thúc đẩy và xây dựng các hình thức đời sống xã hội và công dân — các cơ cấu, các thể chế, văn hóa và đạo đức”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 78)
“Chỉ trong tình bác ái, được soi sáng bởi ánh sáng của lý trí và đức tin, chúng ta mới có thể theo đuổi các mục tiêu phát triển có giá trị nhân đạo và nhân bản hơn”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 9)
“Lĩnh vực kinh tế… phải được cấu trúc và quản lý theo cách thức có đạo đức”. (Giáo hoàng Benedict XVI, 36)
“Có vẻ như ở cấp độ quốc gia và quốc tế, thị trường tự do là cách hiệu quả nhất để sử dụng các nguồn lực và đáp ứng cách hiệu quả các nhu cầu”. (Giáo hoàng St. John Paul II, 32, 34)
Một hướng dẫn cơ bản là “tiền bạc phải phục vụ, chứ không phải thống trị”. (Giáo hoàng Francis)
“Một khi tư bản trở thành thần tượng… một khi lòng tham tiền bạc thống trị toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội, nó sẽ hủy hoại xã hội, nó sẽ lên án và nô dịch đàn ông và đàn bà, nó phá hủy tình huynh đệ giữa con người, nó khiến mọi người chống lại nhau”. (Giáo hoàng Francis, 1)
Chúng ta phải luôn nhớ rằng, “Việc tạo ra… của cải phải luôn phục vụ cho công ích, chứ không chỉ vì lợi ích của một thiểu số.” (Giáo hoàng Francis, 3)
“Theo một cách có vẻ nghịch lý, tình liên đới tự do và bất vụ lợi chính là chìa khóa cho sự vận hành trơn tru của nền kinh tế toàn cầu.” (Giáo hoàng Francis)
ĐIỀU CỐT YẾU
“Những thách thức kinh tế và chính trị nghiêm trọng khác nhau mà thế giới ngày nay đang đối mặt đòi hỏi một sự thay đổi can đảm về thái độ để khôi phục lại cứu cánh (con người) và phương tiện (kinh tế và chính trị) vị trí thích hợp của chúng.” (Giáo hoàng Francis)
Giaohuanxhoi.com dịch
Nguồn: https://capp-usa.org/2024/07/karl-marx-and-catholic-social-teaching/