CÁC BÀI GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH
QUYỂN 1
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
2014-2015
Các văn bản lấy từ
www.vatican.va
© Libreria Editrice Vaticana
2015 Văn Phòng Thông Tin
của Opus Dei
www.opusdei.org
Các văn bản tiếng Việt
© www.giaohuanxahoi.com
Tiếp kiến chung
Ngày 28-1-2015
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Chúng ta lại tiếp tục loạt bài giáo lý về gia đình. Hôm nay chúng ta sẽ lấy từ “cha” làm hướng dẫn cho chúng ta. Đó là từ thân thương hơn bất kỳ từ nào khác đối với chúng ta là những Kitô hữu vì từ ấy chính là danh xưng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Ý nghĩa của danh xưng này mang một chiều sâu mới từ chính cách thức Chúa Giêsu sử dụng nó để hướng về Thiên Chúa và thể hiện mối tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa. Mầu nhiệm cực thánh về sự thân mật của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu mạc khải, là tâm điểm của đức tin Kitô giáo chúng ta.
“Cha” là một từ quen thuộc với mọi người, một từ phổ quát. Từ này chỉ một mối tương quan cơ bản, mà thực tế của nó thì lâu đời như lịch sử loài người. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã đạt tới điểm để khẳng định rằng xã hội của chúng ta là một “xã hội vắng cha”. Nói cách khác, đặc biệt là trong văn hóa phương Tây, hình ảnh người cha mang tính hình tượng đã vắng mặt, nhạt nhòa, bị xóa bỏ. Lúc đầu, đây được coi là một sự giải phóng: giải phóng khỏi người cha y như ông chủ, khỏi người cha như người đại diện cho luật lệ được áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha là người kiểm duyệt hạnh phúc của con cái và là trở ngại cho sự giải thoát và quyền tự chủ của những đứa con còn trẻ. Đôi khi trong một số gia đình, chủ nghĩa độc đoán đã ngự trị từ trong quá khứ, thậm chí trong một số trường hợp còn có cả áp bức: cha mẹ đối xử với con cái như những đầy tớ, không tôn trọng nhu cầu cá nhân cho sự trưởng thành của chúng; những người cha đã không giúp đỡ con cái bắt đầu cuộc hành trình với tự do – và không dễ để nuôi dạy một đứa trẻ trong tự do –; những người cha đã không giúp đỡ chúng đảm đương trách nhiệm xây dựng tương lai của chúng và trách nhiệm đối với xã hội.
Chắc chắn đây không phải là một lối tiếp cận tốt; nhưng, như thường xảy ra, người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Trong thời đại chúng ta, vấn đề dường như không còn là sự hiện diện xâm chiếm của người cha nữa mà là sự vắng mặt, sự không hành động của ông. Những người cha đôi khi quá tập trung vào bản thân, vào công việc và đôi khi vào sự nghiệp đến nỗi quên mất gia đình. Và họ bỏ mặc những người con bé bỏng và những người con còn trẻ cho chính chúng. Khi còn là Giám mục của Buenos Aires, tôi cảm nhận được cảnh mồ côi mà trẻ em đang trải qua ngày nay, và tôi thường hỏi các ông bố liệu họ có chơi với con mình không, liệu họ có can đảm và thích dành thời gian cho con mình không. Và câu trả lời là không trong hầu hết các trường hợp: “Nhưng tôi không thể, vì tôi còn quá nhiều việc…”. Và người cha đã vắng bóng khi đứa con nhỏ đang lớn lên, ông không chơi với nó, không, ông không lãng phí thời gian với nó.
Giờ đây, trên hành trình suy tư chung về gia đình, tôi muốn ngỏ lời với tất cả các cộng đồng Kitô giáo rằng chúng ta phải để tâm hơn: hình ảnh người cha vắng mặt trong cuộc sống của những đứa con thơ và những đứa con đang tuổi lớn gây ra những khoảng trống và những vết thương thậm chí có thể rất nghiêm trọng. Và, trên thực tế, tình trạng phạm pháp nơi trẻ em và thanh thiếu niên có thể phần lớn là do sự thiếu vắng này, thiếu những mẫu gương và sự hướng dẫn có thẩm quyền trong cuộc sống hàng ngày của chúng, thiếu sự gần gũi, thiếu tình yêu thương của người cha. Và cái cảm giác mồ côi mà biết bao đứa trẻ đang phải sống chung còn sâu sắc hơn chúng ta nghĩ.
Chúng mồ côi trong gia đình, vì người cha thường xuyên vắng mặt, cả về mặt thể lý, không ở nhà, nhưng trên hết vì, khi có mặt, họ không cư xử giống như những người cha. Họ không trò chuyện với con cái của họ. Họ không hoàn thành vai trò của mình với tư cách là các nhà giáo dục. Họ không làm gương tốt cho con cái bằng lời nói, bằng các nguyên tắc, các giá trị, những quy tắc sống mà chúng cần như lương thực. Chất lượng giáo dục trong toàn bộ thời gian mà người cha dành để nuôi dạy con cái thì cần thiết hơn khi ông buộc phải xa nhà vì công việc. Đôi khi, dường như các ông bố không biết vai trò của mình trong gia đình là gì hay cách nuôi dạy con cái như thế nào. Vì vậy, không còn nghi ngờ, họ thoái thác, họ rút lui và bỏ bê trách nhiệm của mình, có lẽ họ che dấu mình trong mối quan hệ không thể “ngang hàng” với con cái họ. Đúng là các bạn phải là “người bạn đồng hành” với con mình, nhưng không được quên rằng mình là cha! Nếu các bạn chỉ cư xử như một người đồng trang lứa với con mình thì điều đó sẽ không mang lại lợi ích gì cho con.
Và chúng ta cũng thấy vấn đề này trong cộng đồng dân sự. Cộng đồng dân sự cùng với các tổ chức của nó, có một trách nhiệm nhất định – chúng ta hãy gọi đó là tình phụ tử – đối với người trẻ, một trách nhiệm đôi khi bị xao lãng hoặc thực hiện cách tồi tệ. Cộng đồng dân sự này thường bỏ mặc họ mồ côi và không mang lại cho họ một viễn cảnh chân thực. Do đó, người trẻ bị lấy đi những con đường an toàn để bước theo, những người thầy để tin tưởng, những lý tưởng sưởi ấm con tim, những giá trị và hy vọng nâng đỡ họ hàng ngày. Có lẽ người trẻ đầy dẫy các thần tượng nhưng con tim của họ lại bị cướp mất; họ buộc phải mơ về sự vui chơi và khoái lạc nhưng lại không được giao việc để làm; họ bị thần tiền lừa dối và bị từ chối của cải thực sự.
Và vì vậy, điều tốt cho mọi người, những người cha và các con, là lắng nghe lại lời hứa mà Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ của Người: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (x. Ga 14,18). Quả thực, Người là Đường để theo, là Thầy để lắng nghe, là Hy vọng để cho thế giới có thể thay đổi, rằng tình yêu chiến thắng hận thù, rằng có thể có một tương lai của tình huynh đệ và hòa bình cho tất cả mọi người. Một người trong các bạn có thể nói với tôi: “Nhưng thưa cha, hôm nay cha tiêu cực quá. Cha chỉ nói về sự vắng mặt của người cha, điều gì xảy ra khi người cha không ở gần con cái mình… “Đúng vậy, tôi muốn nhấn mạnh điều này, bởi vì thứ tư tới tôi sẽ tiếp tục bài giáo lý này bằng cách nêu bật vẻ đẹp của tình phụ tử. Đó là lý do tại sao tôi muốn bắt đầu từ bóng tối để đến được ánh sáng. Xin Đức Chúa giúp chúng ta hiểu những điều này rõ hơn.
Phúc Thiên Thư dịch