Cha Gustavo Gutiérrez, thần học gia người Peru, người khởi xướng phong trào thần học giải phóng, vốn khơi dậy những hy vọng và tranh cãi lớn lao trong Giáo hội Công giáo, đã qua đời hôm thứ Ba ngày 22 tháng Mười, thọ 96 tuổi.
Ngài được coi là “cha đẻ” của nền thần học giải phóng, nguồn gốc của cả những hy vọng lẫn tranh cãi lớn trong Giáo hội Công giáo từ thập niên 1970, linh mục và nhà thần học người Peru Gustavo Gutiérrez qua đời vào thứ Ba ngày 22/10/2024, thọ 96 tuổi. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của ngài vào năm 2018, Đức Phanxicô đã cảm ơn ngài “vì tất cả những nỗ lực của ngài và cách thức ngài chất vấn lương tâm của mỗi người, để không ai thờ ơ với thảm cảnh nghèo đói và loại trừ”.
Sinh ngày 8 tháng 6 năm 1928 tại Lima, Peru, trong một gia đình khiêm tốn, Gustavo Gutiérrez bị viêm tủy xương khi còn là một thiếu niên, khiến ngài thường xuyên nằm liệt giường và giúp ngài đọc sách rất nhiều, đặc biệt là Pascal, l’Histoire of Christ của Giovanni Papini, cũng như các bác sĩ tâm thần Karl Jaspers và Honorio Delgado. Hồi phục, ngài bắt đầu nghiên cứu y học và triết học với ý tưởng trở thành bác sĩ tâm thần.
Thần học tại Đại học Công giáo Lyon
Nhưng thành viên của phong trào đại học Công giáo này đã bị xâm chiếm bởi “những vấn đề chất vấn đức tin của ngài” và quyết định trở thành linh mục ở tuổi 24. Giám mục của ngài, cho rằng ngài đã quá già để vào chủng viện, nên đã gửi ngài đến Châu Âu. Tại Đại học Công giáo Louvain, Bỉ, ngài học tiếng Pháp và viết luận văn về Freud, sau đó tại Đại học Công giáo Lyon, nơi ngài nghiên cứu thần học.
Ở đó, ngài đặc biệt gặp được nhà chú giải Albert Gelin, thuộc Hội Xuân Bích, cũng như các nhà thần học, linh mục Dòng Tên Gustave Martelet và cha Marie-Dominique Chenu, dòng Đa Minh – người sau này sẽ là một trong những chuyên gia của Công đồng Vatican II. Ngài cũng chịu ảnh hưởng của các tu sĩ dòng Đa Minh khác như các nhà thần học Christian Duquoc và Claude Geffré, cũng như Louis-Joseph Lebret, người truyền cảm hứng cho thông điệp Populorum Progressio, về sự phát triển con người toàn diện, của Đức Giáo hoàng Phaolô VI năm 1967.
Làm thế nào nói với người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ?
Được thụ phong linh mục năm 1959, ngài trở thành cha sở tại một giáo xứ thuộc quận nghèo Rimac ở Lima. Đồng thời, ngài giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng ở Peru và các trường đại học Châu Âu và Bắc Mỹ. Một câu hỏi ám ảnh ngài: làm thế nào nói với người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ?
Vào tháng 5 năm 1967, hai năm sau khi kết thúc Công đồng mà ngài đã tham dự (phiên họp cuối cùng), ngài đã phát biểu vấn đề này trước các sinh viên tại Đại học Montréal, bằng cách lần đầu tiên phân biệt ba khía cạnh của nghèo đói. Sự nghèo khó thực sự diễn ra hàng ngày, “không phải là định mệnh, mà là sự bất công”; sự nghèo khó thiêng liêng, “đồng nghĩa với con đường thơ ấu thiêng liêng”, “hệ tại phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa”; và sự nghèo khó như một sự dấn thân, “dẫn đến việc sống liên đới với người nghèo, cùng họ chiến đấu chống lại nghèo đói, loan báo Tin Mừng từ họ”.
Quan tâm đến nỗi đau khổ của người nghèo
Năm sau, được mời nói chuyện về “thần học về sự phát triển” tại một hội nghị ở Peru, ngài giải thích rằng “một nền thần học giải phóng thì thích hợp hơn.” Ngôn ngữ thần học này, quan tâm đến sự đau khổ của người nghèo, sẽ truyền cảm hứng cho các giám mục tập trung tại Medellin (Colombia) tham dự hội nghị lần thứ hai của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) nhằm thảo luận về việc áp dụng Vatican II.
Các ngài tố cáo “bạo lực được thể chế hóa” của các chế độ đang tồn tại trên lục địa này, mặc dù rất Công giáo, và thừa nhận, trong một số trường hợp, tính hợp pháp của cuộc nổi dậy cách mạng. Lần đầu tiên các ngài khẳng định “chọn lựa ưu tiên cho người nghèo”.
Chương 25 của Tin Mừng theo thánh Mátthêu
Chương 25 của Tin Mừng theo Thánh Matthêu, chương về các việc làm của lòng thương xót, là chiếc la bàn của ngài. Mệnh lệnh của Chúa Kitô – “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” – là chìa khóa cho suy tư của ngài. “Lựa chọn cho người nghèo” là con ngựa chiến của ngài. Gustavo Gutiérrez, nhà thần học và tu sĩ Đa Minh được coi là “cha đẻ” của thần học giải phóng, qua đời tại tu viện Saint-Dominique ở Lima (Peru). Một cuộc đời dài học tập, suy nghĩ, suy ngẫm, lên tiếng và thường chiến đấu. Đấu tranh cho một tư tưởng thần học đôi khi bị chỉ trích hoặc bị nghi ngờ, nhưng như ngài khẳng định, tư tưởng này không có nguồn gốc nào khác ngoài Tin Mừng. Tin Mừng này và sứ điệp quấy rầy của nó đặt những người nghèo, những người rốt hết, những người bé mọn lên hàng đầu.
“Một dấu chỉ thời đại cần được xem xét kỹ lưỡng”
Vào tháng 5 năm 1969, Gustavo Gutiérrez tới Brazil, nơi lúc đó đang trải qua những giờ phút đen tối nhất của chế độ độc tài quân sự. Ở đó, ngài gặp các sinh viên, các nhà hoạt động Công giáo Tiến hành, các linh mục mà những chứng từ của họ sẽ làm phong phú thêm suy nghĩ của ngài, dẫn đến kiệt tác của ngài: Thần học Giải phóng (xuất bản năm 1971).
Ngài nói với nhật báo La Croix vào năm 2012: “Trước Công đồng, Đức Gioan XXIII đã tuyên bố: Giáo hội đang và muốn trở thành Giáo hội của tất cả mọi người, và đặc biệt là Giáo hội của người nghèo. Khi đó một số người trong chúng tôi coi đó là dấu chỉ thời đại cần phải xem xét kỹ lưỡng, theo yêu cầu của hiến chế Gaudium et spes. Vì tuổi tác của tôi, sự hiện diện của tôi tại Công đồng và ở Medellin, chính tôi là người đảm nhận công việc của nhà thần học. Đó có thể là một người khác.”
Không phải là một chương trình chính trị
Sự giải phóng mà Gustavo Gutiérrez nói đến không phải là một chương trình chính trị. Nó nằm ở ba cấp độ lồng vào nhau. Cấp độ kinh tế: cần phải giải quyết các nguyên nhân của những tình trạng bất công. Cấp độ con người: thay đổi cơ cấu thôi chưa đủ, chúng ta phải thay đổi con người. Cấp độ sâu xa nhất, đối thần: cần phải giải thoát mình khỏi tội lỗi vốn là việc từ chối yêu mến Thiên Chúa và người lân cận.
Đối với thần học, nó là phương tiện để xác minh rằng việc dấn thân với người nghèo là một nhiệm vụ giải phóng theo Tin Mừng, một câu trả lời cho thách thức mà sự nghèo đói đặt ra cho ngôn ngữ về Thiên Chúa. Trong một Giáo hội Nam Mỹ thiếu linh mục, phong trào, vốn sẽ huy động các nhà thần học khác như Leonardo Boff, Juan Luis Segundo hay Dom Helder Camara, sẽ sinh ra hơn 80.000 cộng đồng cơ bản chỉ riêng ở Brazil và hơn “một triệu nhóm Thánh Kinh”. Và phong trào tỏ lan tỏa ở những nơi khác: ở Hoa Kỳ trong cộng đồng người da đen thiểu số, ở Châu Phi, Châu Á, các nền thần học của thế giới thứ ba đang thức tỉnh.
Những phản đối mạnh mẽ
Nhưng nó cũng vấp phải những phản đối. Bạo lực nhất đến từ các cường quốc kinh tế, chính trị và quân sự, ở Mỹ Latinh cũng như ở Hoa Kỳ. Nhưng những phản đối này cũng là công việc của những người Công giáo buộc tội ngài, để phân tích một số khía cạnh của nghèo đói, đã kêu gọi đến lý thuyết về sự phụ thuộc vốn sử dụng các khái niệm xuất phát từ phân tích của chủ nghĩa Mác.
Trong hội nghị của Celam ở Puebla (1979), sự phản kháng đã bộc lộ ngay trong Giáo hội Châu Mỹ Latinh, được sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người được bầu trước đó 5 tháng và đó là trong chuyến tông du đầu tiên đến Châu Mỹ. Trong khi mời gọi các giám mục “hãy lấy những kết luận của Medellin làm điểm xuất phát, với tất cả các khía cạnh tích cực của chúng”, đặc biệt là sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, vị Giáo hoàng người Ba Lan này, xuất thân từ chế độ cộng sản – và do đó rất phê phán bất kỳ sự đề cập nào đến chủ nghĩa Marx -, kêu gọi các giám mục đừng “phớt lờ những cách giải thích sai lầm đôi khi được đưa ra về vấn đề này và đòi hỏi sự phân định thanh thản, phê bình kịp thời và có những quan điểm rõ ràng”.
Những phê bình của Đức Gioan Phaolô II
Đức tân Giáo hoàng đặc biệt tố giác “việc ‘đọc lại’ Tin Mừng, kết quả của những suy đoán mang tính lý thuyết hơn là từ việc suy niệm đích thực về lời Chúa và một sự dấn thân truyền giáo thực sự”. “Người ta tham vọng thể hiện một Chúa Giêsu dấn thân vào chính trị, một Chúa Giêsu chiến đấu chống lại sự thống trị của Rôma và chống lại các thế lực, và do đó tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp. Quan niệm này về Chúa Kitô như một chính trị gia, một nhà cách mạng, người xúi giúc lật đổ của thành Nazareth, không phù hợp với giáo lý của Giáo hội”.
Năm 1984, thần học giải phóng đã bị phê bình nặng nề bởi Bộ Giáo lý Đức tin, do Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI tương lai, đứng đầu. Gustavo Gutiérrez, giống như những người khác, phải tự giải thích. Vào tháng 3 năm 1986, huấn thị thứ hai đã đọc lại thần học giải phóng theo cách tích cực hơn nhiều. Và vào năm 2004, khi kết thúc quá trình “đối thoại” kéo dài 20 năm, bậc thầy của Dòng Đa Minh sẽ nhận được một lá thư trong đó Đức Hồng y Ratzinger “cảm tạ Đấng Tối Cao vì đã có kết luận thỏa đáng cho con đường làm sáng tỏ và đào sâu này”.
« Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo » được công nhận
Chính Cha là người đã đặt ra thành ngữ “chọn lựa ưu tiên cho người nghèo”, sau đó được lồng ghép vào huấn quyền của Giáo hội như một cách sống đức tin cơ bản. Thật vậy, Đức Gioan Phaolô II đã thừa nhận “rằng lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo không phải là chuyên nhất hay loại trừ, nhưng nó là vững chắc và không thể thay đổi được”. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, vào năm 2007, tại thánh địa Aparecida, Brazil, ngài đã khẳng định rằng “sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo tiềm ẩn trong đức tin Kitô học vào Thiên Chúa, Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta”.
“Giáo hội của người Samaritanô”
Những lời mà Cha Gutiérrez nói trong một sự kiện vẫn còn được khắc ghi, ngài nói về một “Giáo hội của người Samaritanô”, một tổng hợp ý tưởng phục vụ mượn từ dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu” rất thân thiết đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Theo nhà thần học, một dụ ngôn gợi lên sự suy ngẫm về “Ai là người lân cận của tôi?”, mà còn về “Ai đã trở thành người lân cận của tôi?”.
Trung thành ngay cả trong thời điểm khó khăn
Đức Hồng y Castillo, trong một ghi chú đã lưu ý rằng cha Gustavo Gutiérrez “đã đồng hành cùng Giáo hội suốt cuộc đời ngài, luôn trung thành trong những thời điểm khó khăn nhất, luôn nhắc nhở chúng ta rằng người mục tử đích thực phải chăm sóc đàn chiên của mình, đặc biệt là người nghèo”. Đức Hồng Y Castrillo nói thêm: “Chúng ta tạ ơn Chúa vì đã có một linh mục thần học gia trung thành, người không bao giờ nghĩ đến tiền bạc, sự xa hoa hay bất cứ điều gì có thể khiến ngài cảm thấy mình cao cả”.
Vào dòng Đa Minh
Ba năm trước đó, cha Gustavo Gutiérrez gia nhập Dòng Đa Minh và khấn trọng thể vào ngày 24 tháng 10 năm 2004 tại tu viện Thánh-Danh ở Lyon (Pháp). Khi ngài tuyên bố chọn gia nhập Dòng Giảng Thuyết, cha Edward Schillebeeckx, một tu sĩ Đa Minh người Flamand, đã viết cho ngài một lá thư bắt đầu bằng: “Cuối cùng!”
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Vatican News)
Nguồn bài: xuanbichvietnam.net