Cha (phần 2)

CÁC BÀI GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH
QUYỂN 1
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
2014-2015
Các văn bản lấy từ
www.vatican.va
© Libreria Editrice Vaticana
2015 Văn Phòng Thông Tin
của Opus Dei
www.opusdei.org

Các văn bản tiếng Việt
© www.giaohuanxahoi.com

Tiếp Kiến Chung
Ngày 4-2-2015

Anh Chị Em thân mến, Chào buổi sáng!

Hôm nay tôi muốn khai triển phần thứ hai suy tư của tôi về hình ảnh người cha trong gia đình. Lần trước tôi đã nói về mối nguy hiểm của những người cha “vắng mặt”, hôm nay, thay vào đó, tôi muốn nhìn vào khía cạnh tích cực. Ngay cả Thánh Giu-se cũng bị cám dỗ bỏ bà Maria, khi ông phát hiện ra rằng bà đã thụ thai; nhưng Thiên Thần của Đức Chúa đã can thiệp và mặc khải cho ngài biết kế hoạch của Thiên Chúa và sứ mạng của thánh nhân với tư cách là cha nuôi; và Giu-se, một người công chính, “đã đón vợ mình” (Mt 1,24) và trở thành người cha của gia đình Na-da-rét.

Mỗi gia đình cần có một người cha. Hôm nay chúng ta sẽ suy ngẫm về giá trị vai trò của người cha, và tôi muốn bắt đầu bằng một vài cách diễn tả mà chúng ta tìm thấy trong Sách Châm ngôn, những lời lẽ mà một người cha nói với con mình, và sách ghi lại như thế này: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan thì lòng dạ cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực thì tâm hồn cha sẽ mừng rỡ hân hoan.” (Cn 23,15-16). Không điều gì có thể diễn tả tốt hơn niềm tự hào và cảm xúc của một người cha khi hiểu rằng mình đã truyền lại cho con cái những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, nghĩa là, một lòng dạ khôn ngoan. Người cha này không nói: “Cha tự hào về con vì con giống cha, vì con lặp lại những điều cha nói và làm”. Không, ông không nói bất kỳ điều gì đơn giản như vậy với con mình. Ông nói điều gì đó quan trọng hơn thế nhiều, điều mà chúng ta có thể hiểu theo cách này: “Cha sẽ hạnh phúc mỗi khi thấy con hành động với sự khôn ngoan, và cha sẽ cảm động mỗi khi cha nghe con nói lời chính trực. Đây là điều cha muốn để lại cho con, điều duy nhất này sẽ trở thành của con: thái độ để cảm nhận và hành động, để nói năng và phán đoán bằng sự khôn ngoan và chính trực. Và để con có thể giống như vậy, cha đã dạy con những điều con chưa biết, cha đã sửa dạy con các lỗi lầm mà con không thấy. Cha đã khiến con cảm nhận tình yêu thương sâu sắc và đồng thời kín đáo, điều mà có lẽ con đã không nhận ra hết khi con còn trẻ và chưa chắc chắn. Cha đã trao cho con một lời chứng về tính nghiêm khắc và kiên định mà có lẽ con không hiểu, khi con chỉ yêu thích sự đồng lõa và bảo vệ. Trước tiên cha đã phải tự mình kiểm điểm sự khôn ngoan của lòng dạ cha, tỉnh thức trước những cảm xúc thái quá và sự oán giận của mình, để chống đỡ sức nặng của những hiểu lầm không thể tránh khỏi, mà tìm ra những lời lẽ thích hợp làm cho chính cha hiểu được.” Bây giờ, người cha nói tiếp: “Cha thấy rằng con nỗ lực làm theo cách này đối với các con của con và với mọi người, và điều đó khiến cha cảm động. Cha thật hạnh phúc khi được làm cha của con”. Đây là điều mà một người cha khôn ngoan, một người cha trưởng thành thốt ra. Một người cha biết rất rõ cái giá phải trả để truyền lại di sản này: gần gũi như thế nào, dịu dàng như thế nào và kiên quyết như thế nào. Nhưng lời an ủi và sự đền bù mà người cha nhận được là khi con cháu tôn vinh di sản này! Đó là niềm vui tưởng thưởng cho mọi công khó vất vả, là điều vượt qua được mọi hiểu lầm và chữa lành mọi vết thương.

Vì thế, nhu cầu trước tiên chính xác là thế này: người cha phải hiện diện trong gia đình. Ông phải gần gũi với vợ, chia sẻ mọi thứ, lúc vui sướng cũng như lúc sầu khổ, lúc hy vọng cũng như lúc vất vả. Và ông ở bên con cái khi chúng lớn lên: khi chung vui chơi và khi chúng cố gắng, khi chúng vui tươi và khi chúng buồn rầu, khi chúng nói nhiều và khi chúng im lặng, khi chúng chúng táo bạo và khi chúng sợ sệt, khi chúng lạc lối và khi chúng tìm lại được đường đi; một người cha luôn luôn hiện diện. Nói là “hiện diện” chứ không nói “kiểm soát”! Những người cha quá kiểm soát đến nỗi triệt tiêu con cái của họ, không để cho chúng phát triển.

Phúc Âm nói với chúng ta về mẫu gương của Chúa Cha Đấng ngự trên Trời – Đấng duy nhất, Chúa Giêsu nói, mới có thể thực sự được gọi là “Người Cha nhân lành” (x. Mc 10,18). Mọi người đều biết dụ ngôn lạ thường về “đứa con hoang đàng”, hay đúng hơn là “người cha nhân hậu”, mà chúng ta tìm thấy trong Phúc Âm Lu-ca ở chương 15 (x. 15,11-32). Thật cao quý và êm ái dịu dàng biết bao khi có sự mong chờ của người cha, là người đứng trước cửa nhà chờ đứa con mình trở về! Các ông bố phải kiên nhẫn. Thường thì không có gì khác để làm ngoài chờ đợi; cầu nguyện và chờ đợi với sự kiên nhẫn, dịu dàng, lòng đại lượng và thương xót.

Người cha tốt là người cha biết chờ đợi và biết tha thứ từ những nơi sâu thẳm của lòng dạ mình. Chắc chắn, ông cũng biết cách sửa dạy cách cương quyết: ông không phải là một người cha yếu đuối, dễ phục tùng và đa cảm. Người cha biết cách sửa trị mà không làm bẽ mặt là người cha biết cách bảo vệ mà không tiếc thân. Có lần tôi nghe một người cha trong một hội nghị về hôn nhân nói: “Đôi khi tôi phải đánh nhẹ con cái… nhưng không bao giờ đánh thẳng vào mặt để không làm chúng bẽ mặt”. Đẹp làm sao! Ông ấy có một cảm thức về phẩm giá. Ông phải trừng phạt, nhưng ông làm điều đó một cách chính trực, và tiếp tục.

Vậy, giả như có ai có thể giải thích đầy đủ lời nguyện trong “Kinh Lạy Cha” do Chúa Giêsu dạy, thì đó chính là người sống tình cha ở ngôi thứ nhất. Nếu không có ân sủng đến từ Chúa Cha Đấng ngự trên Trời, thì những người cha sẽ mất can đảm và rời bỏ lều trại. Nhưng những người con cần tìm một người cha đang đợi chúng trở về nhà sau thất bại. Chúng sẽ làm mọi cách để không thừa nhận cha, không thể hiện với cha, nhưng chúng cần cha; và nếu không tìm thấy cha thì những vết thương khó chữa lành trong chúng sẽ lớn ra.

Giáo hội, mẹ của chúng ta, cam kết hỗ trợ bằng tất cả sức lực của mình sự hiện diện tốt lành và quảng đại của những người cha trong các gia đình, vì họ là những người canh giữ và là người trung gian không thể thay thế của niềm tin vào sự thiện, niềm tin vào công lý và vào sự bảo vệ của Thiên Chúa, giống như Thánh Giu-se.

Phúc Thiên Thư dịch