Chống bọn người gian lận và đầu cơ: (Am 8, 4-70)
4 Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
5 Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
6 Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”
7 ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.
8 Há chẳng phải vì vậy mà mặt đất rung chuyển và toàn thể dân cư lâm cảnh tang tóc đó sao? Cả mặt đất dâng lên như thể sông Nin, nó phình lên xẹp xuống tựa Con Sông bên Ai-cập.
Chúa bênh vực người nghèo bị áp bức, chúa kêu gọi người tội lỗi
Cách đây 28 thế kỷ, thời ngôn sứ Amos, mà những lời này nghe như đang còn âm vang trong chính xã hội và thương trường nhiều lọc lừa hôm nay. Thì ra thời nào cũng vậy, hễ người ta chạy theo và tôn thờ tiền tài thì họ sẵn sàng dùng đủ trò gian dối, miễn là kiếm lợi, ngay cả bóc lột người nghèo cách tàn nhẫn nhất…
Càng mỉa mai khi đó không phải là những kẻ vô thần duy vật, mà là người ‘có đạo’, có giữ ngày Sa-bát, có thực hành phụng tự các dịp đại lễ! Hãy tưởng tượng, Thiên Chúa đau lòng biết bao. Ngài dùng ngôn sứ Amos để mạnh mẽ tố cáo tình trạng băng hoại không thể chấp nhận được ấy. “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước… Ngày ấy Ta sẽ khiến mặt trời lặn ngay giữa chính ngọ, và sẽ khiến mặt đất ra tối tăm giữa ban ngày. Ta sẽ làm cho các ngày đại lễ của các ngươi trở nên ngày tang tóc, cho các bài ca trở thành lời khóc than. Ta sẽ lấy bao bố đặt trên lưng các ngươi và khiến mọi người trọc đầu. Ta sẽ làm cho ngày ấy trở thành như ngày tang mất con một, và sau cùng nó trở nên ngày cay đắng”…
Thiên Chúa của Thánh Kinh, của đức tin chúng ta, thì như thế đó. Ngài luôn bênh vực những người cùng khổ, những người bị áp bức bởi những kẻ quyền lực, giàu có mà bất nhân. Thiên Chúa không bao giờ bất lực hay vô tâm. Ngài luôn hành động theo đường lối của Ngài.
Nhưng chúng ta sẽ lầm nếu nghĩ rằng hành động của Thiên Chúa chỉ bao gồm cảnh cáo và trừng phạt là … hết bài. Không, câu chuyện tiếng gọi dành cho Máttheu cho thấy hành động của Thiên Chúa còn bất ngờ thú vị hơn nhiều. Xem nào, Máttheu người thu thuế là nhân vật đại diện cho thói vụ lợi, áp bức, bất công như nói trên. Một thành phần được coi là tội lỗi công khai! Thế nhưng, tận thâm tâm con người này vẫn còn le lói khát vọng thay đổi, dù yếu ớt. Chúa Giêsu đã bước tới và lên tiếng gọi Máttheu. Người dùng bữa tại nhà Máttheu, cùng với các đồng nghiệp thu thuế của ông, với các môn đệ của Người, và những người khác nữa… Đây là hành động đón nhận, được chính Chúa Giêsu giải thích rằng “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”!
Tấm lòng của Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu, đã được đền đáp. Máttheu đứng dậy, đi theo… Máttheu bắt đầu một cuộc thay đổi ngoạn mục trong tâm hồn và trong lối sống của mình. Cuộc đời của Máttheu được định hướng lại, được gắn với mục tiêu mới, được trao ý nghĩa mới…
Đức thánh cha Phan xi cô cảm nghiệm sâu xa loại kinh nghiệm này của Máttheu, như gói ghém trong khẩu hiệu giám mục của ngài: Miserando atque eligendo – “Tôi là một người tội lỗi ĐƯỢC CHÚA ĐOÁI THƯƠNG NHÌN ĐẾN VÀ TUYỂN CHỌN”!
Xin cho mỗi chúng ta cũng cảm nghiệm sâu xa như vậy!
(Thứ Năm, tuần 13 TN)
Linh mục Lê Công Đức
Phần Lời Chúa: Nhóm Phiên dịch CGKPV, Kinh Thánh ấn bản 2011.