Chứng từ đức tin của một nhà khoa học

Hình Francis Collins nhận giải Templeton

Tiến sĩ Francis Collins là Giám đốc Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) từ năm 2012-2022, người đứng đầu Dự án bản đồ gen người (Human Genome Project) và đưa dự án này đến thành công. Ông cũng là tác giả quyển sách nổi tiếng The Language of God (Ngôn ngữ của Chúa). Năm 2013, ông được trao giải thưởng Templeton danh giá. Trong bài phát biểu khi nhận giải, ông đã kể lại hành trình đức tin của mình, và niềm xác tín về sự hài hòa giữa đức tin và khoa học.

Francis Collins lớn lên trong một xã hội không mấy quan tâm đến tôn giáo: “Tại Hoa Kỳ, gần 6/10 người trưởng thành nói rằng khoa học và tôn giáo thường xuyên xung đột. Chắc chắn đó cũng là quan điểm của tôi khi lớn lên ở Virginia, không có nhiều kinh nghiệm thiêng liêng nhưng rất say mê phương pháp khoa học. Đối với tôi, xem ra đức tin là phản đề của tiếp cận thuần lý khoa học mà tôi muốn theo đuổi, và vì thế, không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi sa vào chủ trương bất khả tri và cuối cùng là vô thần”.

Cơ may nào khiến ông tìm đến niềm tin tôn giáo? “Rồi tôi chuyển từ ngành cơ học lượng tử sang trường y, và ở đó không thể không biết đến câu hỏi về ý nghĩa đời sống và thực tại của sự chết. Khoa học không giúp gì được nhiều cho tôi trong lĩnh vực này. Chung quanh tôi là các bệnh nhân, và một vài giáo sư của tôi nữa – với những người này, đức tin cung cấp cho họ một cách thế để đương đầu với những câu hỏi sâu xa về cuộc đời. Thật khó hiểu! Một trong các bệnh nhân chất vấn tôi xem tôi tin như thế nào về Thiên Chúa, và tôi nhận ra chủ trương vô thần của mình thật mong manh. Tôi bắt đầu hành trình cố gắng tìm hiểu xem tại sao những người rất giỏi về mặt trí thức lại vẫn có thể tin vào Thiên Chúa – và thật ngỡ ngàng là tôi lại khám phá ra rằng chủ trương vô thần hóa ra lại là chọn lựa yếu ớt nhất trong các chọn lựa”.

Rồi Francis Collins kiên trì tìm kiếm câu trả lời: “Suốt hơn hai năm, với sự giúp đỡ của người hướng dẫn và những tác phẩm của C.S. Lewis, tôi dần dần đi tới kết luận là niềm tin vào Thiên Chúa, dù không thể chứng minh, nhưng là chọn lựa thích hợp nhất của lý trí. Hơn nữa, tôi thấy trong chính khoa học mà tôi rất yêu mến vẫn thiếu một điều gì đó – đó là bằng chứng về Đấng Tạo Hóa: có điều gì đó thay vì hư vô; vũ trụ này có một khởi đầu; nó vận hành theo những định luật toán học tuyệt vời…Thiên Chúa phải là nhà vật lý và toán học tuyệt hảo!”

Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn đi xa hơn nữa: “Nhưng Thiên Chúa có quan tâm đến tôi chăng? Các tôn giáo lớn trên thế giới trả lời là có, nhưng tại sao tôi nên tin tưởng như thế? Và rồi tôi gặp một người không những tuyên bố rằng ngài có những câu trả lời, ngài biết Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là Thiên Chúa. Đó là Đức Giêsu Kitô. Tôi đã từng nghĩ Ngài chỉ là chuyện thần thoại, nhưng có những bằng chứng lịch sử hết sức thuyết phục về sự hiện hữu thật sự của Ngài: đời sống, sự chết và đương nhiên cả sự phục sinh. Và khi sự thật của Tân Ước thấm nhuần, tôi nhận ra là tôi được gọi đi đến một quyết định. Năm 27 tuổi, không thể cưỡng lại được nữa, tôi trở thành Kitô hữu”.

Trở thành Kitô hữu, Francis Collins làm chứng cho sự hài hòa giữa đức tin và khoa học: “Khi nghe tôi tâm sự về niềm tin mới mẻ của mình, các bạn bè tiên báo rằng sẽ chỉ được thời gian ngắn thôi. Bởi lẽ lúc đó tôi là một bác sĩ quan tâm đến di truyền học. Di truyền học có nghĩa là DNA, và DNA tức là tiến hóa. Khi đó tôi xác tín rằng tiến hóa không chỉ là một lý thuyết, nhưng là điều được nhiều bằng chứng nâng đỡ, làm cho nó có sức hút như trọng lực. Họ cho rằng chắc chắn đầu tôi sẽ nổ tung khi những xung đột xuất hiện. Thế nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Đây là một trong những bi kịch của 150 năm qua, khi người ta đọc những chương đầu của sách Sáng Thế theo mặt chữ, và coi đó như bản kiểm tra về đức tin Kitô nghiêm túc. Cách đây 1600 năm, thánh Augustino đã cảnh báo về lối giải thích như thế. Những lời thần bí và uy lực trong sách Sáng Thế về tạo dựng nói cho chúng ta biết ta là ai và Thiên Chúa là ai, chứ không bao giờ có ý trở thành sách giáo khoa về khoa học”.

Hơn thế nữa, “Thấy được nỗi đau mà sự xung đột giữa đức tin và khoa học gây ra, tôi quyết định viết về điều đó trong quyển The Language of God (Ngôn ngữ của Chúa). Tôi ngạc nhiên khi thấy quyển sách đã ảnh hưởng đến nhiều người đang tìm kiếm. Nhận ra nhu cầu phải có nơi gặp gỡ để đối thoại cách nghiêm túc về những vấn đề này, tôi và vợ tôi đã thành lập Biologos như diễn đàn gặp gỡ và trao đổi về đức tin và khoa học www.biologos.org.

Trong phần cuối bài phát biểu, Francis Collins đưa ra những lời kêu gọi tha thiết về việc vun đắp những giá trị thiêng liêng làm nền cho cuộc sống hài hòa trong một thế giới quá nhiều xung đột và mâu thuẫn như ngày nay.

“Chúng ta cần quan tâm tới sự trống rỗng về thiêng liêng đang gia tăng, khiến nhiều người trong chúng ta sống vật vờ, tạm bợ, vô định. Agnes Deaton và Ann Case viết về việc sự trống rỗng này góp phần thế nào vào việc làm gia tăng những cái chết vì ma túy quá liều và những chuyện khác – “cái chết của tuyệt vọng”. Nhưng còn có nhiều hậu quả khác do tình trạng nghèo đói thiêng liêng này. Chúng ta cần phải cắm neo lại vào những sự thật thiêng liêng cung cấp cho ta nền đá trên đó ta xây dựng tương lai. Hãy quay lại với Tám Mối Phúc trong Bài Giảng Trên Núi để thấy đâu là phúc lành dành cho lối sống Thiên Chúa dự định cho chúng ta: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1-12).

“Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải trở lại với tiếng gọi hãy yêu thương nhau. Không chỉ yêu thương những người đồng ý với chúng ta, nhưng cả thù địch của mình. Tình yêu mạnh hơn hận thù. Bạn không thể thường xuyên cầu nguyện cho một người và tiếp tục khinh ghét họ. Một trong những câu Kinh Thánh tôi yêu thích nhất là những lời trong thư Colosse 3,12-14: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại… Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”.

Hãy hình dung một nhà khoa học đang rao giảng Tin Mừng trên diễn đàn quốc tế! Vẫn có những nhà khoa học như thế và bản thân họ là bằng chứng thuyết phục về sự hài hòa giữa khoa học và đức tin tôn giáo.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net