CÁC BÀI GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH
QUYỂN 1
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
2014-2015
Các văn bản lấy từ
www.vatican.va
© Libreria Editrice Vaticana
2015 Văn Phòng Thông Tin
của Opus Dei
www.opusdei.org
Các văn bản tiếng Việt
© www.giaohuanxahoi.com
Các trích dẫn Kinh thánh, Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ
Kinh Thánh ấn bản 2011
Tiếp kiến chung
Ngày 11-2-2015
Anh Chị Em thân mến, Chào Buổi sáng,
Sau suy tư về hình ảnh người mẹ và người cha, trong bài giáo lý về gia đình này, tôi muốn nói về con cái, hay thậm chí tốt hơn, về trẻ em. Tôi sẽ sử dụng một hình ảnh đẹp từ I-sai-a. Nhà tiên tri viết:
“Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
Trước cảnh đó,
mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực,
vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang
sẽ đổ về biển cả,
của cải muôn dân nước
sẽ tràn đến với ngươi.”
Đó là một hình ảnh huy hoàng, một hình ảnh hạnh phúc được thể hiện trong sự đoàn tụ của cha mẹ và con cái, cùng nhau hành trình hướng tới một tương lai tự do và hòa bình, sau một thời gian dài thiếu thốn và chia ly, khi dân tộc Do Thái phải rời xa quê hương của họ.
Về yếu tính, có một mối liên kết chặt chẽ giữa niềm hy vọng của một dân tộc với sự hòa hợp giữa các thế hệ. Chúng ta phải xem xét điều này cách cẩn thận. Có một mối liên kết chặt chẽ giữa niềm hy vọng của một dân tộc và sự hòa hợp giữa các thế hệ. Niềm vui của con cái khiến trái tim cha mẹ rung động và mở ra lại với tương lai. Con cái là niềm vui của gia đình và xã hội. Chúng không phải là vấn đề bàn cãi của sinh học sinh sản, cũng không phải là một trong những cách để hoàn thiện bản thân, lại càng không phải là một thứ của cải của cha mẹ chúng… Không. Con cái là quà tặng, chúng là quà tặng: Anh chị em có đồng ý không? Trẻ em là quà tặng. Mỗi một con người là độc nhất vô nhị và không ai có thể thay thế được; đồng thời gắn liền với cội nguồn của những người con ấy cách không thể lầm lẫn được. Thật vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, làm đứa con trai và con gái có nghĩa là mang trong chính mình cái ký ức và niềm hy vọng của một tình yêu được nên trọn lành trong chính sự nhen nhóm của sự sống cho một con người hoàn toàn khác, vừa độc đáo vừa mới mẻ. Và đối với cha mẹ, mỗi đứa con đều độc đáo, đều khác biệt và đều đa dạng. Cho phép tôi chia sẻ một kỷ niệm gia đình. Tôi nhớ mẹ tôi đã nói gì về chúng tôi – chúng tôi có năm anh em: – “Mẹ có năm đứa con”. Khi chúng hỏi mẹ: “Mẹ yêu đứa nào nhất”, mẹ trả lời: “Mẹ có năm đứa con, giống như năm ngón tay. [Bà giơ các ngón tay mình ra] Nếu chúng đánh ngón này, mẹ sẽ đau lòng; nếu chúng tấn công ngón kia, mẹ sẽ đau lòng. Cả năm ngón đều làm mẹ đau lòng. Tất cả đều là con của mẹ và tất cả các con đều khác nhau như năm ngón tay của một bàn tay”. Và gia đình là như thế đó! Con cái đều khác nhau, nhưng tất cả đều là con cái.
Một đứa con được yêu thương vì nó là con của mình: không phải vì nó xinh đẹp, hoặc vì nó thế này hay thế kia; không, bởi vì nó là đứa con! Không phải vì nó nghĩ giống như mình nghĩ, hay nó là hiện thân cho ước mơ của mình. Đứa con là đứa con: một cuộc sống do chúng ta tạo ra nhưng là để dành cho nó, cho sự thiện hảo của nó, cho sự thiện hảo của gia đình, của xã hội, và của nhân loại nói chung.
Từ đây cũng rút ra được sự sâu sắc về kinh nghiệm làm đứa con trai hay con gái, một kinh nghiệm cho phép chúng ta khám phá chiều kích nhưng không nhất của tình yêu, là chiều kích không bao giờ ngừng làm chúng ta hết ngạc nhiên. Đó chính là vẻ đẹp của việc được yêu thương trước tiên: con cái được yêu thương trước khi chúng được sinh ra. Vì vậy, tôi thường gặp những bà mẹ ở quảng trường đang mang bầu và xin tôi chúc lành… những em bé này được yêu thương trước khi chào đời. Và cái này là miễn phí, đây là tình yêu; chúng được yêu thương trước khi sinh ra, giống như tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn yêu thương chúng ta trước. Chúng được yêu thương trước khi làm bất cứ điều gì xứng đáng với tình yêu đó, trước khi biết nói năng hay suy nghĩ, ngay cả trước khi chào đời! Trở thành con cái là điều kiện cơ bản để nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, là nguồn mạch tối hậu của phép lạ đích thực này. Trong linh hồn của mỗi đứa trẻ, cho dù nó dễ bị tổn thương, nhưng Thiên Chúa vẫn đóng dấu ấn của tình yêu này, đặt làm nền tảng cho phẩm giá cá nhân của chúng, một phẩm giá mà không gì và không ai có thể phá hủy được.
Ngày nay, con cái có vẻ khó khăn hơn để tưởng tượng được tương lai của chúng. Những người cha – như tôi đã đề cập đến điều này trong các bài giáo lý trước – có lẽ đã lùi đi một bước và con cái trở nên không chắc chắn hơn trong việc tiến lên phía trước. Chúng ta có thể học được mối quan hệ tốt đẹp giữa các thế hệ từ Cha Trên Trời, là Đấng để cho mỗi chúng ta được tự do nhưng không bao giờ để để chúng ta một mình. Và nếu chúng ta lầm lỗi, Người vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta bằng sự kiên nhẫn, không hề giảm bớt tình yêu dành cho chúng ta. Cha Trên Trời của chúng ta không bao giờ lùi bước trong tình yêu của Người dành cho chúng ta! Người luôn tiến tới và giả như Người không thể tiến tới thì Người chờ đợi chúng ta, nhưng Người không bao giờ lùi bước; Người muốn các con của Người trở nên dũng cảm và tiến bước về phía trước.
Về phần mình, con cái không được sợ hãi nhiệm vụ xây dựng một thế giới mới: việc chúng muốn cải thiện về những gì chúng đã lãnh nhận là điều chính đáng! Nhưng điều này phải được thực hiện mà không kiêu ngạo, không tự phụ. Người ta phải biết cách ghi nhận nhân đức của con cái, và cha mẹ luôn xứng đáng được thảo kính.
Điều răn thứ tư đòi hỏi con cái – tất cả chúng ta đều là những người con! – hãy thờ cha kính mẹ (x. Ex 20,12). Điều răn này đến ngay sau những điều răn đối với chính Thiên Chúa. Quả thật, Điều răn này chứa đựng một điều gì đó thiêng liêng, một điều gì đó thuộc Thiên Chúa, một điều gì đó nằm ở gốc rễ của mọi loại kính trọng khác ở giữa loài người. Và công thức Kinh Thánh của Điều răn thứ tư được thêm vào: “để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”. Mối dây nhân đức giữa các thế hệ là sự bảo đảm cho tương lai, và là sự bảo đảm cho một lịch sử nhân loại đích thực. Một xã hội có những người con không biết thảo kính cha mẹ là một xã hội không có danh dự; khi một người không thảo kính cha mẹ mình thì người ấy mất đi danh dự của mình! Đó là một xã hội được định sẵn để chất chứa những người trẻ khô khan và khao khát. Tuy nhiên, một xã hội không có đủ các thế hệ, tức là xã hội không yêu thích được vây quanh bởi trẻ em, coi chúng không khác gì là một nỗi lo, một gánh nặng, một sự rủi ro, là một xã hội thất vọng. Chúng ta hãy xem xét nhiều xã hội mà chúng ta biết ở Châu Âu: đó là những xã hội thất vọng, bởi vì họ không muốn có con, họ không sinh con, tỷ lệ sinh không đạt tới một phần trăm. Tại sao? Mỗi người chúng ta hãy suy xét và trả lời. Nếu một gia đình đông con mà bị coi là gánh nặng thì có điều gì đó sai! Thế hệ của con cái phải có trách nhiệm, như Thông điệp Humanae Vitae của Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI dạy, nhưng việc có nhiều con không thể tự động trở thành một lựa chọn vô trách nhiệm. Không muốn có con là một lựa chọn ích kỷ. Cuộc sống sẽ được trẻ hóa và thu được năng lượng nhờ việc sinh sản: nó trở nên phong phú chứ không bị nghèo đi! Con cái học cách chịu trách nhiệm với gia đình mình. Chúng trưởng thành trong việc chia sẻ khó khăn của gia đình. Chúng lớn lên trong sự biết ơn về những quà tặng của gia đình. Kinh nghiệm hạnh phúc về tình huynh đệ truyền cảm hứng cho sự kính trọng và quan tâm dành cho cha mẹ. Lòng biết ơn của chúng ta dành cho các ngài là bổn phận. Rất nhiều người trong số các bạn có mặt ở đây đều có con và tất cả chúng ta đều là con cái. Chúng ta hãy làm điều gì đó, chúng ta hãy giữ một phút thinh lặng. Mỗi người chúng ta hãy nghĩ trong thâm tâm về con cái của mình – nếu có; – thinh lặng suy nghĩ. Và tất cả chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ mình và tạ ơn Thiên Chúa vì quà tặng của sự sống. Trong thinh lặng, những ai có con đều nghĩ đến chúng, và mỗi người hãy nghĩ đến cha mẹ mình. (Thinh lặng). Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho cha mẹ chúng ta và ban ơn lành cho con cái của anh chị em. Xin Chúa Giêsu, Người Con vĩnh cửu, Đấng đã trở thành một hài nhi vào thời viên mãn, giúp chúng ta tìm ra con đường của ánh quang rực rỡ về kinh nghiệm làm con vĩ đại và đơn giản này của con người. Trong sự sinh sản của các thế hệ, có một mầu nhiệm làm phong phú thêm sự sống của tất cả mọi người, là mầu nhiệm đến từ chính Thiên Chúa. Chúng ta phải tái khám phá mầu nhiệm ấy, chất vấn thành kiến; và sống mầu nhiệm đó, trong đức tin, trong niềm hạnh phúc trọn hảo. Và tôi nói với các bạn: thật đẹp biết bao khi tôi đi ngang qua giữa anh chị em và nhìn thấy các ông bố và các bà mẹ nâng con mình lên để được chúc lành; đây là một cử chỉ thuộc về Thiên Chúa. Cảm ơn anh chị em đã làm điều đó!
Phúc Thiên Thư dịch