Con đường phi bạo lực của Chúa Giê-su

4. VƯỜN NHO CỦA ÔNG NA-VỐT

Ông Na-vốt từ chối, không chịu nhượng vườn nho của mình

1 Sau những sự việc đó, thì xảy ra chuyện ông Na-vốt người Gít-rơ-en có một vườn nho bên cạnh cung điện vua A-kháp, vua Sa-ma-ri.2 Vua A-kháp nói với ông Na-vốt rằng: “Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc.”3 Nhưng ông Na-vốt thưa với vua A-kháp: “Xin ĐỨC CHÚA đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!”

Vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven

4 Vua A-kháp trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Na-vốt, người Gít-rơ-en đã nói với vua: “Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua.” Vua nằm trên giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì.5 Hoàng hậu I-de-ven đi vào, nói với vua: “Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua không chịu ăn uống gì như vậy?”6 Vua trả lời: “Tôi đã nói chuyện với Na-vốt người Gít-rơ-en và bảo nó: Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta mà lấy tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho một vườn nho khác. Nhưng nó lại nói: “Tôi không nhượng vườn nho của tôi cho vua được.”7 Bấy giờ, hoàng hậu I-de-ven nói với vua: “Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-vốt người Gít-rơ-en.

Ông Na-vốt bị giết

8 Bấy giờ, bà nhân danh vua A-kháp viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Na-vốt.9 Trong thơ bà viết rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng.10 Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: “Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết.”

11 Dân chúng, kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà I-de-ven như trong thơ bà đã viết gửi cho họ.12 Họ công bố thời kỳ chay tịnh và đặt ông Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng.13 Rồi có hai kẻ vô lại đi vào, ngồi đối diện với ông. Những kẻ vô lại ấy tố cáo ông Na-vốt trước mặt dân rằng: “Na-vốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua.” Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném đá ông. Ông đã chết.14 Họ sai người đi nói với bà I-de-ven: “Na-vốt đã bị ném đá chết.”15 Khi bà I-de-ven nghe biết ông Na-vốt đã bị ném đá chết, thì nói với vua A-kháp: “Xin vua đứng dậy và chiếm đoạt vườn nho của Na-vốt, người Gít-rơ-en, kẻ đã từ chối không chịu nhượng cho ngài để lấy tiền, vì Na-vốt không còn sống nữa, nó chết rồi.”16 Khi nghe biết ông Na-vốt đã chết, vua A-kháp đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Na-vốt, người Gít-rơ-en.

Con đường phi bạo lực của Chúa Giê-su

Khi người ta vừa có quyền lực vừa tham lam, thì họ làm gì? Họ sẽ dùng quyền lực để thoả mãn lòng tham của mình – nếu như không phải biện pháp đầu tiên, thì đó cũng là biện pháp cuối cùng! Lịch sử xưa nay thường xuyên làm chứng cho cái mô típ bất công và phi nhân này. Do đó, thời nào cũng có những nạn nhân khốn khổ khi điều này xảy ra. Ông Na-vốt trong sách 1 Các Vua là một nạn nhân như thế. Ông bị nhà vua cướp đất vườn thừa kế của mình. Và để cướp được đất của ông, vua A-kháp đã không ngần ngại nghe lời xúi quẩy của hoàng hậu để vu cáo và giết ông.

May là thời nào cũng… có Chúa (!), để cho các nạn nhân vô tội chịu oan khiên còn có được điểm tựa! Bởi Thiên Chúa “không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác” (x. Đáp ca, Tv 5,2-3.5-6.7).

Và vì có Thiên Chúa là điểm tựa của mình và là Đấng xét xử, nên con cái Chúa – những người công chính – không dùng bạo lực đáp lại bạo lực! Đây là giáo huấn của Chúa Giêsu, một giáo huấn để ‘kiện toàn’/thay thế đường lối ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Giáo huấn về ‘phi bạo lực’ này không dễ hiểu và không dễ đón nhận. Vì người ta sẽ chất vấn, nại vào những lý lẽ như tự vệ, đòi công lý, hay để tránh tai tiếng rằng ‘tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng’!

Những chất vấn ấy có cơ sở, song có thể được trả lời, và chúng không bác bỏ được tinh thần phi bạo lực của Chúa Giêsu. Chính cái chết thập giá của Chúa Giêsu là câu trả lời mạnh mẽ và dứt khoát nhất cho những chất vấn ấy. Những cái chết của các vị tuẫn đạo trong suốt dòng lịch sử luôn âm vang lại tinh thần phi bạo lực từ Thập giá của Thầy Chí Thánh.

Xin Chúa cho tất cả chúng ta là những Kitô hữu hiểu được và sống được tinh thần phi bạo lực của Chúa!

Suy niệm: Linh mục Lê Công Đức (Thứ Hai, tuần 11 TN)
Bài đọc sách 1 Các Vua: https://augustino.net/kinh-thanh/cuu-uoc/sach-cac-vua-1/21/