A – Công Giáo và Chính Trị.
Năm 1991, sau khi thể chế Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Bang Sô Viết, một số dư luận cho rằng hai người có công lớn trong việc làm cho Cộng Sản sụp đổ, đó là Tổng Thống Michael Gorbaciov (vị Tổng Thống cuối cùng của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết) với chủ trương “Glassnost” và “Perestroika”, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, với những phương cách hành xử của Ngài.
Để xác định rõ thực hư nguồn dư luận trên, Enzio Mauro và Paolo Mieli, hai đặc phái viên của tờ La Stampa, một trong những nhật báo lớn nhứt ở Ý, đã xin phép được phỏng vấn Đức Giáo Hoàng:
– “Kính thưa Đức Thánh Cha, người ta đồn rằng Đức Thánh Cha làm chính trị, Đức Thánh Cha nghĩ sao?”.
– “Tôi nghĩ rằng không thể hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng là rao giảng Phúc Âm, nhưng trong Phúc Âm có con người. Sự tôn trọng đối với con người, tức là nhân quyền, tự do lương tâm và tất cả những gì thuộc về quyền sống xứng đáng của con người. Nếu tất cả những điều đó có một giá trị chính trị, thì đúng Đức Giáo Hoàng có làm chính trị. Nhưng Ngài luôn luôn đề cập đến con người, Đức Giáo Hoàng bênh vực con người” (Ezio Mauro e Paolo Mieli, “Giovanni Paolo II”, La Stampa 04.03.91, p.2).
Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng cho hai ký giả nhật báo La Stampa lược tóm mối tương quan đúng đắn giữa Tôn Giáo và Chính Trị, đề tài được bàn cãi không ít, với thiện cảm cũng có và ác cảm, lợi dụng ẩn nấp dưới bình phong “tôn giáo không làm chính trị” cũng không thiếu.
Dựa vào câu trả lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta thử tìm hiểu một vài chi tiết trong câu nói để làm sáng tỏ vấn đề.
– “Nhưng trong Phúc Âm có con người”.
Con người trong Phúc Âm hay con người của Ki-tô giáo là ai, mà
– “Ngài luôn luôn đề cập đến con người, Đức Giáo Hoàng bênh vực con người”?
– Đó là con người được Thiên Chúa sáng tạo giống hình ảnh Ngài:
* “Ta hãy dựng con người giống như Ta” (St 1, 26)
* “Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa
Người Nam và người Nữ, Thiên Chúa dựng nên” (St 1, 27).
“Giống như Thiên Chúa” (St 1, 26)
“Giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 27) có nghĩa là Thiên Chúa ban cho con người có trí thông minh và lòng yêu chuộng tự do, phản ảnh lại trí khôn vô hạn và tự do không bị bất cứ một điều kiện gì ràng buộc của Thiên Chúa.
– Con người được ban cho trí khôn và lòng ước muốn tự do đó, được Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể nhắc lên địa vị con Thiên Chúa, dạy cho họ gọi Thiên Chúa là Cha:
“Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế nầy:
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 9).
– Và sau cùng con người đó được Thiên Chúa ban cho quyền được tham dự vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, vào đời sống nội tại mà Thiên Chúa đang sống:
“Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy (của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pt 1,4).
Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người là con cái Thiên Chúa và con người được hưởng gia tài bản tính thần linh của Thiên Chúa.
Địa vị con người cao cả như vậy cắt nghĩa tại sao “Ngài luôn luôn đề cập đến con người, Đức Giáo Hoàng bênh vực con người” chống lại bất cứ ý thức hệ nào đàn áp, chà đạp và đê tiện hóa con người.
B – Chính trị là gì?
Để có một cái nhìn đúng đắn hơn với chính trị và hiểu rỏ những gì Đức Giáo Hoàng muốn đề cập đến trong câu nói của Ngài, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu chính trị qua những tư tưởng nguyên thủy của nó.
Từ ngữ “Chính Trị” mà chúng ta có, đồng nghĩa với danh từ Politique (Pháp ngữ), Politica (La Tinh và Ý ngữ), Politics (Anh Ngữ).
Tất cả những danh từ “Chính Trị” trong các ngôn ngữ vừa kể đều phát xuất từ danh từ Polis của Hy Lạp, có nghĩa là Thành Phố hay Thị Xã.
Thị Xã trong thời cỗ Hy Lạp (Polis), nhứt là thời Cộng Hoà Athène được tổ chức như những tiểu quốc tự lập, trong đó mọi người được phân chia công tác tùy khả năng, từ gác cổng, quét đường đến tổ chức phòng vệ, sản xuất thủ công nghệ, tổ chức văn hóa nghệ thuật.
Cách tổ chức, phân chia công việc để điều hành mưu ích cho cuộc sống trong Thị Xã (Polis) đó, được người Hy lạp goi là Politiké (đường lối chính trị Quốc Gia, nói theo từ ngữ của chúng ta).
Từ ý nghĩ tổ chức phân chia công việc mà mọi người đều tham gia góp phần sao cho đời sống chung của Thị Xã được ăn khớp nhịp nhàng đó, nảy ra những phương thức áp dụng vào Quốc Gia, làm sao để tổ chức hữu hiệu hơn, hoạt động hoàn hảo hơn, để
– mưu ích cho đời sống của từng cá nhân
– và lợi ích chung cho đời sống trong cộng đồng.
Đó là những tư tưởng khởi thủy của Chính Trị (Politiké, Politque, Politica, Politics, Polis).
Hiểu như vậy, Chính Trị không có gì khác hơn là những phương thức tổ chức Thị Xã (Polis), sao cho đời sống được trôi chảy, nhằm mưu ích cho cá nhân cũng như cho cuộc sống chung của cộng đồng.
Đến thời đế quốc Roma bành trướng qua Hy lạp, người La Tinh thu thập cách tổ chức trên của Hy Lạp cho cuộc sống Thị Xã (Polis) của họ.
Thị Xã trong ngôn ngữ La Tinh là Civis. Người sống trong Thị Xã do đó được gọi là Civilis.
Nhưng Civilis trong ngôn ngữ La Tinh cũng có nghĩa là con người văn minh. Bởi lẽ trong tâm thức người La Tinh chỉ có ai sống trong Thị Xã (Civis), mới là người có cuộc sống văn minh (Civilis), nhờ sáng kiến, việc làm cộng tác của người nầy, giúp đỡ người kia có cuộc sống tốt đẹp hơn và ngược lại.
Còn ai không sống trong Thị Xã, là người không thể nào có cuộc sống tiến bộ cho ra hồn, là người có cuộc sống Bán Khai Mọi Rợ (Barbarus): người không tắm rửa, chải chuốt, có râu ria xồm xàm như quân Hung Nô, sống trong các Làng Mạc Hẻo Lánh (Pagus).
Qua những tư tưởng Polis, Civis, Civilis, Barbarus và Pagus vừa kể, chúng ta có thể rút ra một vài tư tưởng sau đây:
1.a) Chính Trị hiểu theo nghĩa Polis, Civis là những phương thức tổ chức Quốc Gia, nhằm đem lại lợi ích chung cho cuộc sống cộng đồng, nói theo ngôn ngữ chúng ta, mà cũng nhằm phục vụ cho từng người trong cuộc sống Quốc Gia.
Bởi lẽ, Quốc Gia hay Dân Tộc là những danh từ trừu tượng, được thể hiện trên thực tế bằng đời sống của từng người một.
Dĩ nhiên, trong một tập thể chính trị có tổ chức như Quốc Gia, nơi quy tựu chung sống của hàng triệu người, sẽ có nhiều ý kiến và phương thức tổ chức cho cuộc sống chung cũng như liên quan đến đời sống riêng rẻ của từng người, nên công việc lựa chọn thể chế nào thích hợp nhứt sẽ hàm chứa việc người dân có quyền đứng ra quyết định để lựa chọn.
Người dân có quyền lựa chọn phương thức cũng như người lãnh đạo để thực hiện Dân Chủ (Demokratía).
Dân Chủ theo nguyên ngữ Hy Lạp là Demokratía (Demos, dân chúng; Krátos, quyền hành): quyền hành là của dân chúng hay dân chúng là chủ nhân của quyền hành, có quyền định đoạt đường lối tồ chức Quốc Gia hay đường lối Chính Trị.
Những ai muốn đứng ra lãnh đạo Quốc Gia có nhiệm vụ đề ra phương thức tổ chức hay “đường lối lãnh đạo Quốc Gia”, hoặc “chương trình chính trị”, nói theo ngôn ngữ chúng ta, để người dân phán đoán và lựa chọn.
Những cách hành xử thủ đoạn, lường gạt, mỵ dân, khủng bố, cấu kết, bè phái để đoạt lấy và khăng khăng giữ lấy quyền bính, tiêu diệt đối phương là những hành vi băng hoại (dégénération) Chính Trị, chớ không phải Chính Trị, theo nguyên ngữ và tư tưởng cao đẹp khởi thủy của nó.
1.b) Tham dự chính trị.
Người Hy Lạp, người La Tinh cho rằng người sống ngoài Thị Xã (Polis, Civis) là những người bán khai mọi rợ, bởi lẽ đời sống không có tổ chức, để người nầy hỗ trợ người khác, sáng kiến của người nầy bổ túc tạo lợi ích cho người khác, đời sống không thể nào có tiến bộ.
Con người không thể sống lẻ loi, riêng lẻ: nhân vô thập toàn.
Tư tưởng đó vẫn còn có giá trị đối với chúng ta. Chúng ta muốn trở thành văn minh, Civilis, muốn cho đất nước chúng ta tiến bộ, chúng ta phải ở trong Thị Xã (Polis): chúng ta “phải tham dự chính trị”, “làm chính trị”.
Trong một Quốc Gia, tham gia chính trị có nghĩa là
– bầu cử,
– ứng cử để chuyển ý kiến của người dân trong Quốc Hội, hành xử quyền lực được người dân giao phó trong Chính Quyền,
– mà cũng có nghĩa tham gia vào các tổ chức, đảng phái, để nói lên tiếng nói, ảnh hưởng, đặt điều kiện với các tổ chức quyền lực Quốc Gia trong các quyết định chính trị, quyết định có liên quan đến đời sống cá nhân cũng như cộng đồng Quốc Gia, nếu chúng ta không muốn những ai cầm quyền đưa ra các quyết định, áp đặt lên đầu lên cổ chúng ta và đồng bào chúng ta.
Qua những quan niệm khởi thủy của Chính Trị vừa được trình bày, chúng ta thấy rằng muốn có thể đưa ra được
– “đường lối lãnh đạo Quốc Gia và chương trình để thực hiện” hay đường lối Chính Tri,
– chúng ta phải có “Văn Hoá Chính Trị” (Culture Politique) hay
* lý tưởng về con người, về cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng mà chúng ta cho là cao đẹp phải đạt đến
* và những phương thức tổ chức, thực hiện để đạt được mục đích lý tưởng.
Nói cách khác, chúng ta phải có khái nhiệm về Chính Trị theo nghĩa rộng hay Văn Hoá Chính Trị:
Văn Hóa Chính Trị có bổn phận
– thiết định giá trị căn bản của cuộc sống cộng đồng
– hòa hợp giữa bình đẳng và tự do, quyền lực công cộng với quyền tự do, tự lập chính đáng của cá nhân
– và với phương thức tham dự vào đời sống công cộng của cá nhân cũng như của tổ chức đảng phái,
– hòa hợp quyền tối thượng của quốc gia với cuộc chung sống và hổ tương quốc tế.
Nói tóm lại, Chính Trị theo nghĩa rộng là các phương thế và nền tảng luân lý trong các giao tiếp xã hội (Puebla, Evangelizzazione nel presente e nel futuro dell’America Latina, Conclusione della III Conferenza dell’Episcopato Latinoamericano, CELAM, 1979, AVE, Roma 1979, n.521).
Trong khi đó thì Chính Trị theo nghĩa hẹp là:
– phương thế hành xử của đảng phái, công đoàn, Chính Quyền và cơ chế Quốc Gia,
– chương trình hành động thiết thực và chính xác cho mỗi trường hợp cá biệt.
– kỹ thuật chuyển hóa các giá trị, nhu cầu và ước vọng của cá nhân và cộng đồng xã hội dân sự thành hành động để đạt được kết quả thực sự, đem lại công ích cho cộng đồng.
– áp dụng thực tế các đồ án Chính Trị (chính trị theo nghĩa hẹp) đi sau Văn Hoá Chính Trị (Chính trị theo nghĩa rộng) : chuyển hoá các quan niệm hay lý tưởng Văn Hoá Chính Trị thành ứng dụng thực hữu và thành lựa chọn để hành động.
Lãnh vực Chính Trị theo nghĩa hẹp là lãnh vực của giáo dân.
Người giáo dân nhờ điều kiện sống giữa trần thế của họ, họ có thể họp nhau thành chính đảng với ý thức hệ và phương thế thực hiện tương xứng, để đạt được mục đích chính đáng nhằm đạt được (Puebla, id., 524).
C – Nhưng trong Phúc Âm có con người.
Phúc Âm là sứ điệp cho tất cả mọi người được sinh ra trên mặt đất, ở mọi nơi và mọi thời đại.
Qua Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa
– không những mạc khải mầu nhiệm đời sống thần linh của Ngài cho con người, mạc khải Thiên Chúa cho con người,
– mà còn “mạc khải hoàn hảo chính con người cho con người” (Gaudium et Spes, GS, 22):
* con người được dựng nên giống Thiên Chúa (St 1,26),
* con người là con cái của Thiên Chúa (Mt 6,9),
* con người được tiền định tham dự vào bản tính Thiên Chúa (2 Pt 1,4).
Lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được trích dẫn, “Nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng là rao giảng Phúc Âm”, cho thấy sứ mạng của Giáo Hội là sứ mạng tôn giáo, “không thuộc về lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội” (Gaudim et spes (GS, 42).
Nhưng sứ mạng tôn giáo và siêu nhiên của Giáo Hội không tách rời Giáo Hội ra khỏi dòng lịch sử của nhân loại và tách biệt xa mọi thực tại trần thế.
Bởi vì Giáo Hội rao truyền sứ điệp Phúc Âm trong trần thế, được Chúa Giêsu thiết lập nên để hoạt động và tăng trưởng ở giữa trần thế:
– “Nước Thiên Chúa được thực hiện trong lịch sử, trong đó biến cố Nước Trời không phải chỉ là một cái gì được thêm vào quan niệm về con người tự mình hiện hữu trơ trụi trong không gian và thời gian” (GS, 40).
– “Công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu, một đàng nhằm giải thoát con người, đàng khác cũng bao gồm mục đích tác tạo lại tất cả trật tự trần thế. Do đó sứ mạng của Giáo Hội không những có mục đích đem đến cho con người sứ điệp và ân sủng của Chúa Giêsu, mà còn tác động và hoàn hảo hoá trật tự trần thế bằng tinh thần Phúc Âm” (Apostolicam Actuositatem, 5).
Sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng Phúc Âm,
– nhưng không phải rao giảng Phúc Âm trên không trung,
– mà là rao giảng Phúc Âm cho con người đang sống “tại nơi đây và lúc nầy” (hic et nunc) trong xã hội , nói cho con người về Thiên Chúa, về tình yêu của Thiên Chúa đối với họ và mạc khải hoàn hảo chính con người cho con người:
Chính với con người hiện thực đó mà Chúa Giêsu nhập thể, đem đến Phúc Âm , nói về Tin Mừng Nước Trời cho họ.
Mạc khải Ki-tô giáo là những mạc khải được thể hiện trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đến trong thế giới của nhân loại,
– hội nhập vào dòng lịch sử của nhân loại để tiếp đón nhân loại và thế giới , với dòng lịch sử của họ,
– biến đổi và thánh hóa để đưa về cùng Chúa Cha, Đấng Sáng Tạo ra họ và thế giới của họ (GS, 38).
Biến cố Nhập Thể được thực hiện trong suốt lịch sử nhân loại, qua các thế hệ, các nền văn hoá và các biến chuyển thăng trầm của con người, tuần tự nhân loại hóa thế giới mà họ đang sống,
– “mặc cho những thái độ kém hiểu biết, những sai trái, tội lỗi, những sa ngã của nhân loại vào các hành động man rợ và những giai đoạn con người lệch lạc đi ra ngoài con đường cứu rỗi, Biến Cố Nhập Thể vẫn luôn luôn đem con người và thế giới của họ tới gần Đấng Tạo Hóa của họ hơn, mặc cho họ có để ý hay không” (Phaolô VI, Populorum Progressio, 79).
Con người với địa vị cao cả của mình được Phúc Âm mạc khải cho như đã được đề cập, là một thực thể bất di dịch.
Nhưng con người đó sống trong dòng lịch sử và tiến trình văn hoá luôn luôn biến chuyển.
Do đó, đức tin Ki-tô giáo nếu muốn được con người lắng nghe và hiểu biết, đức tin đó, phải luôn luôn được cập nhật hoá hội nhập vào văn hóa (inculturazione), tư tưởng và tập quán của con người.
Đức tin Ki-tô giáo phải biết nói với con người bằng tiếng nói của nền văn hóa trong môi trường và của thời đại con người đang sống.
Đức tin vào Thiên Chúa và các giá trị về con người của đức tin Ki-tô giáo, nếu không được hội nhập văn hóa để diễn tả bằng ngôn ngữ của con người trong hoàn cảnh sống là đức tin câm nín, không ai nghe được.
Đi nói với con người bằng ngôn ngữ cập nhật dễ hiểu của họ, Giáo Hội không thể không quan tâm đến hoàn cảnh xã hội, văn hóa và điều kiện sống của con người trong thực tại.
Bởi đó Công Đồng Vatican II đã nói với con người:
– “Vui mừng và hy vọng, buồn phiền và lo âu của con người, Giáo Hội cảm nhận thực sự và mật thiết liên đới với nhân loại và dòng lịch sử của họ” (GS, 1).
Giáo Hội chia xẻ những vấn đề quan trọng của con người
– “bằng chiếu rọi ánh sáng Phúc Âm để giải thoát con người và canh tân xã hội” (GS, 3).
Bằng ánh sáng Phúc Âm, Giáo Hội can thiệp vào lãnh vực trần thế như thế nào?
Giáo Hội can thiệp vào các lãnh vực trần thế trên phương diện luân lý, bởi vì luân lý liên hệ mật thiết với lãnh vực siêu nhiên, phần rỗi của con người:
– “chính những thực thể trần thế và những tổ chức của con người, trong chương trình an bài của Thiên Chúa, là những thực thể được thiết lập liên hệ đến việc cứu rỗi con người” (Christus Dominus, 12).
Và vì lãnh vực luân lý liên hệ mật thiết đến lãnh vực siêu nhiên, liên quan đến phần rỗi con người, nên Giáo Hội có thẩm quyền can thiệp vào các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị, khi các vấn đề đó có liên quan đến lãnh vực luân lý.
Nói cách khác, Giáo Hội có quyền đem Văn Hoá Chính Trị đến cho các cách tổ chức và hoạt động chính trị.
Dĩ nhiên là những can thiệp vẫn còn nằm trên bình diện luân lý và tôn giáo, những hiểu biết về giá trị của con người, như đã được đề cập, bởi lẽ Giáo Hội không có thẩm quyền trong các vấn đề kỹ thuật chuyên môn:
– “Không có bất cứ trường hợp nào trong đó Giáo Hội có thể từ chối bổn phận của mình, có uy tín can thiệp, không phải đối với các vấn đề kỹ thuật chuyên môn, mà Giáo Hội không có phương tiện thích nghi để can thiệp, nhưng can thiệp vào tất cả những gì có liên quan đến lãnh vực luân lý” (Pio XI, Quadragesimo Anno, 45).
Và trong khi can thiệp vào các vấn đề liên quan đến luân lý, đến Văn Hoá Chính Trị, như vừa kể, Giáo Hội không ngần ngại trình bày vấn đề với tư cách là tiếng nói
– “kinh nghiệm về con người, có khả năng cung hiến cho nhân loại điều gì là sở hữu cá biệt của mình: nhãn quang toàn diện về con người và về xã hội” (Phaolô VI, Popolorum Progressio, 13).
Như vậy Giáo Hội có “đề nghị xã hội” của mình hay Văn Hoá Chính Trị của mình để cống hiến cho cộng đồng nhân loại, đề nghị xã hội dưới ánh sáng Phúc Âm”, để đưa ra những đường lối chính yếu cho xã hội con người (nguyên tắc, tiêu chuẩn để phán đoán và định hướng để tổ chức xã hội nhân loại).
Và tiếp theo những “đề nghị xã hội” hay Văn Hóa Chính Trị có tính cách lý tưởng tổng quát để định hướng đó, bất cứ ai thành tâm thiện chí cũng có thể khai triển thành những đồ án và chương trình thực hiện để tổ chức một xã hội xứng đáng với nhân phẩm con người:
– “đặc tâm chú ý đến các dấu chỉ thời đại, được diển giải theo ánh sáng Phúc Âm và theo lời huấn dạy của Giáo Hội, cả cộng đồng Ki-tô giáo đều được mời gọi hãy lãnh lấy trách nhiệm của mình đối với những việc lựa chọn cụ thể và phương thức thực hiện thiết thực, để đáp ứng lại các nhu cầu luôn thay đổi trong các hoàn cảnh luôn luôn biến chuyển. Các huấn dụ xã hội đều có đặc tính năng động trong tiến trình phát họa và áp dụng. Người tín hữu giáo dân không nên có thái độ là những người thừa hành thụ động, mà là những cộng tác viên tích cực của các vị chủ chăn; chính họ có thể cung cấp cho các vị kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của chính mình” (Puebla, Evangelizzazione nel presente e nel futuro dell’America Latino Conclusione della III Conferenza dell’Episcopato Latinoamericano, AVE, Roma 1979, n. 521).
Và ở một đoạn của tài liệu Thánh Bộ Tín Lý, chúng ta có những xác nhận:
– “Tổ chức một nền văn minh tình thương là một đồ án tổ chức xã hội, một sự thách thức lịch sử, được Giáo Hội đề ra. Một sự thách thức mới mẻ được đề ra cho người Ki-tô hữu đang dấn thân để thực hiện một» nền văn minh tình thương”, như là hậu quả tất yếu của gia sản thừa kế luân lý và văn hóa Phúc Âm. Nhiệm vụ vừa kể đòi buộc phải có động tác suy tư mới mẻ trên mối tương quan giữa giới răn tình thương cao cả và trật tự xã hội trong thực tại phức tạp hiện trạng. Kết luận trực tiếp của tiến trình suy tư sâu sắc là phát họa và thực hiện các chương trình hành động táo bạo để phóng thích hàng triệu con người khỏi các mối áp bức xã hội kinh tế và chính trị đang ngột ngạt đàn áp trên họ” (Congregazione per la Dottrina della Fede, Libertatis conscientia, 22.3.1986, 81).
Ý nghĩa của đoạn văn vừa kể của Thánh Bộ Đức Tin cho thấy
– “Đồ án tổ chức xã hội được Giáo Hội đề ra không phải chỉ giới hạn trong việc nêu ra những nguyên tắc hay những lời kích lệ có tính cách tổng quát cho việc dấn thân xã hội. Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội cốt yếu nhằm định hướng đi đến hành động” (Libertatis conscientia, 72).
Đồ án tổ chức xã hội của Giáo Hội, một nền văn minh tình thương, được đặt nền tảng thần học trên Phúc Âm về con người, nhưng rồi phải được diển giải ra bằng “những đồ án hành động táo bạo để phóng thích hàng triệu người khỏi các mối áp bức xã hội, kinh tế và chính trị” (Libertatis conscientia, 81).
Tư tưởng vừa kể cũng được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nêu lên trong Thông Điệp Mater et Magistra:
– “Giáo Hội không những có quyền và bổn phận bảo vệ các nguyên tắc luân lý và tôn giáo, mà còn có uy quyền can thiệp vào trật tự trần thế, mỗi khi cần phải phán đoán chuẩn định việc áp dụng các nguyên tắc trên vào các trường hợp thực tế” (Gioan XXIII, Mater et Magistra, 239).
Giáo Hội đề ra khuôn mẫu tổ chức xã hội, một nền văn minh tình thương, trong đó con người với địa vị cao cả có được một cuộc sống xứng với nhân phẩm của mình.
Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là sứ mạng tôn giáo,
“Bổn phận của Đức Giáo Hoàng là rao giảng Phúc Âm”,
nhưng điều đó không cho phép Giáo Hội lẫn tránh trách nhiệm» hiện diện trong xã hội“, bởi Chúa Giêsu không rao giảng Phúc Âm cho con người lơ lững trên mây trên gió, mà cho con người sống trong dòng lịch sử với những hoàn cảnh và điều kiện sống phức tạp trong tổ chức xã hội, “nhưng trong Phúc Âm có con người”.
Đồ án tổ chức xã hội, trên bình diện văn hoá chính trị, được Giáo Hội đề ra qua hàng giáo phẩm, các vị lãnh đạo của Giáo Hội đề nghị với mọi người.
Phần thực hiện, phần chính trị theo nghĩa hẹp, là bổn phận của người tín hữu giáo dân cùng cộng tác với những ai thành tâm thiện chí, có cùng chí hướng đứng ra soạn thảo ra đồ án và chương trình thiết thực để thực hiện.
Trong tinh thần phục vụ, với lòng thành thật và khả năng chuyên môn, Chính Trị hay cách tổ chức Quốc Gia để mưu công ích và lợi ích riêng cho từng người, là một trong những hoạt động tối quan trọng,
– bởi vì Chính Trị ảnh hưởng một cách quyết định đến đời sống con người,
– chính trị liên quan đến nhiều phương diện căn bản của cuộc chung sống dân sự: gia đình, việc làm, sức khoẻ, học đường, nhà cửa, bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người.
Lời Chúa trong Phúc Âm cần được “hội nhập văn hoá” vào xã hội con người, tức là các chân lý mạc khải của Phúc Âm cần phải được diển giải biến thành
– những giá trị,
– thành tư tưởng,
– ngôn ngữ và phong tục của mọi dân tộc.
Có như vậy, tinh thần Phúc Âm mới có thể định hướng được các cơ chế xã hội và Quốc Gia, qua tiến trình “trung gian hoà giải” (mediation) của người tín hữu giáo dân.
Người tín hữu giáo dân dấn thân phục vụ trong các lãnh vực trần thế, với phương thức và luật lệ trần thế riêng của các lãnh vực liên hệ,
– cần được soi sáng bởi ánh sáng Phúc Âm,
– nhưng cũng cần có những hiểu biết, khả năng chuyên môn và trách nhiệm của chính mình.
Người tín hữu giáo dân dân thân phục vụ trong các lãnh vực trần thế với tinh thần Phúc Âm
– không phải chỉ là những “thừa tác viện thụ động” của Cha Sở hay Giám Mục của địa phận mình,
– mà là những chủ thể năng động tích cực, được soi sáng bởi ánh sáng Phúc Âm, hành động với khả năng chuyên môn và trách nhiệm của chính mình:
– “Chức nghiệp và những hoạt dộng trần thế là lãnh vực của giáo dân, mặc dầu không phải là lãnh vực độc quyền của họ. Họ (người tín hữu giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng sức mạnh thiêng liêng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các Vị Chủ Chăn của họ có thẩm quyền để có thể cung cấp cho họ giải pháp thiết thực và kịp thời đối với mọi vấn đề có thể xảy ra, ngay cả đối với những vấn đề hệ trọng cũng vậy. Hoặc nghĩ rằng đó là sứ mạng của các Vị. Đúng hơn được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki-tô giáo, luôn trung thành với huấn dụ của Giáo Hội, người tín hữu giáo dân, chính họ hãy nhận lãnh trách nhiệm của mình” (GS, 43).
Trước viễn ảnh đó, Giáo Hội không ngừng kêu gọi người tín hữu giáo dân không được thiếu bổn phận truyền giáo của mình trong lãnh vực xã hội và chính trị:
– “Người công giáo có khả năng về chính trị không nên thối thoát trong việc đảm nhận những chức vụ công cộng, bởi vì họ có thể góp phần một cách hữu hiệu vào việc quản trị công ích” (Apostolicam Actuositatem, 14).
– “Người Ki-tô hữu phải hợp tác với tất cả mọi người khác trong việc tổ chức đúng đắn những lãnh vực kinh tế, xã hội” (Ad Sttes Divinitus, 12).
– “Người Ki-tô hữu có bổn phận nặng nề, phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc xây dựng một thế giới xứng đáng với địa vị con người hơn” (GS, 57).
– “Ngoài đức bác ái tôn giáo ra, không có đức bác ái nào lớn hơn đức bác ái chính trị, vì chính trị liên quan mât thiết đến đời sống con người” (Pio XI, Discorso alla FUCI, 1927, Osservatore Romano, 3).
– “Việc dấn thân chính trị là phương thức cần thiết mặc dầu không phải là duy nhứt, để người tín hữu giáo dân thực thi đức bác ái phục vụ người khác” (Phaolô VI, Octogesima Adveniens, 46).
Qua những gì đề cập và trích dẫn nói lên tầm quan trọng của Chính Trị, liên quan đến đời sống con người với phẩm giá cao cả của mình.
Bởi đó nếu Giáo Hội “không làm chính trị”, “không cung cấp dạy dỗ Văn Hoá Chính Trị” cho những ai có phận vụ tổ chức và hành xử chính trị, chính trị đó sẽ không khó khăn gì biến cuộc sống con người thành cuộc sống bị đán áp, đối xử như trâu bò, súc vật, do cách hành xử mọi rợ của những ai nắm lấy quyền hành trong tay.
Nếu Giáo Hội “không làm chính trị”, không cung cấp, dạy dỗ nền Văn Hoá Chính Trị cho chính tri, chính trị sẽ trở thành “chính trị mất dạy”.
Nguyễn Học Tập †