Công ích (common good)

Công: chung; ích: lợi. Công ích: lợi ích chung.

Công ích là lợi ích chung cho mọi thành viên của cùng một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia hay quốc tế.

Công ích không chỉ là một tổng hợp thuần túy những lợi ích vật chất, mà còn là giá trị tinh thần, gia tài văn hóa, truyền thống của dân tộc và tất cả những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các tập thể, cũng như các cá nhân dễ dàng đạt tới sự phát triển toàn diện.

Mọi người đều có nhiệm vụ phục vụ công ích và phải đặt lợi ích riêng trong tương quan với công ích. Nhân danh công ích, nhà cầm quyền có quyền đòi hỏi các công dân và các tổ chức phải chu toàn các bổn phận của mình.

Theo quan điểm của Hội Thánh Công Giáo, nhà cầm quyền chỉ thi hành quyền bính một cách hợp pháp khi có mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích này bằng những phương tiện mà luân lý cho phép (x. GLHTCG 1903), cụ thể là thi hành ba yếu tố căn bản dưới đây:

Công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người với tư cách là nhân vị, bởi vì “trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại” (GS, 26).

Công ích đòi hỏi hướng tới an sinh xã hội và sự phát triển của mỗi người cũng như của chính tập thể (x. GLHTCG 1908).

Công ích đòi hỏi kiến tạo hòa bình, ổn định và an cư lạc nghiệp bằng những phương tiện chính đáng (GLHTCG 1909).

Theo Từ điển Công giáo, 2016, tr.178.

Tóm lại, công ích là “Toàn bộ các điều kiện xã hội cho phép con người, dù là tập thể hay cá nhân, đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (Hiến chế Gaudium et Spes, số 26).