Dẫn nhập vào thông điệp Rerum Novarum

 Về thân phận của các công nhân

Olivier de Dinechin, Dòng Tên.

Được công bố ngày 15/5/1891, thông điệp Rerum novarum (Tân sự) của Đức Lêô XIII về thân phận của các công nhân được coi như một văn bản nguồn gốc của giáo huấn xã hội của Giáo hội. Luôn rất khó để nói về nguồn gốc lịch sử, bởi vì nó chắc chắn đã có một số thông tin sơ bộ xuất hiện trước nó mà người ta hay thích tiết lộ về sau. Và chính là nhân danh sự giải thích về sau mà tính độc đáo của thời điểm đã được công bố. Đề cập đến « vấn đề xã hội » mà nhiều người khác đã chiếm hữu từ 50 năm hay nhiều hơn nữa, ngài đã làm gì, đã đem đến gì, đã có thành quả gì để sau đó đã được người đời tôn lên là « vị Giáo Hoàng của công nhân » ?

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất ở cao điểm

Sự phát triển công nghiệp diễn ra theo một nhịp độ lũy thừa, nghĩa là với sự gia tốc mạnh mẽ, hay còn là bùng nổ. Nếu nó đã khởi sự ngay từ cuối thế kỷ 18, nếu nó đã tiến hành một cách rõ nét vào giữa thế kỷ 19, nó đã có một sự bành trướng mang tính quyết định và cuối thế kỷ, cho dù nó cũng không tránh khỏi những cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính chu kỳ. Năm 1891, đúng ra là thời kỳ suy thoái, thì sự sản xuất than đá và sắt thép lại tăng mạnh trên thế giới, và các lò luyện thép Thomas lại còn làm một bước tiến kỹ thuật nhẩy vọt cho nền công nhiệp gang thép. Các tuyến đường sắt đã xuyên qua các dãy núi Alpes và mạng lưới của nó nối liền các thành phố của Châu Âu cũng như đi xuyên nước Mỹ. Các đoàn thương thuyền của các cường quốc Âu Châu gia tăng, mua bán hàng hóa đồng thời với những cuộc chinh phục thuộc địa hiện hành lúc đó. Máy điện tín cho phép liên lạc tức khắc với khắp mọi nơi và điện khí bắt đầu được sử dụng trong giao thông vận tải, luyện kim, hóa học, soi sáng thành thị. Nhà nước giám sát các cơ quan ngân hàng lớn mạnh. Năm 1889, để kỷ niệm 100 năm cuộc Cách Mạng Pháp, cuộc Triển Lãm Quốc Tế đã dựng lên tháp Eiffel.

Tác động công nghiệp này đang phát triển thì bị một trở ngại xã hội : vấn đề công nhân. Các cuộc cách mạng của thế kỷ (1848, Công xã năm 1871) và những cuộc đình công và biểu tình bạo động (Anzin năm 1884, Decazeville cuối 1886, Fourmies ngày 1/5/1891), hay những cuộc bạo loạn (Chicago 1886) cho phép tất cả các bên, đặc biệt là cho chính quyền, ý thức sự hiện hữu, nếu không phải về bản chất và sự lan tỏa của vấn đề. Bởi vì, thực chất, các nước công nghiệp hóa nhất vẫn duy trì ưu thế nông thôn của mình và những người lãnh đạo của họ dường như không nhận thấy sự suy giảm dân số năng động đã bắt đầu trong nông nghiệp.

Về phần mình, phong trào công nhân phát triển nhận thức, tổ chức, truyền thống của mình, và những người theo chủ nghĩa xã hội của Proudhon, của Lasalle hay của Marx đề nghị với công nhân chủ thuyết của họ. Phong trào nghiệp đoàn lan rộng. Nước Anh dẫn đầu với các Nghiệp Đoàn (Trade Unions), vốn vẫn tiếp tục truyền thống nghiệp đoàn cũ với tinh thần canh tân, hòa nhập vào hệ thống mới và nhanh chóng đi vào trò chơi chính trị. Tại Hoa Kỳ, các Hiệp sĩ lao động tập họp được đến bẩy trăm ngàn thành viên vào năm 1886 và Liên Hiệp Lao Động Mỹ, được thành lập cùng năm, vượt lên con số một trăm ngàn. Tại Châu Âu, lãnh đạo là phong trào nghiệp đoàn nước Đức, trong đó ba xu hướng đã hợp nhất tại Hội Nghị Gotha (1875) và tập trung 3 trăm ngàn thành viên. Tại Pháp, nghiệp đoàn CGT ra đời năm 1895 từ những tranh cãi giữa những người theo chủ nghĩa canh tân và những người theo chủ nghĩa tập thể, và từ sự tự do tương đối được đem tới bởi đạo luật năm 1884.

Sau cùng, giờ của phong trào nghiệp đoàn quốc tế đã điểm trong thập niên cuối của thế kỷ. Dưới áp lực này, những thực hiện xã hội hay cả những yếu tố pháp lý xã hội cũng đã xuất hiện.

Các Kitô hữu và phong trào công nhân trước Rerum novarum

Vấn đề xã hội đã là chủ đề thu hút sự quan tâm của các Kitô hữu và những giới chức của Giáo hội rất lâu trước khi Đức Lêô XIII tung ra lời kêu gọi lớn của ngài. Đúng vậy, nếu người ta nhìn vào tổng thể Giáo hội trong một phần tư cuối của thế kỷ này, ấn tượng nổi trội về những cuộc cách mạng bạo động và một mong muốn khôi phục trật tự xã hội vẫn còn được quan niệm trên một mô thức chủ yếu là nông thôn với hậu quả là sự báo động của một thế hệ đầu tiên những Kitô hữu theo chủ nghĩa xã hội không kéo dài được bao lâu. Dường như Giáo hội, mặc dù vấn đề chính trị đặt mình vào thế đối đầu với các Nhà nước thế tục, dần dần thực hiện được một thế liên minh thực tế với giới tư sản thống trị. Đối mặt với thái độ đó, phong trào công nhân tỏ ra cứng rắn trong chủ trương chống giáo quyền của mình.

Tuy vậy, các nhân vật công giáo cao cấp đã lên tiếng ngay từ năm 1848 : Đức Hồng Y Bonald ở Lyon, Đức Cha Von Ketteler ở Mayence, ĐHY Manning ở Manchester, ĐHY Gibbons ở Baltimore đã nghiêm khắc phê phán những cấu trúc kinh tế trách nhiệm của sự vô sản hóa. Hơn thế nữa, các ngài đã liên tục khuyến khích các phong trào hành động và suy tư được thực hiện bởi những thiểu số giáo dân, những người được gọi là các « Kitô hữu xã hội » tại các nước Đức, Áo và Thụy Sĩ, những « người công giáo xã hội » tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Trên bình diện lý thuyết hay giáo lý, nổi lên giữa những người đó là hình ảnh của Đức cha Ketteler : chắc chắn là họ đã được đánh dấu bởi việc đọc, thậm chí gặp gỡ một lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa như ông Lasalle, các bài diễn văn, các thư từ và tác phẩm của ông « Vấn đề công nhân và Kitô giáo » (1864), nên họ tố giác cấu trúc xã hội xuất phát từ chủ nghĩa tự do và đề nghị con đường lập pháp và trực tiếp điều hành bởi chính các công nhân – đặc biệt là những hợp tác xã sản xuất. Đồ đệ của Ketteler, ông Vigelsang sẽ du nhập những ý kiến của ông vào nước Áo qua báo chí mà ông tán phát. Một giọng điệu nghiệp đoàn chủ nghĩa đã ghi dấu ấn trên họ.

Nhờ một sự trùng hợp ly kỳ mà họ đã thuật lại, những người công giáo xã hội Pháp cũng đã biết đến tư tưởng của Ketteler vào cái lúc mà cú sốc của Công Xã Paris đã gây ra nơi họ một ý thức sâu sắc về vấn đề xã hội. Ở đây xuất hiện những tên tuổi của René de la Tour du Pin, người mang tính giáo điều trong việc chỉ trích chủ nghĩa tư bản và đề nghị sự can thiệp của Nhà nước, Albert de Mun, khuôn mặt vĩ đại của một nhà hùng biện tại Quốc Hội (ủng hộ các đạo luật về nghiệp đoàn, về giới hạn lao động đối với phụ nữ hay về dự án của hội nghị quốc tế về lao động) và là người sáng lập công trình của những câu lạc bộ công giáo của người công nhân ; Léon Harmel, nhà dân chủ – khác với những người trên đây – và là người thực hiện trong xí nghiệp-hợp tác xã của chính mình và trong những chuyến hành hương của công nhân mà ông hướng dẫn đi Rôma. Nhưng người ta cũng ghi nhận tại Pháp một phong trào công giáo khác quan tâm đến vấn đề xã hội, « trường phái Angers »

(Đức Cha Freppel và « Hội các chủ nhân công giáo miền Bắc ») không đề nghị một dự án phản cách mạng xã hội, mà đề nghị một sự điều chỉnh sự vận hành tự do trong một tinh thần bác ái Kitô giáo ; họ trách cứ những người đi trước một sự thiếu tính thực tế đối với những nhu cầu của kinh tế.

Đức Cha Pecci, tức là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tương lai, khi còn là giám mục Pérouse, ngài đã lo nghĩ về tình trạng cùng khổ của công nhân và đã lấy vấn đề xã hội làm chủ đề cho các lá thư Mùa Chay. Khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã sớm bầy tỏ ý định lên tiếng về chủ đề này và người ta tìm thấy những dấu vết của ngài trong nhiều bài phát biểu. Năm 1882, ngài thiết lập tại Rôma một « ủy ban thân cận » về vấn đề này, bao gồm trong những nhân vật lỗi lạc nhất như Đức Cha Mermillod. Vị giám mục lưu vong này của Geneva, đã tổ chức những cuộc gặp gỡ quốc tế không chính thức giữa người công giáo và các Kitô hữu xã hội : nhiều luận án chung đã được xuất hiện. Ủy ban đã xuất bản nhiều loạt các luận án đó trong cùng năm, về quyền tư hữu và những quyền liên hệ của các sở hữu chủ, về ban giám đốc và về những người lao động : các luận án đó tách rời con đường tự do.

Chung quanh Đức Cha Mermillod, những cuộc gặp gỡ ngày càng rầm rộ, và để điều phối những nghiên cứu của các nhóm quốc gia ở Rôma, Franfurt và Paris, các thành viên của họ đã thành lập Liên Minh Fribourg. Liên mình này bao gồm 60 thành viên ngay trước khi Rerum novarum được công bố, và đã đề cập đến nhiều hồ sơ : chủ nghĩa nghiệp đoàn, chế độ nghiệp đoàn, tổ chức công nghiệp, vấn đề nông nghiệp, lương bổng, bảo hiểm công nhân, quy định quốc tế về sản xuất công nghiệp.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và việc soạn thảo Rerum novarum

Tầm cao trí tuệ và chính trị của ĐGH Lêô XIII vươn lên một cách bất ngờ vào lúc mà « vấn đề Rôma » xuất hiện dường như đã giam hãm lâu dài Đức Giáo Hoàng trong thành quốc thu hẹp của Vatican. Từ thời đại của ngài, Đức Lêô XIII đã nhận thức đưọc những vấn đề then chốt như : hình thức mới của các Nhà nước và những quan hệ của họ, vấn đề công nhân trong thế giới công nghiệp. Ngài cũng đã nhận thức được những vận may mới : sự thông tin dễ dàng, vai trò nặng về luân lý mà Giáo hội thủ lãnh, sự hữu hiệu của việc tập trung hóa của La Mã. Trên căn bản, tư tưởng của ngài là cổ điển, thậm chí bảo thủ : không thỏa hiệp với « luận án » trên vấn đề giáo lý. Nhưng trên bình diện ứng dụng, « giả thuyết » đòi hỏi sự cởi mở và linh hoạt, thậm chí táo bạo. Đó là điều mà chỉ có ít người công giáo Pháp hiểu được khi họ nhận được thông điệp yêu cầu « gia nhập » nền Cộng Hòa, một năm sau khi Rerum novarum được công bố. Nhưng, tại Châu Âu và Hoa Kỳ, người Kitô hữu tiến nhanh hơn trong sự nghiên cứu của họ về công lý trên vấn đề xã hội đã nhanh chóng biết rằng họ được sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng La Mã. Đặc biệt là Liên minh Fribourg.

Bốn biến cố đóng góp vào sự thành thục của thông điệp. Từ Hoa Kỳ, ĐHY Gibbons đến biện hộ thành công tại Rôma sự nghiệp của các Hiệp Sĩ lao động, nghiệp đoàn đấu tranh chống độc quyền, và bị tố cáo là thành lập hội kín. Tại Luân Đôn, ĐHY Manning giữ một phần trực tiếp trong việc thương thuyết dẫn tới ngày 04/11/1889 đáp ứng những đòi hỏi của các phu khuân vác bến tầu đang đình công ; Đức Lêô XIII theo dõi sát sự can thiệp này. Tại Bá Linh, năm 1890, hoàng đế Guillaume, lấy lại ý tưởng của Gaspard Decurtins người Thụy Sĩ để triệu tập một hội nghị quốc tế về lao động, cầu xin sự hỗ trợ của Đức Giáo hoàng. Sau cùng, từ năm 1885, ông Léon Harmel hướng dẫn tới thành phố vĩnh cửu nhiều đoàn xe lửa khách hành hương là các công nhân, hàng ngàn người đã được triều kiến vị Giáo Hoàng « của họ ».

Thông điệp được trông đợi đã thành thục thông qua xuy nghĩ và tính cấp bách. Sự xây dựng nội dung bản văn đã trải qua bốn bản thảo : bản thứ nhất năm 1890 của Lm Liberatore, Dòng Tên người Ý, đồ đệ về môn xã hội và chính trị của vị linh mục dòng tên nổi tìếng Taparelli d’Azeglio và là thành viên của Liên Minh Fribourg ; bản thứ nhì của ĐHY Zigliaria, sẽ được duyệt lại bởi linh mục Liberatore và ĐHY Mazella ; sau cùng bước thứ tư, dịch thuật ra tiếng Latinh của Đức Cha Volpini còn sẽ nhận được những sửa chửa có ý nghĩa nữa, thí dụ việc xen vào những nghiệp đoàn riêng lẻ. Giữa sơ đồ đầu tiên rất mang tính chất nghiệp đoàn và những bản thảo sau này đã có thêm sự nhấn mạnh về tính chất tự nguyện và tự do của các hội đoàn nghề dường nghiệp. Đức Lêô XIII dường như ưng ý với một bản thảo khá độc lập với các trường phái khác nhau, mặc dù những quan hệ với Liên Minh Fribourg.

Từ chẩn đoán đến những phương thuốc đích thực

Cấu trúc của thông điệp về « thân phận các công nhân » rất đơn giản : sau phần mô tả « tệ nạn xã hội » bằng một số câu cú sắc bén, một chương phê phán « phương thuốc giả » là chủ nghĩa xã hội : tác hại trong hậu quả của nó, bất công trong nội dung của nó bởi vì nó chối bỏ quyền tư hữu, vốn là chủ yếu của bản chất con người, và bởi vì nó tổ chức một cách giả tạo các quan hệ giữa Nhà nước, gia đình và tài sản ; sau đó là đến một phần phong phú được bố cục chung quanh ba yếu tố cần  thiết để điều trị căn bệnh xã hội này :

  • Giáo hội giảng dạy và hành động (RN 13-24) ;
  • Nhà nước can thiệp nhằm công ích (RN 23-33) ;
  • Các hội đoàn nghề nghiệp (chủ và thợ) phải tổ chức hiện trường xã hội (RN 36-43) ;
  • Kết luận là một lời kêu gọi gửi tới các tác nhân xã hội.

Phần mở đầu của Rerum Novarum có một tông điệu và một mật độ mà cho đến ngày nay, vẫn mang một âm hưởng tiên tri trong lời kêu gọi của Đức Lêô XIII, âm hưởng mà người ta sẽ tìm lại được với một sự mạnh mẽ tương tự trong Populorum progressio chẳng hạn về vấn đề phát triển. Cũng chính trong phần mở đầu của những tài liệu như vậy mà thường được nhắc nhở lý do và nhân danh cái gì mà Giáo hội lên tiếng. Nền tảng và thời điểm lịch sử giao thoa nhau. Những can thiệp mang tính lịch sử của Giáo hội đều là những « tác động » qua những văn kiện giáo lý đi từ nguyên tắc tới hành đồng. Lịch sử của Rerum Novarum cho thấy rõ tác động của Đức Giáo Hoàng đã xuất hiện như thế nào từ « những gì Chúa Thánh Thần phán cho Giáo hội » qua một số thành viên của mình, cho dù họ là thiểu số.

Lý thuyết cốt lõi của tư duy Rerum Novarum là lý thuyết của luật tự nhiên và quyền tự nhiên, trong hình thức của chủ thuyết Tôma được cải tiến và vinh danh bởi Taparelli và Liberatore về mặt xã hội-chính trị. Luật tự nhiên là dấu ấn của Thiên Chúa đã ghi khắc trong lương tâm của mọi con người, dấu ấn bao gồm một lời kêu gọi hãy làm điều thiện và sự nhận biết những nguyên tắc luân lý phổ quát. Sự hiểu biết về luật này đã có thể làm lu mờ bởi tội lỗi, nhưng không hề bị hủy diệt. Sự mặc khải cho biết Thiên Chúa đã phục hồi bản chất con người bị thương tích như thế nào, và soi sáng lại luật này, bằng cách thổi vào Thần Khí của đức bác ái. Bởi vậy, Giáo hội dám và phải nói về bản chất con người và về luật tự nhiên. Tóm lại, « quyền » tự nhiên là sự khách quan hóa luật này. Những luật pháp mà con người ban bố phải phù hợp với quyền tự nhiên này. Nhiều thực tế là quyền tự nhiên (phù hợp và cần thiết cho bản chất con người) ; như : gia đình, xã hội dân sự, sản nghiệp, việc làm, hội đoàn… Cùng sơ đồ căn bản sử dụng ở đây cũng sẽ được dùng trong tất cả các tài liệu của Giáo Hoàng sau này cho tới Công Đồng Vaticanô II. Những dấu nhấn mang tính Kitô học hơn chỉ được dần dần đưa vào trong giáo huấn luân ý, và cả giáo huấn xã hội. Với Rerum Novarum, sự ám chỉ rõ ràng đến Chúa Kitô xuất hiện khi liên quan đến mầu nhiệm sự ác (sự đồi bại, bạo lực), liên quan đến sự lật ngược các giá trị theo Phúc Âm, và đặc biệt là sự nghèo khó và sau cùng, khi liên quan đến đức ái. Nhưng tất cả các phẩm chất và nhân đức của trật tự xã hội, tất cả các nguyên tắc được nhắc lại – hiệp nhất, công lý, tình huynh đệ – đều được tô màu bởi Phúc Âm.

Về các chủ đề trọng đại của Rerum Novarum, đây là những vấn đề đã thu hút sự chú ý của các trường phái xã hội : đề tài quyền tư hữu, chủ nghĩa tư bản, lương bổng, sự can thiệp của Nhà nước trong kinh tế, các hội đoàn (hiệp hội hay nghiệp đoàn). Một số các vấn đề này đã được thảo luận giữa những người công giáo xã hội, và một vấn đề nổi cộm vì kẻ hở nhỏ hé mở vào lúc soạn thảo cuối cùng : có cần có những hiệp hội hay nghiệp đoàn « hỗn hợp » tập trung chủ và thợ, hay chỉ có thể chấp nhận những nghiệp đoàn những người làm công, những thợ thuyền ? Sự kín đáo mở ra cho những người này sẽ cho phép sự ra đời của phong trào nghiệp đoàn Kitô giáo, rồi, sau này, cho phép sự tham gia của người công giáo vào phong trào nghiệp đoàn phi tôn giáo. Nghĩa là sẽ tổ chức sự tham gia đầy đủ vào phong trào công nhân mà lúc đầu họ đã bị từ chối.

Một tiếng vang thoáng qua và một hậu thế lâu dài

Hòa nhã trong nội dung, nhưng sắc bén và chính xác trong việc đề cập các vấn đề và đến từ cấp cao của Giáo hội, thông điệp đã có ngay một tiếng vang lẫy lừng trong báo giới. Thông điệp đã được một số người đánh giá là một bản tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa, trong lúc những người khác tuyên bố rằng nó đã vĩnh viễn giật sập bức tường giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Đức Lêô XIII đã mang lại cho Giáo hội uy tín đã mất và đã khơi dậy cảm tình.

Một số phản ứng của những người theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tự do thì mang tính chỉ trích hơn : âm mưu mới để phục hồi chế độ thần quyền, trở về thời Trung Cổ, từ chối tự do… Sau cùng, những người ôn hòa tự hỏi về sự áp dụng của nó : một giáo điều nghiêm ngặt hay những cởi mở được nới rộng ?

Người công giáo và Kitô hữu xã hội đĩ nhiên là vui vẻ đón nhận Rerum novarum, và chính họ đã bảo đảm cho hậu thế của nó. Tuy nhiên có vài sự rạn nứt tái xuất hiện giữa các trường phái. Nhưng, nhất là, các kitô hữu này vẫn là thiểu số và hoạt động của họ chậm được cảm nhận trong xã hội, và giáo huấn xã hội chậm được đưa vào việc đào tạo các linh mục và giáo dân. Chủ nghĩa tự do của giới chủ nhân chỉ di chuyển một cách uể oải trước những sự táo bạo như thế. Trong một thời gian dài, người công giáo xã hội xuất thân từ những giai cấp giàu có đã có những tiếp xúc khó khăn và vụng về với các công nhân mà họ muốn huấn luyện để đảm nhận trách nhiệm của mình. Bốn mươi năm sau, Đức Piô XI, trước khi tóm tắt thành quả mang tới do Rerum Novarum, đã đưa ra nhận xét về chính những người công giáo như sau : « Những người quá gắn bó với quá khứ thì coi thường triết lý xã hội này, những tâm trí rụt rè thì e sợ vươn lên tầm cao như thế ; những người khác, thì tuy cảm phục lý tưởng sáng chói này, nhưng lại đánh giá nó là ảo tưởng, và về sự thực hiện nó thì người ta có thể cầu mong, nhưng không hy vọng gì. »

Nẩy mầm chậm ! Nhưng người công giáo ngày nay luôn tìm trở lên với Rerum novarum mỗi khi họ muốn tìm nguồn gốc của hành động mà toàn Giáo hội đã được kích động để nắm lấy vấn đề xã hội, giữa lòng thế giới hiện đại.

Mai Khôi dịch

Nguồn: doctrine-sociale-catholique.fr