Đức Giáo hoàng Phanxicô hối thúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đổi mới một cách có trách nhiệm bằng việc ưu tiên chăm sóc môi trường, hòa nhập xã hội của người nghèo và các cơ hội cho người trẻ để giải quyết tình trạng bất bình đẳng.
Ngài nói: “Nếu chỉ tuân thủ các luật pháp của các nhà nước đang triển khai quá chậm thì không còn đủ nữa: chúng ta cần đổi mới bằng cách dự đoán trước tương lai, với các lựa chọn can đảm và chờ đợi để người ta có thể noi theo”.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng hoảng môi trường nghiêm trọng vốn phụ thuộc vào nhiều cá nhân và nhân tố, trong đó có những lựa chọn kinh tế và kinh doanh của quá khứ và hiện tại”, ngài nói với nhóm trong buổi tiếp kiến tại Vatican hôm 15-6.
Nhóm gồm có 25 CEO (giám đốc điều hành) tham gia Sáng kiến các Thị trường Bền vững. Được Vua Charles III thành lập vào năm 2020, sáng kiến này quy tụ các nhà lãnh đạo từ các khu vực khác nhau nhằm cam kết hành động cụ thể để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và chăm sóc môi trường.
Đức Giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo chú ý và phân định cách nghiêm túc tác động của các các doanh nghiệp của họ để “thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các hậu quả trực tiếp và gián tiếp của các lựa chọn của họ”.
Ngài trao cho họ ba nhiệm vụ: giúp chăm sóc môi trường, người nghèo và người trẻ.
“Tôi kêu gọi các bạn hãy đặt môi trường và trái đất vào trung tâm sự chú ý và trách nhiệm của các bạn,” ngài nói và thêm rằng “sự đổi mới của chủ doanh nghiệp ngày nay trước hết và trên hết phải là sự đổi mới việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.
Ngài nói: “Đừng quên những người nghèo nhất và những người bị bỏ rơi”. Cũng giống như mọi người tìm cách tái chế nguyên liệu và chất thải, “chúng ta vẫn chưa học được – cho phép tôi sử dụng cách diễn đạt này – cách ‘tái chế’ và không loại bỏ con người và người lao động, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, những người mà văn hóa lãng phí thường áp dụng.”
Ngài cảnh giác chống lại một loại “chế độ nhân tài” được sử dụng để hợp pháp hóa việc loại trừ người nghèo, “những người bị đánh giá là không xứng đáng, thậm chí đến mức coi chính sự nghèo đói là lỗi của họ”.
“Và chúng ta đừng chỉ đành chấp nhận một chút lòng bác ái, điều đó sẽ là không đủ. Sự thách thức là thu nạp người nghèo vào các doanh nghiệp, biến họ thành nguồn lực vì lợi ích của tất cả mọi người,” ngài nói.
“Tôi mơ về một thế giới trong đó những người bị loại bỏ có thể trở thành những vai chính của sự thay đổi,” ngài nói và chỉ ra Chúa Giêsu là người đã làm điều đó.
Cuối cùng, ngài nói, giới trẻ thường nằm trong số những người nghèo ngày nay, vì họ có thể thiếu các nguồn lực, cơ hội và một tương lai.
Ngài hối thúc họ hãy thực hành “lòng hiếu khách của công ty, nghĩa là đón nhận một cách quảng đại những người trẻ ngay cả khi họ thiếu kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết, vì mọi công việc chỉ có thể học được khi thực hành nó mà thôi”.
giaohuanxahoi.com dịch
Nguồn: usccb.org