Diễn Văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Hội Nghị COP 28

Diễn văn của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị các Quốc Gia tham gia Công Ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) [Dubai, Vương quốc Ả Rập thống nhất]

Kính thưa ông Chủ Tịch,
Kính thưa ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc,
Kính thưa Quý Vị Nguyên Thủ Quốc gia và Chính Phủ
Kính thưa quý ông bà,

Rất tiếc, tôi không thể hiện diện giữa quý vị như tôi đã mong muốn, nhưng tôi ở cùng quý vị bởi vì giờ khắc này nghiêm trọng. Tôi ở với quý vị bởi vì ngày hôm nay hơn bao giờ hết, tương lai của mọi người tùy thuộc vào hiện tại mà chúng ta chọn lựa. Tôi ở cùng quý vị bởi vì sự tàn phá thiên nhiên là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, một tội lỗi không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cấu trúc tác động lên con người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, một mối nguy trầm trọng đang đè nặng lên mỗi người và có nguy cơ khởi động một cuộc xung đột giữa các thế hệ. Tôi ở cùng quý vị bởi vì sự biến đổi khí hậu là « một vấn đề xã hội toàn cầu gắn liền với phẩm giá của sự sống con người » (Tông huấn Laudate DeumLD3). Tôi ở cùng quý vị để đặt câu hỏi mà tất cả chúng ta đều có bổn phận trả lời ngay lúc này : chúng ta hành động cho một nền văn hóa của sự sống hay là của sự chết ? Tôi khẩn thiết đặt câu hỏi đó với quý vị : chúng hãy chọn lựa sự sống, hãy chọn lựa tương lai. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng rên xiết của trái đất, chúng ta hãy lắng tai nghe những hy vọng của giới trẻ và những giấc mơ của các em bé ! Chúng ta có một trách nhiệm lớn lao : làm sao cho tương lai của họ không bị từ chối.

Đã được chứng minh rằng những biến đổi khí hậu hiện nay là kết quả của sự nóng lên của hành tinh, chủ yếu bị gây ra bởi sự gia tăng khí nhà kính trong bầu khí quyển, chính là do hoạt động của con người gây ra và đã trở thành không thể bền vững cho hệ sinh thái trong những thập niên gần đây. Lòng ham muốn sản xuất và chiếm hữu đã biến thành một sự ám ảnh và đã dẫn đến một sự tham lam vô bờ bến biến môi trường thành một đối tượng của một sự khái thác vô độ. Khí hậu trở nên điên cuồng gióng lên hồi chuông báo động để chặn đứng sự mê cuồng toàn năng đó. Chúng ta hãy thừa nhận trở lại với lòng khiêm nhường và can đảm giới hạn của chúng ta như là con đường duy nhất để sống trong sự viên mãn.

Cái gì ngăn trở con đường này ? Những chia rẽ đang tồn tại giữa chúng ta. Nhưng một thế giới được hoàn toàn kết nối, như ngày nay, không thể bị tách rời ra những người cai trị nó, với những thương thuyết quốc tế « không thể tiến triển một cách có ý nghĩa vì lập trường của các nước đặt quyền lợi quốc gia của mình lên trên tổng công ích » (Tông thư Laudato si’, LS 69). Chúng ta đang chứng kiến những quan điểm cứng rắn, thậm chí không lay chuyển được, đang có xu hướng bảo vệ lợi tức của các cá nhân và của xí nghiệp thuộc về họ, bằng cách đôi khi chứng minh trên cơ sở là trước đó những người khác đã làm, với những chuyển giao tuần hoàn trách nhiệm. Nhưng bổn phận mà chúng ta được kêu gọi ngày hôm nay không liên quan đến quá khứ, mà liên quan đến tương lai ; một tương lai, dù muốn dù không, cũng sẽ của tất cả mọi người hay sẽ không của ai hết.

Những mưu toan gán ghép trách nhiệm cho người nghèo và cho số lượng sinh sản là rõ ràng nhất. Đó là những điều kiêng kỵ mà dứt khoát phải chấm dứt. Không phải lỗi tại người nghèo bởi vì gần phân nửa thế giới nghèo khó nhất cũng chỉ chịu trách nhiệm có 10% những khí thải độc hại, trong lúc mà khoảng cách giữa một số ít người giàu và số đông người nghèo chưa bao giờ sâu thẳm như bây giờ. Những người nghèo này thực chất là nạn nhân của những gì đang xẩy ra : chúng ta hãy nghĩ đến những dân tộc bản địa, đến nạn phá rừng, đến thảm kịch đói kém, đến sự bất an về lương thực và nước uống, đến làn sóng di dân ập đến. Sự sinh sản không phải là vấn đề, mà là một nguồn tài nguyên : nó không chống lại sự sống, mà vì sự sống, trong lúc đó, có những mô hình mang tính chủ thuyết và duy lợi chủ nghĩa, được áp đặt với bàn tay bọc nhung cho các gia đình và cho dân chúng, tượng trưng cho cả một sự xâm thực. Không nên lên án sự phát triển của một số quốc gia, vốn đã có gánh nặng những món nợ kinh tế, mà nên coi sự tác động của một số quốc gia, có trách nhiệm về một món nợ sinh thái đáng lo ngại đối với bao quốc gia khác (xem Laudato si’, LS 51, 52). Cần thiết là phải tìm ra những phương thức thích đáng để xóa bỏ những khoản nợ tài chánh đang đè năng lên các dân tộc, cũng với ánh sáng của món nợ sinh thái còn đang nợ họ.

Thưa quý ông bà, tôi xin mạn phép thưa cùng quý vị, nhân danh ngôi nhà chung mà chúng ta đang cư ngụ, cũng như cùng quý anh chị em, để tự đặt cho chúng ta câu hỏi sau đây : cửa ra là của nào ? Cửa mà quý vị đã mượn trong những ngày này : con đường này chính là hãy cùng nhau, chủ nghĩa đa phương. Quả vậy, « thế giới đang rất trở nên đa cực, và đồng thời cũng rất là phức tạp, đến độ cần phải có một khuôn khổ khác để có một sự hợp tác hữu hiệu. Nghĩ đến tương quan lực lượng là không đủ […]. Cần phải thiết lập những quy luật toàn cầu và hữu hiệu » (Laudate Deum, LD42). Trên chiều hướng đó, thật đáng lo ngại là sự nóng lên của hành tinh, đi kèm với một sự nguội lạnh tổng quát của chủ nghĩa đa phương, với một sự ngờ vực ngày càng gia tăng đối với Cộng Đồng Quốc Tế, với một sự mất đi của « ý thức chung về sự kiện mình là […] một đại gia đình các quốc gia » (Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trước Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 50 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 5/10/1995, 14). Chủ yếu là khôi phục lại niềm tin tưởng, nền tảng của chủ nghĩa đa phương.

Điều này có giá trị cho cả việc bảo vệ công trình tạo dựng lẫn cho hòa bình thế giới : đó là những vấn đề cấp bách nhất và chúng liên xuyến với nhau. Nhân loại đã phung phí biết bao năng lực trong quá nhiều những vụ chiến tranh đang diễn ra, như tại Israel và Palestine, tại Ukraine và nhiều vùng khác trên thế giới : những tranh chấp sẽ không giải quyết được các vấn đề, mà còn làm chúng gia tăng lên nữa ! Biết bao tài nguyên đã bị phí phạm để sản xuất vũ khí, chúng phá hủy sự sống và là suy sụp ngôi nhà chung ! Tôi lập lại ở đây một đề nghị : « Với nguồn tài chánh dành cho sản xuất vũ khí cũng như những chi phí quân sự khác, chúng ta hãy tạo ra một Quỹ Toàn Cầu, để dứt khoát xóa bỏ nạn đói » (Tông Thư Fratelli Tutti, FT 262 ; x. thánh Phaolô VI, Tông Thư Populorum progressio, PP51) và thực hiện những hoạt động nhằm mục đích phát triển bền vũng trong những nước nghèo nhất, bằng cách đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Thế hệ này có trách nhiệm lắng nghe các dân tộc, giới trẻ và các trẻ em để đặt nền móng cho một chủ nghĩa đa phương mới. Sao không bắt đầu bằng ngôi nhà chung ? Những biến đổi khí hậu làm nổi bật sự cần thiết phải có một sự thay đổi chính trị. Chúng ta hãy bỏ những thói quen cũ của những chủ nghĩa đặc thù và những chủ nghĩa dân tộc, đó là những mô thức của quá khứ. Chúng ta hãy chấp nhận một nhãn quan chung và thay thế : nó sẽ giúp có một sự hoán cải sinh thái, bởi vì « không có một sự thay đổi lâu bền nếu không có sự thay đổi về văn hóa » (Laudate Deum, LD70). Về điểm này, tôi bảo đảm một sự can dự và ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt tích cực trong lãnh vực giáo dục và trong vận động tham gia chung, cũng như trong sự cổ vũ những lối sống, bởi vì trách nhiệm là trách nhiệm của tất cả mọi người, và trách nhiệm của mỗi người là căn bản.

Thưa quý anh chị em, một sự thay đổi về nhịp độ và không có một sự thay đổi phần nào hướng đi, nhưng một phương cách mới để cùng nhau tiến hành, là chủ yếu. Nếu trên con đường đấu tranh chống biến đổi thời tiết, khai diễn tại Rio de Janeiro năm 1992, Hiệp định Paris đã đánh dấu « một sự khởi hành mới » (Laudate Deum s. 47), thì bây giờ phải khởi động lại hành trình. Cần phải đưa ra một dấu hiệu hy vọng cụ thể. Mong rằng Hội Nghị COP này là một bước ngoặt : mong rằng nó thể hiện một ý chí chính trị rõ ràng và cụ thể, dẫn tới một sự tăng tốc mang tính quyết định cho sự chuyển đổi sinh thái, thông qua các hình thức với ba đặc tính : « hữu hiệu, ràng buộc và dễ dàng kiểm soát » (LD 59). Mong rằng những hình thức đó được thực hiện trong bốn lãnh vực : hiệu quả năng lượng, các nguồn tái tạo, loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch và giáo dục các lối sống ít phụ thuộc vào chúng.

Xin vui lòng : chúng ta hãy tiến lên phía trước, đừng quay trở lại đàng sau. Mọi người đều biết rằng đã có nhiều hiệp ước và cam kết được đưa ra, nhưng « chi có ít cái được thực hiện, bởi vì đã không được thiết lập bất cứ một cơ chế kiểm soát hữu hiệu nào, để xem xét định kỳ và trừng phạt trong trường hợp thiếu sót » (Laudato si’, LS167). Ở đây bây giờ không còn là trì hoãn nữa mà phải thực hiện, và không phải chỉ là mong ước điều tốt đẹp cho con cháu của quý vị, cho công dân của quý vị, cho đất nước của quý vị, cho thế giới của chúng ta. Xin quý vị hãy là những người xây dựng một chính sách mang lại những đáp án cụ thể và mạch lạc, bằng cách chứng minh tính cao quý của vai trò mà quý vị đang thủ diễn, chứng minh phẩm giá của việc phục vụ mà quý vị đang hoàn tất. Bởi vì quyền lực sử dụng những điều đó để phục vụ. Ngày nay, thật là vô ích khi bảo tồn một quyền lực mà mai sau người ta chỉ sẽ nhớ tới sự bất lực của nó khi cần can thiệp cấp bách (x. LS57). Lịch sử sẽ mang ơn quý vị. Cũng như các xã hội mà quý vị đang sống, trong đó đang trị vì một sự chia rẽ khốc hại giữa các phe « người ủng hộ » : giữa những người theo thuyết thảm họa và những người thờ ơ, giữa những nhà sinh thái học cấp tiến và những người theo thuyết phủ nhận đối với khí hậu… Chẳng có ích gì khi đi vào phe phái ; trong trường hợp này, cũng như đối với vấn đề hòa bình, điều đó chẳng mang lại giải pháp nào cả. Chỉ có một nền chính trị tốt mới là giải pháp : nếu trên thượng tầng kiến trúc đưa ra một gương sáng cụ thể về sự gắn kết, hạ tầng cơ sở sẽ hưởng được phúc lợi của nó, nơi đó đã có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào sự phát huy việc chăm sóc ngôi nhà chung.

Mong rằng năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt. Tôi muốn rằng một sự kiện xẩy ra năm 1224 là một điềm lành. Năm đó, thánh Phanxicô Assisi đã soạn một bài Thánh Ca của các vật thụ tạo. Ngài đã viết bài ca đó sau khi trải qua một đêm đau đớn thể xác, ngài đã trở nên mù hoàn toàn. Sau cái đêm đấu tranh đó, được cưu mang trong tâm hồn bởi một kinh nghiệm thiêng liêng, ngài đã muốn ca tụng Đấng Tối Cao vì các vật thụ tạo mà ngài sẽ chẳng còn nhìn thấy nữa, nhưng ngài đã cảm thấy chúng là các anh chị em của ngài, bởi vì đều xuất phát từ một vị Cha và chia sẻ với những những con người nam nữ khác. Một cảm giác được gợi ý từ tình huynh đệ khiến ngài đã biến đau đớn thành ca ngợi và đau buồn thành dấn thân. Sau đó ít lâu, ngài thêm vào một đoạn trong đó ngài ca ngợi Thiên Chúa vì những người biết tha thứ, và ngài đã làm chuyện này để giải quyết – thành công ! – một sự xích mích giữa Chính Quyền địa phương với vị giám mục. Tôi cũng mang tên là Phanxicô, với một giọng điệu cầu xin, tôi muốn thưa cùng quý vị : chúng ta hãy để qua một bên những chia rẽ và chúng ta hãy hợp sức lại ! Và, với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta hãy ra khỏi đêm đen của chiến tranh và tàn phá môi trường để biến tương lai chung thành một bình minh của ánh sáng. Cảm ơn.

Trần Đức chuyển ngữ
Nguồn : Intervention du Pape François à la Conférence des États parties à la Convention-cadre des Nations Unies sur les changements climatiques (COP28) (2 décembre 2023) | François (vatican.va)