Linh mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
Chọn Đối Thoại Thay Vì Đối Đầu: Quá Khứ Máu Và Nước Mắt
Công Đồng Vatican II khai mạc ngày 6 tháng 10, năm 1962 và bế mạc ngày 8 tháng 12, năm 1965, khép lại một quá khứ đối đầu ngập tràn máu và nước mắt của loài người để mở ra một tương lai đối thoại tràn trề hy vọng hoà giải và chữa lành.
Từ năm 1096 đến năm 1291 có 8 chiến dịch quân sự mang danh Thập Tự Chinh do người Công Giáo khởi xướng chống lại người Hồi Giáo.
Năm 1054, xảy ra cuộc đoạn giao giữa Hội Thánh Công Giáo Rô-ma và Hội Thánh Chính thống Đông Phương.
Vào thế kỷ XVI, vết thương của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô chịu thêm vết thương hằn sâu khi Hội Thánh Anh Giáo và Hội Thánh Cải Cách rời khỏi mối hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo Rô-ma.
Không sao thống kê được số lượng máu chảy thành sông và xương chất thành núi trong cuộc đối đầu giữa hai thế lực nhân loại ngút trời tham vọng mạo Thánh Danh Thiên Chúa nhưng thực chất chỉ là công cụ mẫn cán của Ác Tà.
Khi công bố mở ra Năm Đại Toàn Xá 2000, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã xin lỗi thế giới vì tội ác của các Ki-tô Hữu.[1]
Thế Chiến I từ 1914 đến 1918 làm thiệt mạng 8 triệu rưỡi binh sĩ. Thế Chiến II từ năm 1939 đến năm 1945 với con số thương vong từ 70 đến 85 triệu quân nhân và thường dân rồi chuyển sang thời kỳ chiến tranh khốc liệt giữa hai ý thức hệ Tư Bản và Cộng Sản. Theo thống kê của “Sách Đen Chủ nghĩa Cộng Sản”, số nạn nhân lên đến 94 triệu.[2]
Ngày 24 tháng 02, năm 2022, Nga đưa quân đội vào Ukraina, tạo ra một cuộc đối đầu quân sự càng lúc càng tăng thiệt hại nhân mạng và tài sản.
Ngày 07 tháng 10, năm 2023, tổ chức Hamas bất ngờ tấn công Ít-ra-en, châm ngòi cuộc xung đột võ trang gây thiệt mạng nhiều ngàn người và tàn phá bình địa nhiều thành phố.
Công Đồng Vatican II cùng lúc mở ra 2 hướng đối thoại:
a. Đối Thoại Đại Kết: đối thoại nội bộ giữa các Ki-tô Hữu, bao gồm Công Giáo Rô-ma, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và Hội Thánh Cải Cách
b. Đối Thoại Liên Tín và Đối Thoại Liên Tôn: đối thoại với các xác tín khác với niêm tin Ki-tô Hữu và đối thoại với các tôn giáo bên ngoài Ki-tô Giáo.
Đối Thoại Như Thế Nào
Đối thoại giả định phải có hai người, thay nhau nói và nghe. Nếu chỉ mình nói cho mình nghe thì đó độc thoại.
Trong Chương VI của thông điệp “Tứ Hải Giai Huynh Đệ”[3] ban hành ngày 3 tháng 10, năm 2020, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tận tình giảng giải nội dung phong phú của đối thoại như sau:
“Tiếp cận nhau, nói truyện với nhau, lắng nghe nhau, nhìn vào nhau, tìm đến để biết và hiểu nhau, để khám phá một mặt bằng chung: đó là tất cả những yếu tố kết tụ trong một từ ngữ” đối thoại” (số 198).
Có 7 bước đi đến đối thoại:
- Tiếp Cận Nhau:
- Nói Truyện Với Nhau:
- Lắng Nghe Nhau:
- Nhìn Vào Nhau:
- Biết Nhau:
- Hiểu Nhau:
- Khám Phá Mặt Bằng Chung:
Phúc Lợi Của Đối Thoại
Đức thánh cha đặt câu hỏi: “thế giới chúng ta sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục đối đầu bạo lực”. Thế kỷ XXI chắc chắn không chỉ có vũ khí quy ước để tàn sát nhau như thời trước Thế Chiến I, hoặc chỉ cho hàng trăm ngàn con người bốc hơi trong vài phút khi cho nổ 2 quả bom nguyên tử như hồi Thế Chiến II.
Đối Thoại Không Chỉ Là Thủ Thuật Tư Lợi Chính Trị, Nhưng Phải Là Ơn Gọi Hiến Thân Vì Công Thiện Của Gia Đình Nhân Loại
“Nếu muốn gặp gỡ và giúp đỡ nhau, chúng ta phải đối thoại. Thiết nghĩ tôi không cần phải đề cao những phúc lợi của việc đối thoại. Tôi chỉ cần nghĩ tới cảnh tượng thế giới chúng ta sẽ ra sao nếu không nhờ có công cuộc đối thoại kiên nhẫn của nhiều con người quảng đại luôn cho các gia đình và các cộng đoàn được liên kết với nhau. Khác với những chuyện bất đồng và các cuộc xung đột, một công cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không tạo được những hàng tít lớn mà chỉ âm thầm giúp cho thế giới sống với nhau một cách tốt đẹp hơn cả những gì chúng ta tưởng tượng”(số 198).
Thách Đố Đặt Ra Cho Đối Thoại
Tuy nhiên, không phải là không có những thách đố gần như làm nhụt chí bất kỳ ai dấn thân vào hành trình đối thoại:
“Một số người cố sức trốn chạy thực tại, ẩn trú trong cái thế giới bé nhỏ của mình; một số khác cuồng nộ phản kháng để triệt tiêu thực tại. Tuy niên, ở giữa thái độ dửng dưng ích kỷ và hành động chống phá điên cuồng luôn có một lựa chọn khác: đó là công cuộc đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ; đối thoại giữa những con người chúng ta, vì chúng ta chính là những con người đó; thái độ sẵn sàng trao và nhận, luôn mở rộng lòng đón tiếp chân lý. Một đất nước được sinh hoa kết trái khi công cuộc đối thoại đầy thiện chí xây dựng diễn ra giữa nhiều thành tố văn hoá phong phú của đất nước đó: văn hoá dân gian, phong cách các đại học đường, nếp sống của giới trẻ, cách hành xử của giới nghệ sĩ, lối giao tiếp của giới kỹ thuật, cung cách của những người làm kinh tế, cách ăn nếp ở trong các gia đình và tập tục của giới truyền thông”(số 199).
“Đối thoại thường bị lẫn lộn với một điều hoàn toàn trái ngịch: đó là một trận tranh cãi ớn lạnh trên mang truyền thông xã hội, chỉ dựa trên các nguồn tin không phải lúc nào cũng đáng tín nhiệm. Những thứ lời qua tiếng lại đó thực chất chỉ là những cuộc độc thoại. Rất có thê những cuộc độc thoại đó cũng gây được một vài chú ý vì giọng điệu bén nhọn và quá khích. Nhưng các cuộc độc thoại chẳng lôi cuốn được ai và nội dung của chúng thường nông cạn và mâu thuẫn” (số 200).
“Thực vậy, cái nồi truyền thông tạp chất ồn ào lẫn lộn đủ loại sự kiện và ý kiến chính là một trở lực ngăn cản đối thoại, bởi vì nó khiến ai nấy chỉ biết cố chấp bám lấy ý kiến, lợi ích và chọn lựa riêng, viện cớ là mọi người khác dều sai lầm. Triệt hạ uy tín và sỉ nhục đối phương từ những yếu tố ngoại diện thì dễ hơn so với việc mở ra một cuộc đối thoại đầy tôn trọng để đạt được đồng thuận ở một mức độ sâu xa hơn. Tệ hơn nữa, thứ ngôn từ vay mượn của loại truyền thông vận động chính trị đã tràn ngập vào câu truyện hàng ngày. Cuộc bàn luận bị những lợi ích riêng tư đầy quyền lực thao túng, bằng thủ đoạn gian manh, tìm cách xoay chiều công luận theo hướng có lợi cho họ. Chiêu trò thao túng nầy chẳng những được vận dụng trong các chính quyền, mà còn xảy ra trong kinh tế, chính trị, truyền thông, tôn giáo và nhiều lãnh vực khác. Người ta tim đủ cách để biện minh hay chạy tội cho hành vi đó khi thấy nó có lợi cho phương diện kinh tế hay ý thức hệ của họ, nhưng không chóng thì chày nó sẽ phản lại chính các lợi ích đó” (số 201).
Đối Thoại Được Bao Gồm Trong Mối Phước Thứ Bảy
“Phước cho những người xây dựng hoà bình, họ xứng đáng là con cái Thiên Chúa”.[4]
Khi một hoà ước được các phe lâm chiến ký kết, chẳng mấy ai để ý đến bao con người đã công khai hoặc âm thầm đóng góp công sức, tim óc, thậm chí hy sinh cả sinh mạng, mà lắm lúc không còn có mặt để chứng kiến buổi xuất hiện rạng rỡ của hoà bình.
Những người hiến thân cho công cuộc đối thoại chính là thánh nhân của thời đại bị ác tà bạo lực ám hại.
“Khi thiếu đối thoại, mọi người trong từng lãnh vực chẳng còn ai quan tâm đến công thiện mà chỉ lo tìm lợi ích từ quyền lực, hay khá lắm cũng để áp đặt ý tưởng của mình. Các bàn hội nghị rốt cục trở thành những cuộc thương lượng để mạnh ai nấy giành cơ hội thủ lợi, hơn là cùng nhau cộng tác tìm kiếm công thiện. Những người hùng của tương lai chính là những ai dám đoạn tuyệt với cái não trạng không lành mạnh đó để cương quyết thành kính cổ xuý cho lòng chung thuỷ, gạt bỏ tư lợi. Nhờ ơn Chúa, những người hùng như thế hiện nay vẫn âm thầm xuất đầu lộ diện ngay giữa lòng xã hội chúng ta” (số 202).
Đôí Thoại Giữa Con Người Tiếp Nối Cuộc Đối Thoại Với Thiên Chúa
“Thủa xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.”[5]
Chỉ thua kém các thiên thần một bậc, nhưng con người, với phẩm giá là một nhân vị, được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa[6], vượt xa muôn loài thụ tạo khác, có khả năng suy tư và biểu đạt bằng ngôn từ và chữ viết.
Kiên trì đối thoại để giải quyết mọi khác biệt và chỉ giải quyết mọi khác biệt bằng đối thoại không mệt mỏi như lựa chọn duy nhứt và ưu tiên vô nhị, chính là cách chúng minh hoàn toàn thuyết phục rằng: Ki-tô Hữu thực sự là con cái của Thiên Chúa.
[1] https://www.nytimes.com/2000/03/13/world/pope-asks-forgiveness-for-errors-of-the-church-over-2000-years.html
[2]https://en.wikipedia.org/wiki/The_Black_Book_of_Communism#:~:text=of%20the%20disaster.%22-,Estimated%20number%20of%20victims,%2C%20deportations%2C%20and%20forced%20labor.
[3] “Fratelli Tutti.”
[4] Mt 5:9.
[5] Dt:1:1-2.
[6] Xc St 1:27.