Hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Giáo hội Công giáo tôn kính đặc biệt: Phêrô được đặt làm người lãnh đạo Giáo Hội. – Phaolô được gọi là “Tông đồ dân ngoại”. Cả hai vị thánh đều được Giáo hội kính trọng thể ngày 29.6 hàng năm.
Riêng Thánh Phaolô, ngoài Lễ kính nói trên với biệt danh “Tông đồ dân ngoại’ còn có thêm một ngày lễ nhớ ‘Thánh Phaolô trở lại’ ngày 25.1 hàng năm.
Thánh Phaolô, vào lúc quan điểm đức tin phải giữ đúng Luật ‘cắt bì’ của Moisen vì Do Thái là dân riêng được Chúa chọn, nhưng “Thánh Phaolô mở rộng nhãn giới ơn cứu độ ở hai điểm. Thứ nhất, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mở rộng đến hết các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn vào dân tộc Israel mà thôi. Thứ hai, để được lãnh hơn cứu độ không cần phải tuân giữ luật Moisen, nhưng chỉ cần tin Đức Kitô là Đấng Cứu thế. Điều kiện này cũng được đặt ra cho người Do Thái nữa.”
‘Dân ngoại hay có từ gọi khác, Lương dân’ không phải là người không có tín ngưỡng, chỉ khác, họ không tin Chúa. Thánh Phaolô đã ‘đi trước thời đại’ sẳn sàng ‘đối thoại một cách cởi mở’ với dân ngoại khi đề cập đến việc lãnh Ơn Cứu Độ không ở ‘phép cắt bì’(*)
Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu…Không có sử liệu chắc chắn về cái chết của Thánh Phaolô. Tương truyền rằng, khoảng năm 64 Ngài bị chém đầu dưới thời hoàng đế Nêrô. Sau đó, Ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại Thành.
Trong ý nghĩ ‘đối thoại với dân ngoại hay lương dân’ qua lời dạy của vị “Tông đồ dân ngoại” nhân ngày 29.6, chúng tôi gởi đến bạn bài viết của Lm Phan Tấn Thành “Tại sao Thánh Phaolô được gọi là “Tông đề dân ngoại” X: https://cursillosaigon.org/song-phung-vu/2812-tai-sao-thanh-phao-lo-duoc-goi-la-tong-do-dan-ngoai. Trong bài viết này, chỉ xin trích hai phần cuối vì có liên quan đến “đối thoại dân ngoại’.
———————-
“Thánh Phaolô được đặt tên là “tông đồ của Dân ngoại” phải không?
“Trước khi trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Trong tiếng Việt, khi nói đến “dân ngoại” (hay người ngoại), chúng ta liên tưởng ngay đến người ngoại đạo (ở ngoài Giáo Hội), đôi khi mang nghĩa xấu: người ngoại đạo là người không biết Chúa, thờ bụt thần ma quỷ. Sự đối chọi tương tự cũng gặp thấy giữa “lương dân” và “giáo dân”, tuy nguồn gốc có lẽ không tốt đẹp như chúng ta nghĩ. (Theo vài sử gia, sự đối chọi giữa lương dân và giáo dân bắt nguồn từ vua Tự Đức: lương dân có nghĩa là người lương thiện, tuân theo lệnh của vua; còn giáo dân là bọn ngang bướng đi theo tà đạo cho nên cần phải giáo hóa). Sự phân biệt “nội / ngoại” hoặc “lương / giáo” thuộc tư tưởng Việt Nam chứ không hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Kinh Thánh. Thực vậy, nếu muốn dịch sát nghĩa thì phải nói rằng Thánh Phaolô là “tông đồ của muôn dân” (apostolus gentium). Tiếng “gentes” trong La-tinh tương đương với ethnê trong Hy-lạp, chỉ có nghĩa là “dân tộc” (từ đó mà có ngành ethnologia: dân tộc học). Thực ra, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, nhiều lần chúng ta thấy có sự đối chọi giữa Israel (dân Thiên Chúa, laos), với các dân tộc khác (ethnê). Do những kinh nghiệm chua chát trong lịch sử, người Do Thái được lệnh cấm không được giao lưu với các dân tộc khác, bởi vì sợ lây nhiễm các tục lệ trái nghịch với giao ước, đặc biệt trong việc thờ ngẫu tượng. Việc tiếp xúc với các dân tộc khác bị coi là ô uế, như ta còn thấy một trường hợp điển hình nơi Thánh Phêrô, được kể lại nơi sách Tông Đồ Công Vụ chương 10 và 11. Khi ông Phêrô đi vào nhà ông Cornêliô và trọ lại ở đây, thì ông bị một số tín hữu chỉ trích là nhiễm ô uế chiếu theo luật Môsê. Trong bối cảnh như vậy, các dân tộc không thuộc về dân Do Thái sẽ không được thông dự vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.
“Như vậy, Thánh Phaolô được gọi là tông đồ Dân ngoại bởi vì người đã giảng Tin Mừng cứu độ cho những người không thuộc dân Do Thái, phải không?
“Đúng thế. Biệt hiệu “tông đồ dân ngoại” (hay đúng hơn, “tông đồ của chư dân” hoặc của các dân tộc) không phải là do hậu thế đặt cho Thánh Phaolô nhưng là do chính người tự nhận như vậy (thí dụ Rm 1,5; 11,13; 15,16; Gl 2,8). Điều này giả thiết một ơn gọi riêng, mà Thánh Phaolô cho rằng mình đã lãnh nhận trực tiếp từ Chúa Kitô trên đường đi Đamascô. Ơn gọi này bao hàm một cái nhìn mới về lịch sử cứu độ, khác với cái nhìn của người Do Thái trước đây. Như vừa nói, người Do Thái cho rằng họ được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng, và lãnh nhận giao ước cứu độ. Các dân khác không nằm trong kế hoạch này, đừng kể khi nào họ chấp nhận gia nhập đạo Do Thái, và tuân hành luật lệ Môsê. Nhưng Thánh Phaolô mở rộng nhãn giới ơn cứu độ ở hai điểm. Thứ nhất, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mở rộng đến hết các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn vào dân tộc Israel mà thôi. Thứ hai, để được lãnh hơn cứu độ không cần phải tuân giữ luật Môsê, nhưng chỉ cần tin Đức Kitô là Đấng Cứu thế. Điều kiện này cũng được đặt ra cho người Do Thái nữa. Như vậy, từ nay sẽ không còn phân biệt giữa “Do Thái” và “các dân” nữa, nhưng tất cả sẽ họp thành một Dân mới của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Xem ra đó là hai kết luận đơn giản, nhưng quả thực là một cuộc cách mạng tư tưởng lớn đối với Thánh Phaolô, nếu chúng ta biết rằng trước đây không những ông là người Do Thái nhưng còn là người Biệt Phái, nghĩa là có thái độ bảo thủ trong việc tiếp xúc với người ngoại đạo. Do đó, biến cố tại Đamascô đánh dấu một cuộc chuyển hướng lớn trong cuộc đời của ông, một sự thay đổi não trạng (mà ta gọi là trở lại hay cải hoán cũng được) không thể giải thích được do sự nghiên cứu học hỏi, nhưng là nhờ mạc khải của Thiên Chúa. Đối với Phaolô, ông lãnh nhận mạc khải này do chính Chúa Kitô trực tiếp trao cho ông (Gl 1,12). Để thi hành sứ vụ “tông đồ muôn dân”, như ta đã biết, Thánh Phaolô không những phải đương đầu với những khó khăn vất vả do những cuộc hành trình đầy gian truân, vượt núi trèo đèo, nhưng còn phải tranh đấu ngay trong cộng đoàn các tông đồ, để các tín hữu không buộc phải tuân hành các luật lệ Do Thái khi gia nhập Hội Thánh, như ta đọc thấy chứng tích trong chương 15 sách Tông Đồ Công Vụ và chương 2 của thư gửi Galát.
Đình Vượng
—————
(*) Cắt bì tức là cắt phần da bọc chung quanh quy đầu của người nam. Phép cắt bì là một nghi thức tôn giáo, tất cả con cháu của Abraham phải cắt bì để biểu thị giao ước mà Chúa đã lập với ông (Sáng thế ký 17: 9–14; Công vụ 7: 8). Luật pháp Moisen cũng đã nhắc đến luật lệ này (Lê-vi 12: 2–3), và người Do Thái trong suốt nhiều thế kỷ đã tiếp tục thi hành phép cắt bì (Giôsuê 5: 2–3; Luca 1:59; Công vụ 16: 3; Philíp 3: 5). Kinh Thánh nói gì về phép cắt bì? Thời Tân ước không còn theo Luật Cựu Ước nữa, và cắt bì không còn là luật lệ bắt buộc. Dẫn chứng được tìm thấy trong một số đoạn Kinh Thánh Tân ước, như Công vụ các Sứ đồ 15; Ga-la-ti 2:1–3; 5: 1–11; 6:11–16; 1 Cô-rinh-tô 7:17–20; Cô-lô-se 2:8–12; và Phi-líp 3:1–3. Thánh Phaolô nói rõ ràng trong Galat, phép cắt bì không giúp ích gì cho sự cứu rỗi hay sự nên thánh trong Chúa Kito. Một lần nữa, phép cắt bì trong tâm hồn mới là quan trọng.