Chiều ngày 14/6/2024, phát biểu trong phiên họp chung hội nghị thượng đỉnh G7 về trí tuệ nhân tạo, Đức Thánh Cha nói về cơ hội, mối nguy và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo: nhân loại sẽ bị kết án trong một tương lai vô vọng nếu khả năng quyết định về bản thân và cuộc sống của họ bị tước đi khỏi con người, buộc họ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của máy móc. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người đưa ra quyết định.
Cuộc họp được tổ chức tại Borgo Egnazia thuộc miền Puglia của Ý, với nhóm liên chính phủ không chính thức quy tụ bảy nền kinh tế chính của các nước tiên tiến: Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ý, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, nhưng cũng có sự hiện diện của nguyên thủ các nước khác như Ucraina, Kenya, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, vv.
Đức Thánh Cha đã tập trung vào ba điểm chính: trí tuệ nhân tạo là công cụ hấp dẫn và đáng sợ; đặt phẩm giá con người trở lại trung tâm theo một đề xuất đạo đức chung; và nền chính trị mà chúng ta cần.
Trí tuệ nhân tạo là kết quả của việc sử dụng khả năng sáng tạo Chúa ban
Trước hết, dựa trên Lời Chúa (Xh 35,31), Thiên Chúa ban cho con người Thần Khí của Người để họ có sự khôn ngoan, thông minh và khoa học trong mọi việc làm, Đức Thánh Cha khẳng định rằng khoa học và kỹ thuật là sản phẩm tuyệt vời bởi khả năng sáng tạo của con người chúng ta. Do đó, trí tuệ nhân tạo là kết quả của việc sử dụng khả năng sáng tạo này. Nhưng trí tuệ nhân tạo, một đàng kích thích những khả năng mà nó mang lại, đàng khác nó tạo ra nỗi sợ hãi về những hậu quả mà nó gây ra. Sự tiến bộ công nghệ mạnh mẽ làm cho trí tuệ nhân tạo trở thành một công cụ hấp dẫn nhưng đồng thời khủng khiếp và đòi hỏi sự suy tư phù hợp với hoàn cảnh.
Ơn gọi phục vụ nhân loại
Đức Thánh Cha nhận định rằng việc sử dụng các công cụ của chúng ta không phải lúc nào cũng nhằm mục đích tốt. Do đó, “chỉ khi ơn gọi phục vụ nhân loại của chúng được đảm bảo thì các công cụ công nghệ mới không chỉ cho thấy sự cao cả và phẩm giá độc đáo của con người, mà còn cả sứ mạng mà con người đã nhận được là ‘vun trồng và bảo vệ’ (xem Gen 2,15) hành tinh và tất cả cư dân của nó”.
Con người phải luôn được quyết định.
Ngài cũng lưu ý rằng những gì máy móc làm là sự lựa chọn kỹ thuật giữa một số khả năng và dựa trên các tiêu chí được xác định rõ ràng hoặc dựa trên các suy luận thống kê, nhưng con người không chỉ lựa chọn mà còn có khả năng quyết định. Do đó, “khi đối diện với những điều kỳ diệu của máy móc, dường như có thể lựa chọn một cách độc lập, chúng ta phải hiểu rõ rằng con người phải luôn được quyết định… Chúng ta cần đảm bảo và bảo vệ một không gian đáng kể để con người kiểm soát quá trình lựa chọn các chương trình trí tuệ nhân tạo: chính phẩm giá con người đang bị đe dọa”.
Cấm sử dụng “vũ khí giết người tự động”
Cụ thể, trong các trường hợp của chiến tranh, “phải cấp thiết suy nghĩ lại việc phát triển và sử dụng các thiết bị như cái gọi là ‘vũ khí giết người tự động’ để cấm sử dụng chúng… Không có cỗ máy nào được ra quyết định lựa chọn liệu có lấy đi mạng sống của con người hay không”.
Đạo đức học: phải luôn hướng đến lợi ích của mỗi con người
Do đó, Đức Thánh Cha nói về “đạo đức học”: chính trong đó, tình trạng “tự do” và “trách nhiệm” của con người được thể hiện; không có nó thì “nhân loại đã đi sai mục đích tồn tại của mình bằng cách biến mình thành kẻ thù của chính mình và hành tinh”. Các chương trình trí tuệ nhân tạo “phải luôn hướng đến lợi ích của mỗi con người; tức là chúng phải được truyền ‘cảm hứng đạo đức’”.
Chính trị lành mạnh
Trong số những rủi ro khác nhau, Đức Thánh Cha cũng lo ngại về một “mô hình kỹ trị”. Theo ngài, chính do điều này, cần có một hành động chính trị. Chính trị là điều hữu ích nhưng chúng ta cần một “chính trị lành mạnh” có thể khiến chúng ta nhìn về tương lai của mình với niềm hy vọng và niềm tin.
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News