Đức Giáo hoàng Phanxicô: Trong chính trị, người Công giáo không thể sống một ‘đức tin riêng tư’.

Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu tại Tuần lễ Xã hội Công giáo lần thứ 50 ở thành phố Trieste, nước Ý.

Hôm Chúa nhật, Đức Giáo hoàng Phanxicô hối thúc người Công giáo chia sẻ đức tin của họ tại quảng trường công cộng và chống lại sự phân cực chính trị bằng cách ủng hộ nền dân chủ đặt con người làm trung tâm.

“Chúng ta đừng để bị đánh lừa bởi những giải pháp dễ dãi. Thay vào đó chúng ta hãy say mê công ích,” ngài nói tại một hội nghị Công giáo về dân chủ ở thành phố Trieste, miền bắc nước Ý vào ngày 7 tháng 7.

Đức Phanxicô đã tham dự buổi sáng cuối cùng của Tuần lễ Xã hội Công giáo lần thứ 50, một cuộc họp thường niên của Giáo hội Công giáo ở Ý nhằm xúc tiến học thuyết xã hội của Giáo hội. Chủ đề của đại hội từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 7: “Trọng tâm của nền Dân chủ: Sự tham gia xuyên suốt lịch sử và vào tương lai.”

Trong bài diễn văn, Đức Giáo hoàng đã nói một cách mạnh mẽ về tầm quan trọng của dân chủ – khuyến khích sự tham gia vượt thắng óc đảng phái, và so sách các ý thức hệ như “người đàn bà quyến rũ.”

“Là người Công giáo, ở chân trời này, chúng ta không thể mãn nguyện với một đức tin bên lề hoặc riêng tư,” Đức Giáo hoàng nói trước khoảng 1.200 người tham dự hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Generali. “Điều này không có nghĩa là được nghe quá nhiều, nhưng trên hết là phải có dũng khí để đưa ra những đề xuất cho công lý và hòa bình trong cuộc tranh luận công khai.”

“Chúng ta cần có điều gì đó để nói, nhưng không phải là để bảo vệ các đặc quyền. Không. Chúng ta cần cất lên một tiếng nói, một tiếng nói tố cáo và đề xuất trong một xã hội thường làm thinh và ở trong đó quá nhiều người không có tiếng nói.”

“Đây là tình yêu chính trị”, Đức Phanxicô nhấn mạnh và nói thêm rằng “đó là một hình thức bác ái cho phép chính trị chu toàn các trách nhiệm của nó và thoát khỏi sự phân cực. Những phân cực này làm bần cùng hóa chính trị và không giúp gì cho việc thấu hiểu và giải quyết các thách thức”.

Đại hội Tuần lễ Xã hội của người Công giáo được tổ chức ở Trieste, một thành phố cảng nằm trên một dải đất hẹp thuộc lãnh thổ Ý ở điểm cực đông bắc của nước này, giáp biển Adriatic và Slovenia.

Từ Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Trieste bằng trực thăng vào sáng sớm ngày 7 tháng 7. Sau khi trò chuyện với các đại biểu quốc hội từ khắp nước Ý, ngài tới chào thăm các đại diện thuộc các truyền thống Kitô giáo khác, một nhóm người nhập cư, và người khuyết tật.

Sau đó, Đức Giáo hoàng đã cử hành Thánh lễ cho khoảng 8.500 người Công giáo tại Quảng trường Unità d’Italia ở Trieste trước khi lên trực thăng trở về Vatican.

Khi nói đến tầm nhìn Kitô giáo về dân chủ, Đức Giáo hoàng trích dẫn bản ghi chú mục vụ năm 1988 của các giám mục Ý, trong đó nói rằng dân chủ có nghĩa là “mang lại ý nghĩa cho sự dấn thân của mọi người đối với sự biến đổi của xã hội; bày tỏ sự quan tâm đến những người vẫn ở bên ngoài hoặc bên lề của các cơ chế và các tiến trình kinh tế đang thắng thế; dành không gian cho tình liên đới xã hội trong tất cả mọi hình thức của nó; đưa ra sự hỗ trợ cho việc quay trở lại nền đạo đức quan tâm đến công ích […]; mang lại ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước, được hiểu […] như một sự cải thiện tổng thể về chất lượng của cuộc sống, sự chung sống tập thể, sự tham gia dân chủ và tự do đích thực.”

“Tầm nhìn này, bắt nguồn từ học thuyết xã hội của Giáo hội,” Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, áp dụng “không chỉ cho bối cảnh của nước Ý, mà còn trình bày một sự cảnh giác cho toàn thể xã hội loài người và cho cuộc hành trình của tất cả các dân tộc.”

“Trong thực tế, cũng như cuộc khủng hoảng dân chủ băng qua các thực tại và các quốc gia khác nhau, tương tự, thái độ trách nhiệm đối với những biến đổi xã hội là một một lời kêu gọi được gửi đến cho tất cả các Kitô hữu, dù họ sống và làm việc ở bất kỳ ở đâu, trong mọi nơi trên thế giới,” ngài nói thêm.

Đức Giáo hoàng còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại một nền văn hóa lãng phí, được phô bày bởi một quyền lực quy chiếu về bản ngã đến mức “không còn khả năng lắng nghe và phục vụ con người.”

Ngài nhắc lại tầm quan trọng của các nguyên tắc liên đớibổ trợ, và lên án một thái độ nào đó thuộc “chủ nghĩa phúc lợi” không công nhận phẩm giá của con người, gọi nó là “sự đạo đức giả xã hội”.

“Mọi người phải cảm thấy mình là phần tử của một dự án cộng đồng; không một người nào phải cảm thấy vô giá trị,” ngài nói.

Hannah Brockhaus
Người dịch: Thiên Phúc
Nguồn: CNA