– Câu hỏi: Roger thân mến! Đức Giêsu có tưởng nghĩ về việc quan hệ tình dục không? Chân thành cảm ơn! Fred.
– Câu trả lời:
Fred thân mến,
Câu hỏi của bạn khá gay cấn – bạn hỏi về điều mà chúng ta chẳng mấy khi nói hay nghĩ đến. Tuy nhiên, việc trả lời cho câu hỏi của bạn lại rất phù hợp trong thế giới chúng ta hôm nay. Nói cho cùng, Đức Giêsu là con người trọn vẹn và Người đã kinh nghiệm mọi sự mà chúng ta kinh nghiệm – bao gồm cả cám dỗ. Nếu chẳng vậy, Người rất có thể đã không chết thay chúng ta trên thập giá. Vì thế, thật thiết yếu việc chúng ta trả lời câu hỏi này.
Phải chăng Đức Giêsu đã từng nghĩ về việc quan hệ tình dục? Dĩ nhiên tôi cho rằng Người từng nghĩ về điều đó. Giống như đa số đàn ông con trai, tôi hình dung rằng Người nghĩ nhiều về điều đó. Tôi đã đọc thấy người ta nói rằng đa số các chàng trai mới lớn đều nghĩ về tình dục ít nhất cứ mỗi 15 phút, hay gần như vậy. Và Đức Giêsu cũng đã từng là một chàng trai mới lớn.
Nhiều tín hữu thắc mắc về việc Đức Giêsu đến gần việc “ăn trái cấm” tới mức nào. Câu hỏi này thực sự qui hướng vào vấn đề Đức Giêsu có hay không có khả năng phạm tội. Nói cho cùng, Người là Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa có thể phạm tội không? Thoạt nghĩ thì câu trả lời rõ ràng là “Không, Thiên Chúa không thể phạm tội”. Tuy nhiên, việc trả lời sẽ hơi phức tạp hơn là chỉ đơn giản một tiếng “có” hay “không”. Tôi tin rằng bằng chứng Thánh Kinh tuyên bố rõ Đức Giêsu không chỉ bị cám dỗ, mà Người còn hoàn toàn có cái khả năng phạm tội nữa.
Trong Thư Philipphê 2,1-11, Phaolô đã viết một thánh thi rất hùng hồn mô tả bảy bước hạ giáng của Đức Giêsu từ trời trở thành phàm nhân và chịu khổ hình thập giá. Rồi, Phaolô mô tả bảy bước vinh thăng từ việc Phục sinh trở về thiên quốc để nhận lại vinh quang của Người trong tư cách trọn vẹn là Thiên Chúa.
Ở câu 6 Phaolô tuyên bố rằng trong tiến trình từ bỏ thiên giới, Đức Giêsu đã hủy mình “ra không”. Từ Hy lạp “kenosis” có nghĩa sát chữ là “trút rỗng bản ngã của mình” – nhưng không ai biết chính xác điều đó thực sự có nghĩa thế nào. Tôi nghĩ sẽ không sai lầm khi nói rằng một cách nào đó Người đã trút bỏ nơi mình một phần “tính Thiên Chúa” của Người để mặc lấy “tính con người”. Người vẫn là Thiên Chúa 100%, nhưng cũng trở thành con người 100%. Sự kết hợp của Thiên Chúa và Con người này được gọi là “sự kết hợp bản thể”. Đây là một giáo lý khôn dò. Nói cách khác, đây là một mầu nhiệm, không thể hiểu thấu được.
Tôi tin rằng việc “trút rỗng” chính mình đã mở cánh cửa để Đức Giêsu thật sự có thể phạm tội (để có sự giải thích xa hơn về ý niệm này, xin đọc “Ask Roger Answer” của tôi, tiêu đề “Chúa Con hay con người?” ở địa chỉ preachitteachit.com).
Tôi cho rằng không thể nào Đức Giêsu sa vào tội lỗi trong tư cách đầy đủ là Thiên Chúa. Xét về mặt bản thể, Người chắc chắn có thể phạm tội trong tư cách con người trọn vẹn. Nói cho cùng, nếu Đức Giêsu không thể phạm tội, thì tại sao Satan phải mất công cám dỗ Người khi Người bắt đầu sứ vụ trên trần thế (Mt 4 và Lc 4)? Cả hai tác giả Tin Mừng đều tuyên bố rằng sự cám dỗ ấy sẽ đi theo Đức Giêsu mọi ngày trong đời sống của Người; và các vị ấy đã nói đúng.
Hơn nữa, khi mô tả sứ vụ của Đức Giêsu trong tư cách vị thượng tế cao cả của chúng ta, tác giả Thư Do thái đã cho thấy rằng Đức Giêsu phải chịu mọi cám dỗ (gồm cả những cám dỗ tình dục) mà con người chúng ta phải đương đầu – nhưng Người không phạm tội: “Vị thượng tế của chúng ta không phải là không hiểu được những yếu hèn của chúng ta, nhưng chúng ta có một vị thượng tế đã chịu cám dỗ về mọi phương diện, giống như chúng ta – nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).
Diễn ngôn “nhưng không phạm tội” rõ ràng có ý nói rằng Người hoàn toàn có khả năng phạm tội, nhưng mà Người đã không phạm tội.
Chúng ta phải nhớ rằng cám dỗ tự nó không phải là tội. Martin Luther đã viết: “Bạn không thể ngăn cản chim bay qua đầu bạn; nhưng bạn chắc chắn có thể ngăn cản chúng làm tổ trên tóc bạn”.
Chúng ta hãy xem xét kỹ điều Đức Giêsu dạy về dâm dục trong ánh sáng của cách Luther minh họa.
Trong Mátthêu 5,27-28, Đức Giêsu tuyên bố: “Các ngươi nghe dạy rằng ‘chớ ngoại tình’. Nhưng ta bảo các ngươi rằng bất cứ ai nhìn người nữ với lòng ham hố thì đã phạm tội ngoại tình với người ấy trong lòng mình rồi”.
Việc nhìn một người – đàn ông hay phụ nữ – và ngưỡng mộ vẻ đẹp của người ấy thì không phải là một tội. Có lẽ ngay cả việc tưởng tượng thoáng qua về quan hệ tình dục cũng vẫn chưa phải là một tội. Tội xảy ra khi chúng ta, trong tâm trí và cảm xúc, đậu lại nơi một người cụ thể và mải mê tưởng nghĩ về kinh nghiệm tình dục với người ấy. Trong trường hợp này, cám dỗ đã hóa thành dâm dục. Tội xảy ra trong việc hình dung kéo dài, chứ không phải trong ý nghĩ chợt thoáng qua tâm trí người ta.
Phải chăng Đức Giêsu đã nghĩ về việc quan hệ tình dục? Trong tư cách con người trọn vẹn, chắc chắn Người có nghĩ. Cả Satan lẫn tính con người của Đức Giêsu chắc chắn đã làm cho “con chim cám dỗ bay” qua đầu Người. Tuy nhiên, theo đoạn Thư Do thái đề cập ở trên, Đức Giêsu không bao giờ cho phép con chim ấy “làm tổ trên tóc Người”.
Một số người tưởng tượng rằng Maria Mađalena là một gái điếm đã cám dỗ Đức Giêsu quan hệ tình dục với nàng. Chẳng hạn, tác phẩm “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô” giả định rằng Maria Mađalena, “người được Đức Giêsu trừ bảy quỉ” (Lc 8,2), là người quyến rũ Đức Giêsu, hay có lẽ ít nhất nàng là bạn gái của Người.
Tôi hoàn toàn không tin điều đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng dù nàng sống kiểu gì trước khi gặp Đức Kitô thì lối sống của nàng cũng đã thay đổi ngoạn mục do cuộc gặp gỡ thiêng liêng của nàng với Chúa. Nàng đã trở thành một môn đệ nhiệt thành và một người đóng góp tài chánh cho sứ vụ của Chúa, nàng đã chứng kiến Chúa chịu đóng đinh, đã sửa soạn thi hài Người cho việc an táng, và đã là người đầu tiên nghe tin vui phục sinh!
Cho tới đây chúng ta đã bàn về cái ý tưởng cho rằng Đức Giêsu có một quan hệ tình dục tội lỗi. Chắc chắn rằng Người không như vậy.
Vì Đức Giêsu giống chúng ta, tôi chắc chắn rằng Người đã kinh nghiệm cái xung năng tình dục được Thiên Chúa phú bẩm bên trong để truyền sinh – và như vậy chu toàn mệnh lệnh của Chúa Cha về việc “sản sinh đầy mặt đất”. Do đó, tôi tin rằng Người chắc hẳn đã có xem xét đến việc kết hôn như một khả năng lựa chọn.
Trong tiểu thuyết hiện đại “The Da Vinci Code” của mình, Dan Brown đã tưởng tượng rằng Đức Giêsu cưới Maria Mađalena và sinh con cái với nàng. Ông đan kết ý niệm này với thần thoại về “Kho Báu thiêng thánh”. Tuy nhiên, những tuyên bố ấy không có cơ sở nào trong sự thật Thánh Kinh.
Phải chăng rất có thể Đức Giêsu đã kết hôn nếu Người muốn thế? Phải chăng rất có thể Đức Giêsu đã có con cái nếu Người kết hôn? Một số Kitô hữu trả lời “có” cho cả hai câu hỏi trên. Phần mình, tôi thấy khó mà nói “có” cho cả hai câu hỏi ấy.
Tôi tin rằng dù Đức Giêsu nghĩ gì về kết hôn hay về con cái – giả dụ rằng Người có nghĩ về điều đó – thì nó cũng nhanh chóng bị xua tan. Sứ mạng của Người là “đưa muôn vàn con cái tới vinh quang” (Dt 2,10), chứ không phải là kết hôn và sinh sản. Đức Giêsu nêu rõ rằng “Con Người đến tìm và cứu những gì lạc mất”. Tiếng gọi mà chính Thiên Chúa thôi thúc này thắng vượt sự phân tán tâm trí cũng như thắng vượt bất cứ sự thành đạt nào Người có thể có được từ việc cưới vợ và sinh con cái. Có thể Người từng thích kết hôn không? Có thể. Kết hôn và sinh con cái có phải là ý muốn của Thiên Chúa cho đời sống của Người không? Chắc chắn là không.
Fred thân mến, cảm ơn bạn vì đã nêu một câu hỏi thú vị như thế. Tôi hy vọng câu trả lời của mình cung cấp được vài ý tưởng gợi mở và vài ánh sáng hữu ích cho bạn và cho những người khác liên quan đến đời sống tính dục của Đức Giêsu.
Thân mến,
Roger
Linh mục Lê Công Đức dịch (đã xin phép tác giả bản dịch)