Chúng ta phải phân biệt giữa chủ nghĩa xã hội cổ điển (thường được gọi là ‘Chủ nghĩa cộng sản’) và các hình thức chủ nghĩa xã hội khác, mới hơn (đôi khi được gọi là ‘Chủ nghĩa xã hội dân chủ’). Chúng ta hãy lần lượt định nghĩa và biện giải từng chủ nghĩa này.
I. Chủ nghĩa xã hội cổ điển
Chủ nghĩa xã hội cổ điển là hệ thống kinh tế có thể được coi là sự quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Mục tiêu của chủ nghĩa này là nhà nước sở hữu và quản lý các phương tiện sản xuất. Sau đó, mọi người được phân chia cách đồng đều sản lượng của hệ thống. Tính phổ cập của chủ nghĩa này là nhờ các tác phẩm của Các Mác.
Chủ nghĩa này:
– Ủng hộ quyền sở hữu và quản lý của chính quyền đối với các phương tiện sản xuất và phân phối hàng hóa, và
– Đã cáo chung vào năm 1989 bằng sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và các chế độ ‘xã hội chủ nghĩa’ ở Đông Âu.
– Đã được Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc sửa đổi rất nhiều, bắt đầu từ các cải cách kinh tế thị trường sâu rộng của ông vào đầu những năm 1980.
– Vẫn còn tồn tại ở những nước như Cuba và Bắc Triều Tiên.
Chủ nghĩa xã hội này đã bị lên án bởi giáo huấn xã hội Công giáo, bắt đầu từ Đức Giáo hoàng Lêô XIII năm 1891, qua Đức Giáo hoàng Piô XI năm 1931 rồi đến Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1991 vì nó xâm phạm quyền tư hữu, bổ trợ và nhân học.
Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ!
Giáo huấn xã hội Công giáo chưa bao giờ nói bất cứ điều gì tích cực về loại chủ nghĩa xã hội này.
II. Chủ nghĩa xã hội cổ điển xung đột với một số quyền của con người.
1. Xâm phạm quyền tư hữu
Đức Giáo hoàng Lêô XIII, trong Rerum Novarum, nhận thấy rằng chủ nghĩa xã hội xâm phạm các quyền về tư hữu và gây tổn hại cho người lao động.
Ngài cho biết chủ nghĩa xã hội “thực là bất công” vì nó “cướp đi sở hữu chủ hợp pháp, xuyên tạc các chức năng của Nhà nước và tạo ra tình trạng rối ren hiển nhiên trong cộng đồng.” (Rerum Novarum, 4)
Chủ nghĩa xã hội “phải tuyệt đối bị phi bác, vì nó chỉ gây thương tích cho những người mà tưởng chừng như được thụ hưởng, nhưng lại hoàn toàn mâu thuẫn với các quyền tự nhiên của nhân loại, và vì nó sinh ra tình trạng rối ren và vô trật tự trong khối cộng đồng.” (Rerum Novarum, 15)
2. Xâm phạm nguyên tắc bổ trợ
Đức Giáo hoàng Piô XI, trong Quadragesimo Anno, nhận thấy chủ nghĩa xã hội xâm phạm đến nguyên tắc bổ trợ vốn là nguyên tắc cốt yếu của giáo huấn xã hội Công giáo:
“Nguyên tắc có trọng lượng nhất ấy, vốn không thể bị coi thường hoặc thay đổi, vẫn đứng vững và không lay chuyển trong triết học xã hội: Cũng như việc tước bỏ khỏi cá nhân những gì họ có thể hoàn thành bằng sáng kiến và tài khéo léo của riêng họ và trao cho cộng đồng là sai lầm nghiêm trọng, thì việc giao cho một hiệp hội lớn hơn và cao hơn những gì các tổ chức nhỏ hơn và thấp hơn có thể làm cũng là bất công và đồng thời là sự ác nghiêm trọng và gây rối ren cho trật tự chính đáng. (Quadragesimo Anno, 79)
“Nhà nước… không được mở rộng việc sở hữu của mình vượt quá những gì được cho là cần thiết cách rõ ràng bởi các cân nhắc của công ích được hiểu cách đúng đắn, và ngay cả sau này phải có các biện pháp bảo vệ. Nếu không, quyền sở hữu tư nhân có thể bị giản lược quá mức, hoặc thậm chí xấu hơn là hoàn toàn bị phá hủy. (Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, 117)
Một trăm năm sau, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận cái nhìn sâu sắc này: “Quyền này, [quyền tư hữu] vốn là nền tảng cho sự tự trị (autonomy) và sự phát triển của nhân vị, luôn được Giáo hội bảo vệ cho đến tận ngày nay”. (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 30)
Và, “Bằng cách xác định bản chất của chủ nghĩa xã hội vào thời của ngài là xóa bỏ quyền tư hữu, Đức Lêo XIII đã đi đến điểm then chốt của vấn đề.” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 12)
“Do đó, nếu người ta muốn làm cho tình cảnh bần cùng của quần chúng giảm bớt, thì nguyên tắc hàng đầu và nền tảng nhất là quyền tư hữu phải trở thành tính bất khả xâm phạm.” (Rerum Novarum, 15)
3. Xâm phạm nhân học
Cuối cùng, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Centesimus Annus, chứng minh sự thất bại của chủ nghĩa xã hội trong việc hiểu nhân học – con người. “Không thể hiểu con người chỉ dựa trên một mình kinh tế học”. (Centesimus Annus, 24)
Dưới chủ nghĩa xã hội, tự do “bị thay thế bằng một hệ thống kiểm soát quan liêu nặng nề làm cạn kiệt nguồn vô hạn của sáng kiến và tính sáng tạo”. (Centesimus Annus, 25)
Do đó, chủ nghĩa xã hội cuối cùng sẽ thất bại vì “sự hiểu biết về tự do của con người khiến nó tách khỏi việc tuân thủ chân lý và do đó tách khỏi nghĩa vụ tôn trọng các quyền của người khác”. (Centesimus Annus, 17)
Ngài thừa nhận rằng: “Con người được hiểu theo một cách trọn vẹn hơn khi họ được đặt trong phạm vi văn hóa” và “trung tâm của mọi nền văn hóa nằm ở thái độ mà con người đón nhận mầu nhiệm cao cả nhất: mầu nhiệm về Thiên Chúa… Khi vấn đề này bị loại bỏ, nền văn hóa và đời sống đạo đức của các quốc gia sẽ bị tha hóa”. (Centesimus Annus, 24)
Vì vậy, ngoài sự thất bại của chủ nghĩa xã hội vì: a. sự xâm phạm các quyền của người lao động (sáng kiến cá nhân, quyền sở hữu tài sản và tự do kinh tế); b. sự kém hiệu quả của hệ thống kinh tế và; c. hậu quả của việc vi phạm nhân quyền — chủ nghĩa xã hội cuối cùng còn thất bại vì “khoảng trống tâm linh do chủ nghĩa vô thần gây ra”. (Centesimus Annus, 24)
III. Chủ nghĩa xã hội dân chủ
Việc giải thích chính xác cách những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ tự định nghĩa một cách nhất quán đã chứng minh là không thể. Tuy nhiên, một phân tích về nhiều trang web của “Chủ nghĩa xã hội dân chủ” và “người theo chủ nghĩa xã hội” ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã làm rõ sự đồng thuận của họ trong việc ủng hộ một hoặc cả hai lập trường này.
Những người ủng hộ:
– Chính phủ cung cấp đủ loại dịch vụ cơ bản, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục đại học, miễn phí hoặc miễn giảm đáng kể, và/hoặc;
– Chính phủ kiểm soát các khu vực rộng lớn của nền kinh tế – nhằm cải thiện những “vấn nạn” được nhận biết (biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập, v.v.).
Trào lưu đương thời này có phù hợp chặt chẽ như thế nào với “chủ nghĩa xã hội ôn hòa” thì vẫn bị Giáo hội Công giáo lên án vì nó chỉ tập trung vào “bản chất” kinh tế của con người và chối bỏ Thiên Chúa như là mục tiêu tối hậu của chúng ta, tất nhiên, vẫn còn mở ra cho cuộc thảo luận và chờ đợi lời giải thích đầy đủ hơn các niềm tin từ những người theo chủ nghĩa này.
IV. Giáo hội khẳng định nhiều mục đích của chủ nghĩa xã hội dân chủ
Giáo huấn xã hội Công giáo và chủ nghĩa xã hội dân chủ chia sẻ các mục tiêu chung. Chủ nghĩa xã hội dân chủ cổ võ một số giáo huấn của Giáo hội Công giáo, ở chỗ nó coi trọng phẩm giá con người và tình liên đới. Nhưng, trong khi Giáo hội Công giáo và chủ nghĩa xã hội dân chủ chia sẻ những điểm tương đồng về các mục tiêu chung cuộc thì đó là nơi điểm tương đồng kết thúc. Đức Giáo hoàng Piô XI đã giải thích…
Thật vậy, “chủ nghĩa xã hội ôn hòa hơn hướng tới và ở một mức độ nào đó tiếp cận những chân lý mà truyền thống Kitô giáo luôn coi là thiêng liêng; vì nó không thể phủ nhận rằng đôi khi những đòi hỏi của nó rất gần với những đòi hỏi mà những nhà cải cách xã hội Kitô giáo nhấn mạnh cách đúng đắn”. Quadragesimo Anno, 113
Các vấn đề được giải quyết trong nhiều trường hợp đòi hỏi một phản ứng xuất phát từ việc xem xét đơn giản các nguyên tắc giáo huấn xã hội Công giáo về phẩm giá con người và tình liên đới. Trên thực tế, “Thậm chí có thể đi đến mức những ý tưởng không thể nhận thấy này của chủ nghĩa xã hội ôn hòa hơn sẽ không còn khác biệt với các ước muốn và đòi hỏi của những người đang nỗ lực tái thiết xã hội loài người trên cơ sở các nguyên tắc Kitô giáo”.! Quadragesimo Anno, 114
V. Không phải là phương tiện!
Chủ nghĩa xã hội, ngay cả những hình thức ôn hòa như chủ nghĩa xã hội dân chủ, về cơ bản đều giản lược nhân loại thành các yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo bác bỏ việc con người có thể được hiểu như vậy. Do đó, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội dân chủ đã đánh mất một cái nhìn sâu sắc quan trọng vào ý tưởng cơ bản của nhân học. Giáo hội Công giáo đặt con người trong sự trọn vẹn của nhân tính chung và xã hội của nó. Khi chỉ nhìn nhận con người trong yếu tố vật chất của mình, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội dân chủ đã không đánh giá được sự cao cả thực sự của con người.
Các “phương tiện” ngay cả của “chủ nghĩa xã hội ôn hòa” cũng “không thể tương thích với giáo huấn của Giáo hội Công giáo vì khái niệm về xã hội của nó hoàn toàn xa lạ với chân lý Kitô giáo”. (Giáo hoàng Piô XI, 117)
Ngay cả chủ nghĩa xã hội ôn hòa “dựa trên…một lý thuyết về xã hội loài người… thì cũng không thể tương thích với Kitô giáo đích thực”. (Giáo hoàng Piô XI, 120)
“Chúng ta đã thấy tất cả các hình thức của chúng, ngay cả những hình thức được cải biến nhiều nhất, đều đi chệch xa khỏi các giới răn của Phúc âm.” (Giáo hoàng Piô XI, 128)
“Bằng cách can thiệp trực tiếp và tước bỏ khỏi xã hội trách nhiệm của nó, Nhà nước bao cấp xã hội làm mất mát năng lượng của con người và gia tăng quá mức các cơ quan công quyền bị chi phối nhiều hơn bởi cách suy nghĩ quan liêu hơn là quan tâm đến việc phục vụ khách hàng của chúng, và kèm theo đó là sự gia tăng chi tiêu rất lớn. Trên thực tế, có vẻ như các nhu cầu được hiểu và thỏa mãn tốt nhất là bởi những người gần gũi với chúng nhất và những người hành động với tư cách là những người lân cận của những người túng thiếu”. (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 48)
VI. Chủ nghĩa xã hội dân chủ có thể xâm phạm nhân học
Đức Giáo hoàng Piô XI “nói rõ rằng không một người Công giáo nào có thể tán thành ngay cả chủ nghĩa xã hội ôn hòa”. (Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, 34)
“Theo giáo huấn của Kitô giáo, con người, được phú cho bản tính xã hội, được đặt để trên trái đất này để sống một cuộc đời trong xã hội và dưới một thẩm quyền do Thiên Chúa truyền, con người có thể trau dồi và phát triển cách đầy đủ mọi tài năng của mình để ca ngợi và tôn vinh Đấng Tạo hóa.” (Giáo hoàng Piô XI, 118)
“Chủ nghĩa xã hội… hoàn toàn phớt lờ và thờ ơ với mục đích cao cả này của cả con người lẫn xã hội, khẳng định rằng sự kết hợp của con người chỉ được thiết lập vì lợi ích vật chất mà thôi.” (Giáo hoàng Piô XI, 118)
VII. Như chủ nghĩa tư bản man rợ đầy sức mạnh
“Trong chừng mực mà nó [chủ nghĩa tư bản man rợ] phủ nhận sự tồn tại và giá trị tự trị của luân lý, luật pháp, văn hóa và tôn giáo, thì nó đồng tình với chủ nghĩa Mác, theo nghĩa là nó hoàn toàn giản lược con người vào phạm vi kinh tế và sự thỏa mãn các nhu cầu vật chất.” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 19)
Dựa trên nhân học, Giáo hội có thực sự nói rằng không có sự khác biệt giữa “ngay cả các hình thức của chủ nghĩa xã hội ôn hòa” và chủ nghĩa tư bản man rợ không? Thưa có! Một mối nguy hiểm thực sự nằm ở “sự từ chối mang tính ý thức hệ… rõ ràng là không biết đến Đấng Tạo Hóa và có nguy cơ trở nên không biết đến các giá trị của con người… Một chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa nhân bản vô nhân.” (Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 78)
“Cuộc khủng hoảng sẽ không hoàn toàn kết thúc cho đến khi các tình huống và điều kiện sống được xem xét dưới góc độ nhân vị và phẩm giá con người… Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục nhấn mạnh rằng… nhân vị và phẩm giá con người không chỉ là những câu cửa miệng, mà là những trụ cột để tạo ra các quy tắc và cơ cấu chung”. (Giáo hoàng Phanxicô, 2)
Chỉ khi “mở lòng với Đấng Tuyệt đối mới có thể hướng dẫn chúng ta trong việc thúc đẩy và xây dựng các hình thức đời sống xã hội và công dân — các cơ chế, các thể chế, văn hóa và đạo đức”. (Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 78)
VIII. Chủ nghĩa xã hội dân chủ có khuynh hướng xâm phạm nguyên tắc bổ trợ
Bổ trợ là nguyên tắc nền tảng của triết học xã hội, cố định và không thay đổi, rằng người ta không được tước bỏ khỏi các cá nhân và trao cho cộng đồng những gì các cá nhân có thể thực hiện được bằng tài năng và sự chăm chỉ của chính họ. Tương tự như vậy, việc chuyển giao các chức năng cho tập thể lớn hơn và cấp cao hơn mà các cơ quan nhỏ hơn và cấp thấp hơn có thể thực hiện và cung cấp là một sự bất công và đồng thời là một sự ác nghiêm trọng và gây rối ren cho trật tự chính đáng.” Giáo hoàng Piô XI, 79
Bài tiếng Việt @ giaohuanxahoi.com
Nguồn: https://capp-usa.org/socialism/