Giáo huấn xã hội Công giáo có thể mang lại ánh sáng cho một thế giới tăm tối

Với diễn ngôn chính trị trên khắp thế giới dường như mang tính hiếu chiến hơn bao giờ hết, một tác giả người Anh đã trình bày một cuốn sách về Giáo huấn Xã hội Công giáo và nói về xác quyết của mình rằng thế giới cần “đạo đức của sự hiệp thông”.

Anna Rowlands, Giáo sư về tư tưởng và thực hành xã hội Công giáo tại Đại học Durham ở Anh, đã trình bày cuốn sách của mình về Giáo huấn Xã hội Công giáo: “Hướng tới một nền chính trị của sự hiệp thông: Giáo huấn Xã hội Công giáo trong thời kỳ đen tối” tại dinh thự của Đại sứ Anh tại Tòa thánh ở Rôma.

Phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách vào ngày 7 tháng 3, Đại sứ Chris Trott, Giáo sư Rowlands và Đức hồng y Michael Czerny người Canada, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Thăng tiến và Phát triển Con người Toàn diện, đều chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga và đồng thời coi đó là một ví dụ về “thời kỳ đen tối” vốn có thể và phải được soi sáng bằng cuộc đời của những con người đã sống tốt và liên đới với những người đau khổ.

“Khi lời kêu gọi của Putin về một hình thức định mệnh tinh thần mà ông ấy tự nhận thức được rõ ràng, sức mạnh của ngôn ngữ tôn giáo và những lý tưởng tôn giáo vẫn hoàn toàn mạnh mẽ trong thế giới của chúng ta”, Giáo sư Rowlands nói.

Và nếu những người Kitô hữu tin khác với tổng thống Nga “không học cách sống theo chiều sâu của các truyền thống của chúng ta, món quà của điều đó, và làm điều đó với tính nhân văn và phẩm giá”, Giáo sư Rowlands nói, “thì khi đó chúng ta nhượng bộ nền tảng tôn giáo và chính trị cho những người sẽ lợi dụng nó, như Thánh Augustinô nói, như một ‘libido dominandi’ (ham muốn quyền lực), như một ham muốn thống trị người khác”.

Đức Hồng y Czerny, giới thiệu cuốn sách, cho biết: “Cuộc tấn công quân sự của các lực lượng Nga vào Ukraine tuyên bố sự vắng mặt đầy sát khí của các mối tương quan giữa con người với nhau. Nhưng chúng ta cũng đang chứng kiến một cuộc tập hợp phi thường đối với các mối quan hệ liên đới nhằm phản đối cuộc xâm lược, cuộc chiến ở Ukraine”.

Đức Hồng y Czerny cho biết cuốn sách của Giáo sư Rowlands và kinh nghiệm cá nhân của ngài làm sáng tỏ rằng Giáo huấn Xã hội Công giáo “được quan tâm chủ yếu không phải bởi những việc nên làm và những việc không nên làm, nhưng với việc đem Tin Mừng vào phạm vi công chúng – hướng các phản ứng thực tế đối với các vấn đề thực tế do các sự kiện hiện tại đặt ra, dưới ánh sáng của Tin Mừng và truyền thống Công giáo”.

Trong phần lời tựa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho cuốn sách mà Đức Hồng y Czerny và một nhà thần học người Ý đã viết, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo huấn Xã hội Công giáo “không chỉ là một phần mở rộng mang tính xã hội đơn thuần của đức tin Kitô giáo, mà là một thực tế với nền tảng thần học: tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại và kế hoạch yêu thương của Người – và về tình huynh đệ – mà Người đã hoàn thành trong lịch sử nhân loại nhờ Chúa Giêsu Kitô, Thánh Tử của Người, Đấng mà tất cả các tín hữu được kết hợp mật thiết với nhau qua Chúa Thánh Thần”.

Giáo huấn Xã hội Công giáo nói về các mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới mà Ngài đã thiết lập, Đức Hồng y Czerny nói.

“Sự tập trung lệch lạc vào ‘tự do’ và ‘sự bình đẳng’ có xu hướng đẩy ‘tình huynh đệ’ sang một bên”, Đức Hồng y Czerny nói. Đó là lý do tại sao, như Giáo sư Rowlands giải thích, “Fratelli Tutti, về Tình huynh đệ và Tình bạn xã hội”, Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, “mạnh mẽ bác bỏ ý thức hệ của chủ nghĩa cá nhân, vốn dẫn đến sự bất bình đẳng, sự loại trừ và nền văn hóa thải loại”.

Trả lời các câu hỏi sau phần giới thiệu chính thức, Giáo sư Rowlands cho biết “tính hiệp hành” và vị trí của phụ nữ với tư cách là những người thực hành và phát triển tư tưởng xã hội Công giáo là hai lĩnh vực cần được khám phá thêm.

Giáo sư Rowlands cho biết khi trò chuyện với khán giả công chúng về Giáo huấn Xã hội Công giáo, bà thường được nói rằng hãy quay lại khi Giáo hội Công giáo đã chấn chỉnh để thể hiện “các nguyên tắc về phẩm giá con người, công ích, bổ trợ, liên đới trong nội bộ, bởi vì cho đến khi Giáo hội có thể làm chứng điều này trong các cơ cấu riêng của mình, thì bạn biết đấy, theo một nghĩa nào đó, nhân chứng ở đâu?”.

Tính hiệp hành, Giáo sư Rowlands nói, hoàn toàn có thể là con đường hướng tới việc thể hiện những nguyên tắc đó một cách đầy đủ hơn. Việc làm như vậy sẽ là hành động mang tính tiên tri, Giáo sư Rowlands nói, “vào thời điểm khi mà chúng ta dường như không thể lắng nghe nhau và không thể đáp ứng nhu cầu của nhau”.

Về phụ nữ và Giáo huấn Xã hội Công giáo, Giáo sư Rowlands cho biết phụ nữ đã “vắng mặt với tư cách là chủ thể” của Giáo huấn Xã hội Công giáo.

Thậm chí nghiêm trọng hơn nữa, Giáo sư Rowlands nói, đó là trong quá trình phát triển chính thức của Giáo huấn, sự tham gia tích cực của họ vào việc nhận biết “các dấu chỉ của thời đại” cũng đã không còn mặc dù có thể lập luận rằng hầu hết các “thực hành xã hội Công giáo” thiết thực – cho kẻ đói ăn, chữa lành bệnh tật, bênh vực công lý, cổ võ hòa bình – đã được thực hiện bởi phụ nữ, đặc biệt là các Nữ tu.

Minh Tuệ (theo Crux)
Bài lấy từ: dcctvn.org