Trong thông điệp Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) và tông huấn Laudate Deum (Hãy ngợi khen Chúa), Đức Giáo hoàng Phanxicô cắt nghĩa cho chúng ta biết hệ sinh thái toàn diện là gì. Đức Phanxicô nhấn mạnh trong cả hai văn kiện rằng chúng ta phải sống hòa hợp với phần còn lại trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà chúng ta là một phần trong đó.
Sinh thái học
Ở số 138, Laudato Si’ tuyên bố rằng “sinh thái học nghiên cứu mối quan hệ giữa các sinh vật sống và môi trường trong đó chúng phát triển”. Vì thế, Đức Giáo hoàng đưa ra những lời cảnh báo về tình trạng suy thoái môi trường và tình trạng suy thoái xã hội. Cả hai đều liên can với nhau và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chung.
Tính ích kỷ, chủ nghĩa tiêu dùng, nền văn hóa thải bỏ và chủ nghĩa tương đối nằm trong số các tệ nạn xã hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập. Không những thế, ngài còn kêu gọi thế giới yêu quý và tôn trọng sự sống của mỗi con người ngay từ lúc nó thụ thai. Thế giới, theo ngài, còn phải chú tâm đến giá trị của lao động và các vấn đề bóc lột con người, thí nghiệm trên động vật và thao tác di truyền.
Hệ sinh thái “toàn diện”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày chi tiết tỉ mỉ về ý tưởng của hệ sinh thái toàn diện một cách sâu sắc trong Chương 4 của Laudato Si’, và chúng xuất hiện một cách rõ ràng hoặc ngầm định trong Laudate Deum. Dưới đây là năm ý tưởng chính:
1. Nhân loại là thành phần của thiên nhiên, là do Thiên Chúa sáng tạo nên
“Chúng ta là thành phần của thiên nhiên, được đặt để vào trong thiên nhiên và do đó liên tục tương tác với thiên nhiên” (LS 139). Vì vậy, bất cứ điều gì tác động đến môi trường thì đều tác động đến di sản văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của chúng ta (LS 143). Chúng ta phải chăm sóc cả hai lĩnh vực này. Đây là điều mà ngài gọi là “thuyết loài người là trung tâm” (lấy con người làm trung tâm): “Sự sống của con người sẽ không thể hiểu được và không bền vững nếu không có các thụ tạo khác”. (LD 67)
2. Sự khôn ngoan đến từ các nền văn hóa bản địa
Các nền văn hóa bản địa thường học cách duy trì “mối quan hệ hài hòa” với thiên nhiên (LD 27). Chúng có thể cung cấp các bài học quan trọng. Bản sắc độc đáo và sự phong phú văn hóa của chúng đáng được bảo vệ, vì chúng thường bị tác động bởi các dự án nông nghiệp hoặc khai thác mỏ. Các dự án này “được thực hiện nhưng lại không quan tâm đến sự suy thoái của thiên nhiên và văn hóa” (LS 146).
3. Chất lượng cuộc sống cho mọi người, không có các ngoại lệ
Chúng ta phải đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân ở cả thành thị lẫn nông thôn (LS 151). Người dân phải được quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ thiết yếu (LS 154) và các khu vực “được bảo tồn và bảo vệ khỏi những thay đổi liên tục từ sự can thiệp do con người tạo ra” (LS 151).
4. Phẩm giá của con người và thân xác của con người
Chúng ta phải nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người và chấp nhận thân xác của chúng ta như một món quà từ Thiên Chúa (LS 155). Chúng ta phải chăm sóc nó và tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của nó, quý trọng nữ tính hay nam tính của nó. Ở đây, Đức Giáo hoàng đặt ra các vấn đề về giới tính, là phần chiếm quá nhiều trong các cuộc tranh luận về văn hóa ngày nay trong bối cảnh chăm sóc công trình tạo dựng. Ngài khẳng định rằng việc chăm sóc và tôn trọng công trình tạo dựng cũng có nghĩa là chăm sóc và tôn trọng thân xác của chính chúng ta, đặc biệt là tôn trọng nữ tính hay nam tính của thân xác chúng ta như khi chúng đã được sáng tạo.
5. Công ích
Điều quan trọng là tìm kiếm công ích, tôn trọng nhân vị – đặc biệt là gia đình, tế bào căn bản của xã hội, và những người nghèo nhất, suy nghĩ về thế giới mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ tương lai (LS 157-159, LD 60).
Kết luận
Tóm lại, hệ sinh thái toàn diện đề cập đến việc chăm sóc nhân loại và thế giới tự nhiên mà cả hai chúng ta không thể tách ra. Điều này bắt đầu với việc tôn trọng sự sống của mỗi con người, ở mọi nơi, từ lúc thụ thai và xuyên suốt các giai đoạn khác nhau của nó. Nó ám chỉ việc ôm lấy “chị trái đất” và thực hiện một cuộc hoán cải sinh thái. Nhờ đó, chúng ta từ bỏ chủ nghĩa tiêu thụ mang tính ép buộc và sống trong sự điều độ và khiêm tốn.
Điều này bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để tạo ra những thay đổi về văn hóa (LD 71). Chúng ta nên dâng lời tạ ơn trước và sau bữa ăn, đồng thời đẩy mạnh giáo dục về môi trường. Chúng ta cần học cách yêu thương và quan tâm đến sự sống dưới mọi hình thức của nó (LD 62-65) vì công trình sáng tạo của Thiên Chúa, “thể hiện sự phong phú vô tận của Thiên Chúa”. Chúng ta cần giải thoát mình khỏi việc tích trữ vô số của cải vật chất, những thứ “có thể làm bối rối trái tim và ngăn cản chúng ta yêu thương từng tạo vật và từng phút giây” (LS 222).
Phúc Thiên Thư dịch
Nguồn: aleteia.org