Trái đất đang gào thét kêu cứu bởi sự ngược đãi và tàn phá vô tâm của con người. Trong thông điệp Laudato si’, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẩn thiết mời gọi con người trở về với Thiên Chúa bằng việc hoán cải với môi sinh và với anh chị em mình. Linh đạo về hoán cải sinh thái hướng đến việc giáo dục lối sống để cứu lấy con người.
Sự thống trị của nền kinh tế kỹ thuật, chủ trương quy hướng về con người thái quá,[1] xem mình là trung tâm có quyền làm chủ trái đất, đã dẫn đến sự tự do hủy diệt thiên nhiên và khai thác bóc lột con người.[2] Hiện nay không có hệ sinh thái trên cạn và dưới nước nào không bị bàn tay con người can thiệp, môi trường sinh thái bị phá hủy trên quy mô lớn. Nhà cổ sinh học Kenya Richard Leakey và nhân chủng học Roger Lewin gọi đó là cuộc tuyệt chủng lần thứ sáu do con người trực tiếp tác động.[3] Hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước… để lại những hệ lụy trầm trọng đưa đến cuộc khủng hoảng môi trường, không chỉ liên quan đến tới con người mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ công cuộc tạo dựng và sự sống ở trên hành tinh này.[4]
Trước thực trạng đau thương ấy, đòi hỏi con người điều chỉnh lại thái độ sống đối với trái đất là “ngôi nhà chung”. Con người cần thay đổi cách sống nhờ sự hiểu biết và kinh nghiệm tương quan với Thiên Chúa.[5] “Hãy thay đổi cách sống của anh em, theo tâm thần đổi mới của anh em”(Rm 12, 2).
Với môi trường, con người được mời gọi sám hối nội tâm sâu thẳm từ bên trong, xét mình lại dưới ánh sáng tương quan với Chúa trong chiều kích mới, không chỉ hiệp thông với Chúa, tha nhân và bản thân mà còn với toàn thể thụ tạo và thiên nhiên. Sự hoán cải này là một linh đạo, một tiến trình thiêng liêng trong cải đổi về lối nhìn tạo dựng. Là hình ảnh Thiên Chúa, con người phải đi vào trong tương liên lành mạnh với nhau và hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời nhận ra mình là tác nhân trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng của môi trường với sự thúc đẩy của Chúa Thánh linh, Đấng là nguyên lý, là tác động của tạo dựng.[6] Sám hối là hòa giải với công trình sáng tạo, bởi lẽ chúng ta đã làm tổn thương công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sám hối dẫn đến thay đổi lối sống, dấn thân bảo vệ, chăm sóc môi trường, giảm bớt tiêu thụ…[7] Trong sứ điệp gửi tổng thống Iván Duquez Márquez, nước Colombia, ngày 05.06.2020, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Việc bảo vệ môi trường và tôn trọng sự đa dạng sinh vật của trái đất, là những vấn đề có liên hệ tới tất cả chúng ta. Chúng ta không thể coi mình là những người lành mạnh trong một thế giới bị bệnh. Những vết thương gây ra cho mẹ đất của chúng ta là những vết thương cũng làm cho chúng ta rướm máu. Việc chăm sóc các hệ sinh thái, đòi chúng ta phải nhìn về tương lai, thay vì chỉ quan tâm tới lúc này hoặc tìm kiếm lợi lộc một cách mau chóng và dễ dàng. Đúng hơn, cần có cái nhìn quan tâm đến sự sống và tìm cách bảo tồn nó để mưu ích cho tất cả mọi người”.
Theo Walter Brueggemann, thái độ hoán cải là trở về với Mẹ Đất, lắng nghe và chiêm ngưỡng cách khiêm tốn đối với thế giới. Bớt sử dụng công cụ máy móc, khoa học kỹ thuật và mô hình cơ học để tàn phá thiên nhiên…[8] Khả năng sống hạnh phúc, bình an nội tâm và vui mừng khi biết điều độ, không bị đè nén bởi tiêu thụ và hạn hẹp nhu cầu là lối sống mang tính ngôn sứ chiêm niệm.[9]
Tuy vậy, để có được lối sống ấy, giải quyết hoàn cảnh quá phức tạp và đa dạng của thế giới này, từng cá nhân không đủ sức để hoàn thiện, cần có sự tổng hợp sức lực và thống nhất mang tính chất sám hối tập thể.[10] Căn cội của cuộc khủng hoảng văn hóa đã tác động sâu xa vào con người hôm nay, không dễ điều chỉnh lại những tập quán và cách cư xử.[11] Đó là thách đố của giáo dục và huấn luyện, cần có những động lực và hành trình, sự can dự của tất cả các lãnh vực trường học gia đình, các phương tiện truyền thông và huấn giáo.[12] Việc giáo dục môi sinh ảnh hưởng đến thói quen thường nhật, nhờ có cái nhìn chiêm niệm trong đức tin.[13] Những hành động nhỏ bé khi chú tâm cho nhau, dấn thân cho công ích, là biểu hiện của tình yêu, tình liên đới với mọi người và cộng đoàn, sẽ giúp con người trưởng thành, tự thánh hóa chính mình và làm nổi bật phâm giá của chúng ta.[14] Điều này đánh thức sự tôn trọng và công bằng, mời gọi con người nhận ra được giá trị đặc thù của những tạo vật khác, tránh gây đau khổ cho người khác và lối sống chỉ quy về mình. Việc giáo dục khởi đi từ những kiến thức khoa học, cảm nhận, ý thức về những nguy cơ cho môi trường đến việc phê bình và triển khai các bình diện khác nhau về sự quân bình sinh thái: với chính mình, với người khác, với các sinh vật khác và với Thiên Chúa.[15] Việc giáo dục bắt nguồn từ trong gia đình, trường học, đoàn thể…đào tạo sự khắc khổ có trách nhiệm, chiêm ngắm thế giới với lòng biết ơn. Giúp con người nhận ra vẻ đẹp và giữ gìn môi trường cách lạnh mạnh, giúp vượt qua chủ nghĩa thực dụng.[16]
Xét mình lại trong mối tương quan với Thiên Chúa trong tình liên đới với tha nhân và môi trường, chúng ta thấy sự thờ ơ là một lối sống vô tâm và bất công. Cần sự hoán cái sâu xa về trách nhiệm của mình với công trình sáng tạo của Chúa. Ý thức thay đổi thái độ và lối sống qua từng hành vi có trách nhiệm đối với môi trường bằng cách tự giáo dục bản thân, quyết tâm trong những việc làm nhỏ bé hằng ngày, tránh sử dụng các vật có chất liệu nhựa hóa chất, tiết kiệm điện nước, giấy, phân loại rác…Nghĩ đến người nghèo để khiêm tốn trong ăn uống, không để thức ăn dư thừa, sử dụng đồ dùng quần áo chừng mực… Đồng thời, đóng góp cho môi trường cộng đoàn bầu khí an bình lành mạnh bằng thái độ sống hoà nhã trong giao tiếp ứng xử, khiêm cung trong hành vi cử chỉ, dấn thân trong công việc… Những hành động tình yêu này, tuy âm thầm, nhỏ bé, nhưng trong đức tin chúng sẽ đem lại niềm vui thiêng liêng sâu xa vì được chia sẻ và hiệp thông với hành tinh mà chúng ta đang sống.
M.Bình Lâm
Nguồn: mtgtanlap.vn
[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp “Laudato sí”, số 116.
[2] Ibid., số 109.
[3] Nguyễn Hữu Quang, Linh Đạo Môi Trường, tr. 3.
[4] Ibid., tr. 35.
[5] Nguyễn Hữu Quang, Linh Đạo Kitô Giáo Trong Linh Đạo Huấn Luyện, 2016 – 2017, tr. 276.
[6] Nguyễn Hữu Quang. op.cit., tr. 35- 39.
[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, op.cit., số 206.
[8] Nguyễn Hữu Quang. op.cit., 39- 45.
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, op.cit., số 222-227.
[10] Ibid., số 219.
[11] Ibid., số 15.
[12] Ibid., số 213.
[13] Ibid., số 220.
[14] Ibid., số 211- 212
[15] Ibid., số 210.
[16] Ibid., số 213 -215.