Học thuyết, giáo huấn hay tư tưởng xã hội Công giáo?

Nhiều người có thể thắc mắc về lý do tại sao có đến ba thuật ngữ học thuyết xã hội, giáo huấn xã và/hoặc tư tưởng xã hội trong các tài liệu và bài viết liên quan đến học thuyết xã hội của Hội thánh Công giáo. Học thuyết này được xem như “lương thực cần thiết để phát triển nhân cách và tinh thần cho mọi cá nhân và mọi cộng đồng[1] hay “hướng dẫn cách cư xử của con người.[2] Tuy nhiên, việc sử dụng ba thuật ngữ khác nhau để diễn tả học thuyết xã hội của Giáo hội có thể gây ra sự bối rối và cần được làm sáng tỏ.

Khi tìm kiếm các từ ngữ ấy trong sách Tóm lược bản tiếng Anh[3] bằng câu lệnh ctrl + f trên văn bản, chúng tôi thu được kết quả về số lần xuất hiện như sau: “social doctrine”(học thuyết xã hội): 217 lần; social teaching (giáo huấn xã hội): 30 lần; “social thought” (tư tưởng xã hội): 1 lần, ở số 107; Với kết quả này chúng ta có thể suy ra rằng từ ngữ tiếng Anh được dùng nhiều nhất trong sách Tóm lượcsocial doctrine. Với cách làm tương tự cho ấn bản tiếng Việt[4], được dịch từ nguyên bản tiếng Anh, chúng tôi thu được kết quả như sau: học thuyết xã hội: 188 lần; giáo huấn xã hội: 42 lần; từ ngữ Catholic social thought ở số 107 được dịch sang tiếng Việt là “tư duy xã hội Công giáo”.

Qua việc xem xét kết quả số lần xuất hiện của các thuật ngữ trong hai văn bản tiếng Anh và tiếng Việt của sách Tóm lược, chúng ta nhận thấy có sự chênh lệch về số lượng. Không rõ nguyên nhân gây ra sự khác biệt này, và cũng không rõ liệu các dịch giả có hoàn toàn nhất quán khi dịch các chữ “doctrine” là “học thuyết” và “teaching” là “giáo huấn” hay không. Nhưng khi đối chiếu giữa hai văn bản, chúng tôi nhận thấy các dịch giả của ấn bản tiếng Việt của sách Tóm lược có xu hướng dịch các chữ “doctrine” thành “học thuyết” và “teaching” thành “giáo huấn”, điều này thể hiện ngay trong nhan đề ấn phẩm “Tóm lược học thuyết…”. Tuy nhiên, cũng có trường hợp “doctrine” được dịch là “giáo huấn”, chẳng hạn ở các số 8 và 9; và đây có lẽ là nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch về số lượng của hai thuật ngữ này trong cả hai văn bản của sách Tóm lược.

Cha Phan Tấn Thành (2013)[5] chỉ ra điều mà người ta “thắc mắc đầu tiên” là nhan đề của các quyển sách hay văn kiện của Tòa Thánh đều dùng ba danh xưng: Giáo huấn xã hội; học thuyết xã hội; đạo lý xã hội. Tuy vậy, chúng tôi chưa thấy bất kỳ tài liệu tiếng Việt nào trong lĩnh vực này có nhan đề “đạo lý xã hội”. Điều này, theo Phan Anh (1988)[6], người ta tránh dùng chữ “đạo lý” vì nó ám chỉ đến “những học thuyết bất biến, trừu tượng không ăn nhập gì với thực tại cả.”

Cha Thành (2013) đã giải thích sự không thống nhất về danh xưng, kể cả ở các nước phương Tây, là do cách dịch chữ “doctrina”, mà theo tầm nguyên của tiếng Latinh, “doctrina” xuất phát từ động từ docere có nghĩa là giảng dạy, dạy bảo; vì vậy, doctrina có thể hiểu là việc giảng dạy hoặc điều được giảng dạy, đồng nghĩa với động từ teach và danh động từ teaching trong tiếng Anh. Theo ngài, nếu dịch từ “doctrine” là “giáo huấn” hoặc “giáo lý” thì có lẽ chỉ thích hợp sử dụng trong nội bộ Giáo hội. Ngược lại, nếu dịch “doctrine” theo nghĩa “học thuyết”, “giáo điều” … thì áp dụng cho các trào lưu triết học và chính trị.

Về việc phân biệt hai thuật ngữ này, Bộ Giáo dục Công giáo (1988)[7] ở số 1, được coi như là điều đầu tiên cần phải làm sáng tỏ trong tài liệu của cơ quan này, đã giải thích như sau:

Trước tiên, cần phải lưu ý rằng hai thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho nhau: “học thuyết xã hội” và “giáo huấn xã hội” của Giáo hội. Các sắc thái mà một trong hai thuật ngữ này ám chỉ thì không được bỏ qua; “học thuyết”, trong thực tế, nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh lý thuyết của vấn đề, và “giáo huấn” nhấn mạnh đến khía cạnh lịch sử và thực hành, nhưng cả hai đều trình bày thực tại giống nhau. Việc sử dụng chúng xen kẽ trong Huấn quyền xã hội của Giáo hội, cả trong Huấn quyền trọng thể lẫn Huấn quyền thông thường của giáo hoàng và giám mục, đều chỉ định tính tương đương lẫn nhau (hết trích).

Việc giải thích này xem ra hợp lý và giúp phân biệt chúng cách rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong thực tế khi viết hoặc dịch các văn bản, làm sao độc giả hay người viết có thể phân biệt rạch ròi đâu là điều ám chỉ đến lý thuyết và đâu là điều ám chỉ đến các khía cạnh lịch sử và thực hành.

Ngoài hai thuật ngữ ở trên, còn có thuật ngữ thứ ba là “tư tưởng xã hội.” Theo Martin Schlag (2017)[8], tư tưởng xã hội Công giáo“một khái niệm rộng lớn hơn, gồm những suy tư của các nhà thần học, các giáo dân khác và những người hoạt động trong lĩnh vực xã hội”. Cách giải thích này trùng hợp với sự phân biệt về những đóng góp cho lĩnh vực này mà Brady, B. V. (2017)[9] đã nêu ra, đó là “official Catholic social teaching from ‘nonofficial’ Catholic social thought” (giáo huấn xã hội Công giáo chính thức so với tư tưởng xã hội công giáo “không chính thức”). Theo Brady, cần phải lưu ý ở đây là sự góp phần vào nguồn thứ nhất đến từ Huấn quyền của Giáo hội gồm các giáo hoàng, các giám mục và các công đồng; còn nguồn thứ hai đến từ công trình của các nhà hoạt động xã hội, các nhà thần học, các mục tử, và các nhà triết học Công giáo.

Tại Hoa Kỳ, Benestad J. B. (2011) [10] cho biết hai thuật ngữ “giáo huấn xã hội” và “tư tưởng xã hội” được sử dụng thường xuyên hơn thuật ngữ “học thuyết xã hội”. Ở phần chú thích, ông giải thích rằng ông sử dụng thuật ngữ “học thuyết xã hội” làm nhan đề cho cuốn sách của mình là để “khớp” với nhan đề của sách Tóm lược, cũng như vì đây là thuật ngữ đã được Giáo hoàng Biển Đức XVI sử dụng.

Công Đồng Vatican II, như Jean-Yves Calvez (2011)[11] nhận định, tránh dùng thuật ngữ “học thuyết xã hội” mà chỉ giản dị tuyên bố rằng: “Dưới ánh sáng của Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng từ giữa mọi loài thụ tạo (Cl 1,15), Công Đồng muốn ngỏ lời với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta” (Gaudium et spes, số 10). Thuật ngữ “học thuyết xã hội” chỉ xuất hiện một lần duy nhứt trong toàn bộ Hiến chế Mục vụ này, nhấn mạnh rằng Giáo hội phải được tự do “truyền bá học thuyết xã hội (social doctrine) của mình[12] (số 76).

Theo cố linh mục Jean-Yves Calvez (2011), người ta muốn tránh sử dụng thuật ngữ “học thuyết xã hội” là vì nó cố ý đưa những khuyến nghị liên quan đến những thực tại không quan trọng lên ngang hàng với những học thuyết quan trọng của Kitô giáo, của Kitô học, của Ba Ngôi v.v. Họ muốn chọn “giáo huấn xã hội” … hay nhẹ hơn nữa, như trường hợp Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Xã hội (CERAS) đã chọn “Diễn từ xã hội của Giáo hội(Discours social de l’Eglise)[13]  làm nhan đề cho các sưu tập giáo huấn xã hội Công giáo của trung tâm này.

Còn một khía cạnh cần phải lưu tâm mà cha Jean-Yves Calvez (2011) đã đề cập là việc các nhà thần học giải phóng đã không “ứng ý” với cái tên “học thuyết xã hội. Đối với họ, nó tỏ ra dứt khoát là bảo thủ, chứa đầy ảnh hưởng tư sản về Giáo hội, ít là từ Đức Lêô XIII đến Đức Gioan XXIII.” Điều này, theo ngài, đã dẫn đến sự “đụng độ giữa các nhà thần học giải phóng” tại hội nghị của các Giám mục Châu Mỹ La Tinh ở Puebla[14] mà các nghị phụ đã sử dụng thuật ngữ “học thuyết xã hội và mãnh liệt bảo vệ khả năng của Giáo Hội phát biểu về toàn bộ lãnh vực xã hội.” Như vậy, qua hội nghị này thuật ngữ “học thuyết xã hội” được sử dụng và khẳng định là “niềm tin mới” và là “lời khuyến nghị được Đức Giáo hoàng Rôma và Hội nghị các giám mục tại Puebla bày tỏ” trong bối cảnh nó đang bị bao phủ bởi “sự lu mờ” (eclipse) được lan truyền thông qua những bức tranh biếm họa có khuynh hướng ý thức hệ, chẳng hạn như chủ nghĩa tập thể Mác-xít[15].

Theo cha Phan Tấn Thành (2013), vào lúc sắp bước vào thiên niên kỷ thứ ba, “đức Gioan Phaolô II đã triệu tập những khóa họp đặc biệt Thượng hội đồng giám mục, để nghiên cứu tình hình tôn giáo, chính trị xã hội tại các lục địa. Chính trong khoá họp dành cho châu Mỹ, các nghị phụ đề nghị soạn thảo một bản tóm lược Giáo huấn xã hội.  Công tác này được trao cho Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hoà bình, và tác phẩm [Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo] được xuất bản năm 2004.”[16] Như vậy, ta có thể biết được lai lịch của sách Tóm lược và có lẽ trước cuộc “đụng độ” nói trên, Giáo hội cần phải đưa ra những định hướng rõ ràng để không còn có sự tranh cãi giữa các lập trường khác nhau liên quan đến học thuyết xã hội Công giáo.

Cũng trong chiều hướng đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi trình bày một vài “đường hướng” riêng cho về các vấn đề xã hội đã sử dụng lại thuật ngữ “học thuyết xã hội” và mạnh mẽ bảo vệ khả năng của Giáo hội phát biểu về toàn bộ lãnh vực xã hội. Một cách cụ thể, trong thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội[17] Đức Gioan Phaolô II đã quả quyết rằng Giáo hội “không có những chương trình kinh tế và chính trị…,” nhưng ngày nay Giáo hội có “điều muốn nói”, ấy là “phẩm giá con người” cần phải được “tôn trọng và cổ võ,” và Giáo hội cần phải có một không gian tự do để “chu toàn sứ mạng” đó. Giáo hội tin rằng một khi “đụng chạm đến phẩm giá con người” cũng như “sự phát triển đích thực” giữa các dân tộc thì không thể “giản lược thành một vấn đề mang tính kỹ thuật””. Chính vì khi Giáo hội chu toàn sứ mạng đó cũng chính là lúc Giáo hội hoàn thành “sứ mạng phúc âm hóa” của mình.

Như vậy, phương tiện để Giáo hội chu toàn sứ mạng vừa nêu, như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết, là “học thuyết xã hội của Giáo hội”. Ngài đề nghị rằng để làm sáng tỏ các vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay cũng như tìm ra các giải pháp tối ưu cho các vấn đề xã hội cần phổ biến rộng rãi “những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán, và những chỉ dẫn để hành động[18] của học thuyết xã hội Công giáo.

Bốn năm sau bức thông điệp trên, Đức Gioan Phalô II công bố tiếp thông điệp Bách chu niên để mừng kỷ niệm 100 năm thông điệp Tân sự (Rerum Novarum). Trong thông điệp này, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã sử dụng cả ba thuật ngữ để đề cập đến các vấn đề xã hội trong đoạn văn sau:

Mặc dù lễ kỷ niệm sắp tới là nhằm tôn vinh thông điệp Tân sự, nhưng lễ kỷ niệm này cũng tôn vinh các thông điệp và các văn kiện khác mà các Vị Tiền nhiệm của tôi đã giúp làm cho thông điệp của Đức Giáo hoàng Lêô XIII hiện diện và sống động trong lịch sử, nhờ đó mà cấu thành nên những gì mà sau này được gọi là “học thuyết xã hội,” “giáo huấn xã hội,” và thậm chí “huấn quyền xã hội” của Giáo hội[19].

Tóm lại, từ lúc hình cho đến nay, trải qua nhiều danh xưng khác nhau qua các triều đại giáo hoàng như Đức Lêô XIII: đạo lý xã hội của Phúc âm hay triết học Kitô giáo; Đức Piô XI: triết học xã hội, đạo lý về vấn đề xã hội và kính tế; Đức Piô XII: đạo lý xã hội của Giáo hội, đạo lý xã hội Công giáo”; từ Công đồng Vatican II và cho đến nay: học thuyết hay giáo huấn xã hội của Giáo hội[20], trong đó từ ngữ social doctrine (học thuyết xã hội) có lẽ được thống nhứt sử dụng trong các văn kiện chính thức của Tòa thánh hiện nay. Bên cạnh những danh xưng này còn có danh xưng tư tưởng xã hội công giáo để đề cập đến sự đóng góp ngoài huấn quyền chính thức của Giáo hội, như sách Tóm lược khẳng định: Học thuyết xã hội của Giáo Hội sẽ tận dụng các đóng góp của mọi ngành kiến thức, bất kể chúng xuất phát từ nguồn gốc nào, và học thuyết này mang chiều hướng liên ngành rất quan trọng (số 76).

Thiên Phúc

Thư tịch:

[1] Lời Giới thiệu, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (sách Tóm lược), tr. 20
[2] Sđt, số 73.
[3] Xem tại đây: https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_en.html. Truy cập ngày 17-7-2024.
[4] Xem tại đây: https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_vi.html. Truy cập ngày 17-7-2024.
[5] Phan Tấn Thành (2013). Dẫn nhập vào Giáo huấn Xã hội của Giáo hội.
[6] Phan Anh (1998). Học thuyết xã hội của Giáo hội. Thời sự Thần học, số 12. https://www.thoisuthanhoc.net/2013/02/hoc-thuyet-xa-hoi-cua-giao-hoi.html. Truy cập ngày 7-8-2024.
[7] Congregation for Catholic Education (1988). Guidelines for the study and teaching of the Church’s Social Doctrine in the formation of Priests. (Các Định hướng về việc Nghiên cứu và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của Giáo hội trong việc Đào tạo các Linh mục, số 1). https://www.humandevelopment.va/en/risorse/archivio/dottrina-sociale-della-chiesa/orientamenti-per-lo-studio-della-dottrina-sociale-della-chiesa-n.html. Truy cập ngày 17-7-2024
[8] Martin Schlag (2017). Handbook of Catholic Social Teaching (Cẩm nang Giáo huấn Xã hội Công giáo), Bản dịch tiếng Anh pdf, số 1.
[9] Brady, B. V. (2017). Essential Catholic Social Thought 2nd edition. Orbis Books.
[10] Benestad, J. B. (2011). Church, State, and Society: An introduction to Catholic social doctrine (Giáo hội, Nhà nước, và Xã hội: Nhập môn Học thuyết Xã hội Công Giáo). CUA Press.
[11] Jean-Yves Calvez (2011). Doctrine, pensée ou enseignement social? (Học thuyết, tư tưởng hay giáo huấn xã hội?). Bản dịch việt ngữ của Mai Khôi. Xem tại https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/la-doctrine-sociale-en-debat/246-doctrine-pensee-ou-enseignement-social. Truy cập ngày 17-7-2024.
[12] Bản dịch Việt Ngữ Hiến chế này của Ủy ban Giáo lý Đức Tin thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2012, sử dụng “học thuyết xã hội”. Ngược lại, Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, bản Việt ngữ cũng do Ủy bản này ấn hành 2019, đều dịch “socialis doctrina” (tiếng Latinh) là “giáo huấn xã hội”, thuật ngữ ngày chỉ xuất hiện ở các số 2198, Phần III, Mục 7, Chương II, và số 2421.
[13] Trong quyển Các Thông điệp Xã hội của Đại Chủng viện Thánh Giu-se Saigon (2004), dịch cụm chữ này ở phần Giới thiệu Tổng quátLuận văn về xã hội của Giáo hội Công giáo.
[14] Suy tư của Đức hồng y Alfonso López Trujillo nhân Kỷ niệm 25 năm Hội nghị Puebla. https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/family/documents/rc_pc_family_doc_20040212_trujillo-puebla_en.html. Truy cập ngày 18-7-2024.
[15] Tài liệu đã dẫn.
[16] Phan Tấn Thành (2013). Dẫn nhập vào Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, trang 30.
[17] Gioan Phaolô II (1987). Sollicitudo rei socialis, số 41.
[18] Tài liệu đã dẫn, số 41.
[19] Gioan Phaolô II (1991). Centesimus Annus, số 2.
[20] Phan Anh (1998). Học thuyết xã hội của Giáo hội. Thời sự Thần học, số 12. https://www.thoisuthanhoc.net/2013/02/hoc-thuyet-xa-hoi-cua-giao-hoi.html. Truy cập ngày 7-8-2024