Học thuyết Xã hội của Giáo hội là gì ? Đâu là những nguyên tắc ?

Mai Khôi dịch

Trên con đường cứu độ của mỗi người, Giáo hội bận tâm đến toàn bộ gia đình nhân loại và những nhu cầu của nó, kể cả trong lãnh vực vật chất và xã hội. Vì thế, Giáo hội triển khai một la bàn, một Học thuyết Xã hội để đào tạo các lương tâm và giúp cho họ sống theo Tin mừng và chính bản chất con người.

 

Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội của Giáo hội

« Thông qua học thuyết này, Giáo hội không theo đuổi các mục đích về cấu trúc hay tổ chức xã hội, nhưng Giáo hội đề nghị, hướng dẫn và đào tạo các lương tâm » (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 81).

« Giáo hội (…) phải chu toàn trong mọi thời gian và mọi hoàn cảnh, phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ. » (Caritas in veritate, số 9).

1. Học thuyết Xã hội của Giáo hội là gì ?

Học thuyết Xã hội là sự tuyên xưng đức tin mà Huấn Quyền thực hiện trước những thực tế xã hội. Được tập trung trong một bản tóm lược, sự phòng ngự này được diễn dịch bằng những chỉ dẫn, những khuyến nghị và những cổ vũ qua đó Giáo hội khuyến khích các Kitô hữu trở nên những công dân có trách nhiệm.

Thực chất, « không có một sự đồng thuận nào về thực tế của cái mà người ta gọi là ‘‘Học thuyết Xã hội của Giáo hội’’ ». Đức Gioan Phaolô II – về định nghĩa chính xác nhất của Huấn Quyền – nói rằng, đó là « sự trình bày chính xác những kết quả của một sự chuyên chú suy tư về những thực tại phúc tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng của đức tin và truyền thống Giáo hội. » (Sollicitudo Rei Socialis, số 41) [1].

Mục đích duy nhất của Giáo hội là « giúp đỡ con người trên con đường cứu độ ». (Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 69). Đó là sứ mạng duy nhất của Giáo hội và đó cũng là lý do mà Giáo hội có quyền và có bổn phận triển khai một Học thuyết Xã hội để đào tạo lương tâm con người và giúp đỡ họ sống theo Tin mừng và theo chính bản chất nhân loại. Một người Kitô hữu gắn bó hướng tất cả những khía cạnh của cuộc đời mình lên với Thiên Chúa, bằng cách sống theo chương trình cứu độ của Người. Giáo hội đồng hành với các Kitô hữu trong nhiệm vụ đó.

Điều đó bao gồm những chiều kích của cuộc sống và nền văn hóa của con người như là kinh tế và công ăn việc làm, thông qua truyền thông và chính trị, đến tận những vấn đề như là cộng đồng quốc tế và những quan hệ giữa các nền văn hóa và các dân tộc.

Bác ái là một « sức mạnh có khả năng phát sinh ra những đường lối mới để đương đầu với những vấn đề của thế giới ngày hôm nay và để canh tân sâu rộng từ bên trong những cấu trúc, những tổ chức xã hội, những tiêu chuẩn pháp lý. Trong viễn cảnh này, đức ái trở thành bác ái xã hội và chính trị : bác ái xã hội khiến cho chúng ta yêu thương công ích và dẫn đưa đến việc tìm kiếm có hiệu lực lợi ích của tất cả mọi người, được coi không những như là cá nhân, mà còn trong tầm vóc xã hội liên kết họ với nhau » (Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 207).

2. Học thuyết Xã hội của Giáo hội được giải thích ở đâu ?

Học thuyết Xã hội của Giáo hội sinh ra cùng với thông điệp Tân Sự – Rerum Novarum của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ngài rất bận tâm với « vấn đề công nhân », nghĩa là với tình trạng của nhiều người lao động nghèo đến từ các vùng quê và từ nay phải sống một cách cùng khổ trong các thành thị. Từ đó, những giáo huấn xã hội, vốn đã hiện hữu từ thời kỳ đầu của Kitô giáo, đã được sắp xếp lại một cách có hệ thống. Các tông thư của các vị giáo hoàng sau này sẽ có Rerum Novarum làm tiêu chuẩn. Trong nhiều thông điệp về xã hội, ngoài Rerum Novarum, nổi bật là các thông điệp của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II như : Laborem Annus (90 năm sau Rerum Novarum), Sollicitudo Rei Socialis và Centesimus Annus (100 năm sau Rerum Novarum). Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi cho các Kitô hữu hai thông điệp về các chủ đề xã hội là : Laudato si’ (2015) và Fratelli Tutti (2020).

Để tạo tạo điều kiện thuận lợi cho một sự tìm kiếm có hệ thống các nội dung, một Bản Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội đã được soạn thảo trong những năm gần đây và có thể dùng như điểm tham chiếu.

3. Học thuyết Xã hội Của Giáo hội có phải là một loại chính trị hay hệ tư tưởng không ?

Không, thẩm quyền của Giáo hội không lan rộng ra tới những vấn đề kỹ thuật, cũng không đề xuất những hệ thống tổ chức xã hội, vốn không thuộc về sứ mạng của mình : Giáo hội giới hạn trong lãnh vự luân lý và Tin mừng. Ngoài ra, Giáo hội không thực thi chức năng này trên cơ sở một quyền lực mang tính cưỡng bách (riêng thuộc về Nhà Nước), cũng không sử dụng ‘‘cánh tay thế tục’’ (nghĩa là sử dụng những cơ chế dân sự để thi hành những chỉ thị của mình, áp đặt ảnh hưởng của mình trên xã hội) ; Giáo hội sử dụng bằng sức mạnh niềm tin, vốn tôn trọng tính thế tục của đời sống công cộng. Bởi thế cho nên giáo huấn xã hội của Huấn Quyền không gây trở ngại cho sự tự chủ của các thực trạng trần thế. Thay vào đó, nó giải thích để kiểm ra sự phù hợp của chúng với tinh thần Tin mừng và hướng dẫn cách cư xử của các Kitô hữu.

« Giáo hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá Học thuyết Xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người; Giáo hội cũng phải được tự do nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị, khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi, bằng cách chỉ sử dụng những phương tiện nào phù hợp với Tin mừng và lợi ích của mọi người, được thích nghi tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau. » (Gaudium et Spes, số 76).

« Trên bình diện luân lý, Hội Thánh hành động do sứ vụ khác với sứ vụ của chính quyền : Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì lý do chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là mục đích tối hậu cúa chúng ta. Hội thánh cố gắng thôi thúc những thái độ đúng đắn liên quan đến của cải trần thế và trong các tương quan kinh tế xã hội. » (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2420).

Suy ngẫm với thánh Josémaria

« Điều này bao hàm một cách nhìn sâu sắc hơn về Giáo hội, như là cộng đồng được hình thành bởi tất cả các tín hữu, để tất cả chúng ta đều liên kết trong cùng một sứ mạng, và mỗi người phải chu toàn tùy theo những điều kiện cá nhân của mình. Các giáo dân, nhờ những thôi thúc của Chúa Thánh Thần, ngày càng ý thức được rằng mình là Giáo hội, để thực hiện một sứ mạng đặc biệt, cao cả và cần thiết, bởi vì nó đã được Thiên Chúa muốn. Và họ biết rằng sứ mạng đó tùy thuộc vào chính thân phận Kitô hữu của họ, không nhất thiết vào mệnh lệnh từ hàng giáo phẩm, mặc dù rõ ràng họ phải hoàn thành sứ mệnh đó trong sự hiệp nhất với hàng giáo phẩm và theo những giáo huấn của Huấn quyền. » (Đàm thoại, số 59).

« Tôi không bao giờ hỏi về quan điểm chính trị của những người tiếp cận với tôi : điều đó tôi không quan tâm ! Thông qua quy cách ứng xử này, tôi cho anh chị em thấy được một thực tại ở ngay trung tâm của Opus Dei, và với ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi tận hiến cho tổ chức này để phục vụ Giáo hội Thánh Thiện. Đề tài này không gây thích thú cho tôi bởi vì là các Kitô hữu, anh chị em được hưởng toàn quyền tự do, với phần trách nhiệm xuất phát từ đó, để can thiệp như ý anh chị em muốn trong những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, vv…, không có giới hạn nào khác ngoài những giới hạn mà Huấn Quyền của Giáo hội đã ấn định » (Bằng hữu của Thiên Chúa, số 11).

« Tôi không bao giờ nói về chính trị. Tôi không nghĩ rằng sứ mạng của các Kitô hữu trên thế gian này là để khai sinh ra một phong trào chính trị-tôn giáo, cho dù là họ làm chuyện đó với ý định tuyệt vời là quảng bá tinh thần của Chúa Kitô trong mọi hoạt động của con người. Đó là chuyện điên rồ. Chính là trái tim của mỗi con người, dù nó thế nào đi nữa, mới phải đặt nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố gắng nói với từng người Kitô hữu trong những hoàn cảnh mà họ đang trải nghiệm, không tùy thuộc vào vị trí của họ trong Giáo hội hay trong xã hội dân sự, kể cả trong những tình trạng lịch sử hay hằng thay đổi, họ biết làm chứng tá cho đức tin mà họ tuyên xưng, bằng gương sáng và bằng lời nói. » (Khi Chúa Kitô đi qua, số 183).

4. Tại sao Giáo hội bày tỏ ý kiến về các đề tài xã hội ?

Sự cứu độ được thực hiện bởi Chúa Kitô, và như thế, sứ mạng của Giáo hội, đến với con người trong toàn bộ con người, kể cả trong môi trường xã hội. Quả vậy, Kitô giáo không thể bị giới hạn vào những hành động sùng bái đơn giản, mà nó trước hết là một cách sống trong xã hội.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng Học thuyết Xã hội của Giáo hội đáp ứng động lực của đức ái được đón nhận và cống hiến, và tóm tắt chức năng của nó như là « sự tuyên bố chân lý của Đức Kitô trong xã hội ». (Caritas in veritate, số 5).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm rõ lý do Giáo hội bầy tỏ quan điểm của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng thế giới (Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ngoại Giao Đoàn, ngày 07/01/2019), bằng cách nói rằng sứ mạng thiêng liêng mà Chúa Giêsu Kitô trao cho thánh Phêrô và những người kế vị ngài thúc đẩy Đức Giáo hoàng Rôma và Tòa Thánh phải « chăm sóc cho toàn thể gia đình nhân loại và những nhu cầu cả về vật chất lẫn xã hội » và Người chỉ thị rằng « Tòa Thánh không nên tìm cách xen vào đời sống của các Nhà Nước », nhưng Hội Thánh quan sát « những vấn đề liên quan đến nhân loại », để « đặt mình vào việc phục vụ lợi ích của mọi con người » và « dấn thân để tạo thuận lợi cho việc xây dựng các xã hội hòa bình và hòa giải ».

Bởi vậy, Giáo hội không thể đứng bên lề những thực trạng của con người, và can thiệp với học thuyết của mình để soi sáng những khía cạnh khác nhau của xã hội.

Nhờ vào kinh nghiệm tiếp xúc với các cá nhân và các dân tộc, và nhờ vào học thuyết đức tin của mình được xây dựng trên tư duy sâu rộng, Giáo hội là một nhà đối thoại vĩ đại để bảo vệ và đưa tiếng nói đến cho những người yếu đuối nhất, cho các quốc gia nghèo nàn nhất và cho hành tinh đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảnh sinh thái.

5. Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội của Giáo hội

Mối quan tâm này của Giáo hội mang hình thức những giá trị nhằm làm nền móng cho hành động xã hội. Tất cả các giá trị này có một căn bản Tin mừng và đều phù hợp với bản chất con người, mà Giáo hội đảm đang và bảo vệ, đồng thời tìm cách đưa nó đến sự viên mãn bởi Ơn Cứu Chuộc được thực hiện bởi Đức Kitô.

Các giá trị này là :

1. Phẩm giá con người : sự sống con người là thiêng liêng và phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm, bất kể tuổi tác, tình trạng sức khỏe, của cải hay địa vị xã hội. Mọi người đều có quyền sống, từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Ngoài ra, một cuộc sống xứng đáng mang lại hòa bình, vốn thường hay bị đe dọa bởi chiến tranh và bạo lực.

2. Gia đình và cộng đồng : Con người là một sinh vật xã hội và nó có quyền triển nở trong một cộng đồng. Hôn nhân và gia đình là nền tảng của xã hội (ngay từ thời sơ khai của Giáo hội, gia đình đã được coi như « Giáo hội tại gia », thuật ngữ đã được Công Đồng Vaticanô II lấy lại và mở rộng ra bởi thánh Gioan Phaolô II ). Mỗi người có quyền tham gia vào xã hội.

3. Quyền và nghĩa vụ : mỗi người đều có quyền cần phải đòi tôn trọng và đều có nghĩa vụ phải chu toàn, trên bình diện cá nhân cũng như gia đình và xã hội. Đặc biệt đối với những người lao động : kinh tế là để phục vụ con người chứ không ngược lại. Người lao động có quyền có một việc làm đàng hoàng, chắc chắn và được trả công cao.

4. Sự ưu tiên chọn lựa người nghèo và người dễ bị tổn thương : Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có một chỗ ưu đãi trong Nước của Người. Đây là một bổn phận mang tính công bằng phải giúp đỡ mọi người đấu tranh chống nghèo đói và những tình huống rủi ro, điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

5. Công ích : đó là « toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn » (Gaudium et Spes, số 26).

6. Liên đới : Giáo hội cổ vũ hòa bình và công lý vượt lên những khác biệt về chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, v.v. Có một gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chăm sóc.

7. Bổ trợ : Nhà nước phải cho phép « các hội đoàn cấp thấp [giải quyết] các khó khăn và vấn đề có tầm quan trọng ít hơn, trong đó Nhà nước sẽ có thể mất nhiều thời giờ, [cho phép mình] như thế, thực hiện một cách tự do hơn, mạnh dạn hơn và hữu hiệu hơn tất cả những gì thuộc về thẩm quyền riêng biệt của mình » (xem  Quadragesimo anno, số 88).

8. Chăm sóc công trình tạo dựng : Thiên Chúa đã ủy thác cho con người trách nhiệm về những thực tại trên trái đất để con người làm chủ và chăm sóc chúng, thể hiện trong sự tôn trọng các vật thụ tạo khác, sự tôn trọng đối với Đấng Tạo Hóa. Cuộc khủng hoảng môi trường có những chiều kích đạo đức.

Suy ngẫm với thánh Josemaria

Như thế Giáo hội không thể tách rời tính cách con người và tính cách Thiên Chúa của mình. Giáo hội là một xã hội mang tính Thiên Chúa bởi nguồn gốc của mình, siêu nhiên bởi mục đích của mình và bởi những phương tiện được xắp xếp cho mục đích đó ; nhưng vì Giáo hội bao gồm những con người, Giáo hội là một cộng đồng nhân loại (ĐGH. Lêô XIII, thông điệp Satis cognitum ASS 28, 710). Giáo hội sống và hành động trên thế gian, nhưng mục đích và quyền lực của Giáo hội không ở trên thế gian, mà ở trên Trời » (Yêu mến Giáo hội, số 6).

« Đây là mục đích của Giáo hội, chứ không phải cái gì khác : cứu rỗi các linh hồn, từng linh hồn một » (Yêu mến Giáo hội, số 7).

« Muốn đạt tới sự thánh thiện – bất chấp những sai lầm và những khốn khổ cá nhân, vốn cũng kéo dài như chúng ta -, điều đó có nghĩa là phấn đấu, với ân sủng của Thiên Chúa, để sống đức bác ái, sự viên mãn của đức tin và mối quan hệ với sự toàn hảo. Đức bác ái không phải là chuyện trừu tượng ; nó có nghĩa dấn thân một cách thực sự và trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và tất cả mọi người ; phục vụ Đấng Thiên Chúa đã phán với chúng ta trong thinh lặng của cầu nguyện và trong tiếng động của thế gian ; phục vụ những con người mà cuộc sống của họ đan xen vào với cuộc sống chúng ta.

Bằng cách sống đức bác ái – Tình Yêu -, người ta sống tất cả các nhân đức nhân bản và siêu nhiên của người Kitô hữu, vốn làm thành một sự thống nhất và người ta không thể thu hẹp lại thành những bản liệt kê đầy đủ được. Đức bác ái đòi hỏi người ta sống công lý, liên đới, trách nhiệm gia đình và xã hội, nghèo khó, niềm vui, khiết tịnh, tình bạn… » (Đàm thoại, số 62).

« Chỉ có một chủng tộc trên trái đất : chủng tộc các con cái của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều phải nói cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ mà Cha chúng ta ở trên trời dạy cho chúng ta : ngôn ngữ đối thoại của Chúa Giêsu với Cha của Người, ngôn ngữ mà người ta nói bằng trái tim và bằng cái đầu, ngôn ngữ mà anh chị em sử dụng trong lúc này, trong kinh nguyện của anh chị em. Đó là ngôn ngữ của những linh hồn chiêm niệm, ngôn ngữ của những con người có một đời sống thiêng liêng, bởi vì họ đã ý thức được mối liên hệ cha con của họ với Thiên Chúa. Đó là ngôn ngữ được đặc trưng bởi hàng ngàn chuyển động của ý chí, bởi những soi sáng trong trí tuệ, bởi những nhiệt tình của trái tim, bởi những quyết định sống một cuộc đời đoan chính trong sự thiện đức, thanh thản và hoà bình » (Khi Chúa Kitô đi qua, số 13).

« Trường Đại Học không được đào tạo con người, để rồi sau đó, ích kỷ giữ lấy cho riêng mình những lợi ích có được trong quá trình học vấn của họ. Trái lại, Đại Học phải chuẩn bị họ cho một hoạt động được làm thành bằng những trợ giúp đối với người chung quanh và bằng tình bằng hữu Kitô giáo.

Rất thường xuyên, sự liên đới này bị giới hạn trong những lời nói hay văn bản, nếu không là trong những vụ tranh cãi cằn cỗi và tai hại. Cá nhân tôi đo lường tình liên đới bằng những hành động phục vụ ; và tôi biết hàng ngàn trường hợp các sinh viên người Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác đã từ bỏ việc xây dựng cái thế giới nhỏ bé của mình để hiến mình cho người khác, bằng công việc mang tính chuyên nghiệp mà họ tìm cách thực hiện với sự hoàn hảo nhân bản to lớn nhất có thể trong việc giảng dạy, trợ giúp, các công trình xã hội, vv…, tất cả với một tinh thần luôn luôn trẻ trung và tràn đầy niềm vui ». (Đàm thoại, số 75).

« Đã đến lúc mà chúng ta, những Kitô hữu phải lên tiếng tuyên bố rằng lao động là một quà tặng của Thiên Chúa, và thật là vô nghĩa khi phân chia con người thành những loại khác nhau tùy theo công việc mà họ làm, và coi một số công việc là cao quý hơn những công việc khác. Lao động, mọi lao động, là một sự chứng minh của phẩm giá con người và sự chi phối của họ trên thiên nhiên. Đây là một cơ hội để cải tiến nhân phẩm của con người. Đây là một sợi dây liên lạc gắn liền chúng ta với những sinh vật khác, một nguồn thu nhập để bảo đảm sự sống còn của gia đình mình, một phương cách để góp phần vào việc cải tiến xã hội và sự tiến bộ của toàn thể nhân loại ». (Khi Chúa Kitô đi qua, số 47). 

« Một con người hay một xã hội cứ vẫn thụ động trước những bất hạnh hay những bất công, không chịu nỗ lực xoa dịu chúng, thì không xứng với tình yêu của Trái Tim Đức Kitô ». (Khi Chúa Kitô đi qua, số 167).

 [1] Arturo Bellocq. Những gì là Học thuyết Xã hội của Giáo hội, những gì là không phải. Tập 44. 2012. trang 340.

Nguồn: opusdei.org