« Học thuyết xã hội » : một cuộc đời tìm cách chuẩn hóa cuộc đời

Luc Dubrulle
Tháng 4-2012

Chuyển từ cuốn sách sang một trang web, chắc là một cơ hội để hiểu rõ hơn bản chất của giáo huấn xã hội (GHXH) của Giáo hội. Quả vậy, cái bẫy của cuốn sách, là khiến người ta hiểu GHXH của Giáo hội như là một tập hợp các văn kiện, như một gói hàng buộc hơi chặt, như một món đồ cần phải chiếm hữu. Cái bẫy, chính là thu hẹp GHXH thành những văn kiện, hạ thấp nó thành một luận văn. Tuy rằng chắc chắn luận văn là một khoảnh khắc chuẩn tắc quan trọng, nhưng nó không phải là toàn bộ GHXH của Giáo Hội.

Bởi vì khi người ta nói đến « học thuyết xã hội của Giáo hội », nét nhấn không đặt nặng trên sự vật, trên sản phẩm văn kiện cho bằng trên chủ thể tác động, cụ thể là Giáo hội, vốn chính xác là về mặt xã hội đang rất bận rộn ngay trên công trường đầy ắp công việc, Tin Mừng mà Giáo hội loan truyền mang một tầm vóc xã hội, một sức mạnh xã hội.

Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội ở số 79. « GHXH là của Giáo hội bởi vì Giáo hội là chủ thể soạn thảo ra nó, quảng bá nó và giảng dạy nó. Nó không là đặc quyền của một thành phần thuộc Giáo hội, mà của toàn thể cộng đoàn : nó là biểu hiện của phong cách mà Giáo hội hiểu biết về xã hội và xác định chỗ đứng đối với các cấu trúc và chuyển hóa của xã hội. Tất cả cộng đoàn Giáo hội –các linh mục, tu sĩ và giáo dân– cùng đóng góp để làm thành GHXH, tùy theo sự đa dạng của các nhiệm vụ, các ơn sủng và các thừa tác vụ trong lòng Giáo hội ».

Đó chính là công việc suy nghĩ và hành động của người Công giáo. Sau đó mới đến lúc diễn giải của Huấn quyền :

« Nhiều sự đóng góp dưới nhiều hình thức – cũng là những biểu hiện của « ý nghĩa siêu nhiên của đức tin của tất cả dân chúng » – được thâu nhận, diễn giải và thống nhất bởi Huấn quyền, là người ban bố giáo huấn xã hội như là học thuyêt của Giáo hội ».

Hình như trong số 79 của Quyển tóm lược người ta đã thấy GHXH của Giáo hội được hiểu như một cuộc đời, một công trường đang nhộn nhịp công việc : chính là một mạng lưới những yếu tố khác nhau đã lôi kéo vào hành động. Từ quan điểm này, có thể rằng một trang mạng có thể nắm vững vấn đề thực chất là như thế nào.

Ngoài ra, GHXH của Giáo Hội đã được hình thành như thế nào ? Rerum Novarum, thông điệp sáng lập năm 1891 không phải từ trời rơi xuống. Đây là cả một sự vận hành các công việc và sự tìm tòi của các hệ thống Công giáo, từ năm 1820, đã đưa đến việc ĐGH Lêô XIII viết ra bản thông điệp trứ danh. Một mặt, rất nhiều sáng kiến đã thử cụ thể hóa các ý tưởng Kitô giáo để cống hiến những yếu tố của đáp án thực tiễn cho vấn đề xã hội. Mặt khác, những công trình nghiên cứu, những suy tư, đặc biệt là trên quan hệ giữa bác ái và công lý, đã thử đề nghị những mô hình tư tưởng để mang lại cho Vương Quốc Đức Kitô sự mở ra trên lãnh vực xã hội. Những con người này đã gặp nhau, họ đã chống lại nhau, họ đã kết hợp với nhau, họ đã đi đến tận Rôma, họ đã thỉnh cầu ĐGH lên tiếng. Thật là rất có ý nghĩa, sự kiện ĐGH Lêô XIII đã cho phép Đức Hôngf y Langénieux, tổng giám mục Reims, được nói rằng Rerum novarum đã là phần thưởng của những cuôc hành hương của các công nhân Pháp tới Rôma để yêu cầu ĐGH lên tiếng. Thông điệp là kết quả của một mạng lưới nhiều các đóng góp, mà chỉ cần đọc một cách kỹ lưỡng cũng có thể thấy được.

Phải hiểu rõ những sự đóng góp này để có thể hiểu được học thuyết, nếu không người ta chỉ hiểu được những câu chữ trống rỗng, và người ta sẽ biến GHXH của Giáo Hội thành một bộ xương khô khi tách rời các văn kiện ra khỏi bề dầy máu thịt của chúng. Huấn quyền đã tới sau những đóng góp mà Huấn quyền diễn dịch, tập hợp trong một văn kiện. Rồi, sau khi được viết ra và phổ biến, luận văn, bản viết học thuyết, dẫn tới những thực hành và những nghiên cứu để mở rộng diễn giải : quỹ cứu trợ, phụ cấp gia đình, nhiều hội đoàn, báo chí, hội nghị, các tuần lễ xã hội, v.v.

GHXH chính là tổng hợp các thực hành và các suy tư đã khởi động một khoảnh khắc chuẩn tắc –thông điệp Rerum novarum– và thông điệp này lại kéo theo nhiều thực hành và suy nghĩ, Công giáo tiến hành trong ý nghĩa cao quý nhất của thành ngữ này. Đức Gioan Phaolô II đã viết : « Cũng phải nhắc lại tầm vóc thực tiễn và, trên một chiều hướng, thử nghiệm của học thuyết này » (thông điệp Centesimus annus, số 59). Và trong thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 4, ngài nhấn mạnh trên sự kiện là học thuyết này « có mục đích là hướng dẫn thái độ Kitô giáo », và nó « dành để hướng dẫn thái độ con người ».   

Từ quan điểm này, phải thận trọng đừng hiểu GHXH như một hệ tư tưởng. Nó thuộc về thần học luân lý ! Mà chân lý của thần học luân lý là một chân lý của hành động. Từ đó, chân lý của GHXH của Giáo hội phải được tìm kiếm trong các hành động mà nó kéo theo. Chân lý của GHXH nằm trong cái mà nó sản xuất ra, trong hiệu lực thực tiễn của nó. Mục đích của GHXH chính là hành động đích thực, nghĩa là hành động chân chính ! Chính là đời sống trong chân lý và trong tình yêu ! Chính là tình yêu trong chân lý !

Nói cách khác, GHXH đúng là một tập các văn kiện, nhưng nó hơn cái đó nhiều. Nó là cả một đời tìm cách chuẩn hóa cuộc đời : và chính trong sự vận hành chuẩn tắc của nó mà nó là học thuyết. Nhưng sự vận hành chuẩn tắc là một sự vận hành thực tiễn, và nó tìm được chân lý của nó trong hành động, đến độ có thể nói hành động đã khiến người ta tin vào các nguyên tắc ! « Hơn bao giờ hết, Giáo hội biết rằng thông điệp xã hội của mình sẽ đáng tin cậy bởi các chứng nhân hành động hơn là bởi sự mạch lạc và logic nội tại của nó » (Centesimus annus, số 57)

Như vậy, sự chuyển dịch từ sách sang trang mạng, vốn không làm tê liệt cuốn sách, có thể làm cho chúng ta hiểu biết hơn sự vận hành của GHXH như một mạng lưới. Mạng lưới này có nguồn gốc trong Chúa Ba Ngôi, trong dự án của Thiên Chúa cho thế gian được Chúa Giêsu Kitô thể hiện. Đó là một mạng lưới các thực hành xã hội, các suy tư, sẽ mang lại một khoảnh khắc chuẩn tắc của Huấn quyền, nói đúng hơn, luận văn xã hội của Giáo hội. Và tất cả điều này có một tác động lôi kéo nhân loại vào những lối sống, trong hành động và phải luôn luôn nghĩ lại tùy thuộc vào những đột biến : điều này làm nên một môn khoa học thực tiễn của bác ái trong chân lý.

Trần Đức dịch
https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/la-doctrine-sociale-en-debat/175-la-doctrine-sociale-une-vie-cherchant-a-normer-la-vie