Kinh thánh và giáo huấn xã hội của Giáo hội

Lm. Kenneth Himes, Dòng Phan Sinh, Đại Học Boston
Mạc Khải dịch

23-01-2013

Ảnh hưởng tổng quát của Kinh thánh trên giáo huấn xã hội của Giáo hội (GHXH) đã trở nên nhậy cảm hơn khi mà từng bước, người Công giáo chú tâm đến chiều kích xã hội của đức tin để thăng tiến những hiểu biết Kinh thánh của mình và khi mà những người có nhiệm vụ xây dựng các tài liệu của GHXH được trang bị nhiều hơn với những khám phá của giới phê bình Kinh thánh hiện đại. Phong cách mà những tài liệu mới đây của GHXH viện dẫn Kinh thánh, phản ánh vị trí trung tâm nơi Kinh thánh phải chiếm ngự trong thần học Công giáo. Ở những thời điểm khác, việc sử dụng Kinh thánh trong GHXH đã không được chính xác : người ta chỉ viện dẫn một đoạn như là một nhắc nhở ngắn gọn về một ý tưởng quan trọng của truyền thống. Ví dụ trong trường hợp khi các giám mục của Công đồng Vaticanô II và hai vị Giáo hoàng Phalô VI và Gioan Phaolô II viện dẫn dụ ngôn người giầu có Lazarô (Lc 16, 19-31) để nhấn mạnh rằng những ai có thể sử dụng những phương tiện đúng đắn của mình phải luôn nhớ tới những người không có được những phương tiện đó. Không bao gồm một sự đào sâu nghiên cứu văn bản của thánh Luca, câu viện dẫn của dụ ngôn chỉ có tác dụng nhắc lại một chuỗi hình ảnh, chuyện kể và những giáo huấn hình thức theo truyền thống liên quan đến sự bắt buộc về mặt luân lý là chăm sóc cho người nghèo khổ. Có thể lối tiếp cận Kinh thánh như kiểu này không hoàn toàn thích đáng trên quan điểm chú giải nhưng nó đánh động một cách chính đáng lương tâm chúng ta và óc tưởng tượng tôn giáo của chúng ta.

Trước Công đồng Vaticanô II, những văn bản như Rerum novarum, Quadragesimo annoPacem in terris được xây dựng xung quanh suy nghĩ về luật tự nhiên, trong đó Kinh thánh được sử dụng như điểm tựa để hình thành giáo huấn. Đương nhiên, truyền thống Công giáo không coi Kinh thánh như nguồn gốc duy nhất của sự khôn ngoan luân lý : Kinh thánh cũng rút tỉa từ nhiều nguồn gốc khác nữa (truyền thống, triết học, kinh nghiệm con người, khoa học thực nghiệm) nhưng điều này không có nghĩa là lời chứng của Kinh thánh có thể bỏ qua được.

Được xuất bản vào năm 2004 bởi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội là một thí dụ của xu hướng dựa quá nhiều lên những nguồn gốc khôn ngoan khác. Thực chất, tài liệu này chứa đựng nhiều quy chiếu về một vị giáo hoàng duy nhất là Đức Gioan Phaolô II hơn cả toàn thể Kinh thánh. Tuy vậy, cuốn Tóm Lược đã sử dụng đúng cách văn bản Kinh thánh mỗi khi viện dẫn, « đúng cách » ở đây có nghĩa là Kinh thánh được sử dụng với dụng ý đánh dấu tính lịch sử của Kinh thánh và tính thách đố do sự diễn giải hiện nay về ý nghĩa của văn bản cổ đại này.

Kinh thánh như là truyền thống sống động

Truyền thống Công giáo bám rễ trong truyền thống Do Thái và sách Kinh thánh của họ. Phương cách tốt nhất để hiểu về truyền thống có quá khứ trên 3000 năm này, không phải như là một thứ gì mà ta có trong tay, mà như là thứ gì đó đang sở hữu chúng ta. Quả thật, chúng ta thuộc về truyền thống. Khi chúng ta đọc các chuyện trong Sách Xuất Hành hay các chuyện lịch sử liên quan đến sự phát triển vương quyền ở Ít-ra-en và động thái tiên tri, chúng ta hiểu rằng những văn bản đó nói về tổ tiên thiêng liêng của chúng ta. Khi Đức Giêsu mời gọi các thính giả của Ngài trở thành các môn đệ, chúng ta nghe như những lời mời gọi đó cũng dành cho chúng ta. Khi mà Thánh Phaolô cố gắng giải thích ý nghĩa của Chúa Giêsu Phục Sinh cho người Do Thái và Dân ngoại, chúng ta nhận thấy nỗ lực của ngài là một thành phần nỗ lực của chính chúng ta để hiểu được Đức Giêsu mang ý nghĩa gì.

Sự thể hiện nỗ lực và tranh đấu này của bao thế hệ tín hữu trước chúng ta là một phần đời sống của chính chúng ta : đó là điều giữ cho truyền thống Kinh thánh sống động. Quả thật, Kinh thánh không phải là một viện bảo tàng để người ta tới xem hay đi dạo trong dĩ vãng. Trái lại, đó là bước vào để nhìn thấy và để hiểu thấu được thế giới của chính chúng ta. Tuy nhiên, vì thế giới cổ đại không giống hệt thế giới của chúng ta bây giờ, chúng ta không nên chỉ lập lại từng chi tiết của văn bản mà phải tin vào truyền thống để hiểu hơn về thế giới hiện nay thay vì sao chép lại cái cũ.

Các tài liệu GHXH không cho rằng bất kỳ một văn bản Kinh thánh có thể giải đáp được những khó khăn thực tiễn thuộc lãnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội. Tiếp cập Kinh thánh với triển vọng như thế là sai lạc ngay từ đầu. Trái lại, chúng ta chiếm hữu các lý tưởng, các nhân đức và các thiên hướng mà chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh vì những phẩm tính này hình thành nên tính cách của chúng ta, đưa ra các chuẩn mực cho sự phân định của chúng ta và khuyến khích một số cách hành sử. Trên chiều hướng này, Kinh thánh mạc khải cho chúng ta mẫu người nam hay nữ mà chúng ta muốn trở thành cũng như mẫu cộng đồng mà chúng ta muốn xây dựng. Và nhất là Kinh thánh mạc khải Thiên Chúa mà các Kitô hữu thờ phượng, vâng phục và noi theo.

Cảnh báo rằng một người Ít-ra-en chân chính không được đàn áp ngoại kiều, góa phụ và cô nhi (Xh 22, 21-22) – bộ  ba này trong Kinh thánh chỉ rõ những người bị gạt ra bên lề trong một xã hội bộ lạc và gia trưởng – không cho chúng ta bất cứ một định hướng đặc biệt trực tiếp nào cho luật pháp xã hội của chúng ta ; nhưng văn bản cho chúng ta biết là Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin kính, đặc biệt chú tâm đến những người nghèo khó và những kẻ thấp hèn. Những người tự nhận kính yêu một Đấng Thiên Chúa như vậy, liệu không thể cố gắng yêu thương những kẻ Ngài yêu : bà góa, cô nhi, ngoại kiều của thời đại của chúng ta hay sao ? Cũng vậy, tấm gương Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly (Ga 13, 2-15) không cho các tín hữu Kitô bất cứ một chỉ thị chính xác nào phương cách quan niệm về những bổn phận của họ đối với xã hội. Tuy nhiên việc thường xuyên suy gẫm văn bản này chắc sẽ ảnh hưởng tinh thần người tín hữu đang tìm cơ hội phục vụ tha nhân.

Những điều trên đây cho thấy rằng người ta không thể giới hạn ảnh hưởng của Kinh thánh trong GHXH chỉ luận vào những văn bản chứa đựng một giáo huấn xã hội rõ rệt. Có rất nhiều đoạn Kinh thánh đã truyền đạt các lý tưởng, các nhân đức và các thiên hướng mà cuộc sống xã hội của chúng ta có thể lấy ý. Phương cách tốt nhất để hiểu được tầm quan trọng của Kinh thánh đối với GHXH không phải là chỉ tập trung sự chú ý của chúng ta vào duy nhất những đoạn viện dẫn trực tiếp từ Kinh thánh. Bởi vì ảnh hưởng của Kinh thánh gia tăng khả năng tiếp thu của chúng ta đối với GHXH khiến chúng ta đọc các bản văn trong cuốn sách này với lòng thiện cảm. Dĩ nhiên, công nhận ảnh hưởng này của Kinh thánh không cấm cản chúng ta nhận xét rằng có nhiều đoạn trong Cựu Ước và Tân Ước mang một tầm quan trọng lớn lao vì tính thích đáng trực tiếp của những đoạn đó đối với GHXH.

Các luận đề chung của Cựu ước trong GHXH

Tâm điểm của GHXH đặt trên tổng hợp những khẳng định theo đó con người vừa mang tính thánh thiêng vừa mang tính xã hội. Theo sách Sáng Thế đoạn 1, câu 26, xác tín con người được sáng tạo theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa tạo thành nền tảng của truyền thống xã hội Công giáo. Tuy vậy, điều này không thể quy kết cho bất cứ một phẩm tính nào của con người tỷ như óc thông minh hay tự do ý chí. Các nhà chú giải coi văn bản này có nhiều khả năng chỉ ra dữ kiện con người có vai trò là người đại diện, người nhiếp chính của Thiên Chúa hoặc là người đối thoại được sáng tạo để Đấng Sáng Tạo có thể giao tiếp, theo đó thì mọi con người đều xứng đáng được kính trọng và tôn kính bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hay giới tính.

Những câu chuyện kể về việc sáng tạo trong sách Sáng Thế gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng con người là một động vật xã hội được tạo dựng người này để dành cho người kia. Là con người, không có nghĩa là ở một mình mà là ở trong mối quan hệ (St 2, 18-24). Ý niệm về tính thực chất xã hội của con người cũng được tìm thấy trong giáo huấn Kinh thánh khi xác quyết rằng, từ thuở ban đầu, con người có quan hệ với Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo của mình và của những tạo vật khác.

Gần đây hơn, các bản văn trong sách Sáng Thế đã được nghiên cứu vì lý do thế giới quan của chúng trong một cách tiếp cận đặc trưng công giáo về sinh thái, luận đề gần đây nhưng quan trọng của GHXH. Thật rõ ràng, các chuyện kể về việc sáng tạo trong sách Sáng Thế đã xác định sự tốt lành tự bản chất của vũ trụ vật chất. Sự thiện hảo của công trình sáng tạo trời đất không phải là do sự công nhận bằng xét đoán của con người, nhưng nó đã được tuyên bố bởi chính Thiên Chúa. Thế giới tốt đẹp không phải vì nó hữu ích cho nhân loại mà vì sự sáng tạo xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa. Phải đọc kỹ đoạn Thiên Chúa đem con người đặt vào khu vườn để « cày cấy và canh giữ » (St 2, 15) và hiểu rõ ý nghĩa việc con người được quyền thống trị công trình tạo dựng. Trong thế giới Do Thái cổ đại, thành ngữ này có nghĩa : chăm sóc điều gì được vua ban với tư cách là người đại diện hay nhiếp chính của Thiên Chúa. Vai trò của nhà vua không nhằm đặt những kẻ khác dưới quyền của mình, nhưng là hành động với tư cách là « dominus », chúa tể, người đại diện của Thiên Chúa, nhằm tìm điều tốt lành cho những người được Ngài gửi gắm. Được hiểu chính xác, thông điệp Kinh thánh xuất hiện trong các chuyện kể của sáng thế nhìn nhận vai trò duy nhất của con người trong chương trình tạo dựng nhưng không phải với tư cách chủ nhân của vườn địa đàng và tự do để làm những gì mình muốn. Trái lại, con người có một trách nhiệm đặc biệt với trái đất bởi vì con người được giao cho việc cai quản thế giới (nghĩa là chăm sóc nó như Thiên Chúa đã sáng tạo ra nó).

Chúng ta tìm được trong sách Xuất Hành hai luận đề đặc biệt quan trọng đối với GHXH : giải phóng và giao ước. Chuyện người Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập tạo nên một toàn cảnh tiêu biểu cho tất cả những người bị áp bức bởi những định chế xã hội bất công. Câu chuyện trong Kinh thánh không chỉ giới hạn vào việc kể lại cuộc đấu tranh quyền lực giữa những kẻ bị áp bức và kẻ áp bức : chuyện cũng kể cuộc chiến đấu của Thiên Chúa công chính và hằng thương xót chống lại những lực lượng được tạo dựng chống lại Ngài. Khi chúng ta đọc trong sách Xuất Hành rằng « Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người » (Xh 2, 24), văn bản khẳng định rằng Thiên Chúa của Abraham và của Sarah sẽ trung thành với dân Ngài đã chọn. Chính qua trải nghiệm một cuộc giải phóng chính trị, kinh tế và xã hội đã đưa dân Ngài ra khỏi Ai Cập và tiến vào một xứ sở mới mà dân Do Thái biết được ai là Đức Giavê. GHXH không hề đánh đồng sự xung mãn của giải thoát với sự thành công thế gian hay lịch sử bằng cách chỉ rõ rằng không phải Thiên Chúa cũng không phải dân Ngài có thể dửng dưng với những đau khổ đã cướp đi của dân Ngài mọi khả năng xứng đáng với danh hiệu mà Thiên Chúa đã muốn ban cho mỗi người trong chúng ta.

Dĩ nhiên, giải thoát không chỉ có nghĩa là gỡ bỏ ách cai trị của Pharaon, nhưng cũng là được tự do thực sự tiến vào một mối quan hệ với Đức Giavê. Ít-ra-en đã được thiết lập như một quốc gia để cho dân Do Thái có thể sinh sống dưới luật lệ của Thiên Chúa thay vì dưới roi vọt của kẻ đàn áp. Như tất cả mọi ngôn sứ sau mình, ông Môsê đã được Thiên Chúa mời gọi để chăm sóc cho một dân tộc đang tìm kiếm một người đẫn đường và một lãnh tụ hầu có thể sống một cuộc đời đích thực hơn với Thiên Chúa của mình. Và tính xác thực bao hàm một cách sống người này với người kia cũng như với Đức Giavê. Điểm trung tâm của GHXH tỏ ra cách hiển nhiên trong tất cả các tài liệu là mang dấu ấn của Kinh thánh trên sự xây dựng một cộng đồng thực sự, con đường thể hiện Đức Tin của mình nơi Thiên Chúa của mỗi người.

Ấy thế mà trong chuyến lưu lạc trong sa mạc và cả trong những thời đại sau này, người Do Thái đã không kiên trì giữ lòng trung thành với Đức Giavê. Sự bất trung này đối với giao ước đã thể hiện trong cơn cám dỗ thờ ngẫu tượng và sự dửng dưng đối với thánh ý của Giavê là muốn một cộng đồng sống trong công lý, lòng thương xót và hòa bình. Từ tiên tri Amos đến ông Zacharia (cha của Gioan Tẩy Giả), các tiên tri là những người Thiên Chúa sai đến cộng đồng để nhắc nhở dân chúng phải trung thành với giao ước. Giao ước này bao hàm một lời giao kết quan hệ bị người Do Thái phản bội thường xuyên, ruồng bỏ người góa bụa, trẻ mồ côi và khách lữ hành là những kẻ Đức Gia Vê ưa chuộng.

Sự lựa chọn ngườì nghèo – hiểu theo nghĩa không có quyền lực và bị gạt ra ngoài xã hội – là một luận đề trung tâm của GHXH hiện đại và sự thể hiện đầu tiên của giáo huấn này có từ thông điệp của các ngôn sứ.

Tâm điểm của GHXH là một thông điệp liên quan đến công lý và hoà bình và thật là rõ ràng, Cựu Ước đã thủ một vai trò quan trọng trong việc hinh thành những ý tưởng này ở trung tâm của GHXH. Khác với nhiều cách tiếp cận triết học với công lý, cách tốt nhất để hiểu rõ lý tưởng của công lý trong chiều hướng Kinh thánh không nhằm hoàn trả lại người ta những gì thuộc về họ, cũng không phân tách công lý ra thành từng loại – công lý cộng đồng, pháp lý, phân phối – giống như các lý thuyết gia thời trung cổ

Công lý theo Kinh thánh là tổng quát, vì thế, nó kém chính xác nhưng nó mô tả một lý tưởng cốt lõi của đời sống xã hội. Nhìn từ phía giao ước, công lý Kinh thánh liên quan đến các mối quan hệ. Thực chất, công lý theo Kinh thánh hoàn toàn đặt trên sự duy trì mối quan hệ công bằng với người khác bao gồm Đức Giavê, những người đồng đạo và xã hội trong tổng thể. Công lý cũng liên quan mật thiết đến việc xây dựng cộng đồng và sự thiết lập các định chế có thể trợ giúp các thành viên của cộng đồng phát triển sung mãn và thực sự. Sự cổ vũ công lý xã hội do GHXH đòi hỏi là một phương cách phát biểu lý tưởng đó và nhấn mạnh rằng phải được sống trong những xã hội được trang bị các định chế chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội và tôn giáo vận hành một cách đúng đắn thì con người mới có thể thực hiện được một cách tối hảo sự phát triển đích thực và chính đáng cho bản thân. Hòa bình phải được thực hiện qua những nỗ lực để tạo dựng và vãn hồi một cộng đồng lành mạnh.

Khi công lý đã được thực hiện, thì ít là trong một mức độ nào đó, hòa bình có thể nở hoa. Hòa Bình là « thành quả của đức công minh » (Is 32, 17), nó là kết quả của việc xây dựng được những cộng đồng công chính. Vì thế GHXH không hề có một quan niệm tiêu cực về hòa bình – tức không có chiến tranh, những gì còn sót lại sau khi im tiếng súng – nhưng quan niệm tích cực : hòa bình là một trạng thái hiện hữu được xây dựng bằng những hành động công lý, hòa giải, đồng cảm và sự thật. Hòa bình là cái gì phải được thực hiện bằng những công việc nhằm tạo dựng và vãn hồi một cộng đồng lành mạnh.

Xây dựng hòa bình là một dự án ngày càng liên quan đến GHXH, chính xác là vì đây là một nhiệm vụ, một mục tiêu cần phải làm việc mới có và nó không đương nhiên xảy đến sau khi ngưng chiến. Cũng có thể có một thứ hòa bình giả tạo được hình thành, nghĩa là chỉ có một sự chấm dứt bạo lực mà không có sự tạo dựng những mô thức công bằng cho đời sống cộng đồng. Chính khi nhấn mạnh rằng hòa bình phải đi đôi với việc xây dựng một cộng đồng đích thực, mà Cựu Ước đã cho GHXH một giọng điệu riêng biệt đối với ý nghĩa của hòa bình trong giai đoạn hiện đại.

Những luận đề chung của Tân ước và GHXH

Một luận đề khác của GHXH – vương quyền và vương quốc Thiên Chúa – được thấy rõ trong các Tin mừng của Tân Ước. Lời giảng dạy của Đức Giêsu thấm nhuần luận đề này từ đầu cuộc đời rao giảng của Ngài, chép trong chương đầu Phúc Âm thánh Máccô, cho tới lúc gặp mặt Philatô (Ga 18-19). Đối với Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, mỗi định chế, mỗi sinh hoạt xã hội phải được đặt trong bối cảnh vương quyền trị vì của Thiên Chúa. Không có gì có thể thay thế được chân lý này. Lề luật của vương quốc Thiên Chúa luôn ưu tiên hơn tất cả những đòi hỏi của con người cho dù trên lãnh vực chính trị hay kinh tế.

Sự hiểu biết về tương lai như ý Chúa muốn đối với nhân loại như Ngài đã mạc khải bằng những hình ảnh của Nước Chúa, giúp cho chúng ta hiểu được cuộc đời ở thời đại chúng ta phải như thế nào. Nước Chúa, qua những kinh nghiệm được kể về sự hiện diện tích cực và quyền phép của Ngài trong Lịch Sử đòi hỏi phải sắp xếp lại những kết cục của Lịch Sử để có thể thấy được mục đích của Thiên Chúa chứ không phải tham vọng của con người. Về phần mục đích của Thiên Chúa, mục đích này bất di bất dịch : đó là hình thành một dân tộc sinh sống trong hòa bình toàn vẹn, ôm ấp công lý và lòng thương xót cho tất cả các thành viên của dân tộc đó.

Để trả lời câu hỏi về điều răn lớn nhất, Chúa Giêsu đã chấp thuận lời giải đáp của luật sĩ : « Con hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa con hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn con và yêu mến tha nhân cũng như mình vậy ». Và rồi để trả lời câu hỏi « Ai là tha nhân của con ? », Chúa Giêsu kể dụ ngôn người Samari tốt lành và chỉ rõ, người bên cạnh mình không phải là một chủng loại mang tính địa dư nhưng là một chủng loại tinh thần : tha nhân, chính là người nào đang cần được giúp đỡ (Lc 10, 25-37). Đối với GHXH, tình yêu tha nhân không hề giới hạn vào những người thể lý gần gũi mà phương cách tốt nhất để hiểu tình yêu này là cần cho nó một sự chấp nhận mang tính đại chúng. Quan niệm này ngầm hiểu những luận đề cơ bản của sự liên đới và sự phân chia của cải cho đại chúng.

Giảng dạy của Chúa Giêsu có đặc tính là sử dụng dụ ngôn với các câu chuyện và những ẩn dụ thường có nhiều tầng cấp ý nghĩa và dĩ nhiên là GHXH đã rút ra từ trong đó những giáo huấn quan trọng cho thông điệp xã hội của Đức Tin. Như chúng tôi đã nói về việc thường xuyên sử dụng dụ ngôn về người giầu có, về Lazarô, GHXH không dùng dụ ngôn để mang lại những đáp án cho những vấn đề xã hội nhưng để mời gọi suy nghĩ phê phán đối với những thái độ và động cơ để kích động tìm phương thuốc chữa trị những căn bệnh xã hội. Dụ ngôn « cừu và dê » (Mt 25 31-46) khi Chúa Giêsu tự ví mình với những ngươi đang đói, khát, trần truồng và tù rạc, là một trong những giáo huấn được nhiều người biết đến, đã ảnh hưởng GHXH.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy bằng lời nói ; các hành động của Ngài cũng làm chứng cho Thiên Chúa. Một trong những phương diện không thể lẩn tránh của sứ mệnh của Ngài đối vơi những người mà xã hội cho là ít xứng đáng nhất để vào Nước Chúa. Thời xưa, ngồi ăn chung với người nào không phải chỉ là trải qua một lúc với người đó để ăn uống. Ngồi cùng một bàn với người nào có nghĩa là tỏ ra mình chia sẻ cuộc đời của họ, đánh giá cao họ, sẵn sàng đồng hóa với họ. Các Tin mừng không ngừng chép lại Đức Giêsu đã ăn uống với nhiều người bị coi như những tội nhân công cộng (Mt 9, 10-12 ; Lc 19, 7-10). Những kẻ thu thuế, những cô gái điếm, những người phong cùi và những người tàn tật bị cho là bất xứng với sự chú ý của Thiên Chúa và mặc dù vậy, chính Chúa Giêsu đã đến với họ. Sự kiện Ngài không hề thải loại ai trong những quan hệ chăm sóc của Ngài đã đi ngược lại với những kẻ chủ trương kỳ thị và khinh bỉ một số tập thể.

Ngoài các bản Tin mừng, sách Tân Ước chứa đựng các văn bản chứng minh Giáo hội tiên khởi đã chấp nhận là một cộng đồng chia sẻ, chú trọng đến người nghèo khó đang sống trong cộng đồng, đó là những gì đã xảy ra khi các cộng đoàn Kitô đầu tiên phân chia tài sản (Cv 2, 44-46 ; 4, 32-37) và thực hiện bố thí (Cv 10, 2 ; 10, 4 ; 10, 31) như là sự thể hiện của cuộc tân sáng thế nơi Đức Kitô (2Cr  5, 16-17) và phù hợp với thư của Thánh Giacôbê khuyên nhủ các môn đệ là nên thực hành Lời Chúa và không chỉ « nghe suông mà lừa dối chính mình » (Gc 1, 22). Trong thư của ngài, thánh Giacôbê dùng giọng điệu tương tự như tiên tri Amos xét đoán nghiêm khắc những kẻ giầu có mà không hành động đại lượng đối với người nghèo.

Một nét quan trọng của sứ mạng thánh Phaolô bên cạnh các Giáo hội dân ngoại là sự quyên góp trong nội bộ cộng đoàn để họ có thể làm chứng cho sự liên đới và sự bận tâm cho các Giáo hội ở Giuđêa và các anh chị em Do Thái nghèo hơn của Giáo hội ở Giêrusalem (1Cr 16, 1-4 ; 2Cr 8-9). Trong Giáo hội tiên khởi, bố thí không phải là tùy hỉ : bố thí là một bổn phận và một bằng chứng của hình thức sống mới được lập nên bởi Nhiệm Thể Đức Kitô. Vấn đề liên đới này được thể hiện trong tư tưởng của thánh Phaolô liên quan đến mối quan hệ giữa các Giáo hội dân ngoại với các Giáo hội Do Thái cũng như trong nội bộ các cộng đoàn dân ngoại.

Giáo huấn của thánh Phaolô về ý nghĩa của phép Thánh Thể cho thấy sự chia sẻ bữa tiệc với Chúa mang một tầm vóc tinh thần. Thánh Phaolô quở trách các tín hữu Côrintô đã duy trì các tầng lớp đặc trưng của xã hội Hy Lạp khi họ tập trung để cử hành Thánh lễ. Thánh Phaolô viết tiếp bằng cách mô tả lại tấm gương của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể và những đòi hỏi được đưa ra đối với những môn đệ chân chính (1Cr 11, 18-27)

Thái độ liên đới, bận tâm cho cho người khác, gần hay xa, và bổn phận đặc biệt lưu tâm tới những người yếu đuối và những người dễ bị tổn thương, được khuyến khích từ đầu đến cuối sách Tân Ước. Đó là những luận đề có một vai trò quan trọng trong quan niệm những nguyên tắc thầm kín của GHXH và của những giá trị mà GHXH cổ vũ rõ ràng.

Sau cùng, một luận đề nữa được ghi trong suốt Kinh thánh đã in dấu ấn trên GHXH : sự quan trọng của lao động. Người ta hay nói rằng truyền thống giáo dục xã hội hiện đại của Công giáo bắt đầu với thông điệp về tình cảnh của công nhân (Rerum novarum) của ĐGH Lêô XIII. Bên trong truyền thống đó, lao động tiếp tục được coi như « chìa khóa và có lẽ là chìa khóa cốt yếu của tất cả các vấn đề xã hội ». Tiếp theo lời tuyên bố đó, ĐGH Gioan Phaolô II đã thêm rằng việc tập trung vào lao động con người có từ thời Sáng Thế và đã tiếp nối trong Tân Ước (Laborem exercens 3). Trong truyền thống, lao động được coi như một sự chúc phúc chứ không phải như một lời chúc dữ. Lao động được xem như cơ hội sử dụng tài năng của mình để góp phần cho công ích, để bảo đảm một tình trạng thoải mái vật chất nào đó và để tự có tiếng nói. Những mặt tích cực của lao động con người trong GHXH được đặt trên đường lối của giáo huấn Kinh thánh về phẩm giá của lao động.

Kết luận

Kinh thánh không phải là một quyển sách duy nhất nhưng là một bộ nhiều quyển mang nhiều hình thức văn chương khác nhau. Người ta có thể thấy thơ phú, chuyện lịch sử, dụ ngôn, thơ trào phúng, huyền thoại, bài giảng, lề luật và ca vịnh…, đó là chỉ kể một số thể loại trong cái thư viện rộng lớn này. Vì vậy không ngạc nhiên là có những văn bản sẵn sàng được sử dụng và đã được GHXH trích dẫn nguyên văn trong lúc cũng có những chất liệu từ Kinh thánh ít được viện dẫn. Chắc chắn có thể khẳng định rằng GHXH đã được hình thành ở nơi thẳm sâu trong Lời Chúa.

Nguồn: https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/les-sources/41-la-bible