Lời kêu gọi của Rome dành cho đạo đức AI

Lời kêu gọi của Rome về đạo đức AI là một tài liệu được ký kết lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 2 năm 2020, tại Rôma, nhằm xúc tiến sự tiếp cận có đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo. Ý tưởng đằng sau nó là thúc đẩy ý thức trách nhiệm chung giữa các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các định chế và công ty công nghệ trong nỗ lực tạo ra một tương lai, trong đó sự đổi mới kỹ thuật số và sự tiến bộ công nghệ phải đặt con người ở vị trí trung tâm. Đề cập đến một nền đạo đức thuật toán (algorethics) mới, các bên ký kết đã cam kết yêu cầu sự phát triển trí tuệ nhân tạo là để phục vụ mọi người và nhân loại nói chung; tôn trọng phẩm giá nhân vị, để mỗi cá nhân có thể hưởng lợi từ sự tiến bộ của công nghệ; và không chỉ có mục tiêu duy nhứt của nó là lợi nhuận lớn hơn hoặc sự thay thế dần con người tại nơi làm việc.

Ngày 24-4-2024, ông Chuck Robbins, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cisco, ký Lời kêu gọi Rome về Đạo đức AI. Ảnh romecall.org

Các bên Ký kết Đầu tiên

Tổng giám mục VINCENZO PAGLIA
Chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống

Tiến sĩ BRAD SMITH
Chủ tịch Microsoft

Tiến sĩ JOHN KELLY III
Phó Chủ tịch Điều hành IBM

Tiến sĩ DONGYU QU
Tổng Giám đốc Điều hành FAO (Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc)

Tiến sĩ PAOLA PISANO
Bộ trưởng Canh tân Ý

Lời giớ thiệu

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của con người, và nó sẽ tiếp tục như thế. AI cung cấp tiềm năng lớn khi nó ra đời để cải thiện sự chung sống xã hội và anh lành hạnh phúc cá nhân, nâng cao khả năng con người và cho phép hoặc nâng đỡ nhiều nhiệm vụ có thể thực hiện được một cách hiệu năng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các kết quả này vẫn chưa được đảm bảo chút nào. Các chuyển đổi đang diễn ra hiện nay không chỉ về mặt định lượng, nhưng, trên hết, chúng còn mang tính định tính bởi vì chúng tác động đến cách các nhiệm vụ này được thực hiện và cách chúng ta cảm nhận về thực tại và bản chất con người, đến độ chúng có thể ảnh hưởng đến các thói quen tinh thần và giữa người với người. Công nghệ mới phải được nghiên cứu và sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo nó phục vụ cách chân thật cho toàn thể “gia đình nhân loại” (Lời mở đầu, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền -TNQTNQ), tôn trọng phẩm giá cố hữu của từng thành viên của gia đình nhân loại và toàn thể các môi trường tự nhiên, và xem xét đến các nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất. Mục tiêu không chỉ là đảm bảo rằng không một ai bị loại trừ, mà còn mở rộng đến các lãnh vực tự do có thể bị đe dọa bởi sự điều khiển thuật toán.

Căn cứ vào tính chất phức tạp và đổi mới của các câu hỏi do chuyển đổi kỹ thuật số đặt ra, điều thiết yếu đối với các bên liên quan là tham gia làm việc với nhau và trình bày toàn bộ các nhu cầu bị tác động bởi AI. Lời kêu gọi này là một bước hướng đến tầm nhìn gia tăng sự hiểu biết chung và tìm kiếm một ngôn ngữ và các giải pháp mà chúng ta có thể chia sẻ. Dựa vào điều này, chúng ta có thể công nhận và chấp thuận các trách nhiệm cần cân nhắc đến toàn bộ tiến trình đổi mới công nghệ, từ thiết kế cho đến phân phối và sử dụng, khuyến khích một sự cam kết thực sự trong nhiều tình huống thực tế.

Về lâu về dài, các giá trị và nguyên tắc mà chúng ta có thể truyền dẫn cho AI sẽ giúp thiết lập một khuôn khổ điều khiển và hành động với tư cách là điểm tham chiếu cho đạo đức kỹ thuật số, hướng dẫn các hành động của chúng ta và thúc đầy việc sử dụng công nghệ để mang lại thiện ích cho nhân loại và môi trường.

Hơn bao giờ hết, chúng ta phải đảm bảo một viễn cảnh trong đó AI đang được phát triển với sự tập trung không chỉ về công nghệ mà còn cả sự thiện của nhân loại và môi trường, của ngôi nhà chung trong đó các cư dân của nó được nối kết không thể tách rời. Nói cách khác, một viễn kiến trong đó con người và thiên nhiên là trung tâm mà đổi mới kỹ thuật số được phát triển, ủng hộ như thế nào, chứ không phải con người dân dần bị thay thế bởi các công nghệ đối xử như các tác nhân có lý trí nhưng lại không có nhân bản chút nào. Đã đến lúc không chỉ bắt đầu chuẩn bị cho tương lai công nghệ nhiều hơn trong đó máy móc sẽ có một vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của con người, mà còn một tương lai trong đó rõ ràng là sự tiến bộ công nghệ khẳng định sự ưu việt của loài người và vẫn phụ thuộc vào tính chân thực về mặt đạo đức của nó.

Đạo đức

Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Tạo Hóa đã ban cho họ lý trí và lương tâm và phải đối xử với nhau trong tinh thần huynh đệ (xem Điều 1, TNQTNQ). Điều kiện căn bản này của tự do và phẩm giá cũng phải được bảo vệ và đảm bảo khi sản xuất và sử dụng các hệ thống AI. Điều này phải được thực hiện thông qua việc bảo vệ các quyền lợi và tự do của các cá nhân ngõ hầu họ không bị phân biệt đối xử chống lại bởi các thuật toán vì “chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, địa vị khi sinh ra hoặc địa vị khác” (Điều 2, TNQTNQ).

Các hệ thống AI phải được hình thành, thiết kế và ứng dụng để phục và phát triển con người và môi trường mà họ sống trong đó. Viễn cảnh căn bản này phải diễn giải thành cam kết để tạo ra các điều kiện sống (về mặt xã hội và cá nhân) cho phép các thành viên tập thể và cá nhân nỗ lực thể hiện bản thân cách đầy đủ nhứt có thể.

Để cho sự tiến bộ công nghệ phù hợp với sự phát triển chân thật cho loài người và sự tôn trọng hành tinh, nó phải đáp ứng ba yêu cầu sau. Nó phải bao gồm mọi người, không phân biệt đối xử bất kỳ ai; nó phải có sự lương thiện của nhân loại và lương thiện của mỗi người ở trung tâm của nó; cuối cùng, nó phải lưu tâm đến thực tại phức tạp của hệ sinh thái của chúng ta và được đặc trưng bởi cách chúng ta chăm sóc và bảo vệ hành tinh (“ngôi nhà chung” của chúng ta) với sự tiếp cận bền vững, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đảm bảo các hệ thống lương thực bền vững trong tương lai. Hơn nữa, mỗi người phải nhận thức khi họ đang tương tác với máy móc.

Công nghệ dựa trên AI không bao giờ được sử dụng để khai thác con người dưới bất cứ cách thức nào, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Thay vào đó, nó phải được sử dụng để giúp đỡ con người phát triển các khả năng (sự trao quyền/sự kiến tạo khả năng) và nâng đỡ hành tinh.

Giáo dục

Biến đổi thế giới thông qua sự đổi mới của AI có nghĩa là đảm nhận xây dựng một tương lai cho và với các thế hệ trẻ hơn. Việc đảm nhận này phải được phản ánh trong sự cam kết đối với giáo dục, phát triển các chương trình đào tạo cụ thể bao quát nhiều ngành học trong các ngành nhân văn, khoa học và công nghệ và đảm nhận trách nhiệm giáo dục các thế hệ trẻ hơn. Sự cam kết này có nghĩa là làm việc để cải thiện chất lượng giáo dục mà người trẻ nhận được; điều này phải được phân phối qua các phương pháp mà mọi người có quyền tiếp cận, không phân biệt đối xử và có thể cống hiến bình đẳng về cơ hội và sự đối xử. Quyền tiếp cận giáo dục phổ quát phải đạt được thông qua các nguyên tắc liên đới và công bằng.

Việc tiếp cận học tập suốt đời cũng phải được đảm bảo cho người cao tuổi, những người phải được cung cấp cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngoại tuyến trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ. Hơn nữa, các công nghệ này có thể chứng minh là vô cùng hữu ích trong việc giúp những người khuyết tật học tập và trở nên độc lập hơn: do đó, giáo dục hòa nhập cũng có nghĩa là sử dụng AI để hỗ trợ và tích hợp từng cá nhân, cung cấp sự trợ giúp và cơ hội tham gia xã hội (ví dụ: làm việc từ xa cho những người có khả năng di chuyển hạn chế, hỗ trợ công nghệ cho những người khuyết tật về nhận thức, v.v.).

Tác động của những chuyển đổi do AI mang lại trong xã hội, việc làm và giáo dục đã khiến việc cải tổ chương trình giảng dạy ở trường học trở nên cần thiết để biến khẩu hiệu giáo dục “không ai bị bỏ lại phía sau” thành hiện thực. Trong lĩnh vực giáo dục, cần có những cải cách để thiết lập các tiêu chuẩn cao và khách quan có thể cải thiện kết quả của từng cá nhân. Các tiêu chuẩn này không nên chỉ giới hạn ở việc phát triển các kỹ năng số mà thay vào đó nên tập trung vào việc đảm bảo rằng mỗi cá nhân có thể thể hiện đầy đủ khả năng của mình và làm việc vì lợi ích của cộng đồng, ngay cả khi không có lợi ích cá nhân nào có thể đạt được từ điều này.

Khi chúng ta thiết kế và lập kế hoạch cho xã hội tương lai, việc sử dụng AI phải tuân theo các hình thức hành động hướng đến xã hội, sáng tạo, kết nối, hiệu quả, có trách nhiệm và có khả năng tác động tích cực đến cuộc sống cá nhân và xã hội của các thế hệ trẻ. Tác động xã hội và đạo đức của AI cũng phải là cốt lõi của các hoạt động giáo dục về AI.

Mục tiêu chính của chương trình giáo dục này là nâng cao nhận thức về các cơ hội cũng như các vấn đề quan trọng có thể xảy ra do AI đặt ra từ góc độ hòa nhập xã hội và tôn trọng cá nhân.

Các quyền

Sự phát triển của AI để phục vụ nhân loại và hành tinh phải được phản ánh trong các quy định và nguyên tắc bảo vệ con người – đặc biệt là những người yếu thế và thiệt thòi – và môi trường tự nhiên. Cam kết về mặt đạo đức của tất cả các bên liên quan là điểm khởi đầu quan trọng; để biến tương lai này thành hiện thực, các giá trị, các nguyên tắc và trong một số trường hợp, các quy định pháp lý là hoàn toàn không thể thiếu để hỗ trợ, cấu trúc và hướng dẫn tiến trình này.

Để phát triển và triển khai các hệ thống AI mang lại lợi ích cho nhân loại và hành tinh, đồng thời đóng vai trò là công cụ xây dựng và duy trì hòa bình quốc tế, việc phát triển AI phải song hành với các biện pháp an ninh kỹ thuật số mạnh mẽ.

Để AI có thể hoạt động như một công cụ phục vụ lợi ích của nhân loại và hành tinh, chúng ta phải đưa chủ đề bảo vệ các quyền con người trong kỷ nguyên số vào trọng tâm của cuộc tranh luận công khai. Đã đến lúc phải đặt câu hỏi liệu các hình thức tự động hóa và hoạt động thuật toán mới có đòi hỏi phải phát triển các trách nhiệm mạnh mẽ hơn hay không. Đặc biệt, điều cần thiết là phải xem xét một số hình thức “bổn phận giải thích”: chúng ta phải nghĩ đến việc làm cho không chỉ các tiêu chí ra quyết định của các tác nhân thuật toán dựa trên AI dễ hiểu mà còn cả mục đích và mục tiêu của chúng. Các thiết bị này phải có khả năng cung cấp cho cá nhân thông tin về luận lý (logic) đằng sau các thuật toán được sử dụng để đưa ra quyết định. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm, khiến quá trình ra quyết định được hỗ trợ bằng máy tính trở nên hợp lệ hơn.

Cần khuyến khích các hình thức quản lý mới để thúc đẩy tính minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, đặc biệt là đối với các công nghệ tiên tiến có nguy cơ cao hơn trong việc tác động đến các quyền con người, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt.

Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta phải bắt đầu ngay từ khi bắt đầu phát triển mỗi thuật toán với tầm nhìn “đạo đức thuật toán”, tức là một cách tiếp cận đạo đức theo thiết kế. Thiết kế và lập kế hoạch cho các hệ thống AI mà chúng ta có thể tin tưởng bao gồm việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa những người ra quyết định chính trị, các cơ quan hệ thống của Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ khác, các nhà nghiên cứu, thế giới học thuật và đại diện của các tổ chức phi chính phủ về các nguyên tắc đạo đức cần được xây dựng vào các công nghệ này. Vì lý do này, những nhà tài trợ của lời kêu gọi bày tỏ mong muốn được hợp tác, trong bối cảnh này và ở cấp độ quốc gia và quốc tế, để thúc đẩy “đạo đức thuật toán”, cụ thể là việc sử dụng AI một cách có đạo đức theo định nghĩa của các nguyên tắc sau:

Minh bạch: về nguyên tắc, hệ thống AI phải có thể giải thích được;

Dung nạp: nhu cầu của tất cả con người phải được xem xét để mọi người đều có thể hưởng lợi và tất cả các cá nhân có thể được cung cấp những điều kiện tốt nhất có thể để thể hiện bản thân và phát triển;

Trách nhiệm: những người thiết kế và triển khai việc sử dụng AI phải tiến hành với trách nhiệm và sự minh bạch;

Công bằng: không tạo ra hoặc hành động theo sự thiên vị, do đó bảo vệ sự công bằng và phẩm giá con người;

Tin cậy: Hệ thống AI phải có khả năng hoạt động đáng tin cậy;

Bảo mật và quyền riêng tư: Hệ thống AI phải hoạt động an toàn và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Những nguyên tắc này là những yếu tố cơ bản của sự đổi mới tốt.

Sáu nguyên tắc đạo đức

1. Minh bạch: Hệ thống AI phải dễ hiểu đối với tất cả mọi người.
2. Dung nạp: Các hệ thống này không được phân biệt đối xử với bất kỳ ai vì mọi con người đều có phẩm giá bình đẳng như nhau.
3. Trách nhiệm: phải luôn có một ai đó chịu trách nhiệm về những gì máy móc làm.
4. Công bằng: Hệ thống AI không được tuân theo hoặc tạo ra sự thiên vị.
5. Tin cậy: AI phải đáng tin cậy.
6. Bảo mật và quyền riêng tư: Các hệ thống này phải an toàn và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.

Nguồn: romecall.org
giaohuanxahoi.com dịch