Lời kêu gọi của Vatican về đạo đức AI tiếp tục thu hút sự ủng hộ

Tác giả: John Burger, Hồng Vân chuyển ngữ 

Tồn tại đến nay đã được bốn năm, tài liệu “Lời kêu gọi của Rome về đạo đức trí tuệ nhân tạo” đưa ra lời cảnh báo về những mối nguy hiểm liên quan đến cách mọi người sống và suy nghĩ.

Tổng Giám mục Justin Welby, Giáo hội Anh giáo ký Lời kêu gọi của Rome về đạo đức cho AI.
Ảnh romecall.org

Đức Tổng giám mục của Canterbury hôm thứ Ba đã trở thành người mới nhất hưởng ứng lời kêu gọi của Vatican về cách tiếp cận có đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo (AI). Việc Đức Tổng Giám mục Justin Welby ký “Lời kêu gọi của Rome về Đạo đức Trí tuệ Nhân tạo” vào ngày 30 tháng 4 diễn ra chưa đầy một tuần sau khi gã khổng lồ công nghệ Cisco Systems từ California cũng đã ký chấp nhận những nguyên tắc đưa ra từ văn bản này.

Khi gắn tên mình vào văn bản, Đức Tổng Giám mục Welby nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ “phẩm giá của mỗi con người” chứ không phải là những “lợi nhuận” mà sự phát triển của AI có thể tạo ra.

“Lời kêu gọi của Rome” đã được phát triển bởi Học viện Giáo hoàng về Sự sống và nhận được những chữ ký đầu tiên vào tháng 2 năm 2020. Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai ủng hộ sáng kiến ​​này.

Tài liệu này còn được hướng dẫn bởi RenAIssance Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2021 với mục tiêu hỗ trợ những suy tư về khía cạnh nhân học và đạo đức của các công nghệ mới trong đời sống con người, vốn được Học viện Giáo hoàng về Sự sống thúc đẩy. 

Tài liệu của Vatican ủng hộ việc phát triển các công nghệ AI mang tính minh bạch, toàn diện, có lợi cho xã hội và có trách nhiệm. Mục tiêu cốt lõi là phải đảm bảo rằng công nghệ AI đặt con người và thế giới tự nhiên nơi con người sinh sống làm trung tâm chứ không phải là ngược lại, biến con người trở thành phụ thuộc vào AI.

Phần giới thiệu của tài liệu cho biết : “Ý tưởng đằng sau Lời kêu gọi là thúc đẩy ý thức chia sẻ trách nhiệm giữa các tổ chức quốc tế, chính phủ, tổ chức và công ty công nghệ trong nỗ lực tạo ra một tương lai trong đó đổi mới kỹ thuật số và tiến bộ công nghệ mang lại cho con người vị trí trung tâm” .

AI rõ ràng là mang lại tiềm năng to lớn, tài liệu khẳng định. Với AI, nhiều nhiệm vụ sẽ có thể được thực hiện đạt hiệu suất và hiệu quả cao hơn.

Nhưng tiềm năng biến đổi cuộc sống hiện đại của AI có nguy cơ ảnh hưởng đến “cách chúng ta nhìn nhận thực tế và bản chất con người, đến mức chúng có thể ảnh hưởng đến thói quen tinh thần và cá nhân của chúng ta”.

Tài liệu khẳng định: “Đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị cho một tương lai mang nặng tính công nghệ hơn, trong đó máy móc sẽ có vai trò quan trọng nhiều hơn trong cuộc sống của con người. Nhưng đó cũng là một tương lai nơi những tiến bộ công nghệ khẳng định sự xuất sắc của con người,  và tiếp tục vẫn phụ thuộc vào tính thần liêm chính về đạo đức của toàn thể nhân loại.”

Ba yêu cầu, sáu nguyên tắc

“Lời kêu gọi của Rome” nhấn mạnh ba yêu cầu cần phải đáp ứng để những về tiến bộ công nghệ phù hợp với những tiến bộ thực sự của loài người và có sự tôn trọng đối với môi trường sống của hành tinh trái đất.

Tài liệu viết: “Công nghệ AI phải mang tính dung nạp, không phân biệt đối xử với bất kỳ ai”. “Công nghệ AI  cần lấy lợi ích của nhân loại và lợi ích của mỗi con người làm trọng tâm ; cuối cùng, công nghệ AI phải lưu tâm đến thực tế phức tạp của hệ sinh thái của chúng ta, được đặc trưng bởi cách người ta chăm sóc và bảo vệ hành tinh (“ ngôi nhà chung của chúng ta ”) qua cách tiếp cận có tính bền vững cao, bao gồm cả việc sử dụng trí nhân tạo để đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững trong tương lai. Hơn nữa, mỗi người phải nhận thức được khi nào mình đang tương tác với máy móc.”

Văn bản tiếp tục nêu rõ: “Công nghệ dựa trên AI không bao giờ được sử dụng để bóc lột con người dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”. “Thay vào đó, nó phải được sử dụng để giúp mọi người phát triển khả năng của họ (có đặc tính trao quyền) và hỗ trợ hành tinh.”

“Lời kêu gọi của Rome” hình dung sự phát triển và sử dụng AI được hướng dẫn bởi “các quy định và nguyên tắc bảo vệ con người – đặc biệt là những người yếu thế và kém may mắn – và môi trường tự nhiên”. Các thuật toán được sử dụng trong các ứng dụng AI phải dễ hiểu, đồng thời mục đích và mục tiêu cụ thể của chúng phải rõ ràng đối với tất cả mọi người. Các công nghệ có nguy cơ ảnh hưởng đến nhân quyền cao hơn, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt, cần phải được quản lý một cách đặc biệt.

Ngoài ra, những cân nhắc về mặt đạo đức phải là một phần trong việc lập kế hoạch cho các thuật toán mới ngay từ đầu, tài liệu cho biết. Đạo đức nên bao gồm sáu nguyên tắc:

Tính minh bạch : “Về nguyên tắc, hệ thống AI phải có thể giải thích được.”

Tính dung nạp: “Tất cả con người phải được quan tâm.”

Tính trách nhiệm : “Những người thiết kế và triển khai việc sử dụng AI phải tiến hành một cách có trách nhiệm và minh bạch”.

Tính công bằng : “Không tạo ra hoặc hành động theo thành kiến, từ đó bảo vệ sự công bằng và phẩm giá con người.”

Tính tin cậy : “Hệ thống AI phải có khả năng hoạt động đáng tin cậy”.

Tính bảo mật và quyền riêng tư : “Hệ thống AI phải hoạt động an toàn và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng”.

Các công ty công nghệ

Trong số những tổ chức đầu tiên đã ký “Lời kêu gọi Rome” ngoài Đức Tổng Giám mục Vicenzo Paglia Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, còn có Microsoft và IBM, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ Đổi mới của Ý.

Microsoft xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Fortune 500 năm 2022 của các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ tính theo tổng doanh thu. Đây là nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới tính theo doanh thu vào năm 2022 theo Forbes Global 2000. Đây được coi là một trong 5 công ty công nghệ thông tin lớn của Mỹ, cùng với Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple và Meta (công ty mẹ của Facebook). 

Trong khi một số bên ký kết là các công ty được thành lập trong vài thập kỷ qua thì riêng IBM lại có lịch sử từ thế kỷ 19. Công ty đã tham gia vào những tiến bộ công nghệ khác nhau, từ hệ thống lập bảng thẻ đục lỗ, máy tính lớn, PC, phần mềm và siêu máy tính. Đây là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới.

Công ty Cisco Systems đã ký vào tuần trước. Được thành lập vào năm 1984 và có trụ sở chính tại San Jose, California, công ty phát triển, sản xuất và bán phần cứng mạng, phần mềm, thiết bị viễn thông cũng như các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao khác. Cisco chuyên về các thị trường công nghệ cụ thể, chẳng hạn như Internet vạn vật (IoT), bảo mật tên miền, hội nghị truyền hình và quản lý năng lượng.

Tài liệu này cũng đã được ký bởi các nhà lãnh đạo của ba tôn giáo Áp-ra-ham là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, nhiều trường đại học và các công ty công nghệ nhỏ hơn. 

Đức Tổng Giám mục Welby, bản thân từng là giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ, đã bình luận trong tuần này: “Mặc dù không thể đoán trước được tương lai, nhưng chúng tôi biết rằng khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó. Cách chúng ta hiểu về AI phụ thuộc phần lớn vào cách chúng ta hiểu bản chất của con người.” 

Nguồn: https://aleteia.org/2024/05/02/vaticans-document-on-ai-keeps-attracting-support