Lương tâm (conscience)

Lương: thuộc về thiên phú; tâm: lòng trí. Lương tâm là lòng trí trời phú cho.

Lương tâm là khả năng Thiên Chúa ban cho con người, giúp họ nhận biết, phán đoán điều tốt xấu, và làm lành lánh dữ.

Lương tâm bao gồm các yếu tố như việc nhận thức các nguyên tắc luân lý tổng quát đã có sẵn trong trí khôn, việc áp dụng những nguyên tắc đó vào các hoàn cảnh cụ thể, và việc phán đoán các hành vi cụ thể phải làm hay đã làm (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1778; 1780).

Lương tâm nói chung được hướng dẫn bởi luật tự nhiên. Tuy nhiên, lương tâm có thể ở trong tình trạng thiếu hiểu biết và phán đoán sai lầm, nên lương tâm cần phải được huấn luyện. Lương tâm Kitô giáo được hướng dẫn bởi Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh.

Con người có quyền hành động cách tự do theo lương tâm và phải chịu trách nhiệm luân lý về hành động của mình. Do đó “không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm của họ, nhất là trong vấn đề tôn giáo” GLHTCG 1782).

Từ điển Công giáo, 2016, tr.555-556

Việc huấn luyện lương tâm (GLHTCG 1783-1785)

Lương tâm phải được trở nên vững chắc hơn và sự phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt thì ngay chính và chân thật. Nó sẽ đưa ra những phán đoán theo lý trí, phù hợp với điều thiện đích thực mà Đấng Tạo hóa khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm là cần thiết cho con người, vì họ đang bị chi phối bởi các ảnh hưởng tiêu cực và bị cám dỗ bởi tội lỗi, nên thích làm theo ý riêng hơn và khước từ những đạo lý được đưa ra một cách có thẩm quyền.

Việc giáo dục lương tâm là nhiệm vụ của cả cuộc đời. Ngay từ những năm đầu tiên, việc giáo dục gợi lên cho trẻ em sự nhận biết và thực hành luật nội tâm được lương tâm công nhận. Một nền giáo dục khôn ngoan dạy nhân đức; đề phòng và chữa lành con người khỏi sợ hãi, khỏi yêu mình cách mù quáng (“tính ích kỷ”) và khỏi kiêu căng, khỏi những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, phát sinh từ sự yếu đuối và những lỗi lầm của con người. Việc giáo dục lương tâm bảo đảm cho sự tự do và tạo nên sự bình an trong trái tim.

Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Chúng ta phải thấm nhuần Lời Chúa vào trong đức tin và kinh nguyện, và phải đem ra thực hành. Chúng ta cũng phải kiểm điểm lương tâm bằng cách nhìn lên thập giá của Chúa. Các hồng ân của Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, chúng ta còn được giúp đỡ bởi lời chứng và lời khuyên nhủ của những người khác và được hướng dẫn bởi đạo lý của Hội Thánh được đưa ra một cách có thẩm quyền.

Một số quy tắc được áp dụng trong mọi trường hợp (GLHTCG 1789)

– Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt.

– “Khuôn vàng thước ngọc”: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

– Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ. “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô” (1 Cr 8,12). “Tốt nhất là… tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21).