Mẹ

CÁC BÀI GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH
QUYỂN 1
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
2014-2015
Các văn bản lấy từ
www.vatican.va
© Libreria Editrice Vaticana
2015 Văn Phòng Thông Tin
của Opus Dei
www.opusdei.org

Các văn bản tiếng Việt
© www.giaohuanxahoi.com

Tiếp kiến Chung
Ngày 7-1-2015

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng.

Hôm nay chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về Giáo hội và chúng ta sẽ suy nghĩ về Mẹ Giáo hội. Giáo hội là mẹ. Giáo hội Mẹ Thánh thiện của chúng ta.

Trong những ngày này, phụng vụ của Giáo hội đặt ra trước mắt chúng ta hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngày đầu tiên trong năm là Lễ Mẹ Thiên Chúa, sau đó là Lễ Hiển linh, tưởng niệm cuộc viếng thăm của các Nhà Chiêm tinh. Thánh sử Mát-thêu viết: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, họ sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11). Chính Mẹ, sau khi hạ sinh Con, hiến dâng Con cho thế giới. Mẹ hiến dâng Chúa Giêsu cho chúng ta, Mẹ chỉ Chúa Giêsu cho chúng ta, Mẹ cho chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu.

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về gia đình, và trong gia đình thì luôn có người mẹ. Mỗi người đều nợ mẹ mình sự sống và hầu như luôn nợ mẹ phần lớn những gì gắn liền với mẹ trong cuộc sống, cả sự huấn luyện nhân bản lẫn thiêng liêng. Mặc dù được ca ngợi một cách cao cả từ quan điểm mang tính biểu tượng – nhiều bài thơ, nhiều điều đẹp đẽ kể về mẹ đầy chất thi sĩ – nhưng mẹ lại hiếm khi được lắng nghe hay giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày, hiếm khi được coi là trung tâm đối với xã hội trong vai trò của mẹ. Hơn thế nữa, sự sẵn sàng hy sinh của các mẹ cho con cái mình thường bị lợi dụng để “tiết kiệm” chi tiêu xã hội.

Điều ấy cũng xảy ra trong các cộng đồng Kitô giáo, là nơi người mẹ không phải lúc nào cũng được nhìn nhận đúng mực, hầu như mẹ chẳng được nghe thấy. Tuy vậy, trung tâm đời sống của Giáo hội lại là Mẹ Chúa Giêsu. Có lẽ các mẹ, vì sẵn sàng hy sinh quá nhiều cho con cái và thường cho cả những người khác, phải được lắng nghe nhiều hơn mới đúng. Chúng ta nên thấu hiểu nhiều hơn về sự vật lộn hàng ngày của các mẹ để chăm lo cho cho công việc được hiệu năng và gia đình được quan tâm và yêu thương; chúng ta nên nắm bắt rõ hơn những khát vọng của các mẹ để bày tỏ các hoa trái tốt đẹp và đích thực nhất về sự giải phóng của các mẹ. Một người mẹ có con luôn có những vấn đề, luôn luôn phải làm việc. Tôi nhớ nhà chúng tôi có năm anh em ở nhà, trong khi đứa này muốn làm việc này thì đứa kia muốn làm việc nọ, và người mẹ tội nghiệp của chúng tôi cứ phải đi lui đi tới, từ bên này sang bên kia, nhưng bà lại rất vui. Bà đã dâng hiến cho chúng tôi quá nhiều.

Các bà mẹ là liều thuốc giải độc mạnh mẽ nhất cho sự lây lan của chủ nghĩa cá nhân đặt cái tôi làm trung tâm. “Cá nhân” có nghĩa là “cái gì đó không thể phân chia được”. Ngược lại, các mẹ “phân chia” thân mình ngay từ khi hạ sinh một người con để trao tặng nó cho thế giới và giúp nó lớn lên. Chính họ, những người mẹ, là những người ghét chiến tranh nhất vì đã giết chết con mình. Nhiều lần tôi nghĩ đến các bà mẹ nhận được lá thư: “Tôi báo cho bà biết rằng con trai của bà đã ngã xuống để bảo vệ quê hương…”. Những người phụ nữ tội nghiệp! Mẹ đau khổ biết dường bao! Chính các mẹ là minh chứng cho vẻ đẹp của cuộc sống. Đức Tổng Giám mục Oscar Arnulfo Romero nói rằng các bà mẹ đều trải qua “cuộc tử đạo của tình mẫu tử”. Trong bài giảng lễ an táng của một linh mục bị sát hại bởi các biệt đội tử thần, ngài nói, nhắc lại Công đồng Vatican II: “Chúng ta phải sẵn sàng chết vì đức tin của mình, ngay cả khi Đức Chúa không ban cho chúng ta vinh dự này…. hiến dâng mạng sống mình không chỉ có nghĩa là bị giết chết; hiến dâng mạng sống, mang tinh thần tuẫn đạo, nó ở trong sự hiến dâng trong bổn phận, trong thinh lặng, trong cầu nguyện, trong sự hoàn thành ngay thật bổn phận của mình; trong thinh lặng của cuộc sống hàng ngày; hiến dâng mạng sống của mình từng chút một. Vâng, giống như sự sống được trao tặng bởi một người mẹ, người không hề sợ hãi và với tính đơn sơ về cuộc tuẫn đạo của tình mẫu tử, đã thụ thai một đứa con trong dạ mình, sinh ra nó, nuôi dưỡng nó, giúp chúng lớn lên và chăm sóc chúng với tình yêu thương. Người mẹ hiến dâng sự sống của mình. Đó là sự tuẫn đạo.” Hết trích. Đúng vậy, làm mẹ không chỉ có nghĩa là sinh con ra trên đời mà còn là một lựa chọn sự sống. Mẹ lựa chọn điều gì, lựa chọn sự sống của mẹ là gì? Lựa chọn sự sống của mẹ là sự lựa chọn trao ban sự sống. Và điều này thật tuyệt, điều này thật đẹp.

Một xã hội không có các bà mẹ sẽ là một xã hội phi nhân tính, vì các mẹ, ngay cả trong những giây phút tồi tệ nhất, luôn là nhân chứng của tình yêu thắm thiết dịu dàng, đầy tận tâm và sức mạnh luân lý. Các mẹ thường truyền lại ý nghĩa sâu sắc nhất của việc thực hành tôn giáo: trong cuộc sống của một con người, giá trị đức tin được khắc ghi trong những lời kinh đầu tiên, những hành vi sùng kính đầu tiên mà một đứa trẻ học được. Đó là một thông điệp mà các mẹ có đức tin có thể truyền lại mà không cần sự giải thích nhiều: những điều này tuy đến sau, nhưng lại là những khoảnh khắc quý báu ban đầu của hạt giống đức tin. Không có các mẹ, không những không có các tín hữu mới, mà đức tin cũng sẽ mất đi một phần tốt lành về hơi ấm đơn sơ và sâu sắc của nó. Và Giáo hội là mẹ, với tất cả những điều này, Giáo hội là mẹ của chúng ta! Chúng ta không phải là những trẻ mồ côi, chúng ta có mẹ! Đức Bà, mẹ Giáo hội, là mẹ của chúng ta. Chúng ta không phải là trẻ mồ côi, chúng ta là con cái của Giáo hội, chúng ta là con cái của Đức Bà và chúng ta là con cái của mẹ chúng ta.

Các bà mẹ thân yêu nhất, cảm ơn quý mẹ, cảm ơn về những gì các mẹ là ở trong gia đình của các mẹ và về những gì các mẹ cống hiến cho Giáo hội và cho thế giới. Và với Giáo hội yêu dấu, xin cảm ơn, cảm ơn vì đã là mẹ. Và lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, tạ ơn Mẹ đã cho chúng con được nhìn thấy Chúa Giêsu. Và xin cám ơn tất cả các mẹ có mặt ở đây: chúng ta hãy chào mừng họ bằng một tràng pháo tay!

Phúc Thiên Thư dịch