Lm. Lê Công Đức
Đoạn Thư Giacôbê dưới đây là một bản cáo trạng đanh thép vạch trần sự bất công, áp bức, bóc lột của những kẻ giàu sang quyền thế đối với người nghèo hèn yếu thế. Một sự tương phản hết sức phi nhân: kẻ áp bức, bóc lột thì ăn chơi hưởng thụ thừa mứa – còn người bị áp bức bóc lột thì túng quẫn điêu đứng, sống không bằng chết! Ta hãy nghe chính ‘lời của Chúa’ trong đoạn thư này:
“Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi mục nát, áo quần các ngươi bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi bị han rỉ, và sự han rỉ ấy sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào, và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.”
Ngày nay ta gọi đây là mối quan tâm ‘công bằng xã hội’. Và rõ ràng, công bằng xã hội không xa lạ mà nằm ở trung tâm của thực hành Kitô giáo. Vì Thiên Chúa đứng về phía người nghèo và bênh vực họ! Chúa Giêsu tuyên bố mối phúc thứ nhất là mối phúc của người nghèo; Người cũng nói về những người giàu có chỉ biết tích trữ và hưởng thụ là ‘đồ ngốc’. Giáo hội ngày nay ngày càng dứt khoát khẳng định mình là ‘Giáo hội nghèo của người nghèo’, theo mẫu thức của Chúa Giêsu Kitô, ‘Đấng giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Người mà anh em trở nên giàu có’!
Thế nhưng, trong khi các hệ thống xã hội và kinh tế hôm nay tiếp tục khoét sâu đến chóng mặt khoảng cách giữa giàu và nghèo, điều mà đang hiển nhiên đến nỗi không ai cần phải chứng minh, thì chúng ta tự hỏi:
(1) Phải chăng chúng ta, những người trong Giáo hội, không có những sự tiêu xài hưởng thụ hoang phí đến mức lạnh lùng bất nhẫn và phi nhân, trong bối cảnh bao người nghèo quằn quại nheo nhóc ngay xung quanh mình?
(2) Phải chăng đối với vấn đề công bằng xã hội, chúng ta chỉ cần làm một số việc từ thiện, cứu trợ các nạn nhân… là đã đủ? Phải chăng chúng ta không cần liên can chính mình, bằng tiếng nói và hành động, để góp phần loại trừ các nguyên nhân của bất công và điều chỉnh các hệ thống nên nhân bản và nhân đạo hơn? Nhớ lời của Chúa: Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, anh em lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được?