Một cái nhìn sâu hơn về mẫu gương người Sa-ma-ri tốt lành

Câu chuyện người Sa-ma-ri tốt lành như sau:

30“Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc (10,30-35).

Thái độ “chạnh lòng thương.”
Thái độ “tránh qua bên kia mà đi.”

Suy niệm: 

Chúng ta phải làm việc hướng về sự thay đổi các luật chơi của hệ thống kinh tế và cơ cấu xã hội. Điều này có nghĩa rằng việc bắt chước người Sa-ma-ri tốt lành trong Phúc âm là chưa đủ. Nếu chỉ dừng lại ở việc băng bó vết thương, chăm sóc… thì chúng ta chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ được một nửa.

Tất nhiên, khi bất kỳ một người nào tình cờ gặp một nạn nhân, người đó được thúc đẩy phải “chạnh lòng thương”, nghĩa là phải chăm sóc nạn nhân đó và, có lẽ, giống như người Sa-ma-ri tốt lành, cũng thuyết phục được sự tham gia bằng nghĩa cử huynh đệ của người khác, đó là chủ nhà trọ.

Nhưng điều quan trọng không kém là phải hành động trước khi người ta tình cờ gặp phải những tên cướp, bằng cách chống lại các hệ thống kinh tế và cơ cấu xã hội bất công, độc ác, tham lam… sản sinh ra những tên cướp, và nhờ đó không còn ai trở thành nạn nhân bị lột sạch, bị đánh cho nhừ tử, để mặc cho người ta nửa sống nửa chết.

Tóm lại, người Sa-ma-ri tốt lành của thời đại hôm nay đòi hỏi, một mặt, phải chăm sóc các nạn nhân bị đánh đập, bị bóc lột, bị bắt làm nô lệ, bị đem đi bán, bị thải loại, v.v., mặt khác phải phối hợp hành động và làm việc với người khác để ngăn ngừa những cơ cấu xã hội và hệ thống kinh tế tạo ra các nạn nhân của thời đại hôm nay và của tương lai.

Phúc Thiên Thư
(Phần suy niệm dựa theo tư tưởng của ĐGH Phanxicô)