Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng
1. Thông điệp mang tính mục vụ : khởi đi từ vấn đề sát sườn trong cuộc sống ai ai cũng thấy và biết đó là vấn đề môi trường sinh thái bị khủng hoảng. Thông điệp đề cập tới một vấn đề nóng bỏng của thế giới đương đại. Từ ngôn từ cho đến cách đặt vấn đề không mang tính hàn lâm, triết học mà mang tính thời sự, mục vụ cụ thể. Dầu vậy, thông điệp cũng đã trình bày một suy tư sâu sắc, một quan điểm Công giáo vững vàng về Kinh thánh và tín lý cho vấn đề môi sinh.
Thông điệp đã thể hiện một cách rõ ràng lập trường kiên quyết của Giáo Hội : ưu tiên chọn lựa người nghèo, vì người nghèo, phục vụ người nghèo (Chị trái đất là một trong số những người bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo.) Bề nổi là vấn đề môi sinh trái đất nhưng thông điệp đã đi tới tận cùng nguyên nhân sâu xa là do con người tha hoá, biến mình thành chủ tể của vũ trụ nhờ vào thành tựu của khoa học kỹ thuật, với mô hình kỹ trị lấy khoa học kỹ thuật làm nền tảng của mọi tương quan xã hội. vì thế, con ngươi trở nên tha hoá, đánh mất tương quan hài hoà với vũ trụ, với nhau và với Thiên Chúa, đưa tới khủng khoảng.
2. Đào sâu thần học môi trường : con người và vũ trụ vạn vật, trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, thì có tương quan bình đẳng và hỗ tương với nhau. Vì cũng là thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng. Vạn vật có tính tự lập và phát triển độc lập theo những qui luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho chúng khi tạo thành. (biến đổi gène; phá rừng, xây đập, thuỷ điện …) Con người và vũ trụ đều là thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng. Vũ trụ không phải là thần linh. Con người phải biết tôn trọng vũ trụ. Thiên Chúa, Đấng sáng tạo là chủ duy nhất của thế giới này. Con người tuy là trung tâm và là đỉnh cao của công trình sáng tạo, trổi vượt trên tất cả, được Chúa trao quyền làm chủ muôn loài. Con người không phải là chủ nhân vũ trụ muôn loài để rồi có quyền khai thác bừa bãi, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tất cả phải tuân thủ theo kế hoạch và và ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa là qua lao động con người được tham dự vào công trình sáng tạo và quản lý vũ trụ của Thiên Chúa. Trái đất và môi trường sinh thái là điều thiện hảo chung, là gia tài của toàn thể nhân loại. Vì thế, phải biết quản lý vì ích lợi cho mọi người. Mỗi thụ tạo đều có sự thiện và sự toàn vẹn riêng của mình cũng như có ý nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Tất cả đều phản ảnh sự khôn ngoan vô tận, sự thiện tuyệt hảo và vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa. Đồng thời, cũng phản ảnh sự hiện diện sống động của Thiên Chúa.
Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa khi tạo dựng, mỗi thụ tạo đều có giá trị và ý nghĩa riêng, tiến triển trong sự hài hoà, hiệp thông. Mỗi thụ tạo đều có một phận vụ và không điều gì dư thừa. Toàn thể vũ trụ vạn vật là dấu chỉ tình thương, là sự âu yếm vô tận của Thiên Chúa dành cho con người. Con người được mời gọi sống hài hoà các mối tương quan với Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và với nhau.
3. Từ Thực Tế Môi Sinh Của Trái Đất Đang Bị Khủng Hoảng, suy nghĩ về tác hại của lối sống gạt bỏ.
Thông điệp Tân Sự và tất cả những thông điệp sau đó của các Giáo hoàng về xã hội đã cảnh báo về những chia rẽ khắc nghiệt giữa người giàu và người nghèo trong các quốc gia, và giữa quốc gia giàu và quốc gia nghèo do chủ nghĩa tư bản hiện đại tạo ra. Một khi nền kinh tế được thúc đẩy bằng lợi ích vị kỷ, lòng tham, mục tiêu là sự dư thừa hàng hóa và tiêu thụ vô độ, hậu quả sẽ là sự biến dạng và mất cân bằng. Với việc tập trung một cách hạn hẹp và tương đối vào vấn đề phát triển, nền kinh tế sẽ trở thành quả bom hủy diệt.
Năm 2007, ĐGH Bênêđíctô XVI đã nói đến việc “tiêu diệt những nguyên nhân ở cấp độ hệ thống dẫn đến sự biến dạng của nền kinh tế thế giới và sửa chữa những mô hình phát triển không thể đảm bảo sự tôn trọng dành cho môi trường” (Diễn văn với Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Toà Thánh (08/01/2007): AAS 99 (2007), 73). Đây là một thông điệp mạnh mẽ mà ĐGH Phanxicô lấy lại trong thông điệp Laudato si’. Các cách tiếp cận thiển cận khi xử lý các vấn đề kinh tế, thương mại và sản xuất cũng phát triển với mức độ tương tự mức độ mở rộng quy mô và phạm vi của nền kinh tế thế giới. ĐGH Phanxicô nói rằng “văn hóa vứt bỏ” là động lực phía sau của nền kinh tế loại trừ mà trong đó những người bị loại trừ thậm chí còn không được coi là một phần của xã hội, họ là những người ở ngoại biên, những người “dư thừa”.
4. Từ Thông Điệp Laudato Si’ Suy Nghĩ Về Việt Nam.
Vấn đề môi trường tại việt nam đang là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn là vấn đề an nguy đến giống nòi, đến sự tồn vong của đất nước. Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học đã khẳng định Việt Nam là một trong các Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Gần đây, các tình trạng lũ lụt bất thường ngày càng nhiều, gây nhiều thiệt hại nặng nề. Không dừng lại ở đó, mới đây tình trạng khô hạn, nhiễm mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng ô nhiễm biển và cá chết hàng loạt cách bất thường tại vùng biển các tỉnh miền trung gây rất nhiều thiệt hại nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn bao nhiêu vấn đề xã hội, chính trị khác nữa.
Tình trạng khủng hoảng môi trường của Việt Nam hoàn toàn do con người, do nền kinh tế loại trừ mà ra. Nhân danh sự phát triển người ta đã xây dựng thuỷ diện, phá rừng tràn lan, khai thác Bôxít, xây dựng những khu công nghiệp, nhà máy xar thải chất độc bức tử dòng sông, gây ô nhiễm nặng nề như vụ nhà máy Vêdan ở Bà Rịa, khu Công nghiệp Formosa Vũng Áng gây nhiều bức xúc toàn xã hội…
Tất cả các tình trạng này tại Việt Nam cho thấy tính thời sự của Thông Điệp Laudato Si’ và đặc biệt sự đúng đắn của thông điệp. Xem ra Thông điệp như là một tiếng nói của Giáo Hội đối với ngay chính Việt Nam. Đọc Thông điệp chúng ta dễ dàng nhận ra vấn đề của Việt Nam hôm nay. Vậy thì, vấn đề là Giáo hội Việt Nam chúng ta từ Hàng Giáo Phẩn, Giáo sĩ, tu sĩ đến tất cả mọi Giáo dân cần phải làm gì theo ánh sáng của Thông điệp Laudatô Si’?