Augustin Bourgue
Đình Vượng dịch
“Có phải học thuyết xã hội của Giáo hội, đôi khi được coi là “bí quyết được gìn giữ tốt nhất của Vatican không?” Là thành quả suy tư miệt mài của Giáo hội xuyên suốt thời gian, nó chỉ định một tập hợp các văn bản của Huấn quyền nhằm hướng dẫn cách cư xử của người Kitô hữu muốn hướng mọi khía cạnh của cuộc sống mình về Thiên Chúa. Học thuyết này, càng trở nên phong phú qua các thời đại, đã tạo nên sự hướng dẫn có giá trị trong một thế giới phát triển không ngừng, đang tìm cách dung hòa đức tin và thực tại xã hội. Chúng ta hãy đi sâu vào trọng tâm của học thuyết này với cha Augustin Bourgue, nghiên cứu sinh tiến sĩ về thần học luân lý xã hội.
1. Học thuyết xã hội của giáo hội là gì?
Học thuyết xã hội là tập hợp các văn bản và suy tư của Giáo hội về các vấn đề thần học luân lý xã hội.
Chúng ta có thể tìm thấy một định nghĩa về học thuyết này trong thông điệp Sollicitudo rei socialis (1987) của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Một khối liệu (corpus) của học thuyết cập nhật được trình bày rõ ràng khi Giáo hội diễn giải các sự kiện dưới ánh sáng đức tin và truyền thống Kitô giáo, với mục đích hướng dẫn người Kitô hữu biết cách hành động.”
Học thuyết xã hội bao gồm tất cả các văn bản và suy tư của Giáo hội về các vấn đề thần học luân lý xã hội. Nó làm rõ những giáo huấn của Giáo hội về điều thiện trong lĩnh vực xã hội, bộc lộ tính thời sự của Tin Mừng. Nó như một chiếc la bàn giúp mỗi người đã được rửa tội tạo nên mối liên kết giữa đời sống đức tin và hành động của họ trong xã hội!
Chính trong lĩnh vực thần học luân lý xã hội mà huấn quyền đề cập nhiều nhất: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa thông điệp xã hội thứ ba của ngài. Điều này là do tính thời sự tạo nên sự phản ánh nhằm thanh lọc các nguyên tắc và giá trị của học thuyết xã hội.
Học thuyết xã hội của Giáo hội soi sáng các vấn đề luôn luôn mới xuất hiện bằng một ánh sáng không bao giờ thay đổi. Điều này bảo vệ đặc tính liên tục và lịch sử của gia sản giáo huấn, vốn là thành phần của Truyền thống sống động trong Giáo hội (Bác ái trong Chân lý, số 12)
Do đó, việc diễn đạt một “học thuyết cập nhật” khiến chúng ta phải đối mặt ‘hai điều quan trọng’ của học thuyết xã hội của Giáo hội: vừa mang tính lịch sử vừa lâu dài. Toàn bộ thần học luân lý xã hội đều tìm thấy trong sự căng thẳng này. Khía cạnh không thay đổi của nó nằm ở trọng tâm của Tin Mừng và nội dung của sự mặc khải, nhưng giáo lý được trình bày trong học thuyết này này được làm rõ qua bối cảnh xã hội và thời gian tính.
2- Di sản giáo lý này đến từ đâu? Những bước phát triển trong Học thuyết Xã hội là gì?
Nguồn gốc “chính thức” của học thuyết xã hội của Giáo hội bắt đầu có từ thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum) của Giáo hoàng Lêo XIII, ban hành năm 1891. Tính chất mới mẻ của nó chứng tỏ vị thế của nó như một văn bản sáng lập : Đây là thông điệp đầu tiên của Giáo hội giải quyết một vấn đề xã hội. Hẳn nhiên, truyền thống Kitô giáo không phải đợi đến thời Đức Leo XIII mới quan tâm đến các vấn đề xã hội. Trong Ngũ Kinh/Kinh Torah, các vấn nạn về mối quan hệ với ngoại kiều, với người yếu thế, với người nghèo… được trình bày cách trực diện. Trong các sách tiên tri cũng vậy, mọi bất công xã hội đều là triệu chứng của việc con người không trung thành với Giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
Qua thần học Do Thái, chúng ta tìm gặp ý tưởng trọng tâm này ở học thuyết xã hội của Giáo hội: các mối quan hệ xã hội chính là nơi thể hiện lòng trung thành với Thiên Chúa.
Vấn đề về của cải trong lĩnh vực xã hội đã được đặt ra từ thời Cựu Ước! Mọi bất công xã hội đều là dấu hiệu của sự bất trung của con người đối với Giao ước đã được ký kết với Thiên Chúa.
Vậy, phải giải thích Thông điệp Rerum Novarum ra đời năm 1891 như thế nào ? Thế kỷ 19 là một thời kỳ đầy biến động, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các quốc gia tự xem mình như một chủ thể chính trị có khả năng định hình lịch sử của chính mình. Trước những vấn đề xã hội của thời đại này, Giáo hội phải đối mặt với những thách thức mới cần được định hình giúp con người giải quyết vấn đề cho toàn thể xã hội thay vì chỉ có các vị vua, hoàng tử và các nhà lãnh đạo.
Từ Gaudium et Spes, “Vui Mừng và Hy Vọng, Ưu sầu và Lo lắng của con người cũng là của Giáo hội.” Giáo hội mong muốn đồng hành với xã hội.
Do đó, học thuyết xã hội qua các Thông điệp liên quan đến xã hội được bổ sung thêm các vấn đề mà thế giới và xã hội gặp phải, đồng thời cũng thích ứng với cách tiếp cận mới. Rerum Novarum nhận thấy được tầm quan trọng của xã hội với tư cách là một chủ thể chính trị, nhưng nó chủ yếu nhắm đến các Kitô hữu. Năm 1963, Pacem in Terris (Hòa bình dưới thế) đánh dấu một cột mốc quan trọng vì đây là thông điệp đầu tiên không chỉ gửi đến các Kitô hữu mà còn cho tất cả mọi người nam nữ thiện chí. Sự phát triển này đi kèm với sự thay đổi trong phương thức ‘đối thoại’: Khi Giáo hội nói với các Kitô hữu, Giáo hội dựa trên truyền thống, luật tự nhiên, Tin mừng… Nhưng khi nói chuyện với tất cả mọi người, Giáo hội tìm cách giải thích các nguyên tắc của mình, dựa trên kinh nghiệm của mỗi người và ngày càng ít phụ thuộc vào các lập luận của chính quyền.
Các mối quan hệ xã hội chính là nơi thể hiện lòng trung thành với Thiên Chúa.
Sau hết, hướng phát triển chính cuối cùng liên quan đến việc xác định vị thế của Giáo hội. Năm 1961, thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) được công bố, thông điệp trung thành với quan điểm của Giáo hội: xem Giáo hội là mẹ của nhân loại và là thầy dạy. Năm 1965, trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Giáo hội tự coi mình là người đồng hành với Vui buồn & Lo lắng của nhân loại để phục vụ. Gaudium et Spes gắn chặc với chuyển biến thời đại của nó.
3- Học thuyết xã hội được cấu trúc như thế nào và các trụ cột của nó là gì?
Chúng ta phải nói nhiều hơn về một phương pháp của học thuyết xã hội của Giáo hội hơn là về “cấu trúc” của nó. Mục đích của học thuyết xã hội là xem một vấn đề xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng để đề xuất các nguyên tắc hành động. Hồng Y Cardijn tóm tắt phương pháp sư phạm này thành phương pháp “Xem – Xét – Làm” :
Với sự trợ giúp của tất cả các ngành khoa học nhân văn: Xem một hiện tượng và hiểu được ý nghĩa của một vấn đề xã hội; xét là làm sáng tỏ vấn đề này dưới ánh sáng khôn ngoan và nhân học Kitô giáo; cuối cùng, làm được thực hiện bởi dân Chúa, được mời gọi hành động theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn được hình thành trong học thuyết xã hội Công giáo.
Trên thực tế, mỗi nguyên tắc lớn của học thuyết xã hội đã được xem xét kỹ lưỡng nhằm giúp các Kitô hữu nhận thức, nhưng mỗi nguyên tắc đều được hình thành theo dòng thời gian lịch sử và từng bước được đào sâu.
Nền tảng của Văn kiện học thuyết xã hội của Giáo hội được tìm thấy trong nhân học Kitô giáo, với một số đặc điểm: con người được tạo dựng bởi tình yêu và để yêu thương, con người có ơn gọi nên thánh, và cuối cùng, con người tự bản chất là xã hội.
Năm 2008, cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo được phổ biến, cuốn Tóm lược này được ví như như một nỗ lực để định hình học thuyết xã hội. Theo đó những nguyên tắc chính của học thuyết xã hội của Giáo hội gồm:
- Phẩm giá của con người
- Công ích
- Quyền chung hưởng của cải
- Bổ trợ
- Liên đới
Học thuyết này cũng được định hình qua các giá trị: Sự thật, Công lý, Tự do và Hòa bình, và được thống nhất bởi Đức mến. Chúng ta biết điều này qua sự diễn giải của thông điệp Pacem in Terris.
Mỗi nguyên tắc nói trên đều được học thuyết xã hội trui rèn nhằm mục đích phân định cho các Kitô hữu hiểu rõ, nhưng mỗi nguyên tắc đều ra đời trong lịch sử và được đào sâu theo thời gian và qua các văn kiện giáo hoàng.
Theo chiều kích tiên tri của mình, học thuyết xã hội của Giáo hội là một thách đố lớn lao đối với người đương thời ! (…) Học thuyết xã hội của Giáo hội rất khắt khe. Giáo hội xem mình có trách nhiệm với các Kitô hữu và do đó muốn soi sáng lương tâm bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn để phân định.
Vì vậy, mối nguy hiểm là đọc học thuyết xã hội như một bài giảng trên ngai tòa (ex-cathedra), không mang lại kết quả thực hành như mong muốn, dù rằng nói ‘trên tòa giảng’ cũng cần thiết.
Chẳng hạn, để hiểu lý do tại sao Giáo hội xây dựng nguyên tắc bổ trợ, chúng ta phải đặt mình vào bối cảnh Quadragesimo anno – Tứ Thập niên, Đức Pio XI (1931) được đánh dấu bởi cuộc Đại suy thoái và sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị. Nguyên tắc bổ trợ này sau đó sẽ được khám phá và làm phong phú hơn trong phần còn lại của thông điệp.
4- Ngày nay học thuyết xã hội của Giáo hội được tiếp nhận như thế nào và nó được áp dụng làm sao đối với những thách thức của thời đại hiện nay ?
Theo chiều kích tiên tri của nó, học thuyết xã hội của Giáo hội là một thách đố lớn lao và dài lâu đối với người đương thời ! Trong các sách tiên tri, nhà tiên tri là người đi xa đến mức liều mạng để tố cáo sự bất công, bởi vì điều này gần với sự bất trung với giao ước (Giô-na ở Ni-ni-vê…). Ngoài ra, nếu mỗi thông điệp tạo ra sự phản kháng trong việc tiếp nhận nó, đó là vì nó ảnh hưởng đến việc hoán cải của chúng ta. Học thuyết xã hội của Giáo hội đòi hỏi ở chỗ nó khiến mỗi tín hữu phải tự vấn với những câu hỏi rất cụ thể, chẳng hạn như vấn đề xử dụng của cải.
Nếu mỗi thông điệp được phổ biến có sự đối kháng, là vì : nó chạm đến sự hoán cải của chúng ta.
Học thuyết xã hội Công giáo coi trọng trách nhiệm của tín hữu ! Đây là lý do tại sao Giáo hội muốn soi sáng lương tâm bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn để phân định. Giáo hội trao quyền cho các Kitô hữu và tất cả những người có thiện chí bằng cách mời gọi họ suy ngẫm về những gì tạo nên chuẩn mực trước hành vi cử chỉ của họ.
5- Có lời khuyên nào để hiểu rõ hơn học thuyết xã hội của Giáo hội không ?
Năm 2007, Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ấn phát cuốn Tóm lược Học thuyễ Xã hội của Giáo hội, và năm 2017 Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, ấn hành thêm cuốn Docat – Phải làm gì. Hai quyển sách này giúp độc giả dễ tiếp cận để hiểu rõ hơn về suy nghĩ xã hội của Giáo hội, là “Thiện ích chung của chúng ta”.
Nguồn: https://www.collegedesbernardins.fr/mag-digital/la-doctrine-sociale-de-leglise-en-cinq-questions