Nguyên tắc bổ trợ, cho phép tự do phát triển các khả năng hiện diện ở mọi cấp độ của xã hội, đồng thời đòi hỏi ý thức trách nhiệm lớn hơn đối với công ích từ những người nắm giữ quyền lực lớn hơn.
Laudato Si’ (“Chúc tụng Chúa”) Giáo hoàng Phanxicô, 2015, Chương 5, #196.
Thêm vào đó có một nguyên tắc quan trọng tột bậc trong triết học về xã hội, không thể bị gạt sang một bên hay thay đổi, vẫn cố định và không lay chuyển : Thật là sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần để trao cho cộng đồng ; Cũng vậy, thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá hủy và tiêu diệt họ.
Quadragesimo Anno (“Tứ thập niên”), Giáo hoàng Piô XI, 1931, #79.
Ngày nay quyền sở hữu tài sản nhà nước và công cộng đang gia tăng rất nhiều. Điều này được giải thích bởi sự cần thiết của công ích khiến cho cơ quan công quyền phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Nhưng ở đây cũng vậy, “nguyên tắc bổ trợ “phải được tuân thủ. Nhà nước và các cơ quan khác của công pháp không được mở rộng quyền sở hữu của mình vượt quá những gì được qui định đã rõ ràng phù hợp với công ích đích thực và thậm chí sau đó phải có các biện pháp bảo vệ. Nếu không, quyền sở hữu tư nhân có thể bị hạ thấp quá mức hoặc thậm chí tệ hơn, bị phá hủy hoàn toàn.
Mater et Magistra (“Mẹ và Thầy”), Giáo hoàng Gioan XXIII 1961, #117.
Doanh nghiệp tư nhân cũng phải đóng góp vào sự cân bằng kinh tế và xã hội trong các lĩnh vực khác nhau trong cộng đồng chính trị. Thật vậy, phù hợp với “nguyên tắc bổ trợ “,cơ quan công quyền phải khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, giao phó cho họ bất cứ khi nào có thể để tiếp tục phát triển kinh tế.
Mater et Magistra (“Mẹ và Thầy”), Giáo hoàng Gioan XXIII 1961, #152.
Cũng vậy, nguyên tắc bổ trợ chi phối mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và cá nhân, gia đình và xã hội trung gian trong từng quốc gia, cũng phải áp dụng cho mối quan hệ giữa cơ quan công quyền của cộng đồng thế giới và cơ quan công quyền của mỗi cộng đồng chính trị. Chức năng đặc biệt của thẩm quyền phổ quát này phải là đánh giá và tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa ảnh hưởng đến lợi ích chung phổ quát. Đây là những vấn đề, vì mức độ nghiêm trọng, rộng lớn và cấp bách của chúng, phải được coi là rất khó cho những người cai trị của từng quốc gia giải quyết nổi với chút thành công nào.
Pacem in Terris (“Hòa bình trên Trái đất”), Giáo hoàng Gioan XXIII, 1963, #140.
Cộng đồng quốc tế có bổn phận phối hợp và cổ võ sự phát triển, tuy nhiên phải liệu sao để tài nguyên dành cho mục đích ấy được phân phối thật hữu hiệu và hoàn toàn công bằng. Phận vụ của cộng đồng này là, trong khi vẫn giữ nguyên tắc bổ trợ, phải điều phối sao cho các mối bang giao kinh tế trên toàn thế giới được thể hiện theo đúng quy chuẩn công bình. Phải thiết lập những tổ chức có thể phát huy và điều hành nền mậu dịch quốc tế, nhất là với các quốc gia kém mở mang, để bù đắp những khuyết điểm do sự chênh lệch thái quá về năng lực giữa các quốc gia. Phương thức tổ chức đó, cùng với những hỗ trợ về kỹ thuật, văn hóa và tài chánh, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có những phương tiện cần thiết để có thể mở mang kinh tế một cách thích hợp.
Gaudium et Spes “Giáo hội trong thế giới ngày nay”, Vatican II,1965, # 86(c)
Tiêu chuẩn chính để xác định phạm vi và giới hạn của sự can thiệp của chính phủ là “nguyên tắc bổ trợ” được trích dẫn ở trên. Nguyên tắc này nói rằng, để bảo vệ công lý ở các cấp dưới, cấp riêng lẻ, cấp nhóm hội tư nhân thì chính phủ thượng tầng chỉ nên đảm nhận thế chủ động những sáng kiến nào mà cấp dưới không có khả năng tự thân họ hành động. Chính phủ không nên thay thế hoặc phá hủy các cộng đồng nhỏ hơn và sáng kiến cá nhân. Thay vào đó, nó sẽ giúp họ đóng góp hiệu quả hơn cho phúc lợi xã hội và bổ sung cho hoạt động của họ khi nhu cầu của công lý vượt quá khả năng của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính phủ quản lý ít, thực ra, phải quản lý tốt nhất, hiểu là một can thiệp thực sự “giúp đỡ” các nhóm xã hội khác đóng góp cho công ích bằng cách chỉ đạo, thúc giục, kiềm chế và điều chỉnh hoạt động kinh tế vào “thời điểm cần ra tay và vào lúc hoàn cảnh đòi hỏi
Economic Justice for All “Công bằng kinh tế cho tất cả mọi người. Các Giám mục Công giáo, Hoa Kỳ, 1986, #124.
“Nguyên tắc bổ trợ” phải được tôn trọng: “Một cộng đồng của một trật tự cao hơn không nên can thiệp vào cuộc sống của một cộng đồng của một trật tự thấp hơn, lại còn rút đi các chức năng của cộng đồng cấp dưới. “Thay vào đó, trong trường hợp cần thiết, vì công ích mà cộng đồng cấp cao nên hỗ trợ, phối hợp với cộng đồng nhỏ hơn vào hoạt động của các thành phần khác trong xã hội.
Centesimus Annus (“Năm thứ một trăm,” bản dịch của Donders), Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 1991, #48.
Những người khác hoan nghênh giáo huấn về “ưu tiên chọn lựa người nghèo”: Nhiệm vụ của chính phủ là để bảo vệ người yếu; Cảnh báo chống lại chủ nghĩa tư bản không kiềm chế, nhưng dường như bỏ qua tính trung tâm của gia đình; Nhấn mạnh vào sáng kiến kinh tế và cảnh báo chống lại sự thái quá quan liêu của một nhà nước “trợ giúp xã hội”
Truyền thống xã hội của chúng ta là một khung đạo đức, không phải là một nền tảng đảng phái hoặc là công cụ tư tưởng. Truyền thống đó thách thức cả cánh hữu và cánh tả rằng lao động và quản lý phải chú mục vào phẩm giá của con người và công ích hơn là lợi ích chính trị hoặc kinh tế của bản thân các cánh tả hữu.
Một thập niên sau tuyên bố “Công bằng kinh tế cho tất cả mọi người: Tiếp tục các nguyên tắc, thay đổi bối cảnh, những thách thức mới, Hội đồng Giám mục Công giáo Quốc gia, 1995.
Đúng là việc theo đuổi công lý phải là chuẩn mực cơ bản của một nhà nước và là mục đích của một trật tự xã hội công bằng, theo nguyên tắc bổ trợ đó là đảm bảo cho mỗi người được than gia vào sứ mạng của cộng đồng. Điều này luôn được nhấn mạnh bởi giáo huấn Kitô giáo về nhà nước và học thuyết xã hội của Giáo hội.
Deus Caritas Est (“Thiên Chúa là Tình yêu”), Giáo hoàng Biển Đức XVI, 2005, #26
Tình yêu – caritas – vẫn luôn cần thiết, ngay cả trong xã hội công bằng nhất. Không có một trật tự công bằng của nhà nước nào có thể xem công tác bác ái là thừa thãi. Ai muốn loại bỏ tình yêu thì cũng đồng thời không xem con người là con người nữa. Vẫn luôn luôn có khổ đau cần đến sự an ủi và trợ giúp. Vẫn luôn luôn còn có sự cô đơn. Vẫn luôn luôn còn có những trường hợp thiếu thốn vật chất, nơi mà sự trợ giúp theo nghĩa thực hiện tình yêu tha nhân là cần thiết [20]. Nhà nước nào muốn chu cấp tất cả, tập trung tất cả về mình, cuối cùng cũng chỉ trở thành một cơ chế bàn giấy, không thể bảo đảm những gì thiết yếu cho những người đau khổ – cũng như cho mọi người: đó là sự quan tâm đầy tình thương cho từng cá nhân. Chúng ta không cần một nhà nước quy định và thống trị tất cả, nhưng ngược lại, một nhà nước thích ứng với nguyên tắc bổ trợ, công nhận và hỗ trợ cách quảng đại cho những sáng kiến xuất phát từ những sức mạnh xã hội khác nhau và phối hợp tính bộc phát để gần gũi với những con người cần được trợ giúp. Hội Thánh là một sức mạnh sống động như thế. Trong Hội Thánh, năng động của tình yêu được triển khai từ Thánh Thần của Đức Kitô đang hoạt động, tình yêu này mang đến cho con người không những sự hỗ trợ vật chất, nhưng còn củng cố tinh thần và cứu chữa, là điều còn cần thiết hơn các hỗ trợ vật chất. Định kiến cho rằng, những cơ cấu công bằng sẽ xem các hoạt động bác ái là không cần thiết, thật sự che giấu một hình ảnh con người theo hướng duy vật: một niềm tin lệch lạc, cho rằng con người chỉ sống bằng “cơm bánh” (Mt 4,4; x. Đnl 8,3) một quan niệm chà đạp con người và vì thế không nhận ra tính nhân bản đặc thù của con người.
Deus Caritas Est (“Thiên Chúa là Tình Yêu “), Giáo hoàng Biển Đức XVI, 2005, #28b
Việc gia tăng các mẫu thức kinh doanh khác nhau, và đặc biệt những mẫu có khả năng xem lợi nhuận như phương tiện để đạt được mục đích nhân bản hóa thương trường và xã hội, phải được theo đuổi trong các nước bị loại trừ hay bị gạt ra bên lề vòng ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu. Nơi đó, phải đẩy mạnh những kế hoạch dựa trên nguyên tắc bổ trợ, được hoạch định và quản lý tốt, nhằm củng cố các quyền lợi, đồng thời cũng đảm nhận những trách nhiệm tương ứng. Trong các chương trình phát triển, nguyên tắc về vị trí trung tâm của nhân vị phải được bảo đảm, vì nhân vị là chủ thể có trách nhiệm đầu tiên trong việc phát triển. Lợi ích chính yếu phải là cải tạo cho tốt hơn hoàn cảnh sống của con người cụ thể trong một vùng xác định, để họ có thể chu toàn trách nhiệm của mình, điều mà họ không thể chu toàn do hoàn cảnh nghèo khó. Mối quan tâm xã hội không bao giờ chỉ là một thái độ trừu tượng. Để có thể thích ứng với những hoàn cảnh đặc biệt, những kế hoạch phát triển cũng phải mang đặc tính uyển chuyển; và những người lãnh nhận viện trợ cũng phải được trực tiếp hội nhập vào chương trình của kế hoạch và trở thành diễn viên chính cho việc chuyển đổi của họ. Cũng cần phải áp dụng những tiêu chuẩn cho việc thăng tiến từng cấp bậc và hỗ trợ kèm theo – bao gồm cả việc kiểm soát kết quả – vì không có một bài bản được áp dụng cách phổ quát. Tất cả tùy thuộc vào cách thế thực hiện các chương trình. “Vì các dân tộc là những người xây dựng cho những tiến triển của chính họ, chính họ là những người đầu tiên phải nhận gánh nặng và trách nhiệm. Nhưng họ không thể làm được, nếu như bị cô lập” [114]. Ngày nay, khi thế giới càng ngày càng gắn bó với nhau, ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lại càng mang tính thời sự. Sự năng động của hội nhập không mang tính chất cơ giới. Những cách giải quyết phải dựa vào nền tảng của việc đánh giá hoàn cảnh cách cẩn thận, dựa trên đời sống của các dân tộc và những con người cụ thể. Bên cạnh những dự án lớn, cần có những dự án nhỏ và nhất là sự động viên hữu hiệu tất cả mọi người của xã hội dân sự, những pháp nhân cũng như những con người cụ thể.
Deus Caritas Est (“Thiên Chúa là Tình Yêu “), Giáo hoàng Biển Đức XVI, 2005, #47
Việc hợp tác quốc tế cần đến những người tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế và nhân bản qua sự liên đới bằng sự hiện diện, đồng hành, việc đào tạo và tôn trọng. Từ cái nhìn này, các cơ quan quốc tế phải tự hỏi về hiệu quả thực sự của guồng máy quản lý nặng tính bàn giấy và thường rất tốn kém. Đôi khi những người lãnh viện trợ trở nên phụ thuộc vào những người giúp đỡ và những người nghèo lại giúp cho những cơ chế bàn giấy tồn tại; những cơ chế này để tồn tại phải tốn rất nhiều từ nguồn vốn đáng lý phải dành cho việc phát triển. Từ cái nhìn này, ước gì tất cả những cơ quan quốc tế và những tổ chức không thuộc chính quyền dấn thân cách trong sáng, khi trình bày cho những người trợ giúp ý kiến cũng như cho công luận biết về việc phân chia theo tỉ lệ số tiền được nhận, là số tiền được dành cho những kế hoạch làm việc chung, về nội dung thực tế của dự án và cuối cùng về việc hoạch định chung các trách nhiệm định hướng.
Caritas in Veritate ( Bác ái trong Chân lý ), Giáo hoàng Biển Đức XI, #47
Công ích xuất phát từ sự tôn trọng con người như là điều xuất phát từ các lề luật nền tảng và bất biến, nhằm vào sự phát triển toàn diện. Công ích cũng đòi hỏi thiện ích xã hội và sự phát triển những nhóm khác biệt trung gian, dựa theo nguyên tắc bổ trợ. Giữa những người này, gia đình là tế bào gốc cho xã hội. Cuối cùng, thiện ích đòi buộc sự hoà bình xã hội, có nghĩa là sự bền vững và đảm bảo cho một trật tự xác định, không thể thực hiện được, nếu không có sự chú tâm đặc biệt đến công bình phân phối, mà việc vi phạm luật này sẽ luôn tạo nên bạo lực. Toàn thể xã hội – trong đó một cách đặc biệt là thành phố – có trách nhiệm đòi buộc vào bảo vệ công ích.
Laudato Sí (“Chúc tụng Chúa “), C.4, #157
Việc đối thoại tốt đẹp giữa đức tin và lý trí sẽ làm cho công trình bác ái về mặt xã hội được hữu hiệu, và tạo khung cho cho việc cộng tác huynh đệ giữa những người tín hữu và những người vô tín trong ý hướng chung là hoạt động cho công bằng và hòa bình của nhân loại. Trong Hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes, các nghị phụ viết: “Người tin và người không tin đều đồng ý chung một điểm: mọi sự trên trái đất đều qui hướng về con người như trung tâm và chóp đỉnh” [136]. Đối với các tín hữu, thế giới không phải là sản phẩm của ngẫu nhiên hay tất định, nhưng là sản phẩm kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, trách nhiệm của các tín hữu là phải kết hợp mọi cố gắng của mình với những người thiện tâm – thuộc các tôn giáo khác hay những người vô tín – để thế giới của chúng ta đáp ứng được kế hoạch của Thiên Chúa: sống với nhau như một gia đình dưới ánh mắt của Đấng Tạo Hóa. Nguyên tắc bổ trợ [137], một cách biểu lộ sự tự do không thể chuyển nhượng của con người, chắc chắn là dấu chỉ tình yêu và tiêu chuẩn hướng dẫn cho sự cộng tác huynh đệ các của tín hữu và những người vô tín. Trước tiên, nguyên tắc bổ trợ là một sự trợ giúp cho con người ngang qua sự độc lập của những nhóm và hiệp hội trung gian. Sự trợ giúp này được đề nghị khi con người và những chủ thể xã hội tự sức mình không thể thực hiện những gì thuộc phận vụ của họ, và sự trợ giúp này luôn nhắm đến việc giải phóng con người vì nó thúc đẩy tự do và tham gia qua việc đảm nhận trách nhiệm. Sự bổ trợ tôn trọng phẩm giá con người, khi nhìn họ như một chủ thể có khả năng trao ban một cái gì đó cho kẻ khác. Khi công nhận tính hỗ tương như tâm điểm của đời sống con người, sự bổ trợ thực sự là phương tiện đối kháng hữu hiệu với bất cứ hình thức nào của hệ thống xã hội nặng tính gia trưởng. Sự bổ trợ có thể quan tâm đến những chương trình khác nhau – và như thế có nghĩa là sự đa dạng của chủ thể – cũng như sự phối hợp giữa các chương trình. Do đó, bổ trợ là một nguyên tắc đặc biệt có khả năng hướng dẫn sự toàn cầu hóa và định hướng vào một sự phát triển thực nhân bản. Để không làm nảy sinh một quyền lực độc tài ở mức toàn cầu, sự lãnh đạo việc toàn cầu hóa phải là một loại bổ trợ, được phân chia ra thành nhiều cấp bậc và nhiều bình diện khác nhau; sự bổ trợ đòi buộc phải có một thẩm quyền, nhưng phải được tổ chức theo cách thức bổ trợ [138], để đừng làm tổn thương sự tự do và phải thật hữu hiệu.
Nguyên tắc bổ trợ phải liên kết chặt chẽ với nguyên tắc liên đới và ngược lại. Vì bổ trợ nếu không có tình liên đới sẽ rơi vào chủ nghĩa địa phương xã hội, cũng thế, liên đới mà không có bổ trợ cũng rơi vào một hệ thống gia trưởng, hạ thấp giá trị của những người được giúp đỡ. Phải cẩn thận chú ý đến điều này khi bàn đến những vấn đề trợ giúp quốc tế cho việc phát triển. Cho dù người cho có ý định thế nào đi nữa, sự trợ giúp có thể giữ một dân tộc trong tình trạng lệ thuộc hay tạo hoàn cảnh cho việc áp bức ở địa phương và bóc lột ngay trong đất nước nhận viện trợ. Để cho viện trợ kinh tế thật hữu ích, không được phép theo đuổi những mục đích kèm theo. Các viện trợ không những đòi buộc phải có sự cộng tác của chính quyền những nước tiếp nhận, nhưng phải có cả những nhà hoạt động kinh tế địa phương và những nhà hoạt động văn hóa của xã hội dân sự, bao gồm cả những Giáo hội địa phương. Những chương trình viện trợ phải ngày càng mang đặc tính tham gia và thực hiện từ mức cơ sở. Thật vậy, nguồn tài nguyên lớn lao trong những đất nước lãnh nhận viện trợ, chính là tài nguyên nhân bản (con người): đó là vốn liếng đích thực, phải tăng trưởng, để những nước nghèo được bảo đảm một tương lai độc lập đích thực. Phải nhớ rằng, trong lãnh vực kinh tế, nguồn viện trợ chính mà các nước đang phát triển cần thiết, bao gồm việc từng bước cho phép tham gia các sản phẩm của họ vào những thị trường thế giới và tạo khả năng để họ được chia sẻ trọn vẹn vào đời sống kinh tế thế giới. Thường trong quá khứ, việc trợ giúp chỉ được sử dụng để tạo những thị trường bên lề cho những sản phẩm của những nước này. Điều này là do thiếu yêu cầu thực sự cho các sản phẩm: vì thế cần phải giúp các nước này kiện toàn sản phẩm của họ và thích ứng hơn theo yêu cầu. Hơn thế nữa, có những người, trong một thời gian dài, sợ hậu quả của cạnh tranh qua việc nhập khẩu các sản phẩm – thường là sản phẩm nông nghiệp – đến từ các nước có nền kinh tế nghèo. Tuy nhiên, không nên quên rằng đối với các nước này, khả năng bán các sản phẩm cũng mang ý nghĩa bảo đảm cho sự sống còn của họ, ngắn hạn cũng như dài hạn. Một nền thương mại quốc tế công bằng và quân bình trong lãnh vực nông nghiệp có thể đem lại lợi ích cho mọi người, cho người cung cấp cũng như cho người tiêu thụ. Vì thế, không những cần phải định hướng các sản phẩm theo kế hoạch thương mại, nhưng còn phải xác lập luật lệ giao thương thế giới để giúp họ, và gia tăng tài chính viện trợ phát triển làm cho các nền kinh tế này sản xuất nhiều hơn.
Caritas in Veritate (“Bác ái trong Chân lý”), Giáo hoàng Phanxicô 2009, #57-58
Nhà Nước có trách nhiệm bảo vệ và cổ vũ lợi ích chung của xã hội.[188] Dựa trên các nguyên tắc phân quyền và liên đới, và hoàn toàn dấn thân cho đối thoại chính trị và xây dựng sự đồng thuận, Nhà Nước đóng một vai trò cơ bản không thể thoái thác trong việc hoạt động cho sự phát triển toàn diện của mọi người. Ở thời điểm hiện nay, vai trò này đòi hỏi một sự khiêm tốn xã hội sâu xa.
Evangelii Gaudium (“Niềm vui của Tin Mừng “), Giáo hoàng Phanxicô, 2013, C4, #240
Điều gì sẽ diễn ra với chính trị? Chúng ta nhớ lại nguyên tắc bổ trợ, điều này bảo đảm sự tự do cho việc phát triển mọi khả năng đang có trên mọi bình diện, đồng thời đòi buộc người nắm giữ quyền hành nhiều hơn, phải bảo đảm công ích. Thật vậy, ngày nay nhiều phạm vi kinh tế thực hiện nhiều quyền hành hơn là quốc gia. Người ta không thể hợp lý hoá cho một nền kinh tế không có chính trị – nền kinh tế này không có khả năng đưa ra một lý luận khác có thể chuyển dịch nhiều phương diện khác biệt của cơn khủng hoảng ngày nay. Một lý luận mà người ta không thể mong chờ một sự chăm sóc đúng đắn cho môi trường, thì lý luận đó sẽ ngăn cản sự hội nhập của những người yếu đuối, vì “trong cách thức hiện tại về “thành công” và “quyền tư nhân”, không mang ý nghĩa giúp những kẻ sau cùng, những người yếu đuối hoặc ít khả năng, có thể làm một điều gì cho cuộc sống của họ” [139].
Laudato Sí (“Chúc tụng Chúa”) Giáo hoàng Phanxicô, 2015, C.5, #196)
Nguyễn Khang dịch
Nguồn: cctwincities.org
(có một vài đoạn được người dịch thêm vào so với nguyên bản)