Nhà Nước pháp quyền [hay pháp quyền] là một hình thái hiện đại nhằm giới hạn việc sử dụng quyền lực. Để tập trung luận cứ xã hội của Giáo Hội trên vấn đề này, chúng tôi trước hết sẽ phân tích những ghi chép trong « Cuốn Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội ». Sau đó chúng tôi suy nghĩ về những quan hệ giữa chuẩn mực và quyền lực, để phân biệt một lối tiếp cận thực chất và một lối tiếp cận hình thức của Nhà Nước pháp quyền. Chúng tôi kết luận về sự đóng góp của Giáo Hội vào việc xây dựng một Nhà Nước như vậy.
Khái niệm Nhà Nước pháp quyền, giống nhiều chế độ tương tự, như « dân chủ » hay « lập hiến », hay « nhân quyền », kết hợp một số thông điệp xoay quanh những hạn chế quyền lực bằng luật pháp. Để tập trung vào cách định nghĩa trong diễn từ xã hội của Giáo Hội về nhóm từ « nhà nước pháp quyền », trước tiên, chúng ta nên phân tích theo kinh nghiệm, bằng những nét liên tục, năm trường hợp của công thức này như chúng được trình bày trong Cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội (Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, 2005). Tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập một cách kỹ thuật hơn về sự tháp nối cần duy trì giữa chuẩn mực và quyền lực, hầu để phân biệt một sự tiếp cận thực chất và một sự tiếp cận hình thức với Nhà Nước pháp quyền. Bởi vì một vấn đề luân lý quan trọng được đặt ra là làm sao biết được nếu những giới hạn dành cho quyền lực liên quan đến Nhà Nước pháp quyền có được tôn trọng đúng mức hay không khi mà người làm luật (cơ quan lập pháp) hay chính phủ (cơ quan hành pháp) có những biện pháp, có thể là phù hợp với những thủ tục được pháp luật dự kiến (luật hiến pháp, luật quốc tế…) nhưng cụ thể chúng lại đi ngược với ý kiến của một quyền lực luân lý khác (như Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn) về con người. Thí dụ : nếu trong một quốc gia nào đó, một đạo luật được thông qua một cách hợp pháp cho phép hai người phụ nữ được kết hôn với nhau và sinh ra con cái bằng cách thụ thai với sự trợ giúp y khoa, trên điểm này, liệu có thể nói rằng Nhà Nước này là một Nhà Nước « pháp quyền » hay không ? Nhà Nước này, dù sao thì cũng đã công nhận một cách cố ý, một đứa trẻ sinh ra không có cha.
Những đặc điểm của Nhà Nước pháp quyền
Không bất ngờ, có thể thấy thành ngữ « Nhà Nước Pháp Quyền » được nhắc tới trong chương 8 của Cuốn Tóm Lược, viết về cộng đồng chính trị, ngoại trừ phần cuối, ở chương 11 về cổ vũ hòa bình.
Trường hợp thứ nhất (số 402 của Cuốn Tóm Lược) nhắc rằng « Trong một quốc gia được cai trị theo luật pháp, quyền áp dụng biện pháp chế tài được giao cho tòa án », ngay sau đó được ghi thêm một xác định, trích ra từ bài diễn văn ngày 31-03-2000 của ĐGH Gioan Phaolô II tại Hội Nghị Hội Các Thẩm Phán Italia : « Khi xác định các mối quan hệ riêng giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Hiến Pháp của các quốc gia hiện đại đều bảo đảm cho quyền tư pháp được độc lập trong lãnh vực luật pháp » (AAS 92, 2000, 633). Như thế, trên mặt hình sự, Nhà Nước pháp quyền, đều có liên quan đến Hiến Pháp, đến những quan hệ giữa ba cơ chế quyền lực với tính độc lập của quyền lực thứ ba là tòa án. Đó là những bảo đảm cho tự do cá nhân và an toàn cho các công dân.
Trường hợp thứ hai (số 406) nói về dân chủ, lần này viện dẫn thông điệp Centesimus annus : « Giáo Hội đánh giá cao hệ thống dân chủ, như hệ thống bảo đảm cho các công dân được tham gia vào việc đưa ra những lựa chọn chính trị, bảo đảm cho các thành phần được cai trị vừa có thể bầu chọn và giám sát những người nắm quyền cai trị, vừa có thể thay thế họ bằng những phương thế hòa bình khi nhận thấy thích đáng. Tuy nhiên, Giáo Hội không thể chấp nhận việc hình thành những nhóm lãnh đạo thu hẹp chỉ tìm cách tiếm quyền quốc gia vì lợi ích cá nhân hay vì mục đích ý thức hệ. Một nền dân chủ đích thực chỉ có thể có được nơi những quốc gia được cai trị theo pháp luật và dựa trên một quan niệm đúng đắn về nhân vị (…) » (CA 46). Ở đây, Nhà Nước pháp quyền xuất hiện đồng thời với « quan niệm đúng đắn về nhân vị », như là một điều kiện khả thể của nền dân chủ đích thực. Điều này có nghĩa là tính đích thực của chế độ này có nguy cơ bị tha hóa trong một sự tiếm quyền : Sự giám sát những người cầm quyền bởi dân được cai trị có thể giải quyết ý đồ, hình thành bởi những « nhóm lãnh đạo thu hẹp », để đeo đuổi hoặc là « lợi ích riêng tư », hoặc là « những mục tiêu ý thức hệ ». Khi đọc văn bản, người ta có thể thấy rằng « quan niệm đúng đắn về nhân vị » đối nghịch với sự đeo đuổi những mục tiêu nói trên, trong lúc Nhà Nước pháp quyền ngăn cản sự tiếm quyền nhằm tư lợi. Như vậy, Nhà Nước pháp quyền tượng trưng cho sự bảo vệ lợi ích của mọi người.
Trường hợp thứ ba nói về Nhà Nước pháp quyền trong Cuốn Tóm Lược (số 408) còn viện dẫn Centesimus annus : « Tốt nhứt là mỗi quyền lực phải được cân bằng bởi những quyền lực khác và bởi những phạm vi trách nhiệm khác để giữ cho quyền lực ấy luôn ở trong giới hạn thích đáng của nó. Đó chính là nguyên tắc ‘Nhà Nước pháp quyền’, trong đó quyền tối thượng thuộc về pháp luật chứ không thuộc ý muốn tùy tiện của bất cứ cá nhân nào » (CA 44). Về điểm này, khi nhắc đến sự độc đáo của thông điệp Rerum novarum đã nêu lên một điều mới lạ trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội về việc tổ chức xã hội thành ba quyền lực, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt để nguyên tắc Nhà Nước pháp quyền trong việc thiết lập các giới hạn thích đáng được trao cho quyền lực. Các phương tiện dường như “thích hợp hơn” để đạt được mục tiêu này (các phương tiện đã được trích dẫn trong phần đầu tiên của Cuốn Tóm lược) bao gồm sự phân chia ba quyền lực, sao cho một quyền lực được cân bằng bởi hai quyền lực kia. Cũng cần nêu thêm « các phạm vi trách nhiệm khác » có vẻ bí ẩn nhưng chúng cũng giữ cho quyền lực nằm trong những giới hạn thích đáng và có thể đưa ra những bảo đảm đa dạng như các tiêu chuẩn của luật quốc tế hay học thuyết của các luật gia hay những giáo huấn của các thẩm quyền đạo đức. Tóm lại, kẻ địch chính là độc tài ; đối nghịch với nó là « luật pháp » có quyền « tối thượng ». Như thế, chúng ta đang ở trung tâm của Nhà nước pháp quyền.
Trường hợp thứ tư liên quan đến Nhà Nước và các cộng đồng tôn giáo (Cuốn Tóm Lược số 423). Có thể đọc ở đây : « Vì có liên hệ về mặt lịch sử và văn hóa với một quốc gia, nên một cộng đồng tôn giáo nào đó có thể được Nhà Nước nhìn nhận một cách đặc biệt hơn. Nhưng việc nhìn nhận như thế không được tạo nên sự kỳ thị với các nhóm tôn giáo khác ngay trong trật tự dân sự hay xã hội. Tầm nhìn đươc Công Đồng Vaticanô II cổ vũ về các quan hệ giữa Nhà Nước với các tổ chức tôn giáo hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền và phù hợp với những chuẩn mực của luật quốc tế ». Ở đây, người ta thấy rõ là sự nhượng bộ « nhìn nhận một cách đặc biệt » của Nhà nước đối với một cộng đồng tôn giáo không thể làm tổn hại đến nguyên tắc tổng quát là ngăn cấm sự kỳ thị đối với những nhóm tôn giáo khác. Sự viện dẫn Công Đồng Vaticanô II (Dignitatis humanaeDH 6) có quan hệ cả với « những đòi hỏi của một Quốc gia được cai trị theo luật pháp » lẫn những « chuẩn mực của luật quốc tế », trong ý nghĩa mà tự do tôn giáo được công nhận như một nhân quyền đích thực, ngăn cấm bất kể quyền lực nào xâm phạm quyền tự do này. Trong một viễn cảnh như thế, Quốc gia được cai trị theo luật pháp được coi như một không gian nơi có thể dàn trải, không bị độc đoán phân biệt, tự do ngôn luận và sự đa dạng các tín ngưỡng. Ở đây, điều thứ tư này của Nhà Nước pháp quyền nhắc lại điều dẫn thứ nhì về việc bảo vệ quyền lợi của mọi người.
Viện dẫn sau cùng về thành ngữ « Nhà Nước pháp quyền » trong Cuốn Tóm Lược (514) liên quan đến phòng chống khủng bố. Sau khi thẳng thắn đưa ra kết án tệ nạn này và sự xác định liên quan về một « quyền tự vệ chống lại khủng bố », văn bản viết tiếp : « Quyền này tuy thế, không thể thực hiện trong tình trạng không có những quy tắc luân lý và pháp lý, bởi vì đấu tranh chống những kẻ khủng bố phải được tiến hành trong tinh thần tôn trọng nhân quyền và những nguyên tắc của một Nhà Nước được cai trị bằng luật pháp ». Trong đoạn này, tiếp nối với trích dẫn đầu, liên quan đến luật hình sự, những nguyên tắc của Nhà Nước pháp quyền cũng liên kết với các quyền con người để nhắc nhở những người cầm quyền rằng họ không thể sử dụng bất cứ phương thức nào để trấn áp khủng bố. Khi nói về « sự thiếu vắng những quy tắc luân lý và pháp lý », văn bản có vẻ mô tả sự trái ngược với Nhà Nước pháp quyền.
Bức họa có được
Tổng kết lại, từ năm điều viện dẫn này của Cuốn Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, chúng ta có thể phác họa thành một bức tranh như thế nào về sự phân tích của chúng ta ?Tư tưởng trung tâm của Nhà Nước pháp quyền là ý niệm sự giới hạn cần nhắc nhở cho quyền lực, bởi vì quyền lực có thể hành động độc đoán, thí dụ tiến hành đấu tranh chống bọn khủng bố bất cần đến những nguyên tắc đang chi phối sự trấn áp tội phạm (trách nhiệm cá nhân, tính hợp pháp của những hình phạt, v.v.), hay ưu đãi một tôn giáo làm thua thiệt cho các tôn giáo khác, hay còn, cách chung hơn, chạy theo lợi nhuận riêng tư. Nói cách khác, quyền lực không thể sử dụng mọi quyền hành : một giới hạn phải được ấn định, và điều này là luật pháp. Quyền lực không thể tìm thấy trong nội tại của một mình nó lý do, -và như vậy, biện pháp-, cho các hành động của nó : một sự đòi hỏi phải được đặt ra cho nó liên quan vừa đến công ích của mọi người dân bị trị vừa đến quyền tự do của mỗi người trong số họ. Không có một người dân nào có thể bị đặt dưới ách bạo quyền của độc tài.
Niềm xác tín này đương nhiên không phải là của riêng Giáo Hội vì chính Cuốn Tóm Lược cũng viện dẫn một số hình ảnh về sự giới hạn đặt ra cho quyền lực. Xin nhắc : Hiến Pháp, tam quyền phân lập, tính hợp pháp của việc kết án và các hình phạt, tư pháp độc lập, quyền tối thượng của pháp luật, các chuẩn mực của luật quốc tế, những quy luật luân lý và pháp lý, các quyền con người… Vì các hình ảnh liên quan đến luật pháp trong nghĩa rộng, người ta nói đó là Nhà Nước pháp quyền.
Về luật pháp trong nước, Hiến Pháp quy định sự hành sử các quyền hiến định, cho thấy rằng mỗi quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) chỉ được hành sử trong phảm vi riêng của mình. Như vậy, chính phủ (hành pháp) chỉ được hành động trong sự tôn trọng luật pháp (lập pháp) và phải để cho quyền thứ ba độc lập (tư pháp) để phán quyết những tranh chấp về luật công hay luật tư trong lãnh vực xã hội. Như thế, không có quyền nào trong ba quyền có thể tự nhận là nguồn gốc duy nhất đạo luật mà nó tuyên bố. « Nguồn gốc » luật pháp, có thể nói là xuất phát ở trên cả ba quyền nói trên.
Ngoài ra, Hiến Pháp, trước khi quy định sự vận hành (phân biệt) của các quyền lực, trình bày một số các quyền và tự do mà các cơ quan công quyền nhất thiết phải tôn trọng. Sự bảo vệ các quyền này đã mở rộng ta trên hai phương diện, một mặt, theo luật trong nước, bằng sự thiết lập việc giám sát tính cách hợp hiến của luật pháp và, quyền hạn của người dân, nhờ quốc tế hoá việc giám sát pháp lý về nhân quyền. Dưới các hình thức khác nhau, quyền lực tất nhiên nhắc nhở các giới hạn của mình. Nhờ đó Nhà Nước pháp quyền hiện hữu.
Kết luận đầu tiên ta có thể rút ra được khi đọc Cuốn Tóm Lược : Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội cảm thấy đồng điệu với tất cả những nỗ lực của các luật gia và « những phạm vi trách nhiệm khác » để nhắc nhở « đúng lúc và không đúng lúc » những chuẩn mực nhằm kiềm chế các hành động của quyền lực. Nhưng sự phân tách luận văn này của Giáo Hội về Nhà Nước pháp quyền không thể chỉ căn cứ vào một sự tán thưởng giống như một tập thể công dân quá sung sướng thoát khỏi chế độ độc tài của một quyền lực bạo ngược chẳng hạn. Quả thế, bản thân Giáo Hội, người bạn trăm năm của Ngôi Lời Tạo Dựng, gắn liền với những quan hệ giữa quyền lực và nhân quyền. Để chứng minh điều đó, chúng ta hãy xét lại sự nghịch lý lẫn nhau giữa quy phạm và quyền lực.
Vai trò chuẩn mực và quyền lực
Chúng ta vừa nói : cốt lõi của Nhà Nước pháp quyền là bắt buộc quyền lực phải phục tùng chuẩn mực. Nhưng đôi khi cũng có trường hợp là chuẩn mực lại do một quyền lực làm ra. Thí dụ, Quyền lập hiến tuyên bố rằng các quyền hiến định sẽ được đặt dưới quy định này hay quy định nọ, được ghi rõ trong Hiến Pháp. Nhưng thử hỏi, ngay cả cái Quyền Lập Hiến này thì phải đặt dưới những chuẩn mực nào ? Câu trả lời cho câu hỏi này có vẻ là ba phải : hoặc là chúng ta thấy rằng, trong trật tự pháp lý quốc tế chẳng hạn, có một chuẩn mực (bên trên Hiến Pháp) mà quyền Lập hiến phải tuân thủ, nhưng như thế, lại phải biết thẩm quyền nào đã tuyên bố cái siêu chuẩn mực này, cũng lại phải biết, để tôn trọng nguyên tắc Nhà Nước pháp quyền, thẩm quyền này phải tuân thủ chuẩn mực cao hơn nào nữa đây, v.v. ; hoặc chúng ta phải từ bỏ cái thoái lui vô tận này và chúng ta chấp nhận một vi phạm đối với Nhà Nước pháp quyền bởi vì chuẩn mực tối thượng của trật tự pháp lý quốc nội (Hiến Pháp) có thể sẽ được áp dụng bởi một quyền lực mà chẳng có chuẩn mực nào chi phối.
Khó khăn nan giải cũng còn xuất hiện khi, không phải là để xây dựng chuẩn mực, mà để xác minh sự phù hợp của chuẩn mực này với chuẩn mực cao hơn vốn là nhiệm vụ quan trọng nếu nó là trung tâm của Nhà Nước pháp quyền. Vì một quy định pháp luật không thể tự mình thẩm tra sự tôn trọng chính văn bản của mình bằng một quy định thấp hơn (như trong điện toán, được lập trình để tránh mọi quy trình trái ngược với chu trình đã được hoạch định bởi tác giả của phần mềm), phải trải qua sự đánh giá của một bộ phận thứ ba, thường thì là tư pháp, là bộ phận sẽ minh xác sự phù hợp của chuẩn mực với luật pháp, hay với Hiến Pháp, hay với hiệp ước quốc tế… Nhưng ai sẽ bảo đảm với chúng ta rằng thẩm quyền pháp lý này cũng đánh giá cao sự phù hợp đó ? Có phải thiết lập lại một cơ chế phụ trội để tiến hành sự minh xác này không ? Nhưng làm sao, một lần nữa ngưng lại sự thoái lùi vô tận ? Đó là câu hỏi cổ điển của triết học luật pháp : Quis custodis custodes ? Ai canh giữ người canh giữ ?
Để tiến xa hơn trong suy nghĩ, có thể nói đến sự cần thiết phải dùng đến tuyên thệ. Trên mặt tôn giáo mà nói thì đây là hình thức lấy thần linh chứng giám, hay trong phương cách thế tục thì viện dẫn danh dự làm bảo đảm, lời tuyên thệ của những người lãnh đạo quyền lực đưa ra, chứng tỏ trong mọi trường hợp một sự bắt rễ sâu của luật pháp trong một cơ chế khác của quyền lực. Bởi vì nếu, trước khi nhậm chức, các đại biểu Quốc Hội tuyên thệ tôn trọng Hiến Pháp và nếu các thành viên của chính phủ và các thẩm phán cũng còn tuyên thệ phải tôn trọng luật pháp, đương nhiên không phải Hiến Pháp hay luật pháp, với tư cách là những lời tuyên bố của quyền lực, đã bắt buộc trung thành với lời thề. Chính là từ sự tôn trọng lời thề của những người lãnh đạo chính quyền, mà mới có sự tôn trọng Hiến Pháp và luật pháp. Đó là bằng chứng, trong lương tri con người, có một sự đòi hỏi xã hội (sự tôn trọng lời hứa) không thể tìm thấy trong quyền lực nền móng của tính cách bắt buộc.
Nhận xét này liên quan đến hệ thống thứ bậc các chuẩn mực (đặc trưng của Nhà Nước pháp quyền) liệu có thể lần ngược lên đến tận lời văn của chuẩn mực hay không ? Để có thể rời khỏi cái bế tắc mà tính ưu tiên của cả đôi bên là chuẩn mực và quyền lực đã đưa chúng ta tới (khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện con gà và quả trứng, cái nào trước cái nào), liệu có phải đi tới chỗ phải nói rằng con người vốn đã mang trong mình chuẩn mực tạo nên trật tự xã hội, ngay từ lúc xã hội chưa được hình thành bởi con người là thành viên của nó ? Cũng như vậy, bí mật của Nhà Nước pháp quyền là ở ngay trong chính lương tri của các công dân, là những người sẽ khám phá ra trong bản chất riêng của mình luật pháp sẽ chi phối họ.
Nhưng, như người ta đều biết, sự lựa chọn dựa trên luật tự nhiên này, từ xưa đến nay vẫn được các tác giả theo Kitô giáo bảo vệ, đặc biệt là các tác giả Công Giáo, đã không được mọi người nhất chí đón nhận, hầu như khó đồng thuận. Sự lựa chọn dựa trên thuyết thực chứng, đang chiếm vị thế áp đảo trong nền triết lý luật pháp đương thời, phản đối rằng luật lệ chi phối chính quyền tới từ nơi khác ngoài chính quyền. Như vậy, sự đối nghịch về học thuyết giữa những người ủng hộ luật tự nhiên và những người theo luật thực chứng về nguồn gốc của luật pháp đã ảnh hương đến thành ngữ « Nhà Nước pháp quyền », khiến nó mang hai ý nghĩa, hình thức và thực chất, cần phải phân biệt.
Nhà Nước pháp quyền, hình thức hay thực chất
Thuyết thực chứng pháp lý, mà một khuôn mặt tiêu biểu là luật gia người Áo, Hans Kelsen, chỉ chấp nhận thành ngữ « Nhà Nước pháp quyền » trong ý nghĩa hình thức của nó thôi. Như vậy, mọi mệnh lệnh (giới luật) sẽ được đón nhận như phù hợp với pháp lý khi nó có được nguồn gốc « hợp pháp lý » của nó trong một chuẩn mức ở cấp cao hơn. Sự tôn trọng hệ thống thứ bậc của các chuẩn mực mang tính đặc trưng của cả trật tự pháp lý lẫn của chính Nhà Nước. Theo luật gia Kelsen, trong những điều kiện này, người ta có thể nói rằng « Nhà Nước pháp quyền » là một hiện tượng trùng ngữ (pléonasme), bởi vì Nhà Nước tự bản chất đã có nghĩa là sự sắp đặt các chuẩn mực, được hợp thức hóa dây truyền, không có quan hệ gì, cả trên lãnh vực tương quan lực lượng, được các nhà xã hội học phân tích, cả với lãnh vực các giá trị được các nhà luân lý học khảo sát. Trong viễn cảnh thực chứng này, không một chuẩn mực nào có thể được hợp thức hóa (hay không được hợp thức hóa) chiếu theo một sự tiến hóa luân lý : chỉ cần nó được quy chiếu vào một chuẩn mực cấp cao hơn cho phép chính quyền cấp dưới viết ra. Nhà Nước như thế mang tính « pháp quyền » trong ý nghĩa mà mỗi chuẩn mực đều mang tính pháp lý nhờ có sự liên tục trong quan hệ với chuẩn mực cao cấp hơn.
Nhưng một câu hỏi khác đã được đặt ra để biết chuẩn mực cuối cùng nào đã chiếm chỗ trên chóp của kim tự tháp pháp lý. Một cuộc tranh cãi đầu tiên về chủ đề này đặt để ở mức độ của chuẩn mực được đặt ra, nhưng cuộc tranh cãi này không mang tính chung quyết, như chúng ta sẽ thấy, theo nguyên tắc chuẩn học của Kelsen.
Thoạt đầu, tác giả cuốn Lý thuyết thuần tuý của luật pháp, nhậy cảm với sự xuyên suốt của trật tự pháp lý trong nước, đã đặt Hiến Pháp lên đỉnh trật tự pháp lý của một quốc gia nhất định, nhưng để tránh những tranh chấp giữa các quốc gia tự cho mình là siêu « chủ quyền » có thể bùng nổ, sau đó, ông đã đặt chuẩn mực của luật pháp quốc tế lên đỉnh kim tự tháp các chuẩn mực, để cho Nhà Nước pháp quyền không ngừng lại ở biên giới quốc gia mà, sau cùng, có thể mở rộng ra trên toàn địa cầu, Civitas maxima.
Cuộc tranh cãi về chuẩn mực sau cùng được đặt ra này (tranh cãi được các luật gia cho là một chuyện dễ như trở bàn tay về mối quan hệ giữa luật quốc nội và luật quốc tế) chưa được coi như là chung quyết bởi vì vẫn còn câu hỏi cuối cùng : tính chất pháp lý của chuẩn mực sau cùng được đặt ra đến từ đâu, bởi vì, trên lý thuyết, không có chuẩn mực cao cấp nào tự xây dựng « tính pháp lý của mình » ? Làm thế nào tránh để nó chỉ tìm được sức mạnh bắt buộc trong bạo lực hay trong mệnh lệnh của một quyền lực không thể đòi hỏi bất cứ chuẩn mực nào ở trên quyền lực này ? Câu trả lời của Keksen làm xuất hiện chủ nghĩa hình thức của Lý thuyết thần túy của ông bởi vì, bên trên của chuẩn mực sau cùng được đặt ra, khi người ta đứng trước một trật tự pháp lý hữu hiệu, phải đơn giản đặt giả thiết một chuẩn mực cơ bản (Grundnorm) chỉ ghi rằng « Hãy vâng phục chuẩn mực đầu tiên được tiền định ! » (và, qua đó, vâng phục mọi chuẩn mực xuất phát từ chuẩn mực đầu tiên này). Trật tự pháp lý, như vậy, đã bắt nguồn từ sự tối cần của nó trong cái hữu hiệu tổng quát của chính nó bởi vì nó đưa người quan sát của một trật tự như thế nêu lên, trên đỉnh của nó, một chuẩn mực thuần túy vâng phục.
Khác với nhãn quan hình thức về Nhà Nước pháp quyền được triển khai bởi các tác giả theo thuyết thực chứng, những người theo luật tự nhiên đã chấp nhận một cách tiếp cận thực chất hơn, theo đó thì chính cả luật pháp cũng phải có một phẩm chất và không bao giờ bị thu gọn lại thành những quyền hạn cho phép chính quyền muốn làm gì thì làm. Quả vậy, luật pháp không phải chỉ tùy thuộc ý muốn của chính quyền, được quyền ban hành lệnh này hay lệnh khác trong giới hạn những quyền hành được quy định trong hệ thống tổ chức ; luật pháp trước hết thuộc thẩm quyền của lý trí (thực dụng) tôn trọng trước hết dữ kiện tự nhiên của con người để thấy rõ phải quản lý như thế nào những quan hệ giữa con người với nhau trong lãnh vực xã hội. Như thế, người ta đã có thể thấy được độ sâu sắc của thành ngữ Nhà Nước pháp quyền. Trong một Nhà Nước như vậy, không phải chính quyền là người tự mình quyết định – hoặc bởi sự gián đoạn hợp lý của sự suy thoái bất tận, hoặc bởi định đề của một chuẩn mực hình thức tuân phục-, mà Nhà Nước là « pháp quyền », Nhà Nước chấp nhận được đo lường bởi luật pháp, nghĩa là bởi sự chính đáng của dữ kiện con người đã đi trước Nhà Nước.
Nhưng « dữ kiện con người » này chứa đựng những gì ?
Truyền thống cổ điển nói đến luật pháp tự nhiên để chỉ một luật pháp gắn liền với bản chất con người. Thời hiện đại, chứng kiến sự xuất hiện của Chủ Thể, « luật pháp tự nhiên » này đã nhường chỗ cho chủ thể số nhiều là « các quyền tự nhiên », và sau này trở thành « các quyền con người ». Ở đây xuất hiện những giá trị ưu việt, vừa của sự tự do nơi mỗi người vừa của sự bình đẳng giữa mọi người, cũng như về các phương tiện được Nhà Nước pháp quyền chính xác thực hiện, để tránh cả sự đàn áp lẫn sự kỳ thị. Các phương tiện mà chúng ta đã kể ra trên đây : lập hiến, dân chủ đích thực, phân chia các quyền lực, độc lập tư pháp, v.v. Chúng ta cũng đã nhắc lại là Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội cũng đồng điệu với cách tiếp cận này. Nhưng đến mức độ nào ?
Sự đóng góp của Giáo Hội vào việc hình thành Nhà Nước pháp quyền
Khi chính quyền chấp nhận đưa vào vào công vụ của mình những hình thức pháp lý mang tính bó buộc chính quyền phải tự giới hạn nhằm công nhận quyền tự do bình đẳng của các chủ thể pháp luật, thì Giáo Hội chỉ có thể vui mừng mà thôi. Chính quyền, thực ra, không phải có mục đích là chính mình mà ở trong sự tăng trưởng của xã hội. Như lời lẽ linh mục Gaston Fressard trong tác phẩm « Quyền bính và công ích » (Autorité et bien commun, Paris, Aubier, 1944), khi thực chất, chính quyền chấp nhận trở thành quyền lực « pháp quyền », nó sẽ thiết lập về lâu về dài một tình trạng tri ân tốt đẹp hơn của quốc dân tuân thủ luật pháp, qua đó bắt đầu chấp thuận quyền lực của mình, nghĩa là « muốn đạt mục đích của chính mình ». Sự thực chất thay đổi quyền lực trở thành quyền lực pháp quyền này cho phép chúng ta hiểu được tính hài hòa của Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội với các mô hình pháp lý mà chúng ta đã thấy, và chúng ràng buộc chính quyền phải để ý đến phẩm giá của các chủ thể pháp luật, cũng như đến quyền tự do, quyền bình đẳng, trách nhiệm, các mối quan hệ của họ, v.v.
Nhưng sự thiện cảm này của Giáo Hội không thể ngừng lại chỉ ở quan niệm hình thức của Nhà Nước pháp quyền theo đó, xin nhắc lại, sự tuyên xưng của chính quyền trở thành tức khắc « pháp quyền » chỉ từ khi nó đi vào trong một khuôn khổ thủ tục của việc công bố và trong hệ thống thứ bậc của việc kiểm soát. Bởi vì khuôn khổ này và hệ thống này nhất thiết đến từ một quyết định của chính quyền, như vậy, cần thiết là phải đáp ứng sâu sắc hơn mong muốn của chính Nhà Nước pháp quyền bằng cách phải vượt xa hơn sự tiếp cận hình thức đơn giản, tránh trường hợp một chế độ đậc tài, chuyên chế sẽ lên ngự trị trên một đất nước chỉ nhờ vào mỗi một sự tôn trọng tính hợp pháp của chế độ.
Ở đây, cũng để đi theo luồng tư tưởng của linh mục Fessard, Nhà Nước pháp quyền phải đi xa hơn sự cai trị hình thức để đạt tới giá trị trong đó, Nhà Nướchoạt động, nếu không sẽ bị giảm giá trị. Giá trị không do Nhà Nước tự làm ra mà đã được nhận lãnh miễn phí như là sự thưởng công cho việc hoàn tất nhiệm vụ của mình. Ở đây, chúng ta bắt gặp cách tiếp cận kia, cách tiếp cận mang tính vật chất, của Nhà Nước pháp quyền, trong ý nghĩa rằng pháp quyền không phải chỉ là một diễn từ chuẫn mực của các chức quyền Nhà Nước, diễn từ dù là được tuyên bố dưới các hình thức chuẩn mực, nhưng thực sự chính nó là « điều chính đáng », gắn liền với bản chất con người
Trong những điều kiện này, người ta hiểu rằng Giáo Hội không thể bằng lòng với chỉ mỗi sự tôn trọng các hình thức Nhà Nước pháp quyền. Chắc chắn sự phục tùng của chính quyền đối với những chuẩn mực mà chính quyền đã ban bố sẽ là một chứng cứ quan trọng cho sự tôn trọng con người, mà theo Đức Tin của Giáo Hội, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Nhưng, nếu trong lúc tôn trọng các hình thức pháp lý, Nhà Nước có những động thái đi ngược lại « hình ảnh và sự giống như » đó, Giáo Hội chỉ có thể tố cáo sự bất chính đáng này mà thôi. Mặc dù bề ngoài, Nhà Nước, lúc đó và trong trường hợp này, không còn là « pháp quyền » nữa.
Chắc chắn rằng các quan chức trong chính quyền có thể bực bội về sự phản đối của Giáo Hội, đôi khi còn có thể nghi ngờ các giáo chức đang muốn cướp chính quyền cai trị xã hội. Các quan chức này cũng có thể lấy danh nghĩa Nhà Nước pháp quyền để nhấn mạnh rằng các chuẩn mực bị phản đối đã được lựa chọn và xác định thể theo những hình thức dân chủ đã dự trù. Nhưng, nhân danh nhiệm vụ ngôn sứ, Giáo Hội, dù là có gắn kết với hình thức đến đâu đi chăng nữa, cũng cảm thấy có bổn phận nhắc nhở rằng pháp quyền không thể bị giam hãm. Nhà Nước pháp quyền cũng vậy.
Tác giả: Xavier Dijon, SJ, Giáo sư luật tự nhiên
Người dịch: Mai Khôi
Nguồn : https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/quelques-themes/92-etat-de-droit