Nhân đức (virtue) # Thói xấu (vice)

1. Nhân đức (virtue)

Nhân: có đức hạnh, có phẩm chất; đức: phẩm chất tốt đẹp. Nhân đức: phẩm chất tốt đẹp mà con người phải có.

Nhân đức là một thói quen tốt, thường xuyên trong con người, hướng người ta làm điều thiện một cách dễ dàng.

Nhân đức “khiến nhân vị không những thực hiện những hành vi tốt mà còn cống hiến những điều tốt nhất của bản thân mình (GLHTCG 1803).

Platon hiểu nhân đức như sự kiểm soát của lý trí con người trên những đam mê. Ông là người đầu tiên đưa ra danh sách gồm bốn nhân đức: tiết độ, can đảm, khôn ngoan và công bình.

Aristoteles cho rằng nhân đức là một thói quen hay một phẩm tính ổn định của linh hồn. Nhân đức không do bẩm sinh, nhưng phải được học và thực tập.

Theo Kitô giáo, nhân đức không chỉ là một hoàn bị tự nhiên mà còn mang tính siêu việt.

Giáo lý Công giáo phân biệt hai loại nhân đức: nhân đức nhân bản và nhân đức đối thần.

Các nhân đức nhân bản “là những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên trì, những trọn hảo thường xuyên của lý trí và ý chí nhằm điều khiển các hành vi của chúng ta…” (GLHTCG 1804).

Các nhân đức đối thần – tin, cậy, mến – “trực tiếp quy chiếu về Thiên Chúa” (GLHTCG 1812). “Các nhân đức này được Thiên Chúa phú bẩm trong linh hồn của các tín hữu” (GLHTCG 1813).

2. Thói xấu (vice)

Thói: tật; xấu: không tốt.

Thói xấu là một hành vi xấu được lặp đi lặp lại thành quen.

Thói xấu làm mờ tối lương tâm, lệch lạc phán đoán và tội lỗi phát triển; do đó cần loại trừ thói xấu nhờ ơn Chúa (x. GLHTCG 1865).

Các thói xấu có thể được xếp loại dựa theo các nhân đức mà chúng đối nghịch như thói kiêu ngạo nghịch với đức khiêm nhường, thói hà tiện nghịch với đức quảng đại, v.v. (x. GLHTCG 1866).

Từ điển Công giáo, 2016, tr. 638-639; 855.