Nhân vị và thuyết nhân vị

 Nhân vị (person)

Nhân: người; vị: chỗ riêng biệt. Nhân vị: chỗ đứng riêng biệt của con người.

Nhân vị chỉ con người cụ thể, là hồn và xác, chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ, trong lãnh vực pháp lý và luân lý.

Theo triết học, con người là nhân vị, nhờ bản tính có lý trí, lương tâm, ý chí và tự do, có ý thức trách nhiệm về bản thân, tha nhân và vũ trụ. Con người phải được tôn trọng như “cứu cánh tự tại”, có phẩm vị (dignitas), chứ không được sử dụng như phương tiện, sự vật (x. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền).

Thuyết nhân vị (personalism)

Thuyết: chủ trương, lập luận; nhân: người; vị: chỗ riêng biệt.

Thuyết nhân vị do Emmanuel Mounier (1905-1950) và Jacques Maritain (1882-1973) đề xướng, chủ trương cấu trúc xã hội đều phải hướng về việc giúp thăng tiến nhân vị. Ngược lại, các cá nhân chỉ đạt được sự hoàn thiện của mình ở trong tập thể.

Như thế, thuyết nhân vị chống lại cả chủ nghĩa duy cá nhân lẫn chủ nghĩa duy tập thể.

Thuyết nhân vị này tương thích với niềm tin Kitô giáo vốn cho rằng: con người có phẩm giá giá cao cả vì được Thiên Chúa sáng tạo và tái sinh theo hình ảnh của Ngài; đồng thời, cộng đoàn đức tin đóng vai trò quan trọng trong chương trình Thiên Chúa cứu độ nhân loại (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1700; LG 9).

Từ điển Công giáo, 2016, tr. 643-644