Về từ ngữ: ơn thiên triệu hay ơn gọi[1]
Danh từ vocation trong các ngôn ngữ Anh và Pháp đều bắt nguồn từ danh từ vocatio trong tiếng La-tinh. Từ này có nghĩa là tiếng gọi, sự triệu hồi, lời mời gọi, do động từ vocare: kêu gọi. Lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho con người luôn luôn là một điều tốt lành, một ân huệ của Đấng Tối Cao dành cho thụ tạo. Do đó, khi dịch danh từ này sang tiếng Việt, người công giáo Việt Nam không ngần ngại thêm vào chữ ơn: ơn thiên triệu, ơn kêu gọi, hay gọi tắt là ơn gọi.
Ơn, âm Hán là ân, có nghĩa là yêu mà giúp đỡ ban cho cái gì. Thiên có mấy nghĩa: trời; khí trời; trong tiếng than: trời ơi!; trong tôn giáo gọi nơi Đấng thần linh ngự. Triệu: động từ này có nghĩa là: vời đến, gọi lại, lấy tay vẫy lại. Ví dụ: triệu danh y vào cung chữa bệnh; triệu còn là từ chỉ đại lượng, trong tiếng Hán một triệu bằng một ngàn tỷ. Như vậy, Thiên triệu có nghĩa là được Thiên Chúa mời gọi, được trời vời đến, triệu đến.
Vậy ơn thiên triệu là ân huệ được trời mời gọi, dùng cụm từ ơn thiên triệu để dịch từ vocatio vừa nói được nguồn gốc lời mời gọi là từ Thiên Chúa, vừa cho thấy lời mời gọi đó là một điều tốt lành, một ân ban cho người được gọi. Còn từ ơn kêu gọi hay ơn gọi như nhiều người quen sử dụng, tuy cũng đúng nghĩa với từ vocatio, nhưng chưa thể hiện được nguồn gốc của từ này, nghĩa là không làm nổi bật lên chủ ngữ của nó là chính Thiên Chúa.
Khi muốn tỏ ra “trịnh trọng”, người ta nói ơn thiên triệu; khi muốn “thân tình”, người ta nói nghe tiếng Chúa gọi; còn khi nói đến ơn gọi là chúng ta muốn đề cao khía cạnh hồng ân: đó là ơn Chúa ban. [2] Chẳng hạn, chúng ta hay bắt gặp cách gọi ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu được cử hành vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, cũng là ngày lễ Chúa Chiên Lành; ngày này được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1964 để cầu nguyện cho ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ.
Từ điển Công Giáo giảng nghĩa ơn gọi như sau[3]:
Ơn gọi (thánh triệu, âm Hán).
Ơn: việc làm tốt lành; gọi: lên tiếng kêu. Ơn gọi là việc Thiên Chúa mời gọi con người tin vào Ngài và tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài; khái niệm ơn gọi có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Khi Thiên Chúa gọi ai thì Ngài trao cho người ấy một sứ mệnh, như trường hợp của Abraham, của Môisen hay các ngôn sứ. Do vậy, ơn gọi được khởi sự từ việc tuyển chọn của Thiên Chúa và nhằm mục đích thực hiện ý định cứu độ của Ngài.
Tóm lại, chủ từ của lời kêu gọi này chính là Thiên Chúa, hay nói cách khác là Chúa gọi. Chính vì muốn làm nổi bật “nguồn gốc lời mời gọi là Thiên Chúa” nên việc sử dụng ơn thiện triệu là đúng, vừa thể hiện tính trang trọng vừa hàm ý đến tính cách sâu sắc về “nguồn gốc” hay “chủ từ” của nó, là chính Thiên Chúa.
Hai nhạc sĩ Hải Hồ và Trần Định đã cảm nghiệm hai chữ “ơn gọi” một cách sâu sắc và diễn tả nó cách thâm thúy trong nhạc phẩm “Niềm vui tận hiến”, qua tiếng hát của nữ danh ca Hoàng Oanh: Rất xa khơi, sao trời khi chưa sáng ngời, vũ hoàn còn u tối, núi đồi còn chưa thắm mầu. Người đã gọi tên tôi trong miền mờ mịt hư vô. Người đã yêu thương tôi, ơn lượng tình yêu tuôn rơi, Chúa Trời hằng ấp ủ tôi.[4]
Thư tịch:
[1] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu Từ Vựng Công Giáo, tr. 34. Ở đây, chúng tôi chỉ tóm tắt các ý chính so với phần diễn giải đầy đủ, có cả chữ Hán của tác giả.
[2] Lm. Phan Tấn Thành, OP. Ơn gọi là gì? https://thinhviendaminh.net/, truy cập 30-8-2021.
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2016, tr. 661.
[4] https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/niem-vui-tan-hien-hoang-oanh.QGl3A0OxpS.html , truy cập ngày 2-9-2021.