Quyền chung hưởng của cải (the universal destination of goods).
Khi đối chiếu thuật ngữ này trong các bản văn tiếng Anh với các sách tiếng Việt, chúng tôi thấy có một số cách dịch tuy chỉ cùng một thuật ngữ trong các ngôn ngữ Âu Mỹ, nhưng lại không có sự thống nhất trong tiếng Việt và có thể gây ra sự hiểu khác nhau.
1. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2019: quyền chung hưởng của cải (số 2402 tt);
2. Ủy ban Giáo lý Đức tin, Công đồng Vatican II, NXB Tôn giáo, 2012: của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng (Gaudim et Spes, số 69);
3. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn giáo, 2007: mục tiêu phổ quát của của cải (số 171 tt);
4. Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, Docat – Phải làm gì? NXB Tôn Giáo, 2017: mục tiêu phổ quát của mọi của cải vật chất (số 147) hoặc mục đích phổ quát của của cải (số 237), và trong Bảng chỉ mục đề tài: mục đích phổ quát của mọi sản vật trên trái đất, v.v. (Tài liệu 3 và 4, các bản dịch này do Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và các cộng sự thực hiện).
Để hiểu cách đúng đắn ý nghĩa của thuật ngữ này, và để phân định thuật ngữ nào được dịch cách chính xác và dễ hiểu, nghĩa là không dịch theo mặt chữ của thuật ngữ, sách GLHTCG giải thích về quyền này, và đi kèm với nó là quyền tư hữu của cải, như sau:
Từ bàn đầu, Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của trái đất. Của cải của công trình tạo dựng được dành cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, trái đất được phân chia ra giữa người ta với nhau để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của họ, vốn bị sự túng thiếu và bạo lực đe dọa. Sự tư hữu của cải là hợp pháp, để đảm bảo sự tự do và phẩm giá con người, để giúp mỗi người đáp ứng được các nhu cầu căn bản của mình và nhu cầu của những ai họ có bổn phận chăm lo. Sự tư hữu đó phải giúp biểu lộ tình liên đới tự nhiên giữa người với người.
Quyền tư hữu của cải, do mình làm ra hay nhận được một cách chính đáng, không hủy bỏ việc ban tặng trái đất cho toàn thể nhân loại ngay từ nguyên thủy. Quyền chung hưởng của cải vẫn đứng hàng đầu, mặc dù sự thăng tiến của công ích đòi hỏi phải tôn trọng sự tư hữu, quyền tư hữu và việc thực thi quyền này.
Khi sử dụng của cải, con người phải coi những của cải bên ngoài mà mình sở hữu cách hợp pháp, không chỉ như của riêng mình, nhưng còn như của chung, theo nghĩa là chúng có thể mang lại lợi ích không những cho mình, mà còn cho những người khác nữa. Việc sở hữu của cải làm cho chủ sở hữu thành một người quản trị của Chúa quan phòng, để làm cho của cải này sinh hoa lợi và truyền thông các phúc lợi của nó cho người khác, trước hết là những người lân cận của mình.
Những tư liệu sản xuất – vật chất hoặc phi vật chất – như đất đai hoặc cơ xưởng, những khả năng hay kỹ thuật, đòi hỏi những người sở hữu chúng phải biết chăm sóc để lợi tức của chúng đem lại ích lợi cho nhiều người nhất. Những người sở hữu các của cải để tiêu dùng, phải sử dụng chúng cách điều độ, dành phần tốt nhất cho khách, cho người bệnh hoặc cho người nghèo.
Vì công ích, chính quyền có quyền và bổn phận điều tiết việc thực thi hợp pháp quyền sở hữu.
(x. GLHTCG, số 2402-2406).